Mối liên quan giữa stress và một số chỉ số tâm sinh lý, khả năng làm việc của nhân viên lưu trữ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành trên 65 nhân viên lưu trữ thông tin nhà nước có tuổi đời trung bình 34,6 ± 8,9 tuổi và tuổi nghề trung bình 9,9 ±9,0  năm, nhằm tìm hiểu mối liên quan giữa stress và một số chỉ số tâm sinh lý, khả năng làm việc của nhân viên lưu trữ.

 Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ stress ở nhân viên lưu trữ thông tin là tương đối cao (60%), tuy nhiên đa số stress được kiểm soát khá tốt (52,3%) và chỉ  có 7,7% stress ở mức cao, cần có sự can thiệp sớm. Bên cạnh đó, stress gây ra căng thẳng về thần kinh tâm lý: nhóm kiểm soát tốt stress có khả năng trí nhớ hình ngắn hạn cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kiểm soát khá tốt stress (p<0,05). Chỉ số khả năng làm việc được tìm thấy cao nhất ở nhóm kiểm soát tốt stress và thấp nhất ở nhóm không kiểm soát được stress (p<0,05). Một số yếu tố nghề nghiệp liên quan tới stress của nhân viên lưu trữ thông tin là: môi trường lao động không thuận lợi, công việc đơn điệu, khối lượng công việc lớn, áp lực lớn về thời gian làm việc cũng như yêu cầu  cao về trách nhiệm với công việc.

Các tác giả khuyến nghị một số biện pháp nhằm giảm stress nghề nghiệp ở những đối tượng này nhằm tăng hiệu quả và năng suất công việc.

Từ khóa: nhân viên lưu trữ, stress, WAI, trí nhớ, thời gian phản xạ, nhịp tim..  

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhân viên lưu trữ là những người thực hiện các công việc như đánh giá, thu thập, tổ chức, bảo quản, kiểm soát, truy cập và cung cấp những thông tin được xác định là có giá trị bảo quản lâu dài. Ở Việt Nam, nhân viên lưu trữ thường kiêm luôn văn thư (quản lý công văn, giấy tờ) và gọi là nhân viên văn thư lưu trữ. Đây là công việc mang tính chất đặc thù như phải tiếp xúc với tài liệu giấy để nhiều năm, khối lượng công việc lớn, tính chất công việc phải bảo quản khai thác tài liệu hàng ngày. Môi trường lao động có nhiều nguy cơ về nấm mốc, hóa chất bảo quản độc hại, mùi khó chịu trong các phòng kho và phòng làm việc. Bên cạnh đó, công việc cũng đòi hỏi thời gian tiếp xúc với máy tính nhiều. Những yếu tố đó tác động tổng hợp gây mệt mỏi, đặc biệt là gây căng thẳng về tâm sinh lý, ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lao động của nhân viên lưu trữ thông tin.

Các công việc lưu trữ thông tin, thư viện trước đây thường được cho là công việc ít gây ra các căng thẳng, áp lực. Tuy nhiên gần đây các nghiên cứu đã chỉ ra rằng công việc thư viện, lưu trữ thông tin ngày càng gây ra các căng thẳng cho người lao động do các nguyên nhân về mâu thuẫn cá nhân, về sự phát triển công nghệ và nhiều nguyên nhân khác [1,4,8,11]. Theo nhà tâm lý học Saquib Saddiq, công việc trong các thư viện thường là các công việc đơn điệu, lặp lại, ít hứng thú và buồn chán [13]. Tác giả Ferkol cũng cho rằng mức độ stress ở những nhân viên văn thư và lưu trữ thông tin sẽ tiếp tục tăng lên nếu như vấn đề này không được hiểu rõ và quản lý tốt [5].

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của stress đối với các nghề nghiệp khác như y tế, lái xe, bộ đội, điều độ viên, phi công…, song ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu nào về tình trạng stress của nhân viên lưu trữ thông tin. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục đích:

– Tìm hiểu tình trạng stress ở nhân viên lưu trữ thông tin.

– Đánh giá ảnh hưởng của tình trạng stress đối với một số chỉ số tâm sinh lý và khả năng làm việc của nhân viên lưu trữ thông tin.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

 65 nhân viên lưu trữ được chọn ngẫu nhiên từ 6 trung tâm của cục văn thư lưu trữ nhà nước.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1.  Thiết kế nghiên cứu:

 Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.2.2.  Kỹ thuật thu thập số liệu:

– Đánh giá trạng thái stress: sử dụng bộ câu hỏi khảo sát tình trạng stress nơi làm việc (Workplace Stress Survey) do Viện nghiên cứu về stress của Mỹ (AIS) đưa ra vào năm 2011 [12]. Bộ câu hỏi gồm 10 câu với mức điểm cho mỗi câu từ 1 đến 10 tương ứng mức hoàn toàn không đồng ý đến mức hoàn toàn đồng ý. Kết quả được phân thành 3 mức: Kiểm soát tốt stress; Kiểm soát tương đối tốt stress; và Không kiểm soát được stress

– Đánh giá khả năng lao động: sử dụng bộ câu hỏi đánh giá chỉ số khả năng làm việc (Work Ability Index) do Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Phần Lan xuất bản lần đâu tiên vào năm 1994, đã được sửa đổi và dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Bộ câu hỏi gồm 7 mục với số điểm từ 7-49 điểm. Kết quả được phân thành 4 loại: Kém, trung bình, tốt và rất tốt [3].

– Đánh giá một số chỉ số tâm sinh lý:

+ Tần số nhịp tim: sử dụng đồng hồ đo nhịp tim; máy Holter điện tim

+ Trí nhớ hình ngắn hạn: Sử dụng test trí nhớ hình. Tính điểm  khả năng trí nhớ ngắn hạn theo số hình nhớ đúng.

+ Thời gian phản xạ thị – vận động đơn giản (ms) được đo bằng thiết bị chuyên dụng.Tính giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của 10 lần đo. Những đối tượng có thời gian phản xạ nhanh hơn cho thấy khả năng tập trung, sự chú ý cao và khả năng xử lý thông tin tốt hơn.

– Xử lý số liệu: Số liệu được phân tích sử dụng phần mềm SPSS-20 và các test thống kê sinh học; Phân tích phương sai một yếu tố ANOVA để đánh giá sự khác nhau của các chỉ số về tâm sinh lý, chỉ số khả năng làm việc theo các mức độ của stress; p < 0.05 được xem là mức có ý nghĩa thống kê. 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được tiến hành trên 65 nhân viên lưu trữ thông tin có tuổi đời từ 23 đến 54 (tuổi trung bình 34,6 ± 8,9) và thâm niên trung bình là 9,9 ± 9,0 năm (từ 1-36 năm). Trong nhóm nghiên cứu: 80% nhân viên lưu trữ thông tin là nữ giới và 20 % là nam giới; Trong đó, chủ yếu là trình độ đại học (60,1%) và trung cấp (30,8%).

Về tình trạng stress tại nơi làm việc: 40% nhân viên lưu trữ kiểm soát stress tốt trong công việc; 52,3% kiểm soát tương đối tốt stress và chỉ có 7,7% không kiểm soát được stress và cần được can thiệp sớm.

Chỉ số khả năng làm việc WAI cho thấy đa số nhân viên lưu trữ có khả năng làm việc tốt là 63,1%. 21,5% có khả năng làm việc ở mức trung bình và 15,4% ở mức rất tốt. Không có trường hợp nào có chỉ số khả năng làm việc ở mức kém.

Phân tích phương sai một yếu tố ANOVA cho thấy khả năng trí nhớ hình ngắn hạn của nhóm kiểm soát tốt stress cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kiểm soát khá tốt stress và nhóm không kiểm soát được stress (p<0,05). Kết quả sự khác nhau về tần số tim, thời gian phản xạ thị – vận động giữa các nhóm kiểm soát tốt stress, kiểm soát khá tốt stress và không kiểm soát được stress không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Chỉ số khả năng làm việc của nhóm kiểm soát tốt stress cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kiểm soát khá tốt và nhóm không kiểm soát được stress. (Bảng 4)

Phân tích tương quan Pearson cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số khả năng làm việc và điểm số stress ở nhân viên lưu trữ (p=0,0001; r= -0.5)

IV. BÀN LUẬN

Kết quả khảo sát tình hình xã hội của trung tâm nghiên cứu quốc gia, Mỹ trong giai đoạn từ 1989-2002, có 30-40% người được phỏng vấn cho biết họ thường xuyên cảm thấy stress do công việc [6]. Tác giả Roose báo cáo 42% nhân viên thư viện có stress ở mức căng thẳng cao do môi trường làm việc không thuận lợi [10]. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Hà và cộng sự có 8,4% nhân viên y tế có điểm stress ở mức cao, 33% ở mức trung bình và 58,6% ở mức thấp [9].Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ stress ở nhân viên lưu trữ là tương đối cao (60%), tuy nhiên đa số stress được kiểm soát khá tốt, chỉ có 7,7% nhân viên lưu trữ không kiểm soát được stress và cần can thiệp sớm. Từ các phân tích đặc điểm công việc kết hợp với điều tra các yếu tố nghề nghiệp liên quan bằng phỏng vấn chủ quan các đối tượng của chúng tôi cho thấy các yếu tố chính liên quan tới stress là: môi trường lao động không thuận lợi, công việc đơn điệu, khối lượng công việc lớn, áp lực lớn về thời gian làm việc cũng như yêu cầu  cao về trách nhiệm với công việc.

Bên cạnh đó, stress nghề nghiệp gây ra các ảnh hưởng về tâm sinh lý cũng như làm giảm năng suất, hiệu quả lao động. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy stress gây suy giảm trí nhớ [2, 7] và tăng thời gian phản xạ [14]. Giảm trí nhớ không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động mà nó còn làm giảm hiệu quả trong công việc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy nhóm kiểm soát tốt stress có khả năng nhớ tốt hơn và đồng thời chỉ số khả năng làm việc cũng cao hơn các nhóm kiểm soát khá tốt và không kiểm soát được stress. Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự khác nhau về tần số tim và thời gian phản xạ thị – vận động giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê. Điều này có thể do nhóm không kiểm soát được stress có cỡ mẫu nhỏ. 

Môi trường làm việc của nhân viên lưu trữ thông tin đã thay đổi nhanh chóng trong thời gian gần đây do sự phát triển áp dụng của kỹ thuật thông tin. Cùng với sự thay đổi đó, các căng thẳng nghề nghiệp cũng tăng lên. Tuy nhiên stress không phải chỉ gây ra những tác động bất lợi đối với người lao động, ở mức độ vừa phải nó có thể làm tăng sự tập trung, hăng hái, sáng tạo. Nó được gọi là căng thẳng tích cực hay eustress. Ngược lại những tác động bất lợi do stress gây ra được gọi là distress.  Vì vậy kiểm soát tốt mức độ stress trong công việc là điều vô cùng quan trọng.

V. KẾT LUẬN

Tình trạng stress ở nhân viên lưu trữ trong nghiên cứu này cho thấy: 7,7% không kiểm soát được stress; 52,3% kiểm soát khá tốt stress và 40% kiểm soát tốt stress.

– Stress và chỉ số tâm sinh lý: Nhóm kiểm soát tốt stress có khả năng trí nhớ hình ngắn hạn cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kiểm soát khá tốt stress (p<0,05).

– Stress và khả năng làm việc: Chỉ số khả năng làm việc cao nhất ở nhóm kiểm soát tốt stress và thấp nhất ở nhóm không kiểm soát được stress (p<0,05).

VI. KHUYẾN NGHỊ

Tăng cường cải thiện môi trường lao động, xây dựng văn hóa tương trợ đồng thời giảm sự quá tải trong công việc như tăng cường nhân sự, tổ chức lao động hợp lý để giảm sự căng thẳng nghề nghiệp cũng như tăng hiệu quả lao động ở nhân viên lưu trữ thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ajala, Emmanuel Babatunde (2011). Work-related stress among Library and Information professionals in a Nigerian University. Library Philosophy and Practice. Retrieved from: http://unllib.unl.edu/LPP/ajala.htm Accessed on 28.12.2011

2. Ashcraft MH, Kirk EP. (2001). The relationships among working memory, math anxiety, and performance. J Exp Psychol Gen. 130 (2):224-37.

3. Bresić J., Knezević B., Milosević M., Tomljanović T., Golubić R., Mustajbegović J. (2007). Stress and work ability in oil industry workers. Arh Hig Rada Toksikol. 58:399–405.

4. Charles, B. (1987). Stress in the library. Library Journal, 112 ; 15:  47-51

5. Ferkol, H. C. (1998). An Analysis of Stress Associated with Reference Work in a Public Library.Columbus, OH: Kent State University. Heider, F. (1958). The psychology of interpersonal relations. New York: John Wiley. 

6. General Social Surveys, 1972 – 2002: Cumulative Codebook 1972-2004,Vol. 1-2

7. Kim J.J., Diamond D.M. (2002). The stressed hippocampus, synaptic plasticity and lost memories. Nat. Rev. Neurosci. 3:453–462.

8. Nawe, Juliet (1995). Work-related stress among the Library and Information work force. Library Review. 44(6). 30-37.

9. Nguyễn Thu Hà, Tạ Tuyết Bình, Nguyễn Khắc Hải (2005). Điều tra stress nghề nghiệp ở nhân viên y tế. Hội nghị khoa học quốc tế y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II.

10. Roose, Tina (1989). Stress at the reference desk. Library Journal. 114. 166-167.

11. Routray, B. and S. K. Satpathy (2007). “Stress management of Library and Information Science Professionals in Digital Environment” LIS E-Prints in Library and Information Science. www.eprints.rclis.org

12. The American Institute of Stress (AIS). (2011). Workplace stress survey Questionnaire. From: http://www.stress.org.

13. Tin tức từ BBC (2015): http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk/4605476.stm

14. Welford, A. T (1980). Choice reaction time: Basic concepts. In A. T. Welford (Ed.), Reaction Times. Academic Press, New York, pp. 73 -128.

Lại Thị Tuấn Việt, Doãn Ngọc Hải, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Đức Sơn

Trần Văn Đại, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thắm.

 Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp và Môi Trường


(Nguồn tin: Nilp.vn)