Nghiên cứu một số đặc điểm điều kiện lao động và sức khỏe của công nhân tại cơ sở mạ niken
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kim loại nặng là một trong những nguồn nguyên liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp. Tuy nhiên khi ngành công nghiệp phát triển ngoài giá trị to lớn mà nó đem lại thì cũng có những hạn chế đang được cả thế giới quan tâm đó là ô nhiễm môi trường. Dù với lượng rất nhỏ nhưng ô nhiễm kim loại nặng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Một trong những kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm đó là niken (Ni). Nhiều nước trên thế giới công nhận Ni và hợp chất của Ni là tác nhân gây nên bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Năm 2010, tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề xuất danh mục bệnh nghề nghiệp,trong đó có bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với niken và các hợp chất của nó.
Tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp…., những nước này liên tục có các nghiên cứu để xác định ảnh hưởng của niken và hợp chất của niken đối với người lao động, trên cơ sở đó đưa ra biện pháp bảo vệ tốt nhất. Như phương tiện bảo vệ cá nhân bắt buộc, giám sát sinh học, giám sát môi trường… Chính vì vậy nồng độ cho phép của niken trong khu vực sản xuất trung bình 8 giờ liên tục được xem xét, quy định lại theo thời gian. Từ giới hạn cho phép là 0.1mg/m3 (1996) đến nay (2016) hạ xuống giới hạn cho phép là 0.015mg/m3[2]. Người lao động được bảo vệ tốt hơn.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa có giám sát sinh học đối với niken trong dịch sinh học. Nhiễm độc niken nghề nghiệp chưa được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Nồng độ niken trong môi trường sản xuất đo trung bình 8 giờ cho phép là (≤0.05mg/m3), cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của một số nước khác (Mỹ 0.015mg/m3)[2]. Chính vì vậy người lao động tại Việt Nam có tiếp xúc với niken và hợp chất của niken chưa được bảo vệ một cách kịp thời. Mặt khác những nghiên cứu mang tính khoa học, hệ thống về ảnh hưởng của niken không nhiều, nên mức độ thấm nhiễm của niken và hợp chất của niken, cũng như thực trạng sức khỏe và những biểu hiện cấp tính, mạn tính có liên quan đến tiếp xúc niken và hợp chất của niken chưa được đánh giá.
Vì vậy việc nghiên cứu “Một số đặc điểm điều kiện lao động và sức khỏe của công nhân tại cơ sở mạ niken” là rất cần thiết. Kết quả của nghiên cứu này sẽ làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo xác định ảnh hưởng của Ni đến người lao động có tiếp xúc nghề nghiệp, từ đó đề xuất bệnh nhiễm độc Ni và hợp chất của Ni là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm Ở Việt Nam. Đề tài được thực hiện với mục tiêu:
Xác định một số đặc điểm về điều kiện lao động và sức khỏe của công nhân tại cơ sở mạ niken.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
*Người lao động: Tổng số mẫu chọn là 160 người trong đó 80 người tiếp xúc (TX) trực tiếp, 80người không tiếp xúc (KTX)
* Điều kiện lao động: Môi trường; Quy trình công nghệ
* Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu
Địa điểm nghiên cứu : Tại cơ sở mạ niken
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: Đề tài thực hiện theo phương pháp mô tả cắt ngang có nhóm so sánh.
2.2.2. Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu: Chọn chủ đích 160 người (TX 80 người, KTX 80 người)
Tổng số đối tượng khám sức khỏe
– Nhóm tiếp xúc: Toàn bộ công nhân làm việc tại phân xưởng mạ niken đạt tiêu chuẩn chọn vào nghiên cứu (80 công nhân).
– Nhóm không tiếp xúc: Chọn 80 đối tượng làm việc tại vị trí khác không có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với niken và hợp chất của niken (văn phòng, nhà ăn, bảo vệ, lái xe của cơ sở) đạt tiêu chuẩn lựa chọn.
2.2.3. Chi tiết các kỹ thuật và công cụ thu thập thông tin
2.2.4.1.Khảo sát điều kiện lao động
► Quy trình công nghệ: Khảo sát hiện trường
► Đo môi trường
* Đo mẫu cá nhân – (đo trung bình 8 giờ)
– Số lượng mẫu: 30 mẫu cá nhân tại vùng thở – Cách đo: bộ phận thu khí đeo ngang tầm thở – cổ áo
– Thời gian đo: Đo trong suốt ca làm việc
– Chỉ tiêu lấy mẫu: Nồng độ niken và hợp chất của niken trong môi trường lao động.
– Thiết bị lấy mẫu: Bơm lấy mẫu khí cá nhân(Sensidyne- Mỹ)
– Thiết bị phân tích định lượng niken: Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử Perkin Elmer. Ngưỡng phát hiện ppb, sai số ± 10%.
– Phương pháp phân tích: Quang phổ hấp thụ nguyên tử không ngọn lửa.
* Đo mẫu tức thời – (áp dụng cho tối đa từng lần đo)
– Số lượng mẫu: 5 mẫu – Thời gian đo: Đo trong ca làm việc
– Cách đo: Bơm hút mẫu được đặt ở 4 góc và 1 vị trí ở giữa xưởng sản xuất.
– Chỉ tiêu lấy mẫu: nồng độ niken và hợp chất của niken trong môi trường lao động.
– Thiết bị lấy mẫu bơm Sibata của Nhật, thiết bị phân tích, phương pháp phân tích tương tự như đo mẫu cá nhân.
Tiêu chuẩn đánh giá
Nồng độ niken cho phép trong môi trường lao động theo Quyết định của Bộ y tế số 3733/2002/QĐ – BY:
– Mẫu đo trung bình 8 giờ < 0.05mg/m3– Tối đa từng lần đo < 0.25 mg/m3
2.2.4.2.Khám sức khỏe
► Khám lâm sàng:
Do các Bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên Trung tâm SKNN thực hiện: Bao gồm cân đo thể lực, khám nội chung, mắt, TMH, RHM. Nhiễm độc niken ở công nhân mạ niken được xác định chủ yếu gây ra những bệnh về da và bệnh đường hô hấp trên.
2.2.4.3. Phỏng vấn
Phiếu phỏng vấn được sử dụng để bổ sung cho quá trình khám nhằm thu thập tối đa thông tin từ đối tượng nghiên cứu để xác định các triệu chứng có liên quan như da liễu, tai mũi họng, đường hô hấp. Đặc biệt là những triệu chứng mạn tính có liên quan nhiễm độc niken.
– Trong nghiên cứu đã phỏng vấn toàn bộ 160 công nhân (80 TX và 80 KTX) theo mẫu phiếu chuẩn bị sẵn.
2.2.4.4.Hồi cứu hồ sơ sức khỏe và môi trường lao động
Hồi cứu hồ sơ sức khỏe của 160 đối tượng nghiên cứu trong vòng 3 năm – tính từ thời điểm nghiên cứu trở về trước. Để đặc điểm phân loại sức khỏe, tình hình mắc triệu chứng (bệnh da, bệnh đường hô hấp) có liên quan đến nhiễm độc niken.
3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đánh giá điều kiện lao động
3.1.1. Quy trình công nghệ
Cơ sở có 2 dây chuyền công nghệ mạ, một dây chuyền công nghệ tự động của Nhật, Đức, một dây chuyền thủ công. Cả hai dây chuyền được sắp xếp cạnh nhau, trong cùng một nhà xưởng.
3.1.2. Đánh giá điều kiện lao động
► Nhà xưởng
Phân xưởng mạ niken nằm trong khu vực nhà xưởng khoảng 500m2, bao gồm toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, từ khâu chuẩn bị treo sản phẩm vào giá đến tháo dỡ sản phẩm đã mạ ra khỏi giá và hơn 100 công nhân làm việc trong khu vực này. Theo quan sát, mặt bằng phân xưởng khá chật hẹp, ít nhiều hạn chế khả năng hoạt động cũng như thao tác của người lao động. Phía trước là khu vực để sản phẩm của khâu gia công bề mặt, phía sau là khu vực để sản phẩm sau khi mạ, bên trái là công ty khác, bên phải là khoảng trống cách khoảng 15m đến phân xưởng gia công khác trong nhà máy. Tuy với mặt bằng chật hẹp nhưng khung nhà xưởng cao, ngăn cách với khu vực khác không xây kín, tạo độ thoáng nhất định cho khu vực làm việc.
► Thiết bị kỹ thuật công nghệ
Dây chuyền công nghệ kết hợp giữa tự động và thủ công của Nhật, Đức và Việt Nam. Theo báo cáo của cơ sở, tại phân xưởng thiết bị luôn được kiểm tra định kỳ, hoạt động tốt và chưa có trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đây là một trong những vị trí ít tai nạn lao động nhất trong nhà máy.
Các thiết bị dụng cụ chứa hóa chất dung môi mạ được cất trong kho ở khu vực khác, khi sử dụng mới mang đến xưởng.
► Điều kiện làm việc
Cơ sở có 2 dây chuyền công nghệ tự động và thủ công, công nhân làm việc tại phân xưởng có các tư thế như đứng, ngồi, cúi khom. Tuy nhiên, tư thế bất lợi không đáng kể có thể tự thay đổi tư thế trong thời gian làm việc như ngồi hoặc đứng hoặc cúi khom.
Nguyên liệu được sử dụng để mạ niken chủ yếu là phôi kim loại (phôi sắt) mạ trong dung dịch mạ niken có thành phần hóa chất cơ bản là niken sunphat, niken clorua và axit boric. Sản phẩm tạo ra có chứa lớp niken tăng tính thẩm mỹ, độ bền.
► Hệ thống xử lý môi trường
Cơ sở có hệ thống xử lý nước thải từ bể mạ, không có hệ thống xử lý khí chỉ có quạt thông gió. Thông gió chủ yếu là sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên thông qua cách thiết kế nhà xưởng. Bên cạnh đó, có quạt mát cho công nhân ở một số vị trí như tháo dỡ kiểm tra, phân loại sản phẩm sau khi mạ. Tuy nhiên, theo đánh giá của đề tài thì số lượng quạt ít, công suất nhỏ, mùa hè tạo cảm giác nóng nực và kém thông thoáng.
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 54,7% công nhân (CN) ởnhóm TX cho rằng môi trường làm việc rất nóng, 28,8% cho rằng môi trường làm việc nóng. Kết quả trên cho thấy tại thời điểm khảo sát môi trường làm việc của công nhân mạ niken rất nóng.
Tương tự như cảm nhận về nhiệt độ, khi được hỏi cảm nhận về tiếng ồn, bụi, hơi khí độc nhómTX cảm nhận điều kiện bất lợi hơn rất nhiều so với nhóm không tiếp xúc: có 47,95% cảm nhận rất ồn, 68,49% cảm nhận rất bụi và 50,68% công nhân cho rằng có rất nhiều hơi khí độc tại nơi làm việc. Tự đánh giá điều kiện nơi làm việc có 65,75% cho rằng điều kiện làm việc ở mức trung bình, 12,33% cho rằng điều kiện làm việc xấu và 46,58% cho rằng cơ sở không quan tâm đến cải thiện điều kiện làm việc hàng năm. Những cảm nhận về điều kiện bất lợi trong môi trường làm việc của nhómTX một phần cho thấy ĐKLĐ của công nhân ở đây cần được quan tâm cải thiện hơn. Môi trường lao động tốt đảm bảo sức khỏe của người lao độngsẽ đồng thời giúp tăng năng suất lao động.
► Phương tiện bảo vệ cá nhân
Theo báo cáo của cơ sở tất cả công nhân được cấp đủ các loại PTBVCN (quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay, giày), 98,63% nhómTX cho biết thường xuyên sử dụng PTBVCN, 87,67% cho rằng trang bị PTBVCN như vậy là đủ. Tại thời điểm khảo sát thì công nhân không sử dụng đầy đủ các PTBVCN. Cụ thể, công nhân không sử dụng khẩu trang, không đội mũ, không dùng găng tay.
► Công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Công nhân được tập huấn về an toàn – vệ sinh lao động hàng năm. Kết quả điều tra phù hợp với báo cáo của cơ sở, tuy nhiên số lượng công nhân tham gia lớp tập huấn lại không đầy đủ có tới 12,33% nhóm TX và 15,07% nhóm KTX cho biết không tham gia lớp huấn luyện ATVSLĐ hàng năm.
Trong khu vực có nhiều khẩu hiệu về an toàn lao động, các bảng nội quy an toàn phòng chống cháy nổ, bên cạnh dây chuyền tự động có sơ đồ và hướng dẫn quy trình sử dụng, vận hành.
Qua khảo sát về PTBVCN và công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho thấy những điều không đầy đủ ở trên như: còn tỷ lệ công nhân không sử dụng PTBVCN đầy đủ, không tham gia lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là một trong những yếu tố tạo nên mất an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở.
Số giờ làm việc trong ngày trong tháng
Kết quả phỏng vấn qua phiếu cho thấy làm việc 8 tiếng một ngày, một tuần có một ngày nghỉ.NhómTX không làm ca, riêng có một số nhóm KTX có làm ca – nhân viên y tế, nấu ăn, bảo vệ. Với thời gian là 8giờ/ngày cho thấy thời gian làm việc của đối tượng nghiên cứu là bình thường so với một số ngành nghề, không có hiện tượng tăng ca.
3.2. Kết quả đo môi trường lao động
► Nguồn phát sinh niken và các hợp chất của niken
Nguồn phát tán Ni chính tại phân xưởng là ở bể mạ, vì trong dung dịch của bể mạ chứa niken sunphat, niken clorua, có sục khí và gia nhiệt, trong khi bể mạ là bề mặt để thoáng, không có gì che chắn.
Đề tài đã tiến hành đo cả niken và hợp chất của niken trong môi trường – đo mẫu tức thời và mẫu cá nhân tại vùng thở. Mẫu niken và hợp chất của niken được lấy tại 4 góc của xưởng làm việc,cụ thể: Vị trí góc 1 – bên trái, vị trí góc 2 – bên phải (gần phía cửa), vị trí góc 3 – bên trái, vị trí góc 4 – bên phải theo hướng từ ngoài vào. Vị trí đặt mẫu thứ 5 ở giữa xưởng
3.2.1. Kết quả đo nồng độ niken và hợp chất của niken trong môi trường lao động
Nhận xét: nồng độ niken và hợp chất của niken tại xưởng sản xuất không có mẫu nào vượt ngưỡng theo quyết định số 3733/2002/QĐ–BYT (0,156±0,062<0,25mg/m3). Hai vị trí phía cửa ra vào có nồng độ thấp hơn hẳn so với 2 vị trí phía trong xưởng. Đáng chú ý, vị trí có nồng độ niken và hợp chất của niken cao là ở vị trí cuối xưởng – cuối gió. Vị trí cao nhất là vị trí ở giữa xưởng – đặt cạnh bể mạ niken. Điều này cho thấy vị trí bể mạ niken chính là nơi phát tán niken và hợp chất của niken vào không khí vùng làm việc toàn phân xưởng.
3.2.2. Kết quả đo nồng độ niken và hợp chất của niken tại vùng thở
Do một số điều kiện hạn chế, đề tài chỉ tiến hành đo 30 mẫu cá nhân ở 30 đối tượng có vị trí làm việc đặc trưng nhất trong phân xưởng. Tức là những đối tượng có vị trí làm việc cùng nhau chỉ tiến hành đo một người đại diện. Kết quả cụ thể như sau:
Kết quả đo mẫu niken và hợp chất của niken cho thấy nồng độ trung bình của 30 mẫu cá nhân đo trung bình 8 giờ 0,0352±0,003 mg/m3, thấp hơn ngưỡng của Việt Nam (0.05 mg/m3 đối với mẫu đo trung bình 8h làm việc). Trong số 30 mẫu cá nhân được đo có 3 mẫu có nồng độ vượt ngưỡng (từ 2-8%).
Theo quy định mới nhất của Mỹ (2016)[2] nồng độ Ni và hợp chất của Ni trong không khí vùng làm việc đo trung bình 8 giờ là 0,015mg/m3. Nếu theo tiêu chuẩn này của Mỹ thì cả 30 mẫu đo tại vùng thở của đối tượng nghiên cứu đều có nồng độ Ni và hợp chất của Ni vượt ngưỡng cho phép. Nồng độ trung bình của 30 mẫu cá nhân là 0,0352±0,0039 mg/m3 – cao hơn ngưỡng của Mỹ 134,67%. Điều này có nghĩa theo tiêu chuẩn của Mỹ thì những đối tượng nghiên cứu đang làm việc trong môi trường có nồng độ Ni và hợp chất của Ni vượt tiêu chuẩn cho phép. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với cơ quan chức năng có vai trò bảo vệ người lao động ở Việt Nam. Việt Nam cần xem xét lại ngưỡng của nồng độ Ni và hợp chất của Ni trong môi trường lao động sao cho người lao động được bảo vệ một cách tốt nhất.
Với kết quả nghiên cứu ban đầu về môi trường của người lao động trong cơ sở mạ niken nói trên cho thấy cần có những khảo sát tiếp theo, khảo sát trên từng đối tượng cụ thể, trong một thời gian dài để có một đánh giá chi tiết, chính xác hơn về tiếp xúc của người lao động với niken và hợp chất của niken.
3.3. Mức độ thấm nhiễm niken ở người lao động tại cơ sở nghiên cứu
3.3.2. Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu
Tổng số đối tượng nghiên cứu là 160 người trong đó có 80 người tiếp xúc và 80 người không tiếp xúc. Sau khi đã loại trừ những phiếu không hợp lệ (như các đối tượng không hợp tác, bỏ ngang, phiếu khảo sát không đầy đủ thông tin). Kết quả còn 146 đối tượng với đầy đủ thông tin trong đó 73 đối tượng tiếp xúc và 73 đối tượng không tiếp xúc, kết quả thu được như sau:
3.3.1.1. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới
Trong số công nhân nghiên cứu, ở nhóm TX tỷ lệ nam: nữ (49,32%:50.68%). Điều này cho thấy công việc này không yêu cầu về giới, nam hay nữ đều có thể tham gia. Tuy nhiên, kết quả quan sát của đề tài cho thấy công nhân nữ chủ yếu ở khâu lắp, dỡ, kiểm tra phân loại sản phẩm trước và sau khi mạ, còn việc điều khiển trực tiếp quy trình công nghệ là các công nhân nam.
3.3.1.2. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo tuổi đời
Kết quả phân tích cho thấy tuổi đời trung bình của nhóm TX (32,78±1,62) và nhóm KTX (33,26±1,18) tương đương nhau. Nhóm tuổi từ 31 đến 35 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả nhómTX và nhóm KTX.Sau đó là đến nhóm tuổi từ 26 đến 30 tuổi.Nhóm tuổi trên 45 chiếm tỷ lệ rất ít ở cả 2 nhóm đối tượng nghiên cứu.Nhìn chung, lực lượng lao động khá trẻ.
3.3.1.3. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo tuổi nghề
Kết quả khảo sát cho thấy lao động có tuổi nghề từ 6 đến 10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả nhóm TX (45,21%) và nhóm KTX (47,95%). Tiếp theo là nhóm có tuổi nghề từ 11 đến 15 năm. Nhóm có tuổi nghề trên 15 năm không đáng kể. Tuổi nghề trung bình của 2 nhóm đối tượng nghiên cứu xấp xỉ nhau. NhómTX có tuổi nghề trung bình là (10,23±1,02), nhóm KTX có tuổi nghề trung bình là (9,39±0,96). Từ kết quả trên cho thấy nhómTX và nhóm KTX có tuổi nghề tương đối đồng đều, là điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá những đặc điểm về sức khỏe, triệu chứng bệnh đặc trưng ở 2 nhóm đối tượng nghiên cứu.
3.3.1.4. Phân bố đối tượng nghiên cứu theo trình độ học vấn
Kết quả khảo sát cho thấy đối tượng nghiên cứu đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên. Ở nhóm TX có 83,6% học hết trung học phổ thông. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng cho người lao động.
3.4. Tình hình sức khỏe bệnh tật của đối tượng nghiên cứu
3.4.1. Tình trạng sức khỏe của đối tượng nghiên cứu qua khám lâm sàng
Kết quả khám sức khỏe do Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp thực hiện năm 2015 cho đối tượng nghiên cứu, như sau:
Qua kết quả của bảng 3.3 cho thấy nhóm bệnh tai mũi họng mạn tính là nhóm bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất. Nhóm bệnh này có tỷ lệ cao ở cả 2 nhóm: nhóm TX có 65,8%, nhóm KTX có 46,6% đối tượng mắc. Tuy ở 2 nhóm đều chiếm tỷ lệ cao nhưng vẫn có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm (p < 0,05).
So với tỷ lệ bệnh tai mũi họng ở một số nghiên cứu trong các ngành nghề khác thì tỷ lệ đối tượng bị bệnh tai mũi họng của đề tài vẫn cao hơn. Kết quả nghiên cứu của Đặng Minh Ngọc (2004) ở đối tượng có tiếp xúc với Cd, tỷ lệ đối tượng bị bệnh tại mũi họng là 54,7%<65,8%. Kết quả nghiên cứu của TS. Hoàng Minh Hiền tỷ lệ công nhân tiếp xúc với dung môi hữu cơ bị bệnh tai mũi họng là 31,2% ở công ty da giầy, 61,8% ở công ty nhựa, 54,8% ở công ty sơn, các tỷ lệ này vẫn nhỏ hơn 65,8% tỷ lệ đối tượng bị bệnh tai mũi họng của đề tài. Sự khác biệt về tỷ lệ bệnh tai mũi họng này có thể do điều kiện làm việc gây nên.
Trong nhóm bệnh tai mũi họng mạn tính có bệnh viêm họng mạn tính là đáng chú ý hơn cả, tỷ lệ bị bệnh này cũng cao ở cả nhóm TX có 58,9% đối tượng và nhóm KTX 39,7% đối tượng và khác biệt giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Qua các công trình nghiên cứu mà đề tài đã tham khảo cho thấy Ni và hợp chất của Ni ảnh hưởng đến đường hô hấp của người tiếp xúc. Tuy nhiên, chủ yếu là hiện tượng xơ hóa phổi, viêm phế quản, hen ở những đối tượng tiếp xúc với Ni ở các ngành công nghiệp như lọc dầu, thép không rỉ, hàn như nghiên cứu của Kilburn et al.1990[3], nhưng kết quả đề tài này của chúng tôi chưa phát hiện thấy
Ngoài bệnh về tai mũi họng thì nhóm bệnh răng hàm mặt chiếm tỷ lệ cũng tương đối cao (58,9%) ở nhóm TX và (38,4%) ở nhóm KTX, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, đề tài chưa tìm được nghiên cứu nào nói về mối liên quan giữa nhóm bệnh răng với nhiễm độc Ni nghề nghiệp.
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu này cho thấy rõ: bệnh viêm họng mạn tính là bệnh đường hô hấp trên có tỷ lệ cao hơn ở nhóm TX so với nhóm KTX với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Điều này chứng tỏ có sự liên quan đến bệnh nhiễm độc Ni nghề nghiệp đã được báo cáo theo tài liệu của ILO[6], SCOEL[4].
Phân tích tỷ lệ phân bố của bệnh/triệu chứng viêm họng mạn tính với tuổi nghề của đối tượng nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ viêm họng mạn tính khác nhau ở các nhóm tuổi nghề khác nhau. Tuy nhiên tỷ lệ mắc viêm họng mạn tính đều tập trung cao ở nhóm có tuổi nghề từ 6 – 15 năm (76,74%). Cụ thể như TX có 39.53% công nhân mắc viêm họng mạn tính ở nhóm có tuổi nghề từ 6 -10 năm và 37.21% ở nhóm có tuổi nghề từ 11 – 15 năm.
Qua hồi cứu hồ sơ sức khỏe trong các năm trên đề tài không thu được tỷ lệ các triệu chứng bệnh về mẩn ngứa, viêm da, sần da… nhưng thu được tỷ lệ bệnh viêm họng mạn tính và bệnh viêm da. Kết quả cho thấy tỷ lệ viêm họng mạn tính tăng rõ dệt qua các năm: năm 2011 (28,77%), năm 2012 (36,99%), năm 2013 (43,84%) và đến năm 2014 theo kết quả khám sức khỏe thì tỷ lệ viêm họng mạn tính là 64,38% ở nhóm TX. Ở nhóm KTX tỷ lệ viêm họng mạn tính thay đổi không nhiều.
3.4.2. Tình trạng sức khỏe qua phiếu phỏng vấn
Do thực tế khi khám sức khỏe nhiều biểu hiện bệnh không được phát hiện, chính vì vậy đề tài tiến hành song song với việc khám sức khỏe là phỏng vấn qua phiếu.
Kết quả điều tra về biểu hiện bệnh sau khi vào làm việc tại cơ sở sản xuất của công nhân qua phiếu phỏng vấn được trình bày ở bảng dưới đây:
Kết quả được thể hiện qua bảng 3.4, nhận thấy: Ở đối tượng nghiên cứu xuất hiện nhiều triệu chứng như: mẩn ngứa, ban đỏ, sần da, nứt nẻ, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa rát, vướng ở họng… Tuy nhiên, trong những triệu chứng này có triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ và bị sần da là đáng lưu ý hơn cả. Ở nhóm TX triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ chiếm tỷ lệ 23,29%, còn nhóm KTX là 5,48% , sự khác có ý nghĩa thống kê (p<0.05). Điều này phù hợp theo nhiều nghiên cứu cho thấy triệu chứng đặc trưng của công nhân nhiễm độc niken nghề nghiệp là bệnh da, bệnh đường hô hấp[1], [4],[6].
Tương tự như triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ thì triệu chứng bị sần da ở nhóm TX chiếm tỷ lệ 23,29%, nhóm KTX chiếm tỷ lệ 2,74% bị sần da – có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05).
Trên cơ sở tìm được các triệu chứng như mẩn ngứa, ban đỏ, sần da có sự khác biệt qua phiếu phỏng vấn giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu, đề tài đã phân tích tỷ lệ đối tượng nghiên cứu mắc mẩn ngứa, ban đỏ, sần da theo tuổi nghề. Kết quả thu được ở bảng 3.5
Kết quả cho thấy tỷ lệ đối tượng nghiên cứu bị mẩn ngứa, ban đỏ và sần da có xu hướng cao ở nhóm có tuổi nghề từ 6 – 15 năm (72.35%). Xu hướng này tương tự như tỷ lệ công nhân mắc viêm họng mạn tính đều tập trung cao ở nhóm tuổi nghề này.
Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu này đề tài chưa đủ cở sở để tìm được mối liên quan giữa các triệu chứng này với tuổi nghề. Cần có nghiên cứu với số lượng lớn hơn thời gian lâu hơn để có thể tìm được mối liên quan này.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Kết luận
Như vậy qua phân tích kết quả nghiên cứu thu được qua phiếu phỏng vấn và qua khám trực tiếp, kết quả cho thấy có các triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ, sần da và bệnh viêm họng mạn tính là những triệu chứng, bệnh có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh giữa nhóm TX và nhóm KTX và đây chính là một trong số các triệu chứng, bệnh có liên quan đến bệnh nhiễm độc Ni nghề nghiệp công bố bởi ILO, (SCOEL)…và một số nghiên cứu khác. Trong phạm vi nghiên cứu này đề tài chưa xác định được mối liên quan giữa các triệu chứng, bệnh ở trên với tuổi đời, tuổi nghề, giới tính cũng như mối liên quan của chúng với nồng độ Ni trong máu toàn phần, trong huyết thanh và trong nước tiểu.
1. Nồng độ Ni và hợp chất của Ni trong môi trường lao động
– Đo 5 mẫu tức thời nồng độ trung bình (0.156 ± 0.062 mg/m3<0.25) đều nằm trong ngưỡng cho phép.
– Đo 30 mẫu cá nhân (0.0352 ± 0.0039 mg/m3) có 3 mẫu vượt TCVN (0.05mg/m3). So với tiêu chuẩn của Mỹ (0.015mg/m3) cả 30 mẫu đều vượt.
2. Một số đặc điểm sức khỏe của công nhân tại cơ sở mạ niken
Qua phân tích kết quả nghiên cứu thu được qua phiếu phỏng vấn và qua khám trực tiếp, cho thấy có các triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ, sần da và bệnh viêm họng mạn tính là những triệu chứng, bệnh lý có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhómTX và nhóm KTX và đây chính là một trong số các triệu chứng, bệnh có liên quan đến bệnh nhiễm độc Ni nghề nghiệp công bố bởi ILO, (SCOEL)…và một số nghiên cứu khác. Trong phạm vi nghiên cứu này đề tài chưa xác định được mối liên quan giữa các triệu chứng, bệnh ở trên với tuổi đời, tuổi nghề, giới tính cũng như mối liên quan của chúng với nồng độ Ni trong máu toàn phần, trong huyết thanh và trong nước tiểu. Kết quả cụ thể như sau:
– Triệu chứng bệnh lý đặc trưng ở người lao động tại cơ sở mạ niken xác định được là các triệu chứng: mẩn ngứa, ban đỏ, sần da (các triệu chứng của bệnh viêm da) và bệnh viêm họng mạn tính. Các triệu chứng, bệnh này có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm nhóm TX và KTX. Nhóm TX mần ngứa, ban đỏ chiếm 23.3%, sần da chiếm 23.3% bệnh viêm họng mạn tính chiếm 58.9%. Nhóm KTX mần ngứa, ban đỏ chiếm 5.5%, sần da chiếm 2.7% bệnh viêm họng mạn tính chiếm 39.7%.
– Tỷ lệ mắc các triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ, sần da, bệnh viêm họng mạn tính theo tuổi nghề: có xu hướng tập trung cao ở nhóm tuổi nghề từ 6 – 15 năm(≈ 72.3%).
– Tỷ lệ mắc các triệu chứng mẩn ngứa, ban đỏ, sần da, bệnh viêm họng mạn tính chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê theo giới tính.
Kiến nghị
– Tiếp tục nghiên cứu với quy mô lớn hơn (kinh phí, số mẫu, thời gian) để đưa bệnh nhiễm độc niken là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.
– Cần xem xét tiêu chuẩn về giới hạn cho phép đối với Ni và hợp chất của Ni trong môi trường lao động – mẫu đo trung bình 8 giờ tại Việt Nam trong Quyết định của Bộ y tế số 3733/2002/QĐ – BY.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 17.Agency for Toxyc Substances and Disease Registry August (2005). Toxycological profile for nickel Public Health Service
2. 20.American Conference of Industrial Hygienists -ACGIH (2016) “Threshold Limit Value for Chemical Substances and Physical Agents and Biological Exposure Indices” Signature Publication, ISBN:978-1-607260-85-1 @2016 (Pages: 145).
3. 44.Kilburn K.H. (1990). Cross-shift and chronic effects of stainless-steel welding related to internal dosimetry of chromium and nickel. Am J Ind Med 17:607-615.
4. 45.Methodology for the Derivation of Occupational Exposure Limits Scientific Committee on Occupational Exposure Limits (SCOEL) June 2013.
5. 64.Wantke F.(1996). Patch test reactions in children, adults and the elderly. A comparative study in patients with suspected allergic contact dermatitis. Contact Dermatitis.
6. 67.http://www.ilo.org/oshenc/part-ix/metals…toxycity/…/174-nickel
ThS. Nguyễn Thị Hiền
Viện BHLĐ
(Nguồn tin: Nilp.vn)