Môi trường làm việc và an toàn sức khỏe cho nhân viên y tế tiếp nhân hiến máu tại cộng đồng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:41(GMT +7)

I. MỞ ĐẦU

Tiếp nhận hiến máu tại cộng đồng là một hoạt động phổ biến, thường xuyên và có nhiều yếu tố đặc thù của Viện Huyết học – Truyền máu TW và một số cơ sở truyền máu, Nhận viên y tế (NVYT) khi làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng, thời gian làm việc kéo dài, cường độ làm việc cao, áp lực công việc nhiều, những yếu tố đó có thể ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe của NVYT. Theo WHO, “An toàn truyền máu là không để xảy ra bất kỳ nguy hiểm nào cho các đối tượng có liên quan trong chu trình truyền máu, đó là người hiến máu, người nhận máu và nhân viên y tế” [5]. Công tác tiếp nhận hiến máu tại cộng đồng có những đặc điểm đặc thù riêng và thường gặp phải những khó khăn, hạn chế về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hàng năm, trên thế giới có khoảng 8,6% NVYT trong tổng số trên 35 triệu NVYT phải tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh qua đường truyền máu, khoảng 5,7% NVYT trong số đó tiếp xúc với virus viêm gan B (HBV), 2,6% NVYT tiếp xúc với virus viêm gan C (HCV) và 0,05% NVYT tiếp xúc với HIV. Các tổn thương nghề nghiệp có thể gây ra 15.000 ca nhiễm HCV, 70.000 ca nhiễm HBV và 1.000 ca nhiễm HIV [2],[3]. Điều kiện làm việc trong môi trường bất lợi, chứa đựng các rủi ro và nguy cơ có thể để lại hậu quả không nhỏ nếu không có những biện pháp đảm bảo an toàn cho NVYT [4]. Vì vậy, việc đảm bảo môi trường làm việc, tìm hiểu các nguy cơ, rủi ro với NVYT khi tham gia tiếp nhận máu sẽ giúp các cơ sở truyền máu có những biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho họ, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu.

II. ĐẶC ĐIỂM MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC CỦA NHÂN VIÊN TIẾP NHẬN HIẾN MÁU TẠI CỘNG ĐỒNG.

2.1. Môi trường làm việc đa dạng và có nhiều nguy cơ

NVYT thường xuyên tham gia tiếp nhận máu tại các địa điểm khác nhau trong cộng đồng (ngoài môi trường Bệnh viện) như tại các hội trường, các nhà văn hóa, dưới các trại bạt…. Các điểm hiến máu có môi trường làm việc đa dạng và điều kiện làm việc không phải lúc nào cũng thuận lợi mà luôn bị những yếu tố tác động xấu đến sức khỏe.

Đa dạng về quy mô điểm tiếp nhận máu: Điểm hiến máu tại cộng đồng được tổ chức bởi nhiều địa phương, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội khác nhau. Các điểm hiến máu thường đa dạng về quy mô, số lượng người đến đăng ký hiến máu có thể từ vài chục, vài trăm đến đến hàng nghìn người.

Đa dạng về hình thức tổ chức tiếp nhận: Hình thức tổ chức tiếp nhận máu phụ thuộc vào điều kiện từng đơn vị tổ chức, có thể tổ chức trong hội trường, trong nhà hoặc phải dựng nhà bạt ngoài trời để tiếp nhận. Tuy nhiên, hình thức tổ chức hiến máu trong nhà hay ngoài trời đều có những yếu tố ảnh hưởng tới môi trường làm việc như: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, tiếng ồn…

Đa dạng nhiều đối tượng tiếp xúc: Tại các điểm tổ chức tiếp nhận máu, NVYT thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau: người đăng ký hiến máu, người dân địa phương tới thăm quan, tình nguyện viên, các nhà quản lý, lãnh đạo cộng đồng…. Nhiều đối tượng tham gia điểm hiến máu khỏe mạnh xong cũng có nhiều đối tượng mang các mầm bệnh truyền nhiễm.

Đa dạng các nguy cơ lây nhiễm bệnh: Hiện nay có nhiều bệnh dịch mới nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, rubella… với khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao [4]. Bên cạnh đó, các nguy cơ phơi nhiễm và lây truyền các tác nhân gây bệnh qua đường máu có nguy cơ rất cao ở NVYT. Các phơi nhiễm này có thể xảy ra qua các màng niêm mạc mắt, mũi, miệng hoặc qua các tổn thương sâu dưới da do kim tiêm hoặc các vật sắc nhọn khác gây ra.

2.2. Thời gian làm việc kéo dài và cường độ lao động cao

Thời gian làm việc ngoài giờ kéo dài và lặp lại liên tục: Các điểm hiến máu tại cộng đồng có khoảng cách với các cơ sở truyền máu và thời gian tiếp nhận máu khác nhau. Để đáp ứng với yêu cầu phục vụ người hiến máu, NVYT thường xuyên phải đi sớm nhiều giờ trước thời điểm bắt đầu tiếp nhận máu và di chuyển trên quãng đường dài từ hàng chục đến hàng trăm km trên nhiều địa hình phức tạp. Với những thời điểm lịch hiến máu nhiều, làm việc ngoài giờ lặp lại liên tục.

Cường độ làm việc cao với tư thế bất lợi: Nhằm mang đến sự hài lòng và “dịch vụ” tốt nhất cho người hiến máu, NVYT phải làm việc với cường độ cao liên tục, thời gian nghỉ ngơi bị hạn chế để phục vụ quá trình tiếp nhận máu được nhanh chóng.  Cùng với đó, nhiều tư thế làm việc bất lợi có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như: NVYT tổ chức hiến máu thường xuyên phải làm việc trong tư thế đứng kéo dài khi hướng dẫn, tổ chức và tư vấn hiến máu, bác sĩ và điều dưỡng kỹ thuật viên thường hay phải cúi người trò chuyện để khám và xét nghiệm trước hiến máu; các kỹ thuật viên làm việc trong tư thế ngồi kéo dài để lấy máu liên tục trong nhiều giờ đồng hồ…. có thể gây rối loạn cơ xương ở NVYT ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lao động của NVYT [6].

2.3. Công việc chịu nhiều áp lực

Áp lực đến từ các nhà quản lý/lãnh đạo cộng đồng: Nhà quản lý/lãnh đạo cộng đồng các đơn vị có mong muốn NVYT giúp họ tổ chức buổi hiến máu được khoa học, tiếp nhận được nhiều đơn vị máu… Theo nghiên cứu của Ngô Mạnh Quân và cs (2009) mức độ hài lòng của lãnh đạo cộng đồng với điểm hiến máu mà trong đó NVYT là một thành phần đạt mức 54,1%.

Áp lực đến từ người hiến máu: Người đến hiến máu có nhu cầu tổ chức lấy máu nhanh, an toàn và được chăm sóc chu đáo, được “ưu tiên” lấy máu trước và có tâm lý ngại phải chờ đợi…

Áp lực với việc hoàn thành chỉ tiêu: Mỗi điểm hiến máu đều có những chỉ tiêu về số đơn vị máu cần được tiếp nhận, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, tỷ lệ hiến máu thể tích trên 250ml, sai xót ít nhất trong quá trình làm việc… Các đơn vị vận động người đến hiến máu luôn kỳ vọng vượt chỉ tiêu về số đơn vị máu.

Áp lực về trách nhiệm công việc và gương mẫu trong lao động: NVYT cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với công việc, thực hiện đúng quy trình, gương mẫu trong công việc.

2.4. Yêu cầu phải có hiểu biết về an toàn sức khỏe

NVYT cần phải có hiểu biết về an toàn sức khỏe, tự biết cách phòng tránh và xử lý khi gặp những rủi ro đồng thời giúp đỡ, nhắc nhở mọi người cùng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Từ năm 2001 đến nay, Bộ Y tế tiến hành những khảo sát và cho thấy, tỷ lệ NVYT chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật và các thao tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong thực hành tiêm (sử dụng khẩu trang, mang găng, phân loại và thu gom vật sắc nhọn sau tiêm, dùng tay để đậy nắp kim sau tiêm…), chưa báo cáo và theo dõi rủi ro do vật sắc nhọn chiếm 87,7% [7].

Từ những vấn đề trên có thể thấy, quá trình tham gia tiếp nhận máu tại cộng đồng tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe NVYT. Các cơ sở tiếp nhận máu có thể không lường hết được những vấn đề trên. Qua đặc điểm công tác tiếp nhận máu, có thể thấy một số nguy cơ liên quan đến an toàn sức khỏe của NVYT .

III. MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN SỨC KHỎE NVYT KHI THAM GIA TIẾP NHẬN HIẾN MÁU

3.1. Nguy cơ rủi ro nghề nghiệp

Đối với NVYT tham gia công tác tiếp nhận máu, nguy cơ về rủi ro nghề nghiệp là trong điều kiện môi trường làm việc còn tồn tại nhiều hạn chế, bệnh tật và dịch bệnh vẫn luôn tồn tại tiềm ẩn trong cộng đồng chờ bùng phát. Ý thức phòng ngừa rủi ro và các biện pháp xử lý của nhiều NVYT còn ở mức khác nhau.

Nguy cơ rủi ro lây nhiễm các bệnh đường máu: Những tác động của các yếu tố môi trường làm việc và một số yếu tố tác nhân gây bệnh qua đường máu có thể lây nhiễm bệnh cho NVYT. Theo Trần Thị Ngọc Lan (2011), ước tính có 4,4% ca nhiễm HIV và 39% ca nhiễm HBV và HCV là do tổn thương nghề nghiệp. Trong số các NVYT không được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, nguy cơ nhiễm khuẩn sau khi bị tổn thương do kim tiêm là 23 – 62% đối với HBV và 07% đối với HCV [9]. Nhiễm khuẩn chéo sang nhân viên y tế khác có thể từ tay nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị và dụng cụ y tế hoặc bề mặt môi trường [7]. Rủi ro liên quan đến bệnh truyền nhiễm đường máu thường gặp là viêm gan B, C cùng với HIV.

Nguy cơ rủi ro lây nhiễm bệnh đường hô hấp: Nhiều tác nhân gây rủi ro truyền nhiễm qua đường hô hấp cho NVYT như:quai bị, cúm, ru-be-la, lao, sởi, SARS ….  Theo nghiên cứu 2004 của Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia của Hoa Kỳ (National Institute for Occupational Safety and Health – NIOSH), lây nhiễm các bệnh qua đường hô hấp như: lao và SARS cũng là một vấn đề lớn ở NVYT, trường hợp NVYT nhiễm bệnh lao chiếm 3% tất cả các trường hợp lao [9]. Nguy cơ lây nhiễm bệnh SARS ở NVYT cũng rất lớn, theo báo cáo của WHO (2006) từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003, trên toàn thế giới có tổng số 8.422 trường hợp bị nhiễm SARS, trong đó số nhân viên y tế là 1,768 trường hợp, chiếm 21,1% [10]. Tổng số tử vong do SARS là 916 trường hợp, trong đó 229 trường hợp là NVYT, chiếm 25%. Việt Nam là nước có tỉ lệ NVYT bị nhiễm SARS cao nhất chiếm 57% [7].

Nguy cơ tổn thương nghề nghiệp giảm khả năng lao động: Những rủi ro nghề nghiệp có hậu quả nghiêm trọng gây các bệnh mạn tính, mất khả năng lao động và tử vong. Ngoài lây nhiễm HBV, HCV và HIV, NVYT có thể lây nhiễm các mầm bệnh khác không do tổn thương từ các vật sắc nhọn gây ra như lao, bạch hầu, sốt rét, bệnh dịch Ebola, và bệnh truyền nhiễm Epstein – Barr virus. Trong số 6.212 tổn thương da được báo cáo liên quan đến kim tiêm ở NVYT tại bệnh viện cho thấy các quy trình hay gây ra tổn thương là lấy máu tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch) chiếm 25% và tiêm chiếm 22% gây tổn thương da (CDC 2002b) [3].

3.2. Nguy cơ về rối loạn cơ xương

NVYT tham gia tiếp nhận máu có thể gặp phải nguy cơ về rối loạn cơ xương khớp do áp lực công việc và cường độ lao động cao. NVYT  tại khu vực khám sức khỏe, lấy máu có thể đau lưng, mỏi nhức cơ xương khi các tư thế làm việc không thuận lợi, thường xuyên phải khom lưng, cúi với để lấy máu, ngồi một vị trí liên tục trong nhiều giờ khi tiếp nhận máu số lượng nhiều.

Rối loạn cơ xương được mô tả là một trong những vấn đề sức khỏe nghề nghiệp chính ở NVYT [7]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố thể lực như vận chuyển bằng tay, thường xuyên cúi vặn người, chuyển động mạnh và tư thế làm việc bất hợp lý là những yếu tố quan trọng gây ra rối loạn cơ xương. Các yếu tố tâm lý bao gồm: yêu cầu công việc cao, giám sát kém và thiếu sự hỗ trợ của xã hội có thể đóng vai trò quan trọng làm tăng nguy cơ rối loạn cơ xương. Ở Mỹ, gần một nửa kinh phí bồi thường bảo hiểm nghề nghiệp dành cho NVYT do tổn thương đau lưng [9]. Tại Ý, tỷ lệ đau thắt lưng cấp tính ở các điều dưỡng dao động từ 4-59% và đau thắt lưng mạn tính dao động từ 7-45% ở các nghiên cứu khác nhau. Tỷ lệ đau thắt lưng ở các điều dưỡng cao hơn nhiều khi so sánh với tỷ lệ đau thắt lưng của dân số chung (5,9%) và cao hơn so với quần thể người lao động, không vận chuyển vật nặng bằng tay (2,3%) [7].

3.3. Nguy cơ về rối loạn tâm sinh lý và strees nghề nghiệp

NVYT tham gia tiếp nhận máu tại cộng đồng có thể xuất hiện những vấn đề về tâm lý và stress khi điều kiện lao động, công việc quá tải, phục vụ người hiến máu quá đông, lượng mẫu xét nghiệm trong ngày quá lớn, số lượng máu cần tiếp nhận quá nhiều, tiếp xúc với quá nhiều người, với nhiều loại bệnh tiềm ẩn những nguy hiểm, luôn luôn lo lắng bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm có nguy cơ rủi ro tai nạn nghề nghiệp và phải luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; bên cạnh đó còn có sức ép về kinh tế gia đình hay dư luận xã hội… Khi NVYT bị những vấn đề tâm lý đề nặng và cản trở như trên thì nguy cơ xảy ra những rủi ro và sai xót là có thể.

Gánh nặng tâm lý xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ; nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các NVYT làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác [9]. Ảnh hưởng của stress nghề nghiệp đến sức khỏe là mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, không thỏa mãn với công việc, giảm chất lượng phục vụ công việc, số ngày nghỉ ốm cao và có nguy cơ mắc một số bệnh liên quan như: loét dạ dầy, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia của Hoa Kỳ (NIOSH) phân loại bệnh do stress là một trong 10 bệnh hàng đầu liên quan đến công việc [11].

3.4. Yếu tố về pháp lý và liên quan tới pháp luật

Trong quá trình tham gia tiếp nhận máu tại cộng đồng NVYT cũng có thể gặp phải những nguy cơ về pháp lý và liên quan đến pháp luật nếu trong quá trình làm việc không thực hiện đầy đủ các quy trình chuyên môn sàng lọc hoặc rủi ro khi gặp phải đối tượng đăng ký hiến máu không an toàn, cố tình không khai sự thật như: Khám và sàng lọc chưa kỹ hoặc người hiến máu không an toàn đang ở giai đoạn “cửa sổ” của một số bệnh lây qua đường truyền máu, người hiến máu không hiểu có thể đổ lỗi cho việc hiến máu gây lây bệnh. Lấy máu ở đối tượng bị hạn chế hoặc trì hoãn (trường hợp người đăng ký hiến máu là nạn nhân nhiễm chất độc da cam, là người khuyết tật, người đang hưởng chế độ của nhà nước bị hạn chế về sức khỏe….), NVYT thường bị các gia đình, đoàn thể phản ánh, nêu ý kiến, kiện tụng…. Tiếp nhận máu của những người khai không đúng thông tin bản thân (thiếu/thừa tuổi, cân nặng….), trường hợp này thường gặp tại các điểm có học sinh THPT, NVYT thường gặp vấn đề gia đình người hiến máu có ý kiến hoặc kiện cáo… Lấy máu khi chưa thỏa thuận kỹ với người đăng ký hiến máu về thể tích máu sẽ hiến, NVYT thường bị hiểu nhầm là cố tình tăng thể tính máu hiến vì lợi ích riêng…. Các vấn đề trên ít nhiều khi xảy ra sẽ làm mất thời gian, có thể gây căng thẳng tới tâm lý làm việc và quá trình tiếp nhận máu, đôi khi còn ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của NVYT và đơn vị.

3.5. Một số yếu tố khác liên quan đến sức khỏe của NVYT

Mối quan hệ gia đình và xã hội: Sự quan tâm tích cực, chia sẻ của cộng đồng với những khó khăn của ngành y tế nói chung và công tác tiếp nhận máu nói riêng sẽ giúp giảm áp lực, tự tin với NVYT, cùng với sự ủng hộ, động viên tạo điều kiện của người thân, gia đình và bạn bè với NVYT thường xuyên tham gia tiếp nhận máu giúp họ cảm thấy yêu nghề và yên tâm gắn bó với công việc, giảm gánh nặng về tâm lý. Ngược lại, những hành động phản ứng quá mức, không thông cảm và ít chia sẻ với việc thường xuyên “đi sớm, về muộn” sẽ tạo nên những áp lực trong gia đình, trong quá trình làm việc, tạo nên bầu không khí làm việc căng thẳng, có thể dẫn đến những sai xót.

Kinh nghiệm làm việc: Với NVYT đã làm việc nhiều năm, yếu tố kinh nghiệm làm việc có thể trở thành con dao 2 lưỡi. Nếu thiếu độ tập trung, chủ quan nghĩ mình có kinh nghiệm thì có thể sẽ gặp những rủi ro, sai sót. Ngược lại, kinh nghiệm và cẩn thận trong quá trình làm việc sẽ giúp cho việc thực hiện tiếp nhận máu được diễn ra thuận lợi, giảm các áp lực về chuyên môn, công tác… sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho NVYT.

Phương tiện làm việc: Trong điều kiện làm việc như hiện nay, ở hầu hết các cơ sở tiếp nhận máu phương tiện đi lại, phương tiện lấy máu còn khá cũ kỹ, thiếu thốn, bàn ghế lấy máu, giường lấy máu chưa đạt tiêu chuẩn thì NVYT vẫn phải làm việc trong môi trường hạn chế, những yếu tố đó cũng tác động không nhỏ tới trạng thái, tâm lý khi tham gia tiếp nhận máu.

IV. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO AN TOÀN SỨC KHỎE CHO NVYT

4.1. Chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh

Nếu môi trường có nhiễm mầm bệnh thì khả năng lây nhiễm cho NVYT là rất cao vì phương tiện bảo hộ cho NVYT không đảm bảo. Phương tiện phòng hộ ở đây là khẩu trang và găng tay. Thực tế hiện nay, nhiều nơi, nhiều địa điểm NVYT không sử dụng khẩu trang và găng tay trong quá trình tiếp nhận máu do yêu cầu công việc đòi hỏi cần phải giao tiếp cởi mở hoặc do yêu cầu quy định chưa chặt chẽ; như vậy ít có khả năng dự phòng bệnh tật. Các biện pháp can thiệp chính để phòng ngừa lây nhiễm bệnh là:

Chủ động phòng ngừa cho NVYT: rà soát và tiêm phòng vaccin viêm gan B cho NVYT.

Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân: các phương tiện này tạo ra rào chắn và bộ lọc ngăn giữa nhân viên và mối nguy hại. Cần sử dụng phương tiện phòng hộ như khẩu trang, găng tay đúng mục đích, đúng thời điểm để vừa bảo đảm an toàn lại hiệu quả kinh tế; đặc biệt tại những điểm hiến máu được khuyến cáo là đang có dịch bệnh.

Kiểm soát các mối nguy hại tại khu vực làm việc: Lưu ý sử dụng kim tiên và các vật sắc nhọn đúng quy định, thu gom và xử lý rác thải y tế đúng quy định.

Kiểm soát thực hành: đây là các biện pháp để giám sát hành vi của NVYT  theo đúng quy định nhằm thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình tham gia tiếp nhận máu [12].

4.2. Tăng cường quản lý chất lượng công tác tiếp nhận máu

Trang bị và tập huấn đầy đủ cho NVYT về các quy trình/hướng dẫn chuyên môn trong tiếp nhận máu cũng như quy trình về phòng và xử lý những rủi ro… trong quá trình tiếp nhận máu.

Tổ chức kiểm soát những quy định hoạt động chuẩn nhằm hạn chế phơi nhiễm với các mối nguy hại [12], phân công nhiệm vụ, phân bổ lịch công tác tiếp nhận máu, phân bổ sắp xếp đủ nguồn lực (nhân lực và phương tiện) để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tham gia tiếp nhận máu.

Nâng cao vai trò của tổ an toàn vệ sinh trong phòng ngừa tổn thương do vật sắc nhọn và thực hiện kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm. Yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục phòng ngừa.

Thực hiện đầy đủ chế độ làm ngoài giờ, cần có chế độ hỗ trợ phụ cấp cho NVYT khi tham gia tiếp nhận máu tại cộng đồng.

4.3. Tổ chức tiếp nhận máu khoa học

Bố trí địa điểm và tổ chức tiếp nhận máu khoa học: Phối hợp với các đơn vị tham gia tổ chức hiến máu trong việc lựa chọn địa điểm, thống nhất quy trình, điều phối người hiến máu đến tham gia hiến máu, có chia ca, chia giờ để tránh ùn tắc, tránh tâm lý phải chờ đợi cho người hiến máu, tránh được gánh nặng tâm lý và áp lực công việc cho NVYT phải làm việc cường độ cao. Phân loại điểm hiến máu trong nhà, ngoài trời đồng thời kiểm tra các yếu tố môi trường tại điểm hiến máu để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các yếu tố môi trường không đảm bảo (nhiệt độ, độ ẩm,ánh sáng…).

4.4. Tuân thủ chặt chẽ các quy định, hướng dẫn của Bộ y tế

Cần tuân thủ và thực hiện đúng, đủ các yêu cầu của Bộ Y tế về quy định trong tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc trước hiến máu, sàng lọc các bệnh về máu theo đúng thông tư 26 của Bộ Y tế. Thực hiện đầy đủ các quy định về bồi dưỡng độc hại, hỗ trợ phục cấp cho NVYT làm việc ngoài giờ, đi tiếp nhận hiến máu những địa điểm khó khăn… thực hiện đúng các quy định, quy trình về thực hành kiểm soát chống nhiễm khuẩn để giảm thiểu những sai xót, rủi ro có thể có.

Định kỳ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho NVYT về hiểu và thực hành quy trình sơ cấp cứu khi bị phơi nhiễm, báo cáo rủi ro và đánh giá nguy cơ về nhiễm HBV, HCV và HIV, nâng cao hiểu biết về an toàn sức khỏe phòng lây nhiễm bệnh.

4.5. Ứng dụng công nghệ thông tin

Tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành truyền máu và tổ chức tiếp nhận máu như: quản lý thông tin người hiến máu bằng phần mềm, dùng mã vạch barcode để quản lý thông tin người hiến máu và chế phẩm máu. Ứng dụng công nghệ thông tin tra cứu kết quả sàng lọc trước hiến máu….Những ứng dụng này sẽ từng bước giải quyết giảm thiểu sai xót, tránh nhầm lẫn trong quản lý, giúp NVYT giảm thời gian lao động và tăng hiệu xuất công việc, giảm áp lực công việc, giảm thời gian làm ngoài giờ, giúp NVYTcó thêm thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe.

4.6. Một số biện pháp khác

Phối hợp giữa các cơ sở tiếp nhận máu: Các cơ sở tiếp nhận máu cần quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp tổ chức cùng tiếp nhận máu, điều tiết máu, hỗ trợ nhau trong quá trình tiếp nhận máu tại cộng đồng.

Sự quan tâm của gia đình và xã hội: Tăng cường công tác truyền thông, thông tin về hoạt động tiếp nhận máu tại cộng đồng, nêu gương, tôn vinh, khen thưởng để gia đình và xã hội biết, hiểu đồng thời chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế nói chung và NVYT tham gia tiếp nhận máu nói riêng. Điều này sẽ giúp NVYT nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm hơn khi tham gia tiếp nhận máu.

V. KẾT LUẬN

NVYT tham gia tiếp nhận hiến máu tại cộng đồng thường phải làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều yếu tố bất lợi, tồn tại những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lao động. Các cơ sở truyền máu cần có những nghiên cứu và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho NVYT trong quá trình tiếp nhận máu tại cộng đồng nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải, giúp NVYT yên tâm làm việc, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Quang Thức (2015), Hội nghị tổng kết An toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế, Cục Quản lý Môi trường – Bộ Y tế, Hà Nội.

[2]. Bộ Lao động Thương binh Xã hội (2010), Hồ sơ quốc gia về An toàn – Vệ sinh lao động của Việt Nam năm 2005-2010, NXB Lao động Xã hội, Hà Nội.

[3]. Centers for Disease Control and Prevention – CDC (2011), How Safe Is Your Hospital for Workers 2011.

[4]. ILO – EASMAT (2009), Bảo đảm nơi làm việc an toàn – Thách thức nổi lên ở khu vực Châu á, Hà Nội.

[5]. Nguyễn Anh Trí (2013), Cẩm nang vận động hiến máu tình nguyện, NXB Y học, Hà Nội.

[6]. WHO (2000), Aide-memoire for a national strategy for health-care waste management,2000.

[7]. Trần Thị Ngọc Lan (2011), Dịch vụ y tế cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở y tế, NXB Y học, Hà Nội.

[8]. Dương Khánh Vân (2013), Nghiên cứu tổn thương nghề nghiệp do vật sắc nhọn ở nhân viên y tế và giải pháp can thiệp tại một số bệnh viện khu vực Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Hà Nội.

[9]. Hà Thế Tấn (2010), Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân viên y tế và đề xuất biện pháp can thiệp, Học viện Quân Y, Hà Nội.

[10]. David Koh (2003), Các khía cạnh về Y học lao động của dịch viêm đường hô hấp cấp ở Singapore, Kỷ yếu HNKH Y học lao động toàn quốc lần thứ 5.

[11]. NIOSH (1988), Guideline for protecting the safety and health of health care worker 1988.

[12]. Bùi Thanh Tâm (2001), Quản lý An toàn vệ sinh lao động ngành Y tế, NXB Y học, Hà Nội.

ThS. Chử Nhất Hợp, TS.  Ngô Mạnh Quân

Viện Huyết học Truyền máu TW


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)