Nghiên cứu tình hình tai nạn lao động và sức khỏe nghề nghiệp của người lao động khuyết tật làm việc trong các cơ sở sản xuất có người khuyết tật chiếm tỷ lệ cao ở phía Nam
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành trên 104 người lao động khuyết tật tại các cơ sở sản xuất thủ công, gia công may mặc nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng của điều kiện lao động lên sức khỏe người lao động khuyết tật (NLĐKT) tại các cơ sở sản xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ NLĐKT do bị các tai nạn vấp, té ngã chiếm 34,62%, do vật sắc nhọn cắt đứt khoảng 64,42%. Tỷ lệ NLĐKT tiếp xúc với các yếu tố độc hại trong môi trường làm việc bao gồm bụi (40,38%), mùi (37,5%), hóa chất (20,19%), hơi khí độc (17,1%). Bên cạnh đó, thiếu khẩu trang cho NLĐKT, nhiệt độ tại các nơi sản xuất vượt quá tiêu chuẩn cho phép, điều này dễ dẫn tới các bệnh lý đường hô hấp và say nóng; 78,84% NLĐKT làm việc trong tư thế ngồi, 11,54% trong tư thế đứng, bàn thao tác làm việc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐKT; 64,42% NLĐKT than phiền triệu chứng mỏi lưng, 34,62% mỏi cổ và 26,92% cảm thấy mỏi chân, tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý rối loạn cơ xương khớp.Tác giả đề xuất các biện pháp: khám sức khỏe định kỳ, cải thiện điều kiện lao động hợp lý cho NLĐKT, cung cấp quần áo và trang bị BHLĐ cơ bản nhằm bảo vệ sức khỏe cho NLĐKT.
1. Đặt vấn đề
Người khuyết tật là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần mà vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày. Do khó khăn trong học tập nên trình độ học vấn chung của người khuyết tật thấp hơn so với cộng đồng. Tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật tại một số quốc gia trên thế giới lên đến hơn 80%. Theo tổ chức ILO, Việt Nam đã và đang đành mất 3% GDP hằng năm do không tạo được việc làm cho người lao động khuyết tật, khiếm thị. NLĐKT có một số hạn chế do khuyết tật từ đó gây ra những khó khăn hạn chế trong quá trình lao động, dẫn đến có thể xuất hiện các tai nạn lao động và ảnh hưởng xấu đến sức của họ. Điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại sẽ ảnh hưởng một phần hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản và sự hòa nhập xã hội của họ. Đề tài được tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình tai nạn lao động và ảnh hưởng điều kiện làm việc lên sức khỏe của NLĐKT tại các cơ sở sản xuất hiện nay ở nước ta.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu: 104 NLĐKT tại 4 cơ sở sản xuất hàng thủ công, gia công may mặc. (Công ty TNHH Thiện Tâm Hương,Công ty TNHH sản xuất thương mại Hy Vọng, Công ty TNHH San Lim Furniture, Công ty TNHH JIA HSIN)
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1.Thiết kế nghiên cứu: đề tài sử dụng phương pháp điều tra cắt ngang mô tả kết hợp với hồi cứu.
2.2.2. Kỹ thuật thu thập và xử lý số liệu:
– Hồi cứu số liệu chi tiết từ các cơ sở về tình hình tai nạn lao động và điều kiện môi trường lao động của NLĐKT.
– Phỏng vấn trực tiếp 104 NLĐKT bằng bộ câu hỏi soạn sẵn điều tra về khó khăn trong quá trình làm việc, tác hại yếu tố tiếp xúc lên sức khỏe NLĐKT.
– Số liệu sau thu thập được kiểm tra tính chính xác và tính hoàn thiện nhằm đảm bảo chất lượng.
3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận:
Bảng 1: Điều kiện làm việc
Tại một số nơi trong khu vực sản xuất có nhiệt độ khá nóng, nhiệt độ đo được tại vị trí hấp keo từ 34-35oC. Đặc biệt, ở những nơi xưởng sản xuất lớn và điều kiện thông gió hạn chế, số lượng người lao động đông và nhiều thiết bị sản xuất, nhiệt độ đo được tại các xưởng luôn vượt tiêu chuẩn cho phép ≥ 32oC.Nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến sự tập trung, năng suất và làm suy nhược cơ thể, có thể làm tăng mức độ nguy hiểm khi sử dụng thiết bị lao động. Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể gây ra một số bệnh ngoài da, say nóng….
Bảng 2: Đặc điểm NLĐKT
Phần lớn NLĐKT là những lao động trẻ tuổi nằm trong độ tuổi lao động. Nữ lao động chiếm phần lớn tại 2 Công ty Hy Vọng và Thiện Tâm Hương vì đây là 2 Công ty làm công việc thủ công ( may, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ). Công ty San Lim Furniture và Công ty Jia Sin là 2 công ty sản xuất công nghiệp nên lượng công nhân nam chiếm nhiều hơn. Trình độ học vấn của NLĐKT : người mù chữ, biết đọc viết chiếm đến 55,77 % tổng số người được khảo sát, hạn chế khuyết tật khiến NKT không thể học hành có trình độ cao hơn, không có người tốt nghiệp cấp 3 trở lên. Lao động khuyết tật chủ yếu là những người khuyết tật vận động, đặc biệt là khuyết tật chi dưới vẫn còn khả năng lao động tốt. Tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Hy Vọng có số lượng lớn người khuyết tật nghe nhìn.
Bảng 3: Tình hình TNLĐ & SKNN
Qua bảng 3 cho thấy, đối với các công ty sản xuất quy mô lớn, sản xuất dây chuyền thì NLĐKT chỉ làm việc 1 vài công đoạn đơn giản, phù hợp với từng dạng khuyết tật của NLĐ nên cũng chưa có xảy ra TNLĐ nghiêm trọng mà chủ yếu chỉ vài tai nạn nhỏ như đứt tay, kim đâm (62, 42%) , vấp ngã (34,62%).
Theo số liệu khảo sát, NLĐKT làm việc chủ yếu tiếp xúc với các yếu tố độc hại: tỷ lệ người làm việc tiếp xúc những nơi có bụi và mùi chiếm đa số (59,62% và 37,5%). Tình trạng tiếp xúc lâu dài với 2 chỉ tiêu này sẽ là nguyên nhân khiến cho người lao động mắc bệnh về đường hô hấp ảnh hưởng đến sức khỏe nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, theo thực tế về khảo sát nơi làm việc, các công đoạn mà NLĐKT làm việc nếu làm thời gian lâu dài sẽ gây nên các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe khi thiếu trang bị bảo hộ lao động cá nhân và bàn thao tác chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.
Đa số NLĐKT làm việc ở tư thế ngồi 1 chỗ (78,84%) nhưng chỗ ngồi làm việc lại có không gian gò bó ảnh hưởng của tư thế lao động đến sức khỏe của NLĐ biểu hiện như sau : Tư thế ngồi không hợp lý : tỷ lệ chiều cao bàn và ghế không phù hợp, không có bàn ghế ngồi đàng hoàng, sai tư thế gây biến chứng cột sống, đối với công nhân bị khuyết tật cột sống sẽ gây ra biến dạng nặng hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đứng là một tư thế tự nhiên của con người và bản thân tư thế đó không làm ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Tại một số vị trí làm việc NLĐKT làm việc ở tư thế đứng khá lâu( tỷ lệ làm việc với tư thế đứng chiếm 11,54%). Một phần tính chất công việc cần phải đứng ( khâu kiểm phẩm, ép ván …) phần còn lại do công cụ lao động không thích hợp với nhân trắc của NLĐKT làm việc nên để thuận lợi trong công việc họ phải đứng để thao tác. Tuy nhiên, làm việc ở tư thế đứng một cách đều đặn thường xuyên có thể dẫn đến nguyên nhân gây ra bệnh đau chân, gây phù ở 2 chân, gây suy giãn tĩnh mạch, gây sự mệt mỏi tổng hợp lên các cơ, gây đau thắt lưng, ở cổ và vai và những vấn đề khác về sức khoẻ.
Với những khảo sát thực tế tại hiện trường làm việc và qua phiếu điều tra phỏng vấn NLĐKT, nhóm nghiên cứu có thêm được số liệu thống kê về sự mệt mỏi thường xuyên của NLĐKT sau mỗi ca làm việc như sau: đa số NLĐKT cảm thấy mệt mỏi ở các khu vực cơ xương khớp( mỏi lưng 64,42%, mỏi cổ 34,62%) và mắt (11,54%). Mỏi mắt do tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ ( sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chỉnh sửa tìm những lỗi của sản phẩm), mỏi cơ xương khớp do phần lớn NLĐKT làm việc không đúng tư thế và những khiếm khuyết của người lao động không hợp với điều kiện có sẳn của hệ thống máy móc làm việc cũng như vị trí lao động.. Nguy cơ rối loạn hệ thống cơ xương phụthuộcrất lớn vàotư thếcủa người lao động. Đặc biệt,việc xoắn vặn hoặcuốn congthân mình có thể dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương vùng thắt lưng. Tư thế làm việc đóng một vai trò quan trọng, nhất là khi làm việc trong không gian chật hẹp.
Bên cạnh quá tải trong lao động nghề nghiệp,rối loạn cơ xươngcũng có thể gây do làm việc thiếu kế hoạch hay do tai nạn lao động. Kết cấu hạ tầng phần lớn các doanh nghiệp chưa xây dựng các điều kiện để sử dụng lao động khuyết tật, dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng lao động khuyết tật; nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn về giải pháp an toàn lao động, chống cháy nổ cho người lao động khi tuyển NKT, nhất là người khiếm thính.
4. Kết luận và kiến nghị
– Điều kiện lao động hiện nay, cơ sở vật chất tại các cơ sở sản xuất, các yếu tố tiếp xúc có hại trong sản xuất đã ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐKT và có nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động.
– Cần tiến hành khám đinh kỳ sức khỏe hàng năm cho NLĐKT để sớm phát hiện các bệnh lý do tiếp xúc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp cải thiện cơ sở vật chất, trang bị bảo hộ lao động phù hợp cho NLĐKT.
– Cần có thêm những nghiên cứu đánh giá môi trường làm việc dành cho NLĐKT và theo dõi sức khỏe NLĐKT, từ đó có những đề xuất các biện pháp cải thiện và đưa ra các chế độ chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài cho NLĐKT.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Quốc Anh (2010) trạng người khuyết tật và kết quả thực hiện chăm sóc người khuyết tật, Tổng cục dân số việt http://www.gopfp.gov.vn
2. Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam (NCCD) (2013) Báo cáo năm 2013 về hoạt động trợ giúp người khuyết tật Việt Nam,
3. Bộ Lao Động – Thương Binh và xã hội (2010) Thông tư Hướng dẫ một số ddieuf của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫ thi hành một số điều của Luật người khuyết tật
4. NGHỊ ĐỊNH 28/2012/NĐ-CP (2012) Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
CN. Phạm Thái Kim Vy
Phân viện BHLĐ & BVMT miền Nam
(Nguồn tin: Nilp.vn)