Sức khỏe nghề nghiệp của những người chăm sóc sức khỏe tại gia: Kết quả khảo sát chăm sóc sức khỏe tại gia.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:40(GMT +7)

Định lượng hóa được các nguy cơ nghề nghiệp của việc chăm sóc sức khỏe tại gia và lợi ích của công việc đó là rất hữu ích trong việc ưu tiên hóa các nguồn lực cho việc phát triển công tác phòng ngừa và cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc xây dựng chính sách.

Dân số toàn cầu đang bị lão hóa. Năm 2006, toàn thế giới chỉ có khoảng 500 triệu người có độ tuổi từ 65 trở lên; nhưng đến năm 2030, số lượng đó sẽ tăng đến khoảng 1 tỷ người. Tới năm 2050, chỉ riêng nước Mỹ, người ta dự báo số người Mỹ có độ tuổi từ 65 trở lên sẽ có khoảng 89 triệu người hay số người già tăng gấp đôi so với năm 2010. Năm 2013, ở châu Âu, có 4 người lao động/ 1 người già thì đến năm 2050 chỉ còn 2 người lao động/1 người già. Những người có độ tuổi từ 65 trở lên tăng nhanh nhất là ở các nước đang phát triển, với tốc độ gia tăng khoảng 140% tới năm 2030. Sự thay đổi về nhân khẩu học lớn như vậy đang thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người già, bao gồm cả chăm sóc tại gia với tốc độ chưa từng thấy.

Tại Mỹ và châu Âu, nhu cầu việc làm chăm sóc sức khỏe tại gia tăng cao và tiếp tục gia tăng nhanh. Ước tính của Cục thống kê lao động Mỹ cho thấy có khoảng 2 triệu người làm công việc chăm sóc sức khỏe gia đình và chăm sóc cá nhân; dự báo số lượng này sẽ tăng 48% trong thập kỷ tới. Ngoài việc dân số già đi, việc làm chăm sóc sức khỏe tại gia tăng lên còn là do tiến bộ của công nghệ y khoa; công nghệ này cho phép thực hiện các công đoạn phức tạp ngay tại nhà và đa phần mọi người có thể được chăm sóc ngay tại nhà cho nên sẽ giảm được những người làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo kiểu truyền thống, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 20-60, những người hiện tại đang phải làm việc xa nhà.

Mặc dù lực lượng lao động và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe tại gia có tầm quan trọng như vậy nhưng lại có rất ít các đề tài nghiên cứu định lượng về công tác an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) đối với lực lượng lao động này. Nghiên cứu định lượng về rủi ro nghề nghiệp là cần thiết vì nó là cơ sở khoa học để ra các quyết sách thúc đẩy công tác sức khỏe và sức sản xuất của lực lượng sản xuất quan trọng này.

Mục tiêu nghiên cứu: Ở những quốc gia có dân số bị lão hóa, chăm sóc sức khỏe tại gia là một trong những nghề phát triển nhanh nhất. Có rất ít các nghiên cứu định lượng về điều kiện ATSKNN của đối tượng này. Mục tiêu của nghiên cứu này là: (1) đánh giá một cách định lượng các nguy cơ ATSKNN và lợi ích của  các điều kiện làm việc chăm sóc sức khỏe tại gia; (2) so sánh các trải nghiệm về ATSKNN của những người chăm sóc sức khỏe tại gia thông qua hệ thống dịch vụ y tế và xã hội của bang miền Tây Massachuset, Mỹ.

Phương pháp nghiên cứu: những người được lựa chọn để nghiên cứu (i) thông qua các trung tâm tuyển dụng và thời gian biểu mà họ làm việc tại các gia đình cần hỗ trợ;(ii) thông qua tổ chức công đoàn của những khách hàng hoặc gia đình khách hàng tuyển dụng trực tiếp. Các câu hỏi bao gồm cả các câu hỏi chi tiết về các cuộc viếng thăm khách hàng gần đây của người chăm sóc sức khỏe tại gia cũng như những trải nghiệm cá nhân của họ về ATSKNN.

Kết quả: tổng số mẫu nghiên cứu là 1.249 người chăm sóc sức khỏe tại gia ( 634 người do các trung tâm giới thiệu, 615 người do khách hàng tự liên hệ), thông tin được xử lý dựa trên 3.484 cuộc thăm viếng khách hàng. Các nguy cơ nghề nghiệp chủ yếu là các bệnh cơ xương khớp, tiếp xúc với các khuẩn lây nhiễm, hóa chất tẩy rửa khử trùng và các hành vi bạo lực.

Kết luận: Những trải nghiệm về ATSKNN của những người chăm sóc sức khỏe tại gia cũng tương tự như những người làm công tác chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế công cộng. Mặc dù có các thách thức về ATSKNN nhưng những người chăm sóc sức khỏe tại gia cũng cảm thấy hạnh phúc khi họ được chăm sóc cho người khác và lợi ích của công việc đó cần được nhân rộng. Định lượng hóa được các nguy cơ nghề nghiệp của việc chăm sóc sức khỏe tại gia và lợi ích của công việc đó là rất hữu ích trong việc ưu tiên hóa các nguồn lực cho việc phát triển công tác phòng ngừa và cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc xây dựng chính sách.

Xem file PDF bản tiếng Anh tại đây

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: Nilp.vn)