Một số kết quả xây dựng Atlat nhân trắc Ecgônômi tĩnh và động người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn 2017-2019

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Ba tập Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động đã xuất bản được xây dựng trong vòng 15 năm (từ 1982-1997) bao gồm khá đầy đủ các đặc điểm nhân trắc cho nghiên cứu, thiết kế, đánh giá ecgônômi như trong các công trình nghiên cứu nhân trắc ecgônômi trên thế giới. Tính khoa học và tính thực tiễn của 3 tập Atlat nhân trắc học đã xuất bản không chỉ được các nhà khoa học trong nước đánh giá cao mà cả những nhà khoa học, công nghệ ở một số nước trên thế giới quan tâm chú ý. Theo qui luật tăng trưởng, cứ khoảng 10-15 năm, do những điều kiện sống thay đổi, tầm vóc, thể lực của các quần cư dân cũng có những biến đổi. Thực tế đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam hiện nay đã khác xa so 30 năm về trước, việc nghiên cứu xây dựng một tập Atlat nhân trắc phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu, thiết kế, đánh giá ecgônômi ở Việt Nam là rất cần thiết.

Trên cơ sở các vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu tiến hành lựa chọn thực hiện đề tài: “Xây dựng Atlat nhân trắc người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn hiện naynhằm mục tiêu: Xây dựng được Atlat nhân trắc Ecgônômi tĩnh và động người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn 2017 – 2019.

Đối tượng nghiên cứu là người Việt Nam (người dân tộc Kinh) trong độ tuổi lao động (16-60 tuổi), có thể hình bình thường, đang làm việc trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, học sinh, sinh viên và lao động tự do ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng nghiên cứu được chia thành 5 nhóm tuổi như trong các tập Atlat đã xuất bản (16-19, 20-29, 30-39, 40-49, 50-59); 2 giới (nam, nữ); 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Kết quả đề tài đã đo được 5148 đối tượng, bao gồm 2531 nam và 2617 nữ.

Kỹ thuật đo các chỉ tiêu nhân trắc tĩnh, THĐ khớp tuân thủ đúng như phương pháp đo trong tập Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong độ tuổi lao động – dẫn liệu nhân trắc tĩnh -1986 [1], Atlas nhân trắc học người Việt Nam trong độ tuổi lao động – dẫn liệu nhân trắc động về THĐ khớp, 1997 [3], TCVN5781: 2009, TCVN7488: 2005 (ISO7250:1996),ISO 7250-1: 2008.  Chỉ tiêu tầm hoạt động tay theo tia góc 90° chỉ đo miền Bắc và miền Nam theo Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động – dẫu liệu nhân trắc động về tầm hoạt động của tay [2].

Sử dụng phương pháp nội suy tuyến tính để nội suy các chỉ tiêu nhân trắc có tương quan tuyến tính chặt chẽ (r>0,7) với chỉ tiêu cơ bản theo phương trình hàm bậc nhất y = ax + b. Trong đó: y là chỉ tiêu nhân trắc cần nội suy, a là hệ số (là tỷ số của chỉ tiêu cần nội suy với chỉ tiêu cơ bản có tương quan chặt chẽ được tính từ các tập Atlat đã xuất bản), x là biến số (là giá trị số đo mới cập nhật của chỉ tiêu cơ bản), b là hằng số và = 0.

Kết quả đo các chỉ tiêu nhân trắc tĩnh, THĐ khớp và THĐ tay người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn hiện nay (2017-2019), cho ra một số nhận xét sau:

1. Kết quả đo các chỉ tiêu nhân trắc tĩnh

Kết quả đo và nội suy 136 chỉ tiêu nhân trắc tĩnh đã đưa ra 136 bảng số liệu đặc điểm nhân trắc tĩnh egônômi của người Việt trong độ tuổi lao động giai đoạn 2017-2019. Phân tích chiều cao đứng và cân nặng, là những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng nói lên sự tăng trưởng và phát triển về tầm vóc cơ thể người Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các kết quả đo rút ra một số nhận xét sau :  

 Nam giới người Việt Nam hiện nay cao trung bình là 164,6±5,8cm và nữ giới là  154,4± 4,8 cm. Như vậy, người Việt Nam có chiều cao cơ thể thuộc loại trung bình của nhân loại. Sự khác biệt về chiều cao giữa nam và nữ người Việt (trên dưới 10cm) cũng nằm trong giới hạn phổ biến thường thấy trên thế giới.

Chiều cao đứng trung bình của nam, nữ ở ba miền chênh lệch nhau không nhiều. Sự khác biệt về chiều cao đứng trung bình giữa các miền trong cùng một nhóm tuổi không có ý nghĩa thống kê (t<1,96). Điều này khác xa so với 30 năm về trước, người miền Bắc thấp hơn đáng kể so với người miền Nam ở nhiều lớp tuổi. Có thể do điều kiện sống và dinh dưỡng ở miền Bắc đã được cải thiện rất nhiều làm cho thể hình của người miền Bắc đã tăng lên đáng kể, bắt kịp với người miền Nam.

Kết quả tính chỉ số thân cho thấy, nam giới Việt có chỉ số thân trung bình là 52,8±0,2 và nữ giới là 52,9±0,3. Như vậy, người Việt Nam trong lứa tuổi lao động có phần thân trên thuộc loại vừa lệch hẳn về phía loại người có thân dài của nhân loại. Đây là điều đặc biệt cần lưu ý khi tiếp nhận các loại máy móc và dây chuyền công nghệ được sản xuất ở các nước Âu Mỹ trong chuyển giao công nghệ.  

Trọng lượng cơ thể trung bình của nam giới người Việt Nam trưởng thành hiện nay là 59,2±8,9 kg và của nữ là 50,8±6,6 kg, chênh lệch nam-nữ khoảng 8,4 kg. Sự khác biệt nam – nữ về trọng lượng cơ thể có ý nghĩa thống kê (t>3,29). Sự chênh lệch về trọng lượng cơ thể giữa các miền theo từng nhóm tuổi ở nam giới dao động từ 1,8÷3,0kg và ở nữ giới là 1,0÷2,8kgSự khác biệt về trọng lượng cơ thể giữa các miền có ý nghĩa thống kê khi tính chung cho 5 nhóm tuổi và ở nhiều nhóm tuổi (t>1,96). Cân nặng giữa các nhóm tuổi ở nam giới dao động từ 0,8÷3,7kg và ở nữ từ 0,4÷3,5kg. Cân nặng có xu hướng tăng theo nhóm tuổi tăng dần và sau đó giảm đi ở nhóm tuổi 50-59. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của nam giới người Việt Nam trong độ tuổi lao động hiện nay là 21,8±2,9 và nữ giới là 21,3±2,6. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới dành riêng cho người châu Á thì nam, nữ người Việt Nam hiện nay có chỉ số BMI thuộc loại bình thường. So với Atlat 1986, trọng lượng cơ thể của người Việt Nam trong độ tuổi lao động 2017-2019 khác xa so với kết quả đã công bố trong Atlat 1986 (cao hơn 10,6kg với nam và 6,5kg với nữ).

Một số chỉ tiêu nhân trắc khác có số đo trung bình khác với nhận định trong Atlat 1986: chiều cao, cân nặng, rộng mông, chiều dài chân…. Một số chỉ tiêu có số đo đạt đỉnh ở nhóm tuổi 16-19 và 20-29 và sau đó giảm dần khi độ tuổi tăng dần. Nhiều chỉ tiêu có số đo trung bình có xu hướng miền Bắc ngang bằng với miền Nam (VD: chiều cao đứng), điều này cũng khác với Atlat 1986 (xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam). Sự khác biệt giữa các miền, giữa các nhóm tuổi ở một số chỉ tiêu có ý nghĩa thống kê.

2. Kết quả đo các chỉ tiêu nhân trắc động tầm hoạt động khớp

Kết quả đo và nội suy 50 chỉ tiêu THĐ khớp chia theo 3 miền (Bắc, Trung và Nam), theo giới tính (nam, nữ), theo nhóm tuổi (16-19, 20-29, 30-39, 40-49, 50-59) được trình bày thành 50 bảng số liệu. Các kết quả đo cho thấy :

Sự chênh lệch về THĐ khớp của người miền Bắc, người miền Trung và người miền Nam không nhiều ở cả nam và nữ. Sự khác biệt giữa các vùng miền không có ý nghĩa thống kê. Sự sai khác về số đo THĐ khớp giữa nam và nữ không diễn biến theo một chiều hướng nhất định. Có chỉ tiêu nam lớn hơn nữ, nhưng cũng có chỉ tiêu nữ lớn hơn nam. Có chỉ tiêu, gía trị trung bình giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể (t<1,96), nhưng cũng không ít chỉ tiêu có chênh lệch khá lớn (t>1,96). Các số đo THĐ khớp của nam, nữ người Việt Nam có xu hướng giảm dần từ các lớp tuổi trẻ đến các lớp tuổi già hơn. Giá trị tuyệt đối của t test giữa các lớp tuổi sát cạnh nhau nhỏ hơn so với lớp tuổi ở cách xa nhau, tức là sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với mức xác suất tăng cao hơn.

So với kết quả THĐ khớp trong Atlat năm 1997, THĐK giai đoạn 2017-2019  thay đổi không nhiều.

3. Kết quả đo các chỉ tiêu nhân trắc động tầm hoạt động của tay

Kết quả đo và nội suy THĐ của tay trên 9 mặt phẳng ngang (-48, -36, -24, -12, zero, +12, +24, +36, +48) theo 4 lớp tuổi (16-19, 20-29, 30-39, 40-49) thuộc hai miền (miền Bắc và miền Nam với n=2873 người) được trình bày đầy đủ thành 72 bảng số liệu. Từ các kết quả đo cho thấy:

Quan sát số liệu kết quả đo THĐ tay trên 9 mặt ngang cho thấy ở những độ cao khác nhau thì THĐ của tay, đặc biệt là bên phía nghịch (bên trái với tay phải và bên phải với tay trái) đạt được mức tối đa khác nhau. Ở các mặt ngang -24, -12, zero thì tầm với tay thường đạt tới góc nghịch 600. Đó là những mặt ngang mà trên đó tầm với tay vươn rộng nhất sang bên phía nghịch. Ngược lại, ở mặt ngang -48, các đối tượng chỉ đạt tới góc nghịch là 00 (với nam) hoặc 150 (với nữ).

Do chiều cao đứng trung bình của nam miền Bắc và nam miền Nam, của nữ miền Bắc và nữ miền Nam chênh lệch không nhiều ở mọi lớp tuổi (t <1,96) nên giá trị trung bình THĐ tay của người miền Nam tuy có lớn hơn của người miền Bắc, nhưng sự khác biệt đó cũng không có ý nghĩa thống kê (|t| <1,96) ở cả 4 lớp tuổi, ở cả tay phải và tay trái, ở cả nam và nữ

Xu hướng chung là THĐ của tay phải lớn hơn tay trái, nhưng sự chênh lệch đó không  nhiều.Giá trị t test THĐ của tay phải và tay trái ở cả nam và nữ, ở cả miền Bắc và miền Nam và ở tất cả các lớp tuổi đều không vượt quá 1,96, tức là sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Tương tự như các đặc điểm nhân trắc tĩnh, THĐ tay thường đạt lớn nhất ở lớp tuổi 20-29, tiếp đến lứa tuổi 30-39 và lứa tuổi 40-49. Xu hướng đó cũng thể hiện ở số đo THĐ tay trên nhiều toạ độ không gian của nam, nữ ở cả hai miền Bắc, Nam. Giá trị tuyệt đối của t test giữa các lớp tuổi cạnh nhau nhỏ hơn so với lớp tuổi ở cách xa nhau, tức là sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với mức xác xuất tăng cao hơn.

THĐ tay của nam giới lớn hơn nữ giới từ 5-7cm. Sự sai khác về THĐ tay giữa nam và nữ là một đặc điểm xác thực và có ý nghĩa thống kê ở mức xác suất lớn nhất (t>3,26).

Theo dõi số đo THĐ tay trên mặt dọc thì thấy, số đo lớn dần từ trên xuống dưới cho đến độ cao -12cm là lớn nhất, sau đó lại nhỏ dần xuống phía dưới. Nhận xét này phù hợp với hình thế giải phẫu vì cánh tay, cẳng tay và bàn tay ở trên mặt ngang zero và -12cm đều nằm trên cùng một hướng. Ngoài ra, những số đo trên các mặt phía dưới (mặt âm so với mặt zero) đều lớn hơn số đo trên mặt ngang đối xứng ở phía trên.  

KẾT LUẬN

– Đề tài đã hoàn thành việc đo đạc và xử lý thống kê số liệu các chỉ tiêu nhân trắc tĩnh và động trên 5148 đối tượng nam, nữ độ tuổi lao động ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Từ kết quả đo trực tiếp và nội suy, bộ dữ liệu của 136 chỉ tiêu nhân trắc tĩnh, 50 chỉ tiêuTHĐ khớp và THĐ tối đa của tay trên 9 mặt phẳng ngang được chia theo giới tính với5 nhóm tuổi và 3 miền khảo sát như đã công bố trong 3 tập Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong độ tuổi lao động đã được hoàn thành và làm cơ sở để biên soạn dự thảo
Atlat tĩnh và động của người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn 2017 – 2019” .

– Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả đã biên soạn dự thảo “Atlat nhân trắc Ecgônômi tĩnh và động người Việt Nam trong độ tuổi lao động giai đoạn 2017 – 2019” gồm 6 chương, được chia theo 2 giới nam –nữ với 5 nhóm tuổi. Trong dự thảo Atlat, 2 chương đầu giới thiệu phương pháp nghiên cứu, một số nhận định về tầm vóc thể lực người Việt Nam giai đoạn hiện nay; 3 chương tiếp theo là các dẫn liệu nhân trắc tĩnh, các dẫn liệu THĐ khớp và các dẫn liệu THĐ tay của người Việt Nam giai đoạn 2017-2019; chương cuối cùng (chương 6) trình bày một số nguyên tắc sử dụng các dẫn liệu nhân trắc khi thiết kế thiết bị sản xuất và chỗ làm việc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động (1986). Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động – dẫu liệu nhân trắc tĩnh, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

[2]. Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động (1991). Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động – dẫu liệu nhân trắc động về tầm hoạt động của tay, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

[3]. Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động (1997). Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động – dẫu liệu nhân trắc động về tầm hoạt động khớp, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

TS. Phạm Bích Ngân

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)