Tác động tích lũy của tiếp xúc dung môi hữu cơ ảnh hưởng đến tình trạng Stress tại nơi làm việc ở công nhân ngành da giầy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Công nhân tiếp xúc với dung môi hữu cơ (DMHC) được lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian trong các ngành công nghiệp, đã dẫn đến tình trạng tích lũy những tác hại không mong muốn, do quá trình chuyển hóa của dung môi hữu cơ trong cơ thể gây ra những triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm lý tâm thần. Một nghiên cứu tại nhà máy sản xuất giầy trên công nhân có tiếp xúc với DMHC qua nhiều năm làm việc, để tìm mối liên quan giữa tiếp xúc tích lũy liều DMHC và tình trạng stress (căng thẳng) của công nhân tại nơi làm việc, kết quả cho thấy mỗi công nhân với những đặc điểm riêng về chiều cao và cân nặng, tùy theo thời gian làm việc có tiếp xúc với DMHC thì có sự xuất hiện các triệu chứng căng thẳng khác nhau, và nhóm có thời gian tiếp xúc nhiều hơn thì có tỉ lệ căng thẳng cao hơn.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhiều nghiên cứu qua thực nghiệm trên động vật, con người cũng như sự tiếp cận dịch tễ học đã kết luận rằng, việc tiếp xúc lâu dài với các chất DMHC đã làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và gây ra các triệu chứng tâm thần kinh hành vi kéo dài [1]. Quá trình tiếp xúc tích lũy theo thời gian, do tiếp xúc nghề nghiệp ở nồng độ thấp, đã dẫn đến những rối loạn tâm lý hành vi nhưng khó nhận dạng ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, các tổn thương liên quan đến thần kinh ngoại biên cũng được tìm thấy ở những công nhân tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với các hợp chất DMHC, do sự suy giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh ngoại biên [2].

Ngày nay Methyl Ethyl Ketone (MEK) và Aceton được dùng rộng rãi trong ngành công nghiệp da giày Việt Nam, vì là loại DMHC ít độc hại hơn so với các loại DMHC thơm như Benzene, Toluen,… Tổ chức sức khỏe nghề nghiệp Hoa kỳ cũng đưa ra ngưỡng tiếp xúc tối đa cho phép của MEK là 200ppm (590mg/m3) cho người lao động trong 8 giờ làm việc/ngày, tối đa là 10 giờ/ngày và 40 giờ/tuần làm việc. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn của MEK trong môi trường lao động cho phép là 100mg/m3, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Mỹ và các nước châu Âu [3, 4]. Theo tổ chức sức khỏe nghề nghiệp Hoa kỳ (OSHA), các nghiên cứu về tác hại của việc tiếp xúc Aceton với sức khỏe cho thấy ở mức độ tiếp xúc dưới 1000 ppm trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, rối loạn tâm thần. Một số nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh nghề nghiệp tại các ngành công nghiệp có tiếp xúc với aceton, cũng báo cáo rằng công nhân tiếp xúc với aceton có nồng độ từ 700 – 1000 ppm sẽ xuất hiện các triệu chứng về thần kinh [4].

Kết quả nghiên cứu về tổn thương mãn tính trên hệ thần kinh là những tổn thương không hồi phục và tổn thương não. Tiếp xúc với dung môi hữu cơ mãn tính qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể theo nhiều mức độ khác nhau từ tổn thương tế bào đến các cơ quan nội tạng. Một số nghiên cứu thực nghiệm trên động vật đã cho thấy, cơ chế biến đổi của các hormone thần kinh như GABA, glycine, nicotine, và 5HT do tiếp xúc với dung môi hữu cơ tùy thuộc vào múc độ và thời gian phơi nhiễm, sẽ gây ra những biến đổi về tâm thần kinh ở con người như trầm cảm, rối loạn lo âu và các biểu hiện rối loạn hành vi khác nhau [5].

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp da giày được xem là một trong những ngành mũi nhọn nằm trong chiến lược đào tạo lao động công nghiệp và phát triển hàng tiêu dùng nhằm định hướng xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều số liệu về sức khỏe tâm lý tâm thần ở công nhân, đặc biệt là nhóm người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiệt độ cao và hơi dung môi hữu cơ. Do vậy, nghiên cứu và đánh giá tình trạng stress ở người lao động và các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc, nhất là hơi dung môi trong ngành công nghiệp da giầy là rất cần thiết. Điều này cho phép các nhà quản lý sức khỏe, có thể xây dựng các các chương trình nâng cao sức khỏe tâm lý hành vi nhằm bảo vệ lực lượng lao động mà chủ yếu là nữ giới trong các ngành công nghiệp có phơi nhiễm với nhiệt độ cao cùng hơi dung môi hữu cơ, đồng thời sẽ giúp cải thiện sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

2. PHƯƠNG PHÁP

Thiết kế và cỡ mẫu nghiên cứu: Một nghiên cứu là cắt ngang được tiến hành vào năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Dựa theo một nghiên cứu cắt ngang được tiến hành tại miền Bắc, Việt Nam năm 2012 với 420 công nhân đang làm việc trong ngành công nghiệp giầy để tìm hiểu về tỉ lệ công nhân có các triệu chứng trầm cảm, kết quả cho thấy có 18,8% công nhân có dấu hiệu trầm cảm (6). Do vậy, ứng dụng kết quả nghiên cứu, cỡ mẫu trong nghiên cứu này sẽ được tính với:  

Do vậy  tổng số mẫu được chọn trong nghiên cứu này ít nhất là 235 công nhân.  Dựa vào quy trình sản xuất để lựa chọn mẫu nghiên cứu (N= 235 công nhân), nhóm có tiếp xúc với DMHC với 235 công nhân tại các khâu in, quét keo, sấy, dán đế giầy. Biến số hậu quả là tình trạng stress ở công nhân dựa vào bảng công cụ của ASI. Ngoài ra các biến số khác là tuối, giới, tình trạng gia đình, học vấn, kinh tế xã hội, các mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc cũng được thu thập.

Trong nghiên cứu này, thực hiện phỏng vấn trên 242 công nhân có tiếp xúc với DMHC tại nơi làm việc, để phát hiện sự suy giảm sức khỏe tâm lý tâm thần do stress có liên quan đến lao động bằng bộ công cụ ASI được chuẩn hóa tiếng Việt “Workplace Stress Survey” thuộc Viện nghiên cứu về Stress Hoa Kỳ (7), và phỏng vấn trực tiếp công nhân để phát hiện tình trạng stress.

Mức độ stress là biến định lượng được xác định dựa trên 10 câu hỏi và cách tính điểm theo thang điểm từ 1 – 10 cho toàn bộ 10 câu hỏi, và tổng điểm cao nhất là 100 điểm.

Mức độ stress ở công nhân: là biến thứ tự, bao gồm 3 giá trị:

Cao: khi điểm stress ở công nhân có giá trị từ 70 trở lên.

Trung bình: khi điểm stress ở công nhân có giá trị từ 40 đến dưới 70 điểm.

Nhẹ: khi điểm stress ở công nhân có giá trị dưới 40 điểm.

Stress ở công nhân: là biến nhị giá gồm 2 giá trị:

Có: khi mức độ stress ở công nhân là trung bình và cao (với điểm stress  ≥ 40).

Không: khi mức độ stress ở công nhân là nhẹ (với điểm stress ≤ 39).

Phân tích tỉ lệ hiện mắc (%) stress và điểm stress trên từng cá thể so sánh với liều tiếp xúc tích lũy; So sánh nhóm có triệu chứng stress và không có triệu chứng stress về liều tiếp xúc tích lũy và mức độ tăng nguy cơ xuất hiện stress bằng cách tính ORs, 95%CI.

Tính liều tiếp xúc tích lũy, của DMHC qua đường hô hấp từ các nghiên cứu thực nghiệm, lâm sàng, hệ thống, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xây dựng được liều tham khảo (RfD, reference dose) đối với chất hóa học tác động đến hệ thần kinh trung ương do tiếp xúc qua đường hô hấp.

Phân tích mối tương quan giữa liều tiếp xúc tích lũy của hơi DMHCvà mức độ stress ở công nhân có tiếp xúc. Ước tính nguy cơ tiếp xúc tích lũy và xác định mức độ gia tăng gánh nặng stress ở công nhân.

3. KẾT QUẢ

Bằng bộ câu hỏi phỏng vấn của Viện nghiên cứu stress Hoa Kỳ (AIS) nhằm phát hiện stress tại nơi làm việc, một nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan và ảnh hưởng của tiếp xúc tích lũy dung môi hữu cơ với sự xuất hiện các triệu chứng stress ở 242 công nhân có tiếp xúc nghề nghiệp.

Hình 1. Mối tương quan giữa nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và tình trạng stress ở công nhân có tiếp xúc với DMHC,

dựa vào sự khác biệt tỉ suất thở 

Nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy càng tăng thì khả năng xuất hiện các triệu chứng stress càng cao.

Hình 2. Mối tương quan giữa nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và tình trạng căng thẳng ở nhóm công nhân có biểu hiện stress

So sánh về nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy với sự xuất hiện tình trạng căng thẳng ở nhóm công nhân có các biểu hiện stress, kết quả cho thấy, có sự khác biệt rõ ràng về điểm căng thẳng khi yếu tố nguy cơ tăng cao với hệ số tương quan r là 0,24, 0,24, 0,239, 0,238 tương ứng. Trong đó, cá thể nào có tỉ xuất thở cao hơn thì nguy cơ xuất hiện các triệu chứng stress sẽ giảm, tuy nhiên sự khác biệt là không lớn.

Hình 3. So sánh mối tương quan giữa nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và tình trạng căng thẳng ở hai nhóm công nhân có và

không có biểu hiện stress

Khi so sánh nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy ở hai nhóm công nhân có và không có xuất hiện các biểu hiện stress, kết quả cho thấy hệ số tương quan ở nhóm không có các triệu chứng stress là r = 0,11 so với nhóm có xuất hiện các triệu chứng stress là 0,24.

Hình 4. So sánh mối tương quan giữa nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và tuổi sinh học với tình trạng stress ở hai nhóm

công nhân có và không có triệu chứng stress

So sánh về nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và tuổi công nhân cùng với sự xuất hiện tình trạng căng thẳng ở hai nhóm có và không có các triệu chứng stress, kết quả cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về điểm căng thẳng khi yếu tố nguy cơ tăng cao, đặc biệt là nhóm có các triệu chứng stress.

              Bảng 1. Mối liên quan giữa nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy và stress ở công nhân có phơi nhiễm với DMHC và làm việc trong môi trường nóng với nhiệt độ trên 31oC

Nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy (I)

Nguy cơ (OR)

KTC 95%

I (tỉ suất thở trung bình)

1,20

1,008 – 1,44

I (tỉ suất thở là 75th)

1,18

1,01 – 1,39

I (tỉ suất thở là 90th)

1,17

1,01 – 1,35

I (tỉ suất thở là 95th)

1,16

1,01 – 1,33

Như vậy, khi làm việc ở nhiệt độ cao trên 31oC và tiếp xúc với DMHC qua đường hô hấp, nguy cơ mắc stress ở công nhân là từ 16% đến 20%.

               Bảng 2. So sánh nguy cơ tăng mức độ stress ở hai nhóm có và không có các biểu hiện stress với yếu tố tiếp xúc là liều tích lũy

Nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy (I)

Nguy cơ trung bình

Khoảng tin cậy 95%

Nhóm có triệu chứng stress

1,73 ± 1,82

2,56 (1,05 – 6,26)

Nhóm không có triệu chứng stress

1,32 ± 1,43

1,58 (0,82 – 3,07)

Nguy cơ tăng ở nhóm có triệu chứng stress cao hơn so với nhóm công nhân không có triệu chứng stress. Khi nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy tăng 1 đơn vị thì khả năng tăng mức độ stress cao gấp 2,5 lần do liều tích lũy trung bình cao hơn so với nhóm không có triệu chứng stress.

Hình 5. So sánh mối tương quan giữa căng thẳng và liều tiếp xúc tích lũy hoặc thời gian làm việc

Nguy cơ tiếp xúc tích lũy có mối tương quan với tình trạng căng thẳng rõ nét hơn so với thời gian làm việc.

               Bảng 3. So sánh khả năng xuất hiện stress ở hai nhóm với nguy cơ tiếp xúc là liều tích lũy và thời gian làm việc

Nguy cơ tiếp xúc

Tỉ lệ tăng

OR (KTC 95%)

Nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy I

17%

1,17 (1 – 1,38)

Nguy cơ tiếp xúc tích lũy (số năm làm việc)

13%

1,13 (1,05 – 1,2)

Khi so sánh giữa hai nhóm có và không xuất hiện các triệu chứng stress, kết quả cho thấy khi yếu tố nguy cơ tiếp xúc tăng lên 1 đơn vị, thì nguy cơ xuất hiện các triệu chứng stress ở công nhân tăng 17% với (OR=1,17, KTC 95% 1 – 1,38). Trong khi đó, với yếu tố tiếp xúc là thời gian làm việc, kết quả cho thấy khi công nhân làm việc nhiều hơn 1 năm, thì nguy cơ xuất hiện triệu chứng stress tăng 13% với OR là 1,13 và KTC 95% là 1,05 – 1,2.

4. BÀN LUẬN

Tại Việt Nam, chưa có các nghiên cứu về tỉ suất thở ở người Việt Nam trong đó có các nhóm tuổi lao động từ 18 đến 60. Do vậy trong nghiên cứu này, để tính mức độ tiếp xúc tích lũy trên từng cá thể công nhân, chúng tôi sử dụng nghiên cứu tỉ suất thở ở người Mỹ theo từng nhóm tuổi và giới tính. Tuy nhiên, vì kích thước và sức khỏe thể chất của người Mỹ luôn hơn người Việt Nam, nên trong quá trình phân tích chúng tôi ứng dụng kết quả tỉ suất thở ở chỉ số 75th, 90th, và 95th percentiles của cả hai giới nam và nữ trên từng nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là lứa tuổi lao động.

Thêm vào đó, dựa vào nồng độ chất hóa học được đo từ môi trường lao động ngành công nghiệp da giầy tại các bộ phận có sử dụng nguyên liệu là dung môi hữu cơ, 242 công nhân được đưa vào mẫu nghiên cứu và phân tích nguy cơ tiếp xúc liều tích lũy. Kết quả phân tích cho thấy, có mối tương quan giữa mức độ căng thẳng (stress) và nguy cơ tiếp xúc tích lũy với dung môi hữu cơ trên từng cá nhân có tỉ suất thở tương ứng với tỉ suất trung bình, 75th, 90th, và 95th (Hình 1).

Khi xét mối tương quan giữa mức độ căng thẳng và nguy cơ là liều tiếp xúc tích lũy trên từng cá nhân so sánh với tuổi của công nhân, kết quả cho thấy có mối tương quan giữa mức độ căng thẳng và nguy cơ tiếp xúc tích lũy với DMHC trên từng cá thể. Ngoài ra có mối tương quan thuận giữa tuổi của công nhân và stress. Trong đó, nguy cơ do tiếp xúc với yếu tố nghề nghiệp thì tăng cao hơn so với tuổi công nhân (Hình 4).

Bên cạnh đó, kết quả phân tích ở nhóm công nhân phơi nhiễm với DMHC làm việc trong môi trường lao động có nhiệt độ trên 31oC, có nguy cơ mắc stress cao và mối liên quan có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Như vậy khi làm việc ở nhiệt độ cao trên 31oC và tiếp xúc tích lũy với DMHC, nguy cơ mắc stress ở công nhân là từ 16% đến 20% (Bảng 1).

Khi phân tích nhóm công nhân có tiếp xúc với dung môi hữu cơ và mắc stress, kết quả cho thấy có mối tương quan giữa nguy cơ tiếp xúc tích lũy và mức độ căng thẳng với hệ số tương quan là r = 0,24, so với mối tương quan ở nhóm không bị stress là r = 0,11 (Hình 2, 3). So sánh giữa nhóm stress và không có stress, nguy cơ tiếp xúc trung bình là 1,73 và 1,32 tương ứng. Như vậy ở nhóm công nhân có xuất hiện triệu chứng stress, nguy cơ tiếp xúc tích lũy (TXTL) trung bình cao hơn nhóm công nhân không có triệu chứng stress. Ngoài ra, ở nhóm có triệu chứng stress nguy cơ tăng tình trạng căng thẳng (OR=2,56, 1,05 – 6,26) cao hơn so với độ tăng nguy cơ ở nhóm không có triệu chứng stress (OR=1,58, 0,82 – 3,07). Khi nguy cơ tiếp xúc nồng độ tích lũy tăng 1 đơn vị thì khả năng tăng mức độ stress cao 2,5 lần ở nhóm có triệu chứng stress so với 1,58 lần ở nhóm không có triệu chứng stress (Bảng 2).

Sau khi ước tính nguy cơ tiếp xúc tích lũy (I6) ở từng cá thể với 242 công nhân, chúng ta có thể ước tính nguy cơ cho từng cá nhân về bệnh có liên quan đến sức khỏe tâm thần dựa vào RfC (Reference Concentration). Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về RfC cho các chất dung môi hữu cơ như MEK, Acetone, n-Hexane, … ngoại trừ một số chất dung môi độc hại như Benzene, Toluene, Xylene, … Do vậy trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều thông tin hơn về RfC với hầu hết các chất DMHC để có thể ước tính nguy cơ mắc bệnh tâm lý tâm thần ở từng công nhân sau khi tiếp xúc với các chất DMHC riêng biệt, hoặc hợp chất DMHC trong các ngành công nghiệp ngày càng phát triển như hiện nay.

Thêm vào đó, khi so sánh giữa nhóm có và không có triệu chứng stress, kết quả gợi ý rằng khi yếu tố nguy cơ tiếp xúc tăng lên 1 đơn vị thì nguy cơ xuất hiện các triệu chứng stress tăng 17% với (OR=1,17, KTC 95% 1 – 1,38). Trong khi đó khi so sánh giữa nhóm có và không có triệu chứng stress với thời gian làm việc có tiếp xúc với DMHC, kết quả cho thấy công nhân tiếp xúc nhiều hơn 1 năm thì có nguy cơ xuất hiện triệu chứng stress tăng 13% (với OR=1,13 và KTC 95% là 1,05 – 1,2) (Bảng 3). Như vậy, để ước tính tỉ lệ stress, việc sử dụng yếu tố phơi nhiễm là liều tiếp xúc tích lũy sẽ cho kết quả cao hơn là sử dụng thời gian năm làm việc có tiếp xúc với DMHC (Hình 5).

5. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu khi sử dụng công thức tính liều tiếp xúc tích lũy hơi dung môi hữu cơ cho thấy tỉ lệ có triệu chứng căng thẳng ở công nhân cao hơn mô hình chỉ dùng thời gian làm việc là biến số tiếp xúc. Bên cạnh đó, mỗi công nhân có kích thước về chiều cao cân nặng khác nhau sẽ có tỉ suất thở khác nhau mặc dù là làm việc cùng thời gian. Do vậy cần ứng dụng mô hình tính liều tiếp xúc tích lũy trong ước tính mối liên quan giữa phơi nhiễm dung môi hữu cơ và sự xuất hiện triệu chứng stress ở công nhân ngành da giầy nói riêng và ngành công nghiệp có sử dụng dung môi hữu cơ nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Passero S, Battistini N, Cioni R, Giannini F, Paradiso C, Battista F, et al. Toxic polyneuropathy of shoe workers in Italy. A clinical, neurophysiological and follow-up study. Italian journal of neurological sciences. 1983;4(4):463-72.

[2]. Struwe G, Wennberg A. Psychiatric and neurological symptoms in workers occupationally exposed to organic solvents–results of a differential epidemiological study. Acta psychiatrica Scandinavica Supplementum. 1983;303:68-80.

[3]. Cavender FL, Casey HW, Salem H, Swenberg JA, Gralla EJ. A 90-day vapor inhalation toxicity study of methyl ethyl ketone. Fundamental and applied toxicology : official journal of the Society of Toxicology. 1983;3(4):264-70.

[4]. Dick RB, Setzer JV, Taylor BJ, Shukla R. Neurobehavioural effects of short duration exposures to acetone and methyl ethyl ketone. British journal of industrial medicine. 1989;46(2):111-21.

[5]. Bowen SE, Batis JC, Paez-Martinez N, Cruz SL. The last decade of solvent research in animal models of abuse: mechanistic and behavioral studies. Neurotoxicology and teratology. 2006;28(6):636-47.

[6]. Minh KP. Work-related depression and associated factors in a shoe manufacturing factory in Haiphong City, Vietnam. International journal of occupational medicine and environmental health. 2014;27(6):950-8.

[7]. The@ American Institute of Stress. Workplace Stress Survey.

TS.Phan Minh Trang 

Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)