Mối liên quan giữa tiếp xúc nhiệt độ cao kết hợp hơi dung môi hữu cơ và sự thay đổi về test tâm thần kinh ở công nhân ngành da giầy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Một nghiên cứu cắt ngang ở công nhân ngành công nghiệp giầy để tìm hiểu mối liên quan giữa sự thay đổi về các thử nghiệm phản xạ thần kinh ở công nhân ngành da giầy và các yếu tố nguy cơ là phơi nhiễm nhiệt độ cao kết hợp hơi dung môi hữu cơ. Qua phân tích thống kê kết quả cho thấy, có sự thay đổi về hành vi ở công nhân khi so sánh thử nghiệm thần kinh trước ca và sau ca trong đó sự mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, trí nhớ tập trung thay đổi có ý nghĩa thống kê với OR=4,75, KTC95% 3,78 – 5,92, OR= 9,15, KTC 95% (6,01 – 12,29), OR=2,09, KTC 95% (1,23 – 2,96) tương ứng. Kết quả nghiên cứu bước đầu gợi ý mức độ tác động kết hợp do tiếp xúc giữa nhiệt độ cao và hơi dung môi hữu cơ gây ra nguy cơ thay đổi hành vi ở công nhân ngành da giầy.

I. ĐẶT VẮN ĐỀ

Tiếp xúc với dung môi hữu cơ được xem là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe môi trường và nghề nghiệp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thề chất, mà còn là yếu tố nguy cơ gián tiếp làm gia tăng gánh nặng sức khỏe tâm thần ở người lao động. Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, người lao động thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với hơi dung môi hữu cơ thường có những vấn đề sức khỏe như viêm hô hấp, viêm da dị ứng, và các rối loạn tâm thần kinh hành vi [1],[ 2].

Ngành công nghiệp da giầy là một trong những ngành công nghiệp có số lượng công nhân khá nhiều làm việc trong môi trường lao động có tiếp xúc với hơi dung môi hữu cơ là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ảnh hưởng làm gia tăng gánh nặng tâm thần và hành vi của công nhân. Theo y văn, các dung môi hữu cơ được sử dụng trong ngành da giầy có tác động đến hệ thần kinh trung ương nếu tiếp xúc thường xuyên lâu dài hoặc liều tiếp xúc cao [3], [4].

Tại Việt Nam, năm 1998, Nguyễn Bích Diệp và tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đã nghiên cứu ảnh hưởng của dung môi hữu cơ đến hệ thần kinh ở công nhân ngành sản xuất giầy và kết quả các test phản xạ đơn giản tăng 7,3% (P<0,01), khả năng nhớ ngắn hạn giảm (P <0,05), triệu chứng đau đầu chiếm 81%, khó nhớ chiếm 42%, dễ nổi cáu chiếm 61,3% (P<0,001) sử dụng test đánh giá hành vi nghiên cứu công nhân tiếp xúc với dung môi hữu cơ ngành giầy (5, 6).

Các nghiên cứu dịch tễ học về những công nhân tiếp xúc lâu dài với DMHC cho thấy có có hưởng đến thần kinh và hành vi và được xác định bằng các test thần kinh hành vi [7], [8]. Tác động đến tâm thần kinh hành vi khi so sánh với nhóm không tiếp xúc, nhóm tiếp xúc với DMHC tăng các triệu chứng chủ quan, những thay đổi về cá tính và tâm trạng, giảm các biểu hiện trên các test thử nghiệm về chức năng thần kinh trung ương mà điển hình là giảm khả năng trí tuệ, vấn đề về trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi hơn các công nhân nhóm không tiếp xúc và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Thêm vào đó các test thần kinh về thời gian phản ứng, sự khéo léo của tay, tốc độ nhận thức, và trí nhớ ngắn hạn ở nhóm tiếp xúc cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 khi so sánh với nhóm chứng [1]

Ở Việt Nam các nghiên cứu về sức khỏe tâm lý tâm thần liên quan đến nghề nghiệp còn rất hạn chế. Do vậy, nghiên cứu và đánh giá rối loạn hành vi tâm thần kinh ở người lao động và các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, nhất là môi trường lao động với hơi dung môi, nhiệt độ cao trong ngành công nghiệp da giầy là rất cần thiết.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, KỸ THUẬT SỬ DỤNG

Thiết kế và đối tượng nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang được sử dụng để tìm mối liên quan giữa tiếp xúc với nhiệt độ cao kết hợp hơi dung môi hữu cơ và sự thay đổi về phản xạ thần kinh hay hành vi ở công nhân làm việc tại các bộ phận có tiếp xúc với dung môi hữu cơ. Thực hiện thử nghiệm phản xạ thần kinh và hành vi ở công nhân trước và sau ca làm việc để ước tính tỉ lệ sự thay đổi về tâm trạng cảm xúc, tình trạng mệt mỏi, trí nhớ ngắn hạn, độ tập trung của công nhân nhà máy sản xuất da giầy tại TpHCM.

Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu: Nghiên cứu tại Hải Phòng Việt Nam về tỉ lệ trầm cảm ở công nhân ngành da giầy, kết quả cho thấy có đến 18,8% công nhân có các triệu chứng trầm cảm [9]. Do vậy, trong nghiên cứu này chọn p = 18,8%.

Thêm vào đó, với

 

nên cỡ mẫu nghiên cứu cần thiết là

Các số liệu về môi trường lao động là nhiệt độ cao, dung môi hữu cơ bao gồm MEK, Acetone, được đo đạc, phân tích và đánh giá như là các nguy cơ có liên quan đến rối loạn hành vi tâm thần kinh ở công nhân.

Biến số tiếp xúc: công nhân tiếp xúc với nhiệt độ cao, hơi dung môi hữu cơ (chủ yếu là MEK và Acetone,) tại nơi làm việc ; Biến số hậu quả bao gồm các phản xạ bao gồm thị giác, cảm xúc, và giảm trí nhớ ngắn hạn … ; Các biến số khác: tuối, giới, tình trạng gia đình, học vấn, kinh tế xã hội, …

Thực hiện các test tâm lý, phản xạ thị giác, suy giảm trí nhớ ngắn hạn trên các công nhân trong mẫu nghiên cứu, để phát hiện sự suy giảm các chức năng liên quan đến sức khỏe tâm thần do môi trường lao động. Hệ thống đánh giá tâm thần và hành vi của (WHO) tổ chức y tế thế giới (neurobehavioral core test battery) gọi tắt là WHO-NCTB, được thiết kế vào thập niên 1980s, và được sử dụng rộng rãi để đánh giá các triệu chứng, các phản xạ liên quan đến tâm thần kinh khi tiếp xúc với các chất hóa học như dung môi hữu cơ hay các kim loại, tác động lên thần kinh trung ương và ngoại biên khi phơi nhiễm (10). Có nhiều Test tâm thần kinh thuộc hệ thống WHO-NCTB, trong nghiên cứu này một số test được thực hiện bao gồm:

Thử nghiệm qua bảng câu hỏi về tâm trạng (Profile of Mood States test): Nghiên cứu hệ thống đánh giá hành vi tâm thần kinh được nghiên cứu bởi tổ chức y tế thế giới (WHO) bao gồm POMS test (Profile of Mood States test) là dạng nghiên cứu về tâm trạng và cảm xúc của con người, trong đó kết quả được báo cáo theo 6 dạng phân loại bao gồm trạng thái căng thẳng (Profile of Mood State of Tension (POMT)), trạng thái trầm buồn (Profile of Mood State of  Depression (POMD)), trạng thái nổi giận (Profile of Mood State of Anger (POMA)), trạng thái  hăng hái (Profile or Mood State of Vigor (POMV)), trạng thái mệt mỏi (Profile of Mood State of Fatigue (POMF)), và trạng thái hỗn độn (Profile of Mood State of Confusion (POMC)). Thử nghiệm POMS là bộ câu hỏi về 65 tính từ mô tả về trạng thái và tâm trạng của đối tượng được dịch sang tiếng Việt để công nhân trả lời.  Công việc mà đối tượng tham gia nghiên cứu thực hiện là trả lời 65 câu hỏi về cảm giác của công nhân xuất hiện trong tuần vừa qua trước và ca lao động.

Thử nghiệm về chuổi chữ số thuận – nghịch (Digits Span Test (DSP)): Thử nghiệm chuổi số để đánh giá khả năng trí nhớ thính giác ngắn hạn và khả năng tập trung chú ý. Đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ lặp lại chuổi số bao gồm thuận và nghịch sau khi nghe người phỏng vấn đọc qua. Người tham gia nghiên cứu sẽ được hướng dẫn cách thực hiện thử nghiệm, và làm thử trước khi tiến hành thực hiện test thực sự, dựa trên bảng các chuổi số được thiết lập sẵn từ nhà nghiên cứu.

Thử nghiệm về cặp biểu tượng và số (Digit Symbol Test (DSY)): Thử nghiệm biểu tượng số là test đo tốc độ phản ứng về nhận thức và trí nhớ trong mối liên quan với nhận thức. Trong thử nghiệm này, người tham gia sẽ thực hiện test trong 90 giây về nhận thức các biểu tượng và số phù hợp theo từng cặp, dựa trên bảng thử nghiệm được thiết lập bởi người nhà nghiên cứu. Sau đó so sánh kết quả trước sau ca lao động về kết quả của test thử nghiệm.

Thử nghiệm về chú ý mục tiêu (Benton Pursuit Aiming(PA)): Thử nghiệm tập trung vào mục tiêu nhằm đo đạc khả năng phản ứng nhanh và chính xác vận chuyển của tay, và độ tập trung vào mục tiêu với sự chuyển động của tay. Công việc của người tham gia test là dùng bút đặt những dấu chấm vào giữa các vòng tròn trong thời gian là 60 giây (bảng hình vẽ các vòng tròn được thiết kế bởi người nghiên cứu theo tiêu chuẩn của bộ nghiên cứu. Sau khoảng nghỉ ngắn thì người thực hiện nghiên cứu sẽ lặp lại test thử nghiệm một lần nữa. Kết quả thu thập sẽ được so sánh trước và sau ca lao động về tổng số các chấm đúng của đối tượng nghiên cứu.

Phỏng vấn bằng bảng câu hỏi cá nhân tự thiết kế để tìm kiếm các thông tin về tuổi, giới, tình trạng gia đình, học vấn, kinh tế xã hội, mối quan hệ giữa đồng nghiệp và quản lý, … có thể là yếu tố gây nhiễu hoặc tương tác với yếu tố tiếp xúc. Thực hiện phỏng vấn qua 2 lần cùng thời điểm với đo môi trường lao động là dung môi hữu cơ.

Phân tích đơn biến và đa biến mối liên quan giữa tiếp xúc hơi dung môi hữu cơ và các vấn đề sức khỏe độ giảm phản xạ, độ tập trung và trí nhớ ngắn hạn bằng GLMs (generalized linear models) và hồi quy logistic để ước tính OR và khoảng tin cậy 95%.

III. KẾT QUẢ

Phân tích time series với 3240 sự kiện thời gian cho mỗi 10 giây, kết quả từ hình 8 cho thấy, nhiêt độ tăng dần trong suốt 8 giờ ca lao động, đặc biệt vào thời khoảng từ 14h đến 16h. Bên cạnh đó, các hoạt động dán đế giầy và mặt giầy cũng tăng lên đồng thời với nhiệt độ.

Hình 1. Theo dõi nhiệt độ và sự thay đổi hành vi ở công nhân trong 8 giờ ca lao động

Bảng 1. So sánh kết quả thực hiện các thử nghiệm tâm thần kinh trước và sau ca lao động, ở nhóm công nhân có tiếp xúc với DMHC và nhiệt độ cao tại khu vực quét keo

Dạng thử nghiệm

Đánh giá

t test

KTC 95%

Chuổi chữ số thuận, nghịch

Trí nhớ ngắn hạn, tập trung chú ý

p < 0,05

2,09 (1,23 – 2,96)

Biểu tượng và số

Nhận thức, tập trung, trí nhớ

p < 0,05

15,62 (12,97 – 18,26)

Tập trung mục tiêu

Tốc độ vận động, tập trung chú ý

p > 0,05

6,62 (- 5,22 – 11,5)

Sau ca lao động, các hoạt động như trí nhớ ngắn hạn, khả năng chú ý tập trung, khả năng nhận thức của công nhân bị giảm sút khi so sánh với đầu ca làm việc.

Bảng 2. So sánh kết quả thực hiện đánh giá về tâm trạng công nhân trước và sau ca lao động, ở nhóm công nhân có tiếp xúc với DMHC và nhiệt độ cao tại khu vực quét keo

Các dạng tâm trạng

t test

KTC 95%

Tâm trạng cảm xúc

p < 0,05

9,15 (6,01 – 12,29)

Tâm trạng tức giận

p > 0,05

0,2 (- 0,04 – 0,44)

Tâm trạng hỗn độn

p > 0,05

1,3 (0,65 – 1,95)

Tâm trạng trầm buồn

p > 0,05

1,35 (0,21 – 2,49)

Tâm trạng mệt mỏi

p < 0,05

4,75 (3,58 – 5,92)

Tâm trạng mạnh mẽ

p > 0,05

-0,25 (- 0,58 – 0,085)

Tâm trạng căng thẳng

p > 0,05

1,25 (0,49 – 2,01)

Việc sử dụng bộ câu hỏi đánh giá về trạng thái tâm trạng trước và sau ca lao động, kết quả cho thấy tâm trạng liên quan đến cảm xúc và mệt mỏi xuất hiện sau ca làm việc nhiều hơn khi so sánh với tâm trạng trước ca lao động, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê.
IV. BÀN LUẬN
Thêm vào đó, bằng phân tích time series, với 3240 sự kiện thời gian cho mỗi 10 giây, kết quả (Hình 1) cho thấy nhiêt độ tăng dần trong suốt 8h ca lao động, đặc biệt vào thời khoảng từ 14h đến 16h. Bên cạnh đó kết hợp với việc tăng nhiệt độ, các hoạt động dán đế giầy và mặt giầy cũng tăng lên đồng thời. Dựa trên quan sát hành vi ở công nhân tại khu vực quét keo dán mặt và đế giầy, kết quả gợi ý rằng công nhân cảm thấy mệt mỏi và hành động nhanh bất cẩn cao hơn trong môi trường lao động có xuất hiện đồng thời DMHC và nhiệt độ cao.

Các thử nghiệm về tâm thần kinh được thực hiện khi so sánh kết quả đánh giá trước và sau ca lao động, ở nhóm công nhân có tiếp xúc với dung môi hữu cơ và nhiệt độ cao trong thời gian 8 giờ ca lao động. Dữ liệu cho thấy, các hoạt động như trí nhớ ngắn hạn, khả năng chú ý tập trung, khả năng nhận thức của công nhân bị giảm sút sau ca lao động khi so sánh với đầu ca làm việc (Bảng 1). Thêm vào đó, việc sử dụng bộ câu hỏi đánh giá về trạng thái tâm trạng trước và sau ca lao động cho thấy rằng tâm trạng liên quan đến cảm xúc và trạng thái mệt mỏi xuất hiện sau ca làm việc nhiều hơn, khi so sánh với tâm trạng trước ca lao động và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (Bảng 2).

Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với các nghiên cứu ở các quốc gia khác khi tìm kiếm mối liên quan giữa tiếp xúc dung môi hữu cơ và các thay đổi về tâm thần kinh khi dùng các test chẩn đoán [3], [11]. Ngoài ra, khi so sánh với nhóm không tiếp xúc, nhóm tiếp xúc với DMHC tăng các triệu chứng chủ quan, những thay đổi về cá tính và tâm trạng, giảm các biểu hiện trên các test thử nghiệm về chức năng thần kinh trung ương mà điển hình là giảm khả năng trí tuệ. Các nghiên cứu được tiến hành ở công nhân sơn tại ngành công nghiệp cơ khí, khi tiếp xúc lâu dài với DMHC liều thấp dưới ngưỡng cho phép của Thụy Điển đã kết luận, các công nhân ở nhóm tiếp xúc có các triệu chứng về vấn đề về trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi hơn các công nhân ở nhóm không tiếp xúc; và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 [1]. Thêm vào đó các test thần kinh về thời gian phản ứng, sự khéo léo của tay, tốc độ nhận thức, và trí nhớ ngắn hạn ở nhóm tiếp xúc cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 khi so sánh với nhóm chứng [1].

Kết quả test tâm thần kinh và hành vi trên 55 công nhân sơn đóng tàu trong đó 95% công nhân làm việc hơn 10 năm và tiếp xúc với MEK (Methyl isobutyl ketone), perchloroethylene, Xylene, Ethylene glycol, và mineral spirits cho thấy chức năng tâm thần kinh giảm ở nhóm tiếp xúc với yếu tố nguy cơ so với nhóm không tiếp xúc với p < 0,004 (8). So sánh 50 công nhân tiếp xúc với DMHC trung bình 18 năm tại nhà máy sơn và 50 công nhân ở nhóm chứng được bắt cặp và được khám sức khỏe tâm thần và thử nghiệm test thần kinh  [12]. Kết quả cho thấy, nhóm tiếp xúc tăng các triệu chứng về rối loạn tâm thần như mệt mỏi, căng thẳng, cảm giác chống đối, rối loạn trí nhớ khi so sánh với nhóm không tiếp xúc với p < 0,05. Kết quả này cho thấy, công nhân tiếp xúc với DMHC có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần kinh, cũng như có điểm thực hiện các test tâm thần kinh trong đó khả năng tập trung giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,01 [12].

Từ dữ kiện nêu trên, kết quả nghiên cứu hiện tại cũng phù hợp với những nghiên cứu trước đây về mối liên quan giữa tiếp xúc dung môi hữu cơ và sự xuất hiện của các triệu chứng tâm thần kinh hay sự thay đổi hành vi của công nhân trong quá trình lao động. Theo y văn, các dung môi hữu cơ được sử dụng trong ngành da giầy có tác động đến hệ thần kinh trung ương nếu tiếp xúc lâu dài [2]. Trong ngành công nghiệp sản xuất da giầy, hơi dung môi hữu được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong keo dán giầy ở giai đoạn quét keo và dán giầy. Dung môi hữu cơ là hợp chất thơm được dùng làm dung môi để pha chế keo dán được sử dụng phổ biến hiện nay trong ngành công nghiệp giầy là MEK, Aceton, n-Hexane, … là dạng hóa chất dễ bay hơi, có khả năng gây ngộ độc cấp tính và mãn tính đối với người tiếp xúc đặc biệt tác hại trên hệ thần kinh trung ương [13]. Các triệu chứng thường gặp khi tiếp xúc với MEK hay Aceton là buồn ngủ, cảm giác bồn chồn, nhức đầu, chóng mặt, … Khi tiếp xúc với MEK (2-butanone) trong thời gian ngắn có thể xuất hiện các triệu chứng cấp tính có liên quan đến thần kinh như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ, nôn, và tình trạng thẫn thờ mệt mỏi. Tại Phần Lan với nghiên cứu không can thiệp và độ nhạy cao để phát hiện sớm sự suy giảm chức năng thần kinh ở nhóm công nhân tiếp xúc với hợp chất DMHC. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, nhóm công nhân có phơi nhiễm nghề nghiệp với DMHC thì có tần số xuất hiện các triệu chứng tâm thần kinh cao hơn so với nhóm không tiếp xúc được chứng minh qua tỉ lệ bất thường về điện não đồ, ở các nhóm tiếp xúc DMHC khác nhau cũng có sự khác biệt trong tổn thương trên điện não đồ khác nhau [7]. Một nghiên cứu tại Negeria về nhà máy sản xuất da giầy về các vấn đề sức khỏe có liên quan đến tiếp xúc dung môi hữu cơ (DMHC). Nhóm công nhân có tiếp xúc với tuổi trung bình 32,8±4,03 tuổi, tuổi nghề trung bình là 10,3±4,03 năm, qua bảng câu hỏi về các nhóm triệu chứng sức khỏe có liên quan đến sự mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, vật vờ. Kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mối liên quan giữa tiếp xúc với hơi DMHC là MEK và các triệu chứng tâm thần kinh với nguy cơ tương đối là 6,2, 4,1, 16,6, và 5,2 đối với các triệu chứng đau đầu, rối loạn giấc ngủ, choáng váng, và vật vờ tương ứng [14].

Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu khắp thế giới về mối liên quan giữa tiếp xúc với nhiệt độ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe thế chất, mà hầu như mối liên quan về ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến sức khỏe tâm thần của người lao động thì ít được quan tâm, đặc biệt là tại các quốc gia cận nhiệt đới có thu nhập vừa và thấp như Việt Nam [15].  Nhiệt độ cao được xem là nguy cơ mang tính vật lý ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng hoạt động của con người, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam. Mức độ và thời gian tiếp xúc là yếu tố nguy cơ quan trọng đã và đang tác động đến sức khỏe của hơn 4 tỉ người đang sống trong khu vực có tiếp xúc với nhiệt độ cao [4]. Tiếp xúc với vi khí hậu nóng cho đến nay được xem là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe môi trường và nghề nghiệp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thề chất mà còn là yếu tố nguy cơ gián tiếp làm gia tăng gánh nặng sức khỏe tâm thần ở người lao động. Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, người lao động thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiệt độ cao, thường có những vấn đề sức khỏe như sốc nhiệt, các bệnh về thận, tim mạch, và tai nạn lao động từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Để đánh giá mối liên quan giữa tiếp xúc DMHC và các vấn đề sức khỏe tinh thần bằng cách sử dụng Neurobehavioral Core Test Battery (NCTB), một nghiên cứu tại Venezuela trên 53 công nhân nam nhóm tiếp xúc với DMHC đang làm việc tại ngành công nghiệp giầy và 11 công nhân nữ, và nhóm chứng gồm 56 công nhân nam và 11 công nhân nữ không tiếp xúc với DMHC. Tuổi trung bình ở nhóm tiếp xúc là 33 năm và 30 tuổi, tuổi học vấn trung bình của cả 2 nhóm là 8 năm, và thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy cơ trung bình là 7 năm. Đánh giá chức năng thần kinh bằng thử nghiệm Neurobehavioral Core Test Battery bao gồm 7 tests như chức năng vận động đơn giản (simple motor function), trí nhớ ngắn hạn (short-term memory), sự hòa hợp tay và mắt (eye-hand coordination), biến đổi hành vi (affective behavior), và nhận thức về tâm động học, và tốc độ. Việc sử dụng bảng đánh giá tâm trạng (profile of mood states), thời gian phản ứng đơn giản đối với tốc độ chú ý và phản ứng (Simple Reaction Time for attention and response speed), Digit Span for auditory memory, Santa Ana manual dexterity, Digit-Symbol for perceptual motor speed, the Benton visual retention for visual perception and memory, và Pursuit Aiming II for motor steadiness. Trong mỗi test nhỏ, kết quả của nhóm tiếp xúc có hậu quả xấu hơn so với nhóm chứng, sự khác biệt trong giữa nhóm tiếp xúc và không tiếp xúc về phản ứng cảm xúc POMS là 89% và 5% (tension-anxiety, anger-hostility, depression-rejection, fatigue-inertia, confusion-bewilderment), Simple Reaction Time, Digit-Symbol, và Santa Ana Pegboard (p < 0,05). Phân tích đa biến mối liên quan giữa tiếp xúc DMHC và các vấn đề rối loạn tâm thần kinh có sự kiểm soát tuổi, giới, học vấn, mối liên có ý nghĩa thống kê được tìm thấy trong mối liên quan căng thẳng mệt mỏi, sự chống đối, trầm cảm, và sự từ chối cảm xúc của POMS, digit-symbol, và simple reaction time (p < 0,05). Những thay đổi theo hướng liều lượng đáp ứng tho thời gian tiếp xúc. So sánh giữa nhóm tiếp xúc và không tiếp xúc cho thấy tần số xuất hiện các triệu chứng, khó nhớ, nhầm lẫn, rối loạn cảm giác, và rối loạn giấc ngủ khi phân tích đơn biến và đa biến. Sau nhiều nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp Neurobehavioral Core Test Battery (NCTB), các nhà nghiên cứu đã kết luận phương pháp này có thể ứng dụng trong các nghiên cứu về cộng đồng vì dễ thực hiện và người được nghiên cứu cũng hài lòng khi được đánh giá bằng phương pháp nghiên cứu này ngoại trừ một số vấn đề có tính chất hơi phức tạp trong bộ câu hỏi POMS được dùng để đánh giá về yếu tố cảm xúc và đòi hỏi yêu cầu cao về cách diễn đạt về ngôn ngữ cho dễ hiểu và tinh tế.

V. KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy có sự thay đổi tâm trạng theo hướng xấu hơn, mệt mỏi hơn cũng như sự suy giảm khả năng chú ý, trí nhớ ngắn hạn, khả năng tập trung ở công nhân làm việc ở các khâu quét keo và dán giầy có tiếp xúc với dung môi hữu cơ khi so sánh trước và sau ca làm việc.

Từ kết quả nghiên cứu này, hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp về mối liên quan giữa tiếp xúc nhiệt độ cao kết hợp dung môi hữu cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý tâm thần của công nhân, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động ngày càng nhiều bởi hiện tượng nhiệt độ gia tăng do biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc sử dụng các test phản xạ thử nghiệm tâm thần kinh, cũng là một biện pháp nhằm phát hiện sớm các vấn đề rối loạn tâm lý tâm thần ở người lao động. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý sức khỏe nghề nghiệp xây dựng các giải pháp và chương trình sức khỏe, nhằm phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe người lao động cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như nâng cao năng suất lao động của công nhân tại nơi làm việc.

Tài liệu tham khảo

[1]. Elofsson SA, Gamberale F, Hindmarsh T, Iregren A, Isaksson A, Johnsson I, et al. Exposure to organic solvents. A cross-sectional epidemiologic investigation on occupationally exposed care and industrial spray painters with special reference to the nervous system. Scandinavian journal of work, environment & health. 1980;6(4):239-73.

[2]. Hänninen H, Eskelinen L, Husman K, Nurminen M. Behavioral effects of long-term exposure to a mixture of organic solvents. Scandinavian journal of work, environment & health. 1976(4):240-55.

[3]. Bates MN, Reed BR, Liu S, Eisen EA, Hammond SK. Solvent exposure and cognitive function in automotive technicians. Neurotoxicology. 2016;57:22-30.

[4]. Kjellstrom T, Briggs D, Freyberg C, Lemke B, Otto M, Hyatt O. Heat, Human Performance, and Occupational Health: A Key Issue for the Assessment of Global Climate Change Impacts. Annual review of public health. 2016;37:97-112.

[5].  Nguyễn Thế Công, Điều kiện làm việc và sức khỏe nghề nghiệp của lao động nữ, Nhà xuất bản lao động Hà Nội 2003.

[6].  Hòang Minh Hiền, Báo cáo tổng kết đề tài ”Nghiên cứu đánh giá tình trạng sức khỏe và sức nghe của người lao động tiếp xúc với dung môi hữu cơ(toluen, xylen, . . .) trong một số nghề sản xuất và đề xuất một số biện pháp góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.” , mã số 200/03/TLĐ, Hà Nội, 5-2002.

[7]. Seppalainen AM. Neurophysiological findings among workers exposed to organic solvents. Scandinavian journal of work, environment & health. 1981;7 Suppl 4:29-33.

[8]. Valciukas J. The role of the psychologist in occupational neurotoxicology: Apropos of Huszczo et al.’s “Psychology and organized labor.”. American Psychologist. 1985;40:1053-4.

[9]. Minh KP. Work-related depression and associated factors in a shoe manufacturing factory in Haiphong City, Vietnam. International journal of occupational medicine and environmental health. 2014;27(6):950-8.

[10].  Anger WK. Reconsideration of the WHO NCTB strategy and test selection. Neurotoxicology. 2014;45:224-31.

[11].  Graham DG. Critical analysis of Mitran et al. (1997). Neurotoxicity associated with occupational exposure to acetone. Methyl ethyl ketone, and cyclohexanone. Environ. Res. 73, 181-188. Environ Res. 2000;82(2):181-5.

[12]. Orbaek P, Risberg J, Rosen I, Haeger-Aronsen B, Hagstadius S, Hjortsberg U, et al. Effects of long-term exposure to solvents in the paint industry. A cross-sectional epidemiologic study with clinical and laboratory methods. Scandinavian journal of work, environment & health. 1985;11 Suppl 2:1-28.

[13]. Edling C, Ekberg K, Ahlborg G, Jr., Alexandersson R, Barregard L, Ekenvall L, et al. Long-term follow up of workers exposed to solvents. British journal of industrial medicine. 1990;47(2):75-82.

[14]. Oleru UG, Onyekwere C. Exposures to polyvinyl chloride, methyl ketone and other chemicals. The pulmonary and non-pulmonary effect. International archives of occupational and environmental health. 1992;63(7):503-7.

[15]. Tawatsupa B, Lim LLY, Kjellstrom T, Seubsman SA, Sleigh A, Team TCS. The association between overall health, psychological distress, and occupational heat stress among a large national cohort of 40,913 Thai workers. Global health action. 2010;3.

TS. Phan Minh Trang 

Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)