Mối liên quan giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với Formaldehyde và các bệnh hô hấp, bệnh ngoài da tại các công ty sản xuất gỗ các tỉnh Đông Nam Bộ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Để sản xuất được các mặt hàng đồ gỗ cần sử dụng các loại keo dán với thành phần chính là formaldehyde 37%. Tỷ lệ phơi nhiễm với formaldehyde vượt ngưỡng quy định là 27,4%. Hiện nay, chưa có phác đồ chẩn đoán bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với formaldehyde tại Việt Nam nên nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng về các tác động của formaldehyde lên bệnh lý hô hấp và bệnh ngoài da của người lao động tại các công ty sản xuất gỗ.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Formaldehyde (FA) là một chất khí không màu ở nhiệt độ thường, tan trong nước. Người tiếp xúc với formaldehyde ngay cả với thời gian ngắn cũng có thể bị kích thích, viêm cấp [3].Từ 2009, tại Pháp,phơi nhiễm nghề nghiệp với formaldehyde đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp. Các ảnh hưởng thường gặp của formaldehyde và polyme của chúng bao gồm: viêm mũi, hen suyễn, loét da, chàm, viêm da [2].

Người lao động làm việc tại các vị trí có tiếp xúc với FA đều có nguy cơ nhiễm độc, đặc biệt là tại nơi làm việc thiếu các thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện thông khí không đảm bảo, không được hướng dẫn những quy tắc an toàn hoặc thiếu hiểu biết về tác hại của FA. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của phơi nhiễm formaldehyde nghề nghiệp và các bệnh đường hô hấp, da liễu của người lao động tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh do phơi nhiễm formaldehyde chưa được xếp vào danh mục những bệnh nghề nghiệp cần được bảo hiểm. Mặc dù FA được sử dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng với FA được sử dụng với số lượng lớn, số người tiếp xúc lên đến hàng trăm ngàn, chúng tôi chọn đối tượng nghiên cứu là người lao động ngành chế biến gỗ.

Với nhiều điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn lao động dồi dào,… vùng Đông Nam Bộ đã và đang tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phát triển, trong đó có ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trong số các doanh nghiệp gỗ trên cả nước, vùng Đông Nam Bộ có 2.352 doanh nghiệp, tương ứng gần 60%. Số người lao động làm việc trong môi trường có FA cũng cao đáng kể. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu xác định mối liên quan giữaphơi nhiễm nghề nghiệp với FA trong môi trường lao động và một số bệnh hô hấp, bệnh da liễu. Đây cũng là bước đầu đề xuất bệnh nhiễm độc formaldehyde vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

Mục tiêu: Xác định mối liên quan giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với formaldehyde và một số bệnh hô hấp, bệnh ngoài da của người lao động tại các công ty sản xuất gỗ các tỉnh Đông Nam Bộ.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp cắt ngang. Chọn ngẫu nhiên 6 cơ sở chế biến gỗ có quy mô trên 100 nhân công và thực hiện quan trắc nồng độ FA tại các vị trí khác nhau của cơ sở. Các vị trí này phải là vị trí đang hoạt động trong thời gian nghiên cứu. Cỡ mẫuđược ước tính theo công thức ước lượng một tỷ lệ, với độ tin cậy 95%. Các đối tượng tham gia được khám tổng quát các chuyên khoa nhằm phát hiện các bệnh lý hiện mắc. Mẫu FA liều cá nhân của 519 người lao động làm việc tại đây sẽ được thu thập liên tục trong suốt ca làm việc 8 giờ và được phân tích trong phòng thí nghiệm. Đối tượng được cho là có phơi nhiễm với FA khi có tiếp xúc với FA trong 8 giờ làm việc với nồng độ trên 0,5 mg/m3 theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế.

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Nồng độ formaldehyde tại các cơ sở

Bảng 2. Tổng hợp kết quả nồng độ FA tại các cơ sở chế biến đồ gỗ

Thông số

Cơ sở 1

Cơ sở 2

Cơ sở 3

Cơ sở 4

Cơ sở 5

Cơ sở 6

Giới hạn cho phép: ≤ 0,5 mg/m3

Số mẫu

25

52

49

50

36

45

Kết quả

0,52

0,46

0,4

0,45

0,62

0,73

SD

0,17

0,15

0,14

0,15

0,13

0,25

Min

0,19

0,04

0,08

0,09

0,16

0,23

Max

0,72

0,72

0,63

0,70

0,75

1,42

Qua kết quả đo môi trường bảng cho thấy: tất cả các vị trí lao động được quan trắc đều phát hiện có formaldehyde và toàn bộ người lao động làm việc tại các vị trí này đều phơi nhiễm với formaldehyde trong quá trình làm việc. Có 3 cơ sở (50% cơ sở tham gia nghiên cứu) có nồng độ FA trong môi trường vượt ngưỡng giới hạn là 0,5 mg/m3. Trong quá trình sản xuất, người lao động chủ yếu thực hiện các thao tác thủ công, máy móc thô sơ. Quá trình sản xuất sinh nhiệt là điều kiện thuận lợi để phát tán FA trong không khí. Đặc biệt, tại cơ sở 6 có công đoạn sản xuất keo phục vụ trực tiếp cho quy trình sản xuất gỗ tại nhà máy do đó kết quả nồng độ FA tại một số vị trí vượt giới hạn nhiều lần. Một số khu vực có hệ thống thông gió, hút bụi cục bộ hoạt động kém, chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Việt Hương và cộng sự (2016) xác định ô nhiễm FA trong môi trường không khí tại một số khu vực làm việc liên quan đến đồ gỗ, nội thất cũng cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, trong số 36 mẫu không khí phân tích phát hiện có 18 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời, nồng độ FA ở các cửa hàng đồ gỗ cao hơn những cửa hàng quần áo nhiều lần [1]. Nhiều nghiên cứu tương tự xác định nồng độ FA trong ngành chế biến gỗ tại Trung Quốc cũng đã được thực hiện. Một nghiên cứu thực hiện lấy 104 mẫu không khí trong ngành gỗ công nghiệp cho kết quả nồng độ FA trung bình là 3,07± 5,83 mg/m3 với nồng độ thấp nhất là 0,7 và cao nhất lên đến 19,2 mg/m3 [4].

3.2. Tiếp xúc với FA vượt giới hạn cho phép

Bảng 3.Tỷ lệ người lao động tiếp xúc với nồng độ FA vượt giới hạn cho phép

Cơ sở

Tiếp xúc với nồng độ formaldehyde vượt giới hạn cho phép

Tần số (người)

Tỷ lệ (%)

Cơ sở 1

25

4,8

Cơ sở 2

33

6,4

Cơ sở 3

23

4,4

Cơ sở 4

11

2,1

Cơ sở 5

15

2,9

Cơ sở 6

35

6,7

Tổng cộng

142

27,4

Kết quả nghiên cứu cho thấy:  có 142 người lao động phơi nhiễm với formaldehyde vượt giới hạn cho phép (>0,5 mg/m3) trung bình 8 giờ theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế với tỷ lệ là 27,4%. Nghiên cứu tại Trung Quốc cũng đã ước tính liều tiếp xúc trung bình của một người bình thường cho kết quả phơi nhiễm trung bình là 0,21 mg/m3 mỗi giờ trong một ngày (không bao gồm phơi nhiễm từ thức ăn). Còn đối với người lao động ở các doanh nghiệp có thể phơi nhiễm nghề nghiệp với FA trung bình từ 0,58 đến 0,61 mg/m3 mỗi giờ và vượt giới hạn cho phép của Trung Quốc [4]. Nghiên cứu của chúng tôi chưa thu thập được nồng độ FA người lao động tiếp xúc mà chỉ xác định ngưỡng vượt và không vượt giới hạn cho phép trong thời gian suốt ca làm việc.
3.3. Mối liên quan giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với formaldehyde và một số bệnh hô hấp, bệnh ngoài da

Bảng 3: Mối liên quan giữa phơi nhiễm với nồng độ formaldehyde vượt giới hạn cho phép và các bệnh qua thăm khám (N=519)

Đặc tính

Nồng độ formaldehyde vượt giới hạn

(>0,5 mg/m3)

p

PR (KTC 95%)

n (%)

Không

n (%)

Viêm họng

Không

Viêm mũi

Không

32 (22,5)

110 (77,5)

19 (13,4)

123 (86,6)

49 (13,0)

328 (87,0)

23 (6,1)

354 (93,9)

<0,01

<0,01

1,73 (1,16-2,60)

2,19 (1,23-3,90)

Biến đổi chức năng hô hấp

Không

17 (12,0)

125 (88,0)

25 (6,6)

352 (93,4)

0,047

1,80 (1,01-3,24)

Viêm da dị ứng

Không

22 (15,5)

120 (84,5)

31 (8,2)

346 (91,8)

0,01

1,88 (1,13-3,14)

Qua kết quả nghiên cứu tìm thấy:  mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa việc tiếp xúc với nồng độ formaldehyde vượt giới hạn cho phép (>0,5 mg/m3) và bệnh viêm họng, viêm mũi, biến đổi chức năng hô hấp, viêm da dị ứng ở người lao động tại các công ty chế biến gỗ. Các kết quả nghiên cứu tìm thấy có những phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm formaldehyde của Viện nghiên cứu khoa học Quốc gia tại Pháp (INRS) từ năm 2009 [12]. Theo INRS, các đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tác hại của FA và các hợp chất của FA bao gồm những người điều chế, sử dụng, xử lý FA và các hợp chất FA, các công việc thực hiện có chứa FA dư. Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên đối tượng là người lao động làm việc trực tiếp tại các khâu của quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ như chà, mộc tay, mộc máy, nấu keo,… Mà tại các vị trí này đều phát hiện có nồng độ FA khi thực hiện quan trắc môi trường. Các bệnh do ảnh hưởng của FA và các hợp chất FA đã được xác định bởi INRS bao gồm viêm mũi, hen suyễn, viêm da, loét da và tổn thương dạng chàm. Nghiên cứu của chúng tôi có những kết quả tương tự với tiêu chuẩn chẩn đoán này bao gồm viêm họng, viêm mũi, biến đổi chức năng hô hấp, viêm da dị ứng. Đây cũng là những tiêu chuẩn chẩn đoán mà chúng tôi đề xuất để đưa bệnh do phơi nhiễm nghề nghiệp với FA vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.

VI. KẾT LUẬN

Người lao động phơi nhiễm với formaldehyde vượt giới hạn cho phép (>0,5 mg/m3) trung bình 8 giờ theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế với tỷ lệ là 27,4%.

Có mối liên quan giữa người lao động tại các công ty chế biến gỗ. tiếp xúc với nồng độ formaldehyde vượt giới hạn cho phép (>0.5 mg/m3 trong 8 giờ) với bệnh viêm họng (PR=1,73; KTC 95% 1,16-2,60), viêm mũi (PR=2,19; KTC 95% 1,23-3,90), giảm chức năng hô hấp (PR=1,8; KTC 95% 1,01-3,24)và viêm da dị ứng (PR=1,88; KTC 95% 1,13-3,14).

V. KIẾN NGHỊ

Tại các cơ sở chế biến gỗ mặc dù đã được trang bị hệ thống thông gió, tuy nhiên lượng bụi và hơi khí độc phát sinh trong môi trường làm việc vẫn còn đáng kể. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát nồng độ formaldehyde để giảm tác hại bệnh do tiếp xúc với formaldehyde. Cụ thể, ngoài việc lựa chọn các loại keo dán gỗ thay thế, cần lưu ý các triệu chứng hô hấp và da liễukhi khám tuyển dụng. Nghiên cứu này cũng hỗ trợ cho các chuyên gia phát triển phác đồ chẩn đoán bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với formaldehyde tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Thị Việt Hương, Mai Văn Hợp, Đỗ Quang Huy, Bùi Văn Năng (2016) “Xác định ô nhiễm fomanđehit trong môi trường không khí tại một số khu vực làm việc thuộc thành phố Hà Nội”. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Các Khoa học Trái đất và Môi trường, 32 (1S), tr. 198-203

[2]. Institut National De La Recherche Scientifique (2009) ” Tableau n°43 RG : Affections provoquées par l’aldéhyde formique et ses polymères”.

[3]. Mehmet İnci, İsmail Zararsız, Mürsel Davarcı, Sadık Görür (2013) “Toxic effects of formaldehyde on the urinary system”. Turkish Journal of Urology, 39 (1), pp.48-52.

[4]. Xiaojiang Tang, Yang Bai, Anh Duong, Martyn T. Smith (2009) “Formaldehyde in China: Production, consumption, exposure levels, and health effects”. Environment International, 35, pp.1210–1224.

Bs.CK1. Võ Quang Đức

Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường miền Trung

   


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)