Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường và điều kiện làm việc đến sức khỏe của điện thoại viên; đề xuất giải pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe người lao động
Bs. Võ Quang Đức
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghề điện thoại viên là một công việc đặc thù vừa mang tính chất của người làm việc với máy tính trong thời gian dài trong phòng kín, vừa tiếp xúc với tiếng ồn liên tục từ tai nghe Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về sức khỏe của điện thoại viên, nghiên cứu của Viện An toàn Vệ sinh Lao động của Mỹ (NIOSH) [8]về điều kiện làm việc của điện thoại viên cho thấy, tư thế ngồi làm việc không phù hợp, kéo dài; cường độ làm việc cao; sử dụng bàn phím máy tính gây nên đau mỏi cổ, vai, gáy, tay, ngón tay, lưng; tiếng ồn liên tục quá mức từ tai nghe (headset, headphone) của nhân viên điện thoại có thể lên đến 85dB Leq/8h hoặc tiếng ồn xung (impulse sounds) có thể lên đến 120 dB SPL (sound pressure level) là nguyên nhân gây nên các triệu chứng nhức đầu, ù tai, nhức tai, chóng mặt, lãng tai…Ở trong nước, chúng tôi nhận thấy chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của vi khi hậu, tiếng ồn từ tai nghe, tư thế, cường độ làm việc đến sức khỏe của điện thoại viên và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho họ. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài này là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích cho người lao động. Đề tài có 02 mục tiêu nghiên cứu :
– Đánh giá được ảnh hưởng của môi trường và điều kiện làm việc đến sức khỏe của điện thoại viên.
– Đề xuất được giải pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe người lao động
2. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượngnghiên cứu: 45 điện thoại viên ở 4 tổng đài điện thoại:
– Tổng đài dịch vụ 1080.
– Tổng đài 116, tổng đài 119.
– Tổng đài Công ty Cổ phần Ánh Dương VINASUN.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: đề tài sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang mô tả, kết hợp nghiên cứu định tính và hồi cứu.
2.2.2. Các kỹ thuật sử đụng trong nghiên cứu: đo đạc vi khí hậu, khí CO2, tiếng ồn tại thiết bị tai nghe bằng các thiết bị chuyên dụng theo quy định. Khảo sát khả năng chú ý bằng test Schulter-Platonov. Khảo sát mạch, huyết áp trước – sau ca lao động. Khám mắt và các test đánh giá về căng thằng thị giác. Khảo sát về tư thế lao động và ergonomic của điện thoại viên, kiểm tra tình hình rối loạn cơ xương
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
3.1. Môi trường lao động
Môi trường lao động của điện thoại viên mang đặc trưng phòng kín: độ ẩm thay đổi trong khoảng 53 – 67,1%, và tốc độ gió trong khoảng 0,1 – 0,5 m/s trong giới hạn cho phép. Vi khí hậu: tạo cảm giác dễ chịu khi nhiệt độ trong khoảng 230 – 250C. Một số phòng làm việc còn ít thông thoáng, các mẫu đo có hàm lượng cacbonic trung bình 8 giờ cao hơn tiên chuẩn cho phép 1,1 lần (1000mg), gây cảm giác ngột ngạt, uể oải, mệt mỏi; Mức độ chiếu sáng một số nơi còn thiếu, nhiều nơi bóng đèn lão hóa chưa kịp thay. Trong khi yêu cầu tối thiểu theo quy định tiêu chuẩn vệ sinh 300 lux. Trên bề mặt bàn làm việc thì hầu hết các chỗ làm việc đều dưới 300 lux, nhiều nơi còn tối hơn nữa (200 lux). Hầu hết các tổng đài đều sử dụng bóng đèn néon 1,2m với chấn lưu từ do đó có hiện tượng ánh sáng nhấp nháy, không liên tục, ánh sáng nhấp nháy từ màn hình là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất gây tình trạng suy giảm nhanh về thị lực, đau đầu. Tỷ lệ than phiền nhức đầu thường xuyên cao, nhiều trường hợp phải đo điện não đồ để kiểm tra; Bức xạ và điện từ trường được ghi nhận là có nhưng rất thấp so với tiêu chuẩn an toàn.
Tiếng ồn từ tai nghe được đo bằng cách áp sát microphone của máy đo ồn vào tai nghe của điện thoại viên hoặc đưa hẳn vào trong chụp tai nghe nếu chụp tai loại lớn (do hiện nay chưa có qui định phương pháp đo tiếng ồn từ tai nghe). Khi có một cuộc gọi đến, điện thoại viên giao dịch với khách hàng bình thường, ghi nhận kết quả đo ồn từ tai nghe của 45 điện thoại viên các tổng đài (VNS: 17; VTSG 14; TĐ 116, 119: 14) ồn từ tai nghe đo được trong khoảng 68 – 86,5. Tiếng ồn này phụ thuộc vào từng cuộc gọi, vào môi trường xung quanh.Trong đó tiếng ồn trung bình của tổng đài VNS thấp nhất và cao nhất là tổng đài 1080.
Tiếng ồn chung trong phòng làm việc không cao (50 – 65dBA) không vượt tiêu chuẩn cho phép, nhưng tiếng ồn từ tai nghe cao hơn tiêu chuẩn (68 – 86,5dBA), người điện thoại viên tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn từ tai nghe gây ra suy giảm thính lực. Giảm thính lực của điện thoại viên là rõ ràng và mắc với tỷ lệ khá cao (năm 2010: 41,3%; năm 2011: 28,8%; năm 2012: 25,7%). Riêng tổng đài taxi không có số liệu khám hàng năm, nhưng qua đo thính lực sơ bộ chúng tôi ghi nhận tỷ lệ giảm thính lực rất cao (VNS 32,3%), đặc biệt có nhiều điện thoại viên mới vào làm 4 – 9 tháng (giảm 4,6%). Kết quả nghiên cứu lần này một lần nữa khẳng định phát hiện giảm thính lực ở điện thoại viên của Phân Viện Bảo hộ Lao động chúng tôi vào năm 2003 là hoàn toàn có cơ sở.
3.2. Sức khỏe của người lao động
– Cường độ lao động ở mức trung bình không quá căng thẳng, tuy nhiên tư thế ngồi làm việc liên tục kéo dài, bàn ghế không hợp lý làm cho nhiều người thấy đau lưng nhức mỏi cổ, tay chân sau một ngày làm việc, đã có 4 trường hợp chẩn đoán hội chứng ống cổ tay.
– Tổ chức lao động luân phiên theo ba ca, mỗi ca 7 giờ; áp lực công việc lớn. Làm việc ở tư thế ngồi gò bó, kích thước bàn ghế làm việc, khoảng cách và góc nhìn chưa hợp lý.
– Tính chất lao động và Tâm lý lao động: Điện thoại viên đòi hỏi độ tập trung chú ý, trí nhớ và thính giác cao, mỗi điện thoại viện tiếp nhận trên 500 cuộc gọi trong một ca lao động. Luôn chịu áp lực thời gian từ phía khách hàng, gây trạng trạng thái căng thẳng thường xuyên.
– Biến đổi các chỉ số tâm sinh lý cơ bản ở thời điểm sau ca lao động so với trước ca, thể hiện căng thẳng thần kinh tâm lý, mệt mỏi do quá trình tác nghiệp như sau:
– Mức độ biến đổi độ tập trung chú ý, thời gian phản xạ Schulter – Platonov, biến đổi mạch, huyết áp trước và sau ca tăng có ý nghĩa thống kê.
– Tình hình sức khỏe chung là trung bình, tuy nhiên cũng đã thấy rõ một số bệnh thường gặp ở điện thoại viên có xu hướng tăng cao, thể hiện hậu quả tác động của điều kiện lao động bất lợi như: biểu hiện tác động của môi trường như tai mũi họng 29,1 ÷ 34,8 %. Đặc biệt tình trạng tật khúc xạ, suy giảm thị lực 29,6 ÷31,4%, và dấu hiệu tăng nhãn áp 5,7 ÷ 19,8%, thoái hóa võng mạc 5,6 ÷ 14,9%, đau đầu 8,5 ÷ 13,1%, liên quan với thời gian sử dụng màn hình kéo dài, ánh sáng nhấp nháy với tỷ lệ cao đáng lo ngại, có ý nghĩa thống kê. Cần cấp thiết có biện pháp khắc phục.
– Tình trạng đau lưng, thoái hóa cột sống cung đáng báo động 10,8 ÷ 15%, đau cổ tay, ngón tay 7,1 ÷ 8,9%, đã có 07 trường hợp hội chứng ống cổ tay.
– Việc tổ chức chế độ làm việc, bố trí các thành phần thiết bị cũng như cấu tạo của bàn, ghế chưa đảm bảo tốt yêu cầu ergonomic. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo ra các gánh nặng lao động.
3.3. Kiến nghị các giải pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe người lao động
3.3.1 Về môi trường làm việc:
– Kiểm tra thường xuyên nồng độ CO2, bảo đảm nồng độ CO2 dưới mức cho phép.
– Tăng cường chiếu sáng, thay thế bóng đèn lão hóa kịp thời, sử dụng chấn lưu điện tử vừa tiết kiệm điện và loại bỏ hiện tưởng ánh sáng nhấp nháy. Điều chỉnh độ sáng màn hình, tần số làm tươi mới thích hợp để làm giảm hiện tượng mỏi mắt, nhức đầu.
– Bàn, ghế, cabin làm việc: thiết kế, bố trí cần theo đúng nguyên tắc 5 – vị trí lao động với máy vi tính.
3.3.2. Về giám sát sức khỏe người lao động
– Đo thính lực cho những người thường xuyên sử dụng tai nghe như điện thoại viên, trung tâm chăm sóc khách hàng … khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp.
– Đo cường độ ồn môi trường làm việc chung, đo tiếng ồn từ tai nghe theo dãy tần số.
Hạn chế sử dụng tai nghe một tai, nên dùng loại hai tai, chất lượng tốt, hướng dẫn người lao động cách điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để giảm nguy cơ điếc nghề nghiệp. Hệ thống tổng đài phải bảo đảm ổn định, tránh hiện tượng nhiễu sóng, tiếng hú.
– Chế độ khám mắt định kỳ cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
– Bên cạnh việc khám mắt cũng cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe chung. Đặc biệt là tình trạng hoạt động của các đốt sống cổ, lưng, cơ khớp ngón tay, hệ tim mạch và hệ thần kinh.
– Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để công nhận điếc nghề nghiệp ở điện thoại viên.
3.3.3. Về chế độ làm việc và nghỉ ngơi
– Nếu làm việc với công việc có cường độ cao cần có 15 phút nghỉ sau mỗi 2 giờ lao động, với cường độ công việc nhẹ hơn thì ít nhất sau 1 tiếng làm việc phải được nghỉ giải lao 15 phút.
– Lựa chọn động tác thể dục để thư giãn giải lao.
4. KẾT LUẬN
4.1. Ảnh hưởng của môi trường và điều kiện làm việc đến sức khỏe của điên thoại viên
Môi trường làm việc còn ít thông thoáng gây cảm giác ngột ngạt, uể oải, mệt mỏi; Mức độ chiếu sáng một số nơi còn thiếu có hiện tượng ánh sáng nhấp nháy, không liên tục gây tình trạng suy giảm nhanh về thị lực và đau đầu; tiếng ồn từ tai nghe ở một số vị trí cao hơn tiêu chuẩn cho phép gây suy giảm thính lực; tư thế ngồi làm việc liên tục kéo dài gò bó kết hợp với bàn ghế không hợp lý làm cho nhiều người thấy đau lưng nhức mỏi cổ, tay chân sau một ngày làm việc; áp lực công việc lớn gây trạng thái căng thẳng thường xuyên.
4.2. Đề xuất một số giải pháp bảo vệ sức khỏe người lao động : đề tài đề xuất được 03 giải pháp
– Cải thiện môi trường làm việc;
– Giám sát sức khỏe người lao động ;
– Điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp đối với người lao động.
(Nguồn tin: Nilp.vn)