Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Hướng dẫn dành cho các tổ chức về phòng ngừa và quản lý bệnh truyền nhiễm

Thứ Ba, 19/12/2023, 10:32(GMT +7)

Bài viết cung cấp thông tin tổng quan về phiên bản dự thảo của ISO 45006. Tiêu chuẩn mới về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp sẽ cung cấp cho các tổ chức các hướng dẫn để ngăn ngừa và quản lý các nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Giới thiệu

Sau khi xuất bản ấn phẩm “Hướng dẫn chung về làm việc an toàn trong đại dịch COVID-19”, mục đích của TC283/WG5 là viết lại tiêu chuẩn ISO/PAS 45005 thành một tiêu chuẩn chung hơn, “Làm việc an toàn trong đại dịch”. Thay vào đó, quyết định được đưa ra là tạo ra tiêu chuẩn mới ISO 45006 – Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – phòng ngừa và quản lý các bệnh truyền nhiễm – Hướng dẫn chung cho các tổ chức. Tiêu chuẩn này sẽ được đặt cùng với PAS (Publicly Available Specification – tạm dịch: Thông số kỹ thuật công khai) hiện có.

Bản thảo sơ bộ đã được soạn thảo cuối năm 2020 và chuyển đến các thành viên WG5 để lấy ý kiến.

Sự cần thiết của tiêu chuẩn ISO 45006

Nguy cơ về bệnh truyền nhiễm đang ngày càng được nhìn nhận như những thách thức to lớn đối với sức khỏe , an toàn và phúc lợi tại nơi làm việc. ISO 45006 nhằm ứng phó với rủi ro tại nơi làm việc, bao gồm cả làm việc tại nhà.

Bằng việc triển khai hướng dẫn ISO 45006, các tổ chức sẽ có thể hành động hiệu quả để bảo vệ người lao động và các bên liên quan khác khỏi những rủi ro liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Các tổ chức sẽ chứng minh rằng họ đang giải quyết các rủi ro bằng cách sử dụng hướng tiếp cận có hệ thống và sẽ dẫn chứng việc đã thiết lập một khuôn khổ cho phép tổ chức thích ứng với các tình huống đang thay đổi một cách kịp thời và có hiệu quả.

Cấu trúc tiêu chuẩn

Các điều khoản ban đầu của ISO 45006 phản ánh cấu trúc của ISO 45001 – Bối cảnh (Điều 4), Sự tham gia của ban lãnh đạo và người lao động (Điều 5) và Lập kế hoạch (Điều 6). Sau đó sẽ trở nên cụ thể đối với việc phòng ngừa và quản lý các bệnh truyền nhiễm.

Điều 7 lưu ý tổ chức cần triển khai và duy trì các quy trình hỗ trợ phúc lợi và sức khỏe tâm lý cho người lao động trong thời gian bùng phát dịch bệnh, không đơn thuần chỉ là sức khỏe thể chất. Khía cạnh này thường bị bỏ qua khi giải quyết vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động và là một trong những động lực chính phía sau việc xây dựng tiêu chuẩn ISO 45003.

Điều 8 yêu cầu nguồn tài nguyên phù hợp cần được cung cấp để quản lý rủi ro gắn liền với việc bùng phát dịch bệnh. Những rủi ro này gồm từ việc xem xét cơ sở vật chất và môi trường cho đến phương tiện bảo vệ cá nhân, đào tạo và thời gian nghỉ làm để tham gia các hoạt động y tế như tiêm chủng…

Điều 9 bao quát việc liên lạc trao đổi thông tin giữa tổ chức, người lao động và các bên liên quan khác trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Điều khoản này gồm việc ai cần liên lạc, khi nào tiến hành và tiến hành như thế nào. Đồng thời đưa ra các cân nhắc để đưa vào quy trình thông tin liên lạc như việc sử dụng các biển báo và biểu tượng trực quan, sự cần thiết xem xét các thời điểm thích hợp để tiến hành thông tin liên lạc. Giải quyết vấn đề thông tin liên lạc gắn với tăng khả năng tiếp cận nơi làm việc và nhu cầu duy trì liên lạc với người lao động khi dịch bệnh tiến triển.

Điều 10 khuyến nghị tổ chức thiết lập và triển khai hệ thống phân cấp kiểm soát để xử lý rủi ro phát sinh từ các sự cố về bệnh truyền nhiễm đã nhận diện tại bước lập kế hoạch (Điều 6). Lý tưởng nhất là các rủi ro cần được loại bỏ, nhưng nếu việc làm này không khả thi, các biện pháp hành chính như làm việc tại nhà hoặc giãn cách sẽ được tính đến, với lựa chọn cuối cùng trong hệ thống phân cấp là cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân.

Điều 11 bàn luận về các biện pháp kiểm soát khả thi đối với các bệnh truyền nhiễm (bệnh truyền nhiễm được định nghĩa tại phần Thuật ngữ và Định nghĩa (điều 3) của tiêu chuẩn là “bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người”). Các biện pháp kiểm soát này hình thành phần độc lập của tiêu chuẩn và bao gồm việc đến và rời khỏi nơi làm việc tại các khu vực có sự lây truyền cộng đồng, di chuyển xung quanh và giữa các nơi làm việc dưới sự kiểm soát của tổ chức, các khu vực làm việc và trạm làm việc, sử dụng các khu vực chung, sử dụng nhà vệ sinh, gặp gỡ, thăm nơi làm việc, giao nhận, làm việc tại nhà, làm việc tại nhà người khác, làm việc tại nhiều địa điểm, làm việc với công chúng và hoạt động đi lại liên quan đến công việc.

Điều 12 gồm các biện pháp kiểm soát đối với các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh này được định nghĩa là “bệnh truyền nhiễm lây truyền do tiếp xúc với các nguồn trong môi trường”. Trọng tâm là kiểm tra bảo trì phòng ngừa các thiết bị và hệ thống như thiết bị sử dụng để cung cấp nước hoặc điều hòa không khí.

Điều 13 liên quan đến các bệnh truyền nhiễm đặc hữu và bao gồm các biện pháp kiểm soát đang được áp dụng tại những nơi công nhân làm việc hoặc cần phải đi lại để thực hiện công việc của mình. Tổ chức phải lưu ý người lao động về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và các hành động được khuyến cáo khác như ngăn ngừa tiếp xúc với côn trùng và động vật.

Điều 14 nêu bật tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân, nhấn mạnh những điều cơ bản như rửa tay, thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt làm việc cộng với việc xử lý phù hợp các phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng.

Điều 15 đẩy mạnh sử dụng khẩu trang và các dụng cụ che mặt, găng tay bảo hộ và quần áo bảo hộ, đồng thời công nhận khả năng bảo vệ của dụng cụ trước các rủi ro sinh học.

Điều 16 đề xuất giới thiệu và duy trì các quy trình quản lý các ca nghi mắc hoặc xác nhận mắc bệnh truyền nhiễm. Hành động được xác định cho cả tổ chức và lãnh đạo cấp cao nhất dành cho xác nhận ban đầu và đánh giá rủi ro tình huống cũng như tiếp tục quản lý tình huống qua thời gian. Các hoạt động này gồm những nơi làm việc được kiểm soát bởi tổ chức cũng như quản lý bệnh tật của người lao động trong các môi trường khác. Tiêu chuẩn ISO 45006 đưa ra các quy trình cần bao hàm như: sàng lọc, xét nghiệm, theo dõi truy vết và cách ly.

Điều 17 đề cập đến việc đánh giá hiệu suất và kiểm tra hoạt động quản lý và phòng ngừa có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm tại tổ chức. Điều khoản này thúc đẩy việc sử dụng cả chỉ số hiệu suất chủ động và phản ứng bao gồm việc sử dụng các chỉ số quốc gia được xác định trong các tình huống có dịch bệnh hoặc đại dịch. Các hoạt động rà soát quản lý cũng được khuyến cáo, cũng như báo cáo tới các bên quan tâm bên ngoài có liên quan.

Điều 18 về việc cải thiện và khuyến khích tổ chức xác định và xây dựng khả năng quản lý rủi ro liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.

Kết luận

Tiêu chuẩn 45006, dựa trên ISO/PAS 45005 và có thể áp dụng cho tất cả các bệnh truyền nhiễm, là sự bổ sung có giá trị cho sê ri ISO 45000 ngày càng được mở rộng.

Hiện tại, việc tập trung vào COVID-19 làm cho chúng ta dễ dàng quên rằng còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác sẽ tiếp tục xuất hiện sau trận chiến với vi rút corona. Ngay cả trong bản thảo ban đầu của tiêu chuẩn 45006 cũng đã đưa ra lời khuyên thiết thực phù hợp cho những người đang quản lý các tổ chức cách thức cấu trúc doanh nghiệp của mình để đối phó với các tình huống khẩn cấp do bệnh tật. Hiện việc xây dựng tiêu chuẩn ISO 45006 đang được thực hiện và sẽ nhanh chóng trở thành một tài liệu mạnh mẽ và đầy đủ hơn.

Tiêu chuẩn ISO 45006 đang được ISO xây dựng và hiện ở giai đoạn dự thảo, dự kiến sẽ công bố vào tháng 10/2023.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: quality.org)