Một số vấn đề về ung thư nghề nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:39(GMT +7)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (tháng 3 năm 2011), ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Năm 2008 đã có 12,7 triệu trường hợp mắc mới và 7,6 triệu trường hợp tử vong do ung thư. Ung thư liên quan đến môi trường trong đó có một trường lao động chiếm 19% với 1,3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm.

Ung thư nghề nghiệp (UTNN) là nguyên nhân của 146 000 người tử vong năm 2001, chiếm 0.3% các nguyên nhân tử vong và tổn thất là 1,4 triệu DALYs (0,1%) (WHO,2002). Tổ chức lao động thế giới (ILO, 2002) cho biết trong tổng số tử vong liên quan đến nghề nghiệp trong lực lượng lao động thì nguyên nhân do bệnh UTNN chiếm cao nhất là 32%, các bệnh tim mạch chiếm 26% và tai nạn lao động chiếm 17%. UTNN chiếm 8 đến 16% tất cả các trường hợp ung thư và ước tính có trên 600.000 người tử vong hàng năm, có nghĩa là cứ 52 giây có 1 người lao động tử vong do UTNN.

Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã phân loại 107 hóa chất, hợp chất và các tình huống tiếp xúc có thể gây ung thư với con người. Hiện trong danh mục bệnh nghề nghiệp của ILO 2010, ung thư nghề nghiệp là một trong 4 nhóm bệnh chính với 20 bệnh trong tổng số 105 bệnh nằm trong danh mục. Bệnh ung thư nghề nghiệp trong danh mục này được xác định do 20 yếu tố gây ra bao gồm Amiang, Benzidine, Bis-chloromethyl ether (BCME), Hợp chất Chrom VI, Dầu hắc ín từ muội than, bò hóng, than đá, Beta-naphthylamine, Vinyl chloride, Benzene,  Dẫn xuất amino và nitro của benzene và đồng đẳng của benzene; Chất phóng xạ ion hóa; Hắc ín, nhựa đường, dầu khoáng hoặc hợp chất, sản phẩm của nó; Khói lò than; Hợp chất; Bụi gỗ; Arsenic và các hợp chất; Beryllium và các hợp chất; Cadmium và các hợp chất; Erionite; Ethylene oxide; Virut Viêm gan B và C.

3 loại ung thư nghề nghiệp thường gặp nhất là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô và ung thư bang quang. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 10 trường hợp ung thư phổi có một trường hợp liên quan đến nguy cơ tại nơi làm việc.

Các chất gây ung thư phổi bao gồm amiăng, radon -phóng xạ, arsen, silic, cadmium, nickel. Các chất gây ung thư máu gồm Benzen, các chất phóng xạ, oxit ethylen. Amiăng gây bệnh bụi phổi và ung thư trung biểu mô ác tính. WHO cũng cho biết việc phơi nhiễm với amiăng ở nơi làm việc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 125 triệu người trên toàn thế giới và gây tử vong cho khoảng 90.000 người mỗi năm. Radon là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi  ở nhiều quốc gia. Ngoài ra còn có thêm hàng ngàn người chết vì ung thư máu do bị phơi nhiễm benzene, một hợp chất hữu cơ được sử dụng trong sản xuất cao su, thuốc nhuộm và thuốc trừ sâu. 

Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt, xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm ngày càng giảm và các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng như ung thư, tim mạch và đái tháo đường. Uớc tính hàng năm ở Việt Nam có khoảng 120.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 75.000 trường hợp chết vì ung thư. Con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Số liệu thống kê năm 2010 của ngành y tế cho thấy, 10 loai ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi có tỉ suất mắc cao nhất với 35,1/100.000 dân, tiếp đến là ung thư dạ dày (24,5/100.000), ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thu vòm, ung thư hạch, ung thư máu, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư khoang miêng. Trong khi đó, với nữ giới, ung thư vú lại là loại ung thư thường gặp nhất với tỉ suất mắc là 29,9/100.000, tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư phế quản phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dạy, ung thư tuyến giáp, ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư hạch và ung thư máu.

Theo WHO, để xác định UTNN thường khó hơn nhiều so với nhiều loại bệnh ung thư khác hoặc các bệnh nghề nghiệp khác, vì các yếu tố ung thư trong nghề nghiệp cũng tồn tại trong tự nhiên. Ở Việt Nam, ung thư nghề nghiệp hiện nay chưa được đưa vào danh mục các BNN được bảo hiểm. Tuy nhiên trong danh mục BNN được bảo hiểm có các bệnh liên quan đến các chất gây ung thư như Silic, Ben zen, Amiăng…là bệnh bụi phổi-silic, nhiễm độc benzen, bụi phổi-amiang.

Các nghiên cứu về mối liên quan giữa ung thư và nghề nghiệp còn rất ít và chủ yếu là các nghiên cứu nhỏ lẻ, không hệ thống. Số liệu báo cáo kết quả khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cũng cho thấy tỷ lệ bị ung thư chưa được xác định có liên quan đến nghề nghiệp có xu hướng ngày càng tăng trong giai đoạn 2001-2011 với tỷ lệ dao động từ 0,024%-0,05%.

Theo đánh giá tổng quan về chính sách phòng chống ung thư nghề nghiệp tại Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Tú, Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phòng chống chấn thương thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Health Bridge Canada, hiện còn rất nhiều bất cập về văn bản pháp quy cũng như chưa có chương trình phòng chống ung thư nghề nghiệp ở Việt Nam. Các công ước quốc tế, chiến lược và các kinh nghiệm phòng chống ung thư nghề nghiệp trên thế giới đủ để có thể áp dụng vào Việt Nam.

Hiện đã có nhiều công ước quốc tế về ung thư nghề nghiệp cũng như các tác nhân gây ung thư nghề nghiệp trong đó phải kể đến một số công ước như: Công ước 170 năm 1990 của ILO về an toàn sử dụng hóa chất tại nơi làm việc; Công ước 162 năm 1986 của ILO về Amiăng, Nghị Quyết năm 2006 về Amiăng; Công ước Benzene số 136, 1971 của ILO; Công ước 155 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp năm 1981 của ILO; Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, 2003. Công ước số 139 về kiểm soát và phòng ngừa các yếu tố nghề nghiệp độc hại do các chất hoặc các tác nhân gây ung thư, năm 1974 (ILO). Ngoài ra còn một số công ước liên quan đến hóa chất và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như Công ước Rodtedam 2004 của UNEP/FAO; Công ước Stockholm 2001, UNEP; Công ước Basel 1989 UNEP về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ. Trong số các công ước trên, Việt Nam mới tham gia phê chuẩn 4 Công ước đó là Công ước 155, Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá, Công ước Stockholm 2001 và Công ước Basel 1989.

Ở Việt Nam, các nội dung liên quan đến BNN và UTNN đã được đề cập trong Luật An toàn Hóa chất, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên việc triển khai trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập như chưa có danh mục các bệnh ung thư nghề nghiệp trong danh mục bệnh nghề nghiệp của Việt Nam, chưa có chiến lược, chương trình hành động quốc gia và chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về các hóa chất gây ung thư nghề nghiệp cũng như các nghiên cứu quy mô lớn đối với vấn đè này.

Trước thực trạng trên một số định hướng đối với công tác phòng chống ung thư nghề nghiệp trong thời gian tới ở Việt Nam là xây dựng bổ sung ung thư nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp, thiết lập hệ thống giám sát ung thư nghề nghiệp ở Việt Nam, đưa các nội dung liên quan đến phòng chống ưng thư nghề nghiệp vào trong Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động hiện đang được xây dựng, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khám phát hện ung thư nghề nghiệp và tăng cường giáo dục truyền thông về ung thư nghề nghiệp.

 Việc thực hiện các chính sách, hoạt động phòng chống BNN và UTNN là một vấn đề đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát UTNN, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch tham gia phê chuẩn các công ước quốc tế, để cùng chung tay với cộng đồng quốc tế trong hành trình phòng chống bệnh UTNN và các BNN có liên quan khác.


(Nguồn tin: (Theo: Tài liệu Dự án Bảo vệ sức khỏe người lao động do Bộ Y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam))