Nghiên cứu hồi cứu điều tra tình hình bệnh tật của công nhân tại một số đơn vị dịch vụ công ích tại TP. Hồ Chí Minh năm 2014

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

Tóm tắt
Nghiên cứu hồi cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá khuynh hướng bệnh tật ở nhóm công nhân vệ sinh thành phố tại Tp. Hồ Chí Minh để có được cái nhìn tổng quan về tình hình, cơ cấu bệnh tật của công nhân. Kết quả nghiên cứu hồi cứu số liệu khám tổng quát cho công nhân tại các đơn vị dịch vụ công ích năm 2014 cho thấy một số bệnh tật phổ biến của công nhân thường hay bị các bệnh về mắt, về đường hô hấp, cơ xương khớp, viêm gan B và rối loạn chuyển hóa lipid (gan nhiễm mỡ). Trong đó bệnh về mắt có 692 ca bệnh lý trong số 1502  lượt khám, chiếm 46,07%; trong đó có 211 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm tới 30,49% và 157  trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm tới 22,69%. Tật khúc xạ chiếm tỷ lệ lớn, có tới 525 trường hợp trong số 1502 lượt khám, chiếm tới 34,95%; trong đó có 188 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm tới 35,81%  số ca bệnh và 150  trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm tới 28,57%. Công nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ phát hiện được 191 ca bệnh trong số 1303 lượt khám, chiếm 14,66%. Trong đó có 40 nam CNVS, chiếm 20,94% và 25 ca bệnh lý của nữ CVNS chiếm 13,09%. ….và các kết quả khám lâm sàng đều cho một xu hướng chung là tỷ lệ mắc bệnh ở nam CNVS cao hơn nữ CNVS. 
I. Đặt vấn đề
Công nhân vệ sinh đường phố làm việc trong môi trường rất đặc thù là làm việc hoàn toàn ngoài trời, trên đường phố và theo ca kíp… Tất cả những loại hình công việc mà công nhân vệ sinh đường phố tại các đơn vị dịch vụ công ích thường phải đối mặt với những vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động và  tai nạn giao thông, ảnh hưởng của sự thay đổi nhịp sinh học do việc làm ca kíp, có nguy cơ gây các bệnh về cơ xương khớp, bệnh về đường hô hấp và bệnh da liễu …Vì thế , cần tiến hành  nghiên cứu hồi cứu xác định tình hình mắc bệnh tật ở nhóm công nhân vệ sinh thành phố tại Tp. Hồ Chí Minh để có được cái nhìn tổng quan về xu hướng  cơ cấu bệnh tật của công nhân, từ đó  giúp cho doanh nghiệp có những kế hoạch bố trí công việc hợp lý, hạn chế những yếu tố bất lợi từ điều kiện làm việc và cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, giúp cho doanh nghiệp định hướng bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại cho công nhân sát với thực tế công việc và đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, đây cũng là nghiên cứu ban đầu giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu để xác định những bệnh tật liên quan đến nghề ở nhóm công nhân này.
II. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu: hồ sơ khám sức khỏe của NLĐ tại các công ty môi trường đô thị từ năm 2014 ở 10 đơn vị dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Danh sách các công ty dịch vụ công ích Quận 3, quận 4, quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và huyện Cần Giờ) .
2.2. Nội dung nghiên cứu.
Nghiên cứu tổng hợp tình hình sức khỏe người lao động tại công ty dịch vụ công ích ở Tp. Hồ Chí Minh (tập trung vào một số bệnh lý điển hình, phổ biến) thông qua hồi cứu hồ sơ khám sức khỏe của NLĐ tại một số công ty DVCI năm 2014.
2.3. Phương pháp nghiên cứu:  sử dụng phương pháp nghiên hồi cứu điều tra số liệu tình hình sức khỏe người lao động tại công ty dịch vụ công ích ở Tp. Hồ Chí Minh thông quan hồi cứu hồ sơ khám sức khỏe của NLĐ tại các công ty môi trường đô thị từ năm 2014. Số liệu hồi cứu sau đó được thống kê bằng phần mềm Microsoft Excell 2010.
III.    Kết quả nghiên cứu 
3.1. Kết quả tổng hợp khám sức khỏe định kì năm 2014 về lâm sàng :

* Ghi chú: Số lượng NV khám: bao gồm cả nhóm công nhân vệ sinh và các nhóm công nhân các trong các đơn vị dịch vụ công ích 
Nhận xét: Qua bảng 1 cho thấy như sau:
* Về các bệnh chuyên khoa:
– Bệnh da liễu phát hiện có 63 trường hợp trong 1042  lượt khám, chiếm 6,05%; trong đó có 2 trường hợp bệnh lý của nam công nhân vệ sinh đường phố (gọi tắt là CNVS), chiếm 3,17% số bệnh lý và 1 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS chiếm 1,59% số bệnh lý.
– Bệnh về mắt có 692 ca bệnh lý trong số 1502  lượt khám, chiếm 46,07%; trong đó có 211 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm tới 30,49% và 157  trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm tới 22,69%. Tật khúc xạ chiếm tỷ lệ lớn, có tới 525  trường hợp trong số 1502 lượt khám, chiếm tới 34,95%; trong đó có 188 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm tới 35,81%  số ca bệnh và 150  trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm tới 28,57%. 
– Về huyết áp, kết quả khảo sát chủ yếu ghi nhận bệnh lý huyết áp cao, có 198 ca bệnh lý trong số 1503  lượt khám, chiếm 12,91%; trong đó có 32 trường hợp bệnh lý của nam CNVS và 20 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS chiếm tỷ lệ lần lượt là 16,49 và 10,31%
Như vậy, kết quả khám lâm sàng 2014 cho thấy nhóm công nhân vệ sinh đường phố bị bệnh về mắt nói chung chiếm tỷ lệ cao ở cả nam và nữ và không có sự khác biệt có nghĩa giữa hai nhóm nam và nữ (p<0,05). Bệnh cao huyết áp cũng ghi nhận kết quả tương tự, cả nhóm công nhân nam và nữ có tỷ lệ tương đương nhau và không có sự khác biệt ý nghĩa giữa hai nhóm (p<0,05).
*Về  bệnh cơ, xương khớp:
+ Kết quả hồi cứu sức khỏe công nhân phát hiện có 16 trường hợp bị thoái hóa khớp trong số 446 lượt khám (chiếm 3,15%) và đáng chú ý là 16 trường hợp này hầu như toàn bộ rơi vào nhóm CNVS với 5 trường hợp của nhóm nam CNVS đường phố, chiếm 31,25%, 9 trường hợp của nữ CNVS, chiếm 56,25%.
+ Số liệu về bệnh thoái hóa cột sống và đau cột sống ngực cũng cho kết quả tương tự như trường hợp thoái hóa khớp, các trường hợp bệnh lý phát hiện tuy ít  nhưng  hầu như đều thuộc nhóm CNVS đường phố. Cụ thệ, đau cột sống ngực chỉ có 2 trường hợp nhưng lại rơi vào nhóm nữ CNVS, thoái hóa cột sống có 4 trường hợp thì 2/4 trường hợp của nhóm nữ CNVS và 1/4 trường hợp của nhóm nữ CNVS.
+ Số công nhân bị gãy xương phát hiện được 15 trường hợp trong số 1191 lượt khám, trong đó nhóm CNVS chiếm 7/15 ca bệnh lý với 5/15 ca bệnh của nam CNVS chiếm 33,33% và 2/15 trường hợp của nữ CNVS chiếm 13,33%.
* Về bệnh Phụ khoa 
– Kết quả siêu âm phụ khoa phát hiện được 35 ca bệnh lý trong số 296 lượt khám, trong đó 23/35 trường hợp bệnh lý lại thuộc nhóm nữ CNVS. Bệnh nang buồng trứng phát hiện có 13 ca thì có 10/13 ca bệnh thuộc nhóm nữ CNVS (chiếm 76,92%) ca bệnh lý. U xơ tử cung phát hiện có 10 ca bệnh trong 296 lượt khám thì có 4/10 ca bệnh thuộc nhóm nữ CNVS (chiếm 40%) ca bệnh lý. 
3.2.Kết quả tổng hợp khám sức khỏe định kì năm 2014 về cận lâm sàng

Nhận xét ; Qua bảng 2 cho thấy:
– Kết quả xét nghiệm về đường huyết cho thấy, có 113 ca bệnh lý trong số 1753 lượt khám, chiếm 6,05%; trong đó có 44 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 38,94 % và 18 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm 15,93%.
– Kết qủa xét nghiệm urea – creatinine đánh giá chức năng thận cho thấy có 418 trường hợp có bẩt thường với chỉ số Bun- creatinine, chiếm 29,44%. Trong đó có 72 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 17,22% và 33 ca bệnh lý của nữ CNVS chiếm  7,89%.
– Kết quả xét nghiệm về bilan mỡ cho thấy, có 418 ca bệnh lý trong số 1306  lượt khám, chiếm 32,01%; trong đó có 140 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 33,39% và 48 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm 11,48%.
–  Kết quả xét nghiệm về men gan cho thấy, có 288 ca bệnh lý trong số 1425 lượt khám, chiếm 20,21%; trong đó có 96 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 33,33% và 21 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm 7,29%.
–  Kết quả xét nghiệm về tầm soát bệnh gout cho thấy, có 40 ca bệnh lý trong số 183 lượt khám, chiếm 21,86%; trong đó có 20  trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 50% và không có  trường hợp bệnh lý nào của nữ CNVS.
–  Kết quả tổng phân tích nước tiểu cho thấy, có 87 ca bệnh lý trong số 961 lượt khám, chiếm 9,05%; trong đó có 6  trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 6,9% và 46 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm 52,87%.
–  Kết quả xét nghiệm về HbsAg chẩn đoán viêm gan B cho thấy, có 87 ca bệnh lý trong số 1021 lượt khám, chiếm 8,52%; trong đó có 43 trường hợp bệnh lý của nam CNVS, chiếm 49,43% và 9 trường hợp bệnh lý của nữ CNVS, chiếm 10,43%.
Như vậy, kết quả từ các xét nghiệm của công nhân cho thấy, đáng chú ý có các chỉ số về đường huyết, xét nghiệm men gan và bilan mỡ bất thường rơi vào nhóm CNVS rất cao và cao ở cả nam và nhóm CNVS nữ. Đặc biệt kết quả tầm soát bệnh gout cho thấy trong 40 ca bệnh lý có phát hiện thấy nồng độ acid uric trong máu tăng thì đã có 50% trường hợp rơi vào nhóm công nhân nam và không phát hiện trường hợp nào ở nhóm công nhân nữ, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Đáng chú ý về kết quả xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B chiếm tỷ lệ rất cao trong công nhân viên ở các công ty DVCI, trong đó nhóm CNVS chiếm 52/87 trường hợp và có sự khác biệt giữa ý nghĩa giữa nam và nữ CNVS (p<0,05).
* Kết quả chụp X- quang tim phổi kỹ thuật số.
Kết quả chụp X- quang tim phổi kỹ thuật số cho kết quả đáng chú ý ở các trường hợp bệnh lý về xơ phổi, lao phổi và nghi ngờ bị lao phổi cần được theo dõi và khám chuyên khoa giống như kết quả khám lâm sàng của năm 2012 và 2013. Điều đáng chú ý là các ca bệnh lý này nhóm công nhân vệ sinh đường phố chiếm đại đa số với tỷ lệ cao và hầu như các ca bệnh lý về phổi tập trung ở nhóm công nhân vệ sinh đường phố giống như kết quả hồi cứu được của năm 2012, 2013. Cụ thể, phát hiện được 30 trường hợp xơ phổi trong 1303 lượt khám thì đó lại là 16 ca bệnh lý của nam CNVS, hoặc có 20 trường hợp lao phổi cũ trong 905 lượt khám thì 12 trường hợp lại rơi vào nhóm nam CNVS, hoặc có 10 trường hợp nghi lao phổi trong 1138 lượt khám, cần được theo dõi và điều trị thì lại có 5 trường hợp rơi vào nhóm nam CNVS, chiếm tới 50% số ca bệnh lý. Nhóm nữ CNVS bị các bệnh về phổi chiếm tỷ lệ ít hơn nam giới và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Ngoài ra, có phát hiện 3 ca bệnh có bóng tim lớn trong số 1 ca bệnh lý (chiếm 57,14% số ca bệnh lý về tim).
Số liệu hồi cứu năm 2014 không phát hiện trường hợp xơ phổi, theo dõi xơ phổi viêm phổi hay bị bóng tim lớn ở nữ CNVS. 
* Kết quả siêu âm.
Kết quả siêu âm cho thấy một số vấn đề về sức khỏe của công nhân đáng chú ý như sau:
– Số công nhân bị nang thận có 14 trường hợp trong số 1303 lượt siêu âm, chiếm 1,07%; trong đó hầu hết tập trung vào nhóm nam  CNVS với tổng số 9/14 ca bệnh, chiếm 64,29 % và không phát hiện thấy trường hợp bệnh lý ở nữ.
– Công nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ chiếm tỷ lê cao, phát hiện được 191 ca bệnh trong số 1303 lượt khám, chiếm 14,66%. Trong đó có 40 nam CNVS, chiếm 20,94% và 25 ca bệnh lý của nữ CVNS chiếm 13,09%. 
–  Tỷ lệ công nhân bị bệnh sỏi túi mật là 1,46%, phát hiện được 19 ca bệnh trong số 1303 lượt khám. Trong đó có 4 nam CNVS và 1 nữ CNVS, chiếm tỷ lệ lần lượt là 21,05% và 5,26% số ca bệnh lý.
–  Tỷ lệ công nhân bị sỏi thận là 2,76%, phát hiện được 36 ca bệnh trong số 1303 lượt khám. Trong đó có 6 nam CNVS và 6 nữ CNVS, chiếm tỷ lệ bằng nhau là 16,67%  số ca bệnh lý 
– Kết quả siêu âm tim phát hiện được 10 ca bệnh lý liên quan đến tim mạch trong 691 lượt khám. Trong đó có 7 nam CNVS, chiếm 70 % và không có ca bệnh lý của nữ CVNS.
–  Kết quả siêu âm tuyến vú phát hiện được 37 ca bệnh lý trong số 197 phụ nữ thực hiện khám. Trong số đó có nữ CNVS chiếm tỷ lệ cao, có 26/37 phụ nữ thuộc nhóm CNVS, chiếm 70,27% số ca bệnh lý.
    IV Bàn luận:  
          Công nhân thu gom rác hàng ngày phải làm việc với thời tiết khắc nghiệt ngoài trời, điều kiện làm việc kém vệ sinh, không khí bị ô nhiễm do bụi, tiếng ồn, mùi hôi của rác, khí thải giao thông, thậm chí là tai nạn giao thông.  Theo Thông tư số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, quét rác đường phố được xếp vào công việc có điều kiện lao động loại IV, là một công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vì phải thường xuyên tiếp xúc với rác bẩn và bụi nồng độ cao [5]. 
Theo một thống kê tại công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội thì hơn 3.000 công nhân của công ty hàng năm phải thu gom vận chuyển trên 350.000 m3 rác và phế thải của thành phố bao gồm từ cả phế thải của các hộ dân cư, bệnh viện và cơ sở sản xuất … đó là chưa kể đến một khối lượng phân tươi lên tới 30.000 tấn/năm mà cư dân trong các khu nhà thiếu vệ sinh thải ra cũng do chính công nhân của công ty này thu dọn…. số liệu khám sức khỏe của một công ty môi trường đô thị (1995) như sau [1]:

Như vậy, tỷ lệ về các bệnh nội khoa, ngoài da, TMH, RHM và các bệnh về mắt của công nhân làm vệ sinh công cộng nói chung rất cao, cao nhất là công nhân quét rác.Vấn đề về lao động làm công việc dọn rác cũng đã từng được đề cập đến trong một phần của đề tài NCKH năm 1992 tại PV Bảo hộ lao động tại Tp Hồ Chí Minh của tác giả Trần Văn Trinh với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp quản lý và kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc của công nhân ngành dịch vụ công cộng góp phần chống ô nhiễm môi trường thành phố do việc xử lý các nguồn rác”. Trong nghiên cứu này, tác giả có phân tích về điều kiện lao động của công nhân dọn rác về các vấn đề làm việc và nghỉ ngơi, công cụ lao động, cường độ lao động, tác nhân gây ô nhiễm, ecgonomi và điều tra xã hội học. Kết quả cho thấy, công nhân nữ có các bệnh về bệnh phụ khoa chiếm tới 44,24%, bệnh đau mắt chiếm tới 36,49%, bệnh TMH chiếm tới 23.32% và bệnh da liễu chiếm tới 11,68%. Về phân loại sức khỏe, công nhân nữ có sức khỏe loại 4 là 3,14% (tức là không đủ điều kiện làm việc). Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra một số ca nhiễm lao đang điều trị dài hạn tại bệnh viện (chiếm 4,7% tại Quận 6), quận 11 có 2 người và quận1 có 20% số công nhân vệ sinh bị lao, tỷ lệ công nhân bị gai cột sống cũng đáng chú ý tới 10% số công nhân vệ sinh quận 1 [5]. Như vậy, những kết quả nghiên cứu này có nét tương đồng với kết quả hồi cứu năm 2014 nhưng tỷ lệ nhóm công nhân bị các bệnh trên đã giảm rõ rệt.
Trên thế giới, một số nước đã có công bố nghiên cứu về vấn đề sức khỏe nghề nghiệp và môi trường lao động của công nhân vệ sinh quét đường như Ấn độ, Nigeria, Iran, Thái Lan … các nghiên cứu này đều chú trọng và phát hiện thấy tỷ lệ bệnh về đường hô hấp cao ở nhóm công nhân quét đường so với nhóm đối chứng.
Năm 2007, Tổ chức Lao động thế giới ILO có công bố khảo sát vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của công nhân thu gom chất thải rắn và công nhân quét đường tại Addis Ababa, Ethiopia. Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định những nguy cơ liên quan đến vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của công nhân làm việc tại các đơn vị công ích để xác định những vấn đề còn thiếu sót về thông tin, kiến thức, kỹ năng và thái độ … về phương diện đánh giá những nguy cơ liên quan đến công nhân thu gom chất thải rắn, giám sát, đánh giá những hiệu quả của các hoạt động liên quan đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đã được thực hiện. Đáng chú ý trong nghiên cứu này, tác giả đã xác định được tỷ lệ bệnh tật và những chấn thương thường gặp của người lao công quét đường như bệnh về mắt chiếm tới 48% người được khám (bao gồm bị kích thích mắt và các bệnh về mắt), rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy chiếm tới 18,7%; bệnh về đường hô hấp như cúm và ho, bao gồm cả ho mạn tính kéo dài chiếm tới 40% trong số người quét đường được khảo sát. Nghiên cứu chỉ ra có thấy, những phương tiện hỗ trợ cơ bản dành cho công nhân quét đường quá thiếu thốn, nhất là cho phụ nữ, gia tăng tình trạng bị quấy rối tình dục ở phụ nữ [6].
Năm 2007, nhóm tác giả Bahramin A và cộng sự có công bố nghiên cứu về sự phơi nhiễm với các chất hữu cơ bay hơi (VOC) ở công nhân quét đường được đánh giá thông qua chỉ số phơi nhiễm sinh học trong nước tiểu. Nghiên cứu này được tiến hành trên 40 công nhân quét đường và 40 công nhân nhóm đối chứng sống tại thành phố Hamadan, miền đông Iran. VOC được phân tích sử dụng sắc kí khí sử dụng đầu dò FID. Chỉ số phơi nhiễm sinh học trong nước tiểu BEI được phân tích bằng sắc kí lỏng cao áp với đầu dò UV. Nồng độ các chất benzene, toluene, m&p xylene và ethyl benzene lần lượt là 39,01; 121,60; 17,12; 12,30 và 10,21 mg/m3. Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt giữa nồng độ acid hippuric trong nước tiểu ở nhóm công nhân quét đường so với nhóm đối chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa được phát hiện thấy ở nồng độ của o- cresol ở nhóm công nhân quét đường và nhóm đối chứng (p<0,05). Nhóm tác giả kết luận rằng, hippuric acid, muconic acid và methyl hippuric acid là những biomarker phù hợp cho việc chẩn đoán phơi nhiễm nghề nghiệp với VOC ở nồng độ thấp [2].
Năm 2008, nhóm nghiên cứu của Yogesh D Sabde và cộng sự có tiến hành nghiên cứu cắt ngang mô tả về tình hình bệnh tật nói chung của công nhân quét đường. Nghiên cứu được thực hiện trên 273 công nhân quét đường (149 nam và 124 nữ) và so sánh với số liệu của 142 công nhân làm công việc văn phòng trong tòa nhà của tập đoàn Nagpur Municipal, Ấn Độ có kết hợp giữa phỏng vấn lâm sàng và kiểm tra sức khỏe nghề nghiệp của công nhân. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh viêm phế quản mãn tính cao hơn hẳn ở nhóm công nhân quét rác so với nhóm đối chứng, cụ thể một số bệnh được phát hiện có tỷ lệ cao ở nhóm công nhân quét rác là bệnh thiếu máu (20,5%), bệnh huyết áp 9,5%, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (7,3%) và bệnh viêm phế quản mạn tính là 5,9% [3].
Mới đây một nghiên cứu khác tại Ấn độ về chức năng hô hấp qua đáp ứng cấp tính của với bụi đường phố ở công nhân quét đường, nghiên cứu này của nhóm Johncy S S và cộng sự (2013) tiến hành trên 25 công nhân nữ quét đường so sánh với 25 công nhân nữ khỏe mạnh, được chọn lọc tương ứng về độ tuổi, chiều cao và cân nặng. Kết quả cho thấy có sự giảm rõ rệt về tỷ lệ và giá trị trung bình của các chỉ số FVC, FEV1, PEFR, FEF 25-75% và FEF 200 – 1200 giữa nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng. Chức năng hô hấp được đo trước và sau khi quét đường cho thấy chức năng hô hấp cũng bị suy giảm rõ rệt. Như vậy, các tác giả khẳng định rằng những người quét đường đang có nguy cơ suy giảm chức năng hô hấp nghề nghiệp rõ rệt và có kiến nghị rằng công nhân cần nghiêm túc việc thực hiện các phương tiện bảo vệ cá nhân và làm ướt đường khi thực hiện công việc của mình [4].
Như vậy, tương đồng so với các nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới trước đây, kết quả hồi cứu số liệu khám tổng quát cho công nhân tại các đơn vị dịch vụ công ích cho thấy xu hướng bệnh tật phổ biến của công nhân thường hay bị các bệnh về mắt, về đường hô hấp, cơ xương khớp và rối loạn chuyển hóa lipid (gan nhiễm mỡ) và các kết quả khám lâm sàng đều cho một xu hướng chung là tỷ lệ mắc bệnh ở nam CNVS cao hơn nữ CNVS.
 V.  Kết luận 
           Qua kết quả nghiên cứu hồi cứu số liệu khám tổng quát cho công nhân tại các đơn vị dịch vụ công ích năm 2014 cho thấy:  Xu hướng chung về loại bệnh tật phổ biến của công nhân thường hay bị là các bệnh về mắt, về đường hô hấp, cơ xương khớp, viêm gan B và rối loạn chuyển hóa lipid (gan nhiễm mỡ). Trong đó bệnh về mắt  chiếm 46,07%; nam CNVS, chiếm tới 30,49% và  nữ CNVS, chiếm tới 22,69%. Tật khúc xạ chiếm tỷ lệ lớn chiếm tới 34,95%; trong đó nam CNVS, chiếm tới 35,81%  và  nữ CNVS, chiếm tới 28,57%. Công nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ chiếm 14,66%. Trong đó  nam CNV chiếm 20,94% và  nữ CVNS chiếm 13,09%. và các kết quả khám lâm sàng đều cho một xu hướng chung là tỷ lệ mắc bệnh ở nam CNVS cao hơn nữ CNVS.
VI. Kiến nghị
1. Tiếp tục có những nghiên cứu hồi cứu của các năm trước để xác định được khuynh hướng bệnh tật qua các năm.
2. Thực hiện những nghiên cứu bổ sung để xác định được xu hướng bệnh tật liên quan đến nghề ở công nhân vệ sinh đường phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO[1]    Ngô Minh Phương. Vấn đề môi trường lao động và sức khỏe công nhân qua nghiên cứu xã hội học ở một số cơ sở hiện nay. Xã hội học 3 (1998).[2]    Bahrami A, Ansari M. Exposure of sweepers to volatile organic compounds using urinary biological exposure index. J Res Health Sci. 2007 Jul 28;7(1):1-5.[3]    Johncy S S, G D, Samuel T V, K T A, Bondade SY. Acute lung function response to dust in street sweepers. J Clin Diagn Res. 2013 Oct;7(10):2126-9. doi: 10.7860/JCDR/2013/5818.3449. [4]    Sabde YD, Zodpey SP. A Study of Morbidity Pattern in Street Sweepers: A Cross-sectional Study. Indian J Community Med. 2008 Oct;33(4):224-8. doi: 10.4103/0970-0218.43226.[5]    Trần Văn Trinh. Nghiên cứu các giải pháp quản lý và kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc của công nhân ngành dịch vụ công cộng góp phần chống ô nhiễm môi trường thành phố do việc xử lý các nguồn rác. Viện NCKHKT Bảo hộ lao động (1992).[6]    Thông tư số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.[7]    ILO. The baseline survey of the occuptional health and health conditions of solid waste primary collectors and street sweeper in Addis, Ababa. Final report 2007.

Ngô Thị Mai, Phạm Thái Kim Vy

Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Nilp.vn)