NỮ LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG VÀ AN TOÀN SỨC KHOẺ NGHỀ NGHIỆP

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:44(GMT +7)

TS. Nguyễn Thế Công
Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong thời kỳ CNH và HĐH đất nướcvàbối cảnh nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu lao động một cách mạnh mẽ.Việc chuyển đổi ngành nghề đối với nông dân dẫn đến tình trạng một lực lượng đông đảo lao động phổ thông, không có chuyên môn, tay nghề, chủ yếu là lao động nữ, đang phát triển một cách tự phát. Họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ công việc gì để có thể kiếm sống và thoát nghèo,họ còn có thể trở thành nạn nhân do các nguy cơ gây ra tai nạn và bệnh nghề nghiệp (BNN) ở nơi làm việc.

Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề ATVSLĐ đối với lao động phổ thông hay nữ lao động phổ thông trong bối cảnh CNH chưa được đặt ra một cách rõ ràng và chính thức. Nhưng rõ ràng, để xây dựng thành công một quốc gia công nghiệp từ một đất nước nông nghiệp truyền thống, không thể không quan tâm đến điều kiện an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc của mọi NLĐ, nguồn nhân lực chủ yếu trực tiếp xây dựng và phát triển đất nước.

II. NỮ LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU TRONG KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC, ĐANG CHỊU TÁC ĐỘNG NGHIÊM TRỌNG CỦA CÁC NGUY CƠ TAI NẠN, Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ BỆNH TẬT

II.1. Nữ lao động phổ thông phát triển nhanh, tự phát, đông đảo ở khu vực phi chính thức trong nền kinh tế đang chuyển dịch cơ cấu lao động

– Dân số nước ta năm 2009 là 85,8 triệu người, khoảng 30% số dân sống ở thành thị và 70% sống ở nông thôn. Tỷ lệ nam/nữ là 98,1/100

Cơ cấu lao động Việt Nam năm 1999 và 2009

Nhóm ngành

Năm 1999

Năm 2009

Nông lâm, ngư nghiệp

64,1%

51,7%

Công nghiệp và xây dựng

12,4%

21,5%

Dịch vụ

23,5%

26,8%

Nguồn: Niên giám thống kê 1999 và Tổng điều tra dân số 4/2009

Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội 11/2009

Ở nước ta, trong 20 năm đổi mới, các làng nghề phát triển một cách tự phát, thiếu qui hoạch, không kiểm soát được. Theo điều tra ban đầu, có khoảng 1.500 làng nghề, xã nghề đang được phát triển theo lối tự cấp, tự túc, thu gom hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu.

Các cơ sở sản xuất nghề thủ công nhỏ, lẻ đan xen với các khu dân cư hoặc tập trung thành cụm, không có ranh giới rõ rệt giữa khu sản xuất và khu sinh hoạt. Công nghệ thủ công lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, chắp vá, trình độ tay nghề không đồng đều giữa các loại hình sản xuất, thiếu công nhân lành nghề được đào tạo toàn diện, truyền nghề theo kiểu “cha truyền, con nối” qua kinh nghiệm tự học hỏi. Chính sự yếu kém này hạn chế năng suất và chất lượng sản phẩm, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh. Sự phân tán, tự phát, quy mô nhỏ đã hạn chế việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, trạm điện, cấp thoát nước…) và đặc biệt khó khăn trong việc xử lý chất thải để giảm ô nhiễm môi trường.

II.2. Nữ lao động phổ thông tham gia các hoạt động sản xuất đang gây ô nhiễm môi trường lao động và môi trường sống tác động nặng nề đến sức khoẻ bản thân và gia đình.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại làng nghề đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt khu dân cư, tác động trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.

Hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống mỗi năm sản xuất, chế biến hàng triệu tấn nguyên liệu, phế liệu từ đó đổ ra hàng trăm tấn chất thải đủ loại, khí độc từ các lò đúc đồng, nhôm, chì, sơn màu, khảm trai (lò hun sấy, gỗ, tre, nứa…) không qua xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Các làng nghề còn dùng các hoá chất, kim loại nặng, các chất thải rắn và lỏng dần dần ngấm sâu xuống lòng đất, tiếng ồn, bụi khí vượt quá mức cho phép.

Do khu sản xuất và khu sinh hoạt không có ranh giới nên MTLĐ bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của bản thân họ và các thành viên khác trong gia đình. Nhiều bệnh tật và tai nạn đã xảy ra trong sản xuất.

– Làng Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên – làng nghề đúc đồng và nấu chì truyền thống, một điển hình về ô nhiễm môi trường và chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ.

– Làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Hà Nội – ô nhiễm từ lông gà, lông vịt, từ tái chế nhựa, thuốc nhuộm, từ rác, phế thải… Triều khúc là một trong những làng nghề có nhiều nghề thủ công nhất ở Hà Nội. Mỗi gia đình là một nghề khác nhau như: làm chỉ may vá, tái chế nhựa, nhuộm vải, làm chổi lông gà, làm cầu lông, làm chỉ vắt sổ, máy may, nhặt rác thải, thu mua phế liệu, dệt vải, tái chế phế liệu, sắt, đồng…Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào những nghề này.

II.3. Nữ lao động phổ thông tham gia các hoạt động sản xuất trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, không được chăm sóc và bảo vệ

Ở các địa phương vùng đồng bằng Bắc bộ, hoạt động tự phát sản xuất gạch đất sét nung bằng các lò gạch truyền thống, đã và đang thu hút nhiều lao động phổ thông tại chỗ, đặc biệt là lao động nữ.

Các lò gạch kiểu này phần lớn đều không có giấy phép hoạt động, chủ lò thường thuê mướn 25¸30 nữ nhân công. Các lò gạch nằm xen lẫn trong các cụm dân cư, khói bụi than ngày cũng như đêm làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây hại cho lúa và hoa mầu và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người lao động và dân cư. Làm việc ở lò gạch kiểu này các nữ nhân công phải vận chuyển gạch mộc để phơi, vận chuyển xếp gạch vào lò, rỡ và vận chuyển gạch ra lò, vệ sinh vét xỉ ở đáy lò…

Các công việc có cường độ, gánh nặng lao động ở mức V (rất nặng nhọc), đồng thời còn phải chịu đựng môi trường ô nhiễm khí than CO, CO2…và nhiệt từ lò gạch, nóng, lạnh, mưa, nắng ở ngoài trời mà không hề được sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, quần áo lao động sơ sài… nguy hiểm hơn nữa, các lò gạch được tận dụng sử dụng đi sử dụng lại nhiều năm, quá cũ nát, hư hỏng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ lò.

Một ví dụ về tai nạn lao động điển hình tại một lò gạch ở Thôn Cổ Châu, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (tháng 1/2008) đã gây hậu quả làm 5 người chết tại chỗ, 01 người chết khi đi cấp cứu và 4 người bị thương phải cấp cứu tại bệnh viện.

II.4. Nữ lao động phổ thông tham gia các hoạt động dịch vụ mới, đa dạng, phức tạp, trong các điều kiện lao động rất đặc thù

Nhiều năm nay, tại các khu đô thị nghề “giúp việc gia đình” (ô sin) đã phát triển với các Trung tâm môi giới chuyên nghiệp, thì nay đang phát triển rất đa dạng với các nghề: giúp cả ngày, giúp theo giờ, chăm nuôi người ốm, chăm sóc ở bệnh viện, chăm trẻ nhỏ, dẫn trẻ đi học, giúp nấu cơm, giúp dọn dẹp nhà cửa…

Tất cả dạng công việc dịch vụ này giành cho nữ lao động phổ thông ở các vùng nông thôn, đây là những công việc theo quan hệ thoả thuận, không theo qui định giờ giấc, không có chế độ bảo hiểm y tế… nhiều trường hợp bị chủ nhà ngược đãi hoặc lạm dụng. Rất khó khăn trong quản lý lao động tự do, với quan hệ dân sự kiểu này và hoàn toàn chưa có văn bản pháp quy quản lý lĩnh vực này.

Những năm gần đây, quan hệ cung cầu lại phát triển một ngành ôsin cao cấp hơn còn gọi là “nhân viên làm sạch” dịch vụ cho các khu công nghiệp (gọi là ôsin công nghiệp), các khách sạn, toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại và các bệnh viện…Tuy vậy, áp lực công việc đòi hỏi phải kiên trì trên 1 năm các nhân viên mới trụ lại được vị trí của nghề này. Thao tác của công việc này đều được thực hiện theo một quy trình định sẵn và hoàn thành bởi nhiều người khác nhau.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ ATVSLĐ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NỮ LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

Qua những thông tin được chia sẻ phần nào chúng ta hình dung ra tình cảnh của nữ lao động phổ thông nước ta trong thời kỳ đẩy manh CNH, HĐH đất nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta giúp được gì cho lực lượng nữ lao động phổ thông về khía cạnh ATVSLĐ trước tình hình thực tiễn như bước đầu đã thấy, chúng tôi xin đề xuất một vài kiến nghịnhư sau:

1. Cần phải xác định rằng, nữ lao động phổ thông ở nước ta là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Chúng ta cần thống nhất quan điểm rằng, mọi NLĐ đều cần được hưởng quyền được lao động bảo đảm an toàn và sức khoẻ trong môi trường làm việcvà cần phải xác định rõ vài trò, trách nhiệm trực tiếp và quyết định của UBND các cấp trên địa bàn và của các Bộ chủ quản.

2. Cần phải gắn công tác ATVSLĐ đối với nữ lao động phổ thông vào Chương trình mục tiêu quốc gia và Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới cũng như gắn với Chương trình xoá đói, giảm nghèo của Chính phủ.

3. Cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến pháp luật ATVSLĐ, thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức cơ bản ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng…cho nữ lao động phổ thông.

4. Các cơ quan quản lý chuyên ngành BHYT, BHXH cần có chủ trương, kế hoạch mở rộng đối tượng thụ hưởng các quỹ Bảo hiểm này cho nữ lao động trong các khu vực doanh nghiệp phi chính thức, hộ gia đình, phụ nữ nghèo ở nông thôn.

5. Cơ quan chủ quản ngành LĐTB và XH cần sớm xây dựng và ban hành Bộ Luật về ATVSLĐ, trong đó bao gồm các quy định đặc thù đối với nữ lao động phổ thông, cũng như đối với DN thuộc khu vực phi chính thức./.


(Nguồn tin: )