Thực trạng chức năng hô hấp của công nhân may – Thái Nguyên
Sở KH và CN Thái nguyên
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, GS.TS Đỗ Hàm
Đại học Y Dược Thái nguyên
TÓM TẮT
Một nghiên cứu mô tả theo thiết kế cắt ngang nhằm đánh giá thực trạng chức năng hô hấp (CNHH) và yếu tố liên quan trên 200 công nhân may tại Thái Nguyên đã được tiến hành. Kết quả thu được như sau:
– Tỷ lệ NLĐ ngành may bị suy giảm chức năng hô hấp (SGCNHH) khá cao (13% đến 14%). Có 24/ 27 trường hợp bị SGCNHH thể tắc nghẽn.
– Mối liên quan giữa tuổi đời, tuổi nghề và suy giảm chức năng hô hấp ở công nhân may chưa rõ. Có mối liên quan rõ rệt giữa thực hành đảm bảo ATVSLĐ với hiện tượng SGCNHH ở công nhân may.
Các tác giả đề nghị: cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo dục truyền thông về ATVSLĐ, cho NLĐ ngành may.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Công nghiệp dệt may đã có một quá trình phát triển lâu đời. Tuy nhiên điều kiện và môi trường lao động dệt may tại nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy sự tồn tại của nhiều chứng, bệnh liên quan đến nghề dệt may [4], [6]. Ở nước ta, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp còn cao (60 -80%) [4]. Trong quá trình lao động, công nhân không những phải thường xuyên tiếp xúc với bụi bông mà còn chịu sự tác động của vi khí hậu bất thường. Ở Thái Nguyên hiện nay có hàng chục cơ sở may mặc với hàng vạn NLĐ. Trong quá trình thăm khám những năm gần đây cho thấy công nhân mắc nhiều chứng bệnh: bệnh viêm mũi họng (67% – 86%); bệnh viêm phế quản (từ 4% – 11%); đặc biệt Bụi phổi bông, một BNN đặc thù đã được phát hiện là 2,3% – 2,9%. Hầu hết các chứng bệnh này đều ảnh hưởng đến chức năng hô hấp (CNHH) của công nhân. Thăm dò CNHH sẽ cho phép chúng ta đánh giá tình trạng bệnh lý suy giảm chức năng hô hấp SGCNHH đồng thời cũng giúp ta sàng lọc, định hướng cho những khám nghiệm tiếp theo [3]. Đề tài nghiên cứu nhằm đáp ứng hai mục tiêu:
– Đánh giá thực trạng SGCNHH ở công nhân ở công nhân may tại Thái Nguyên.
– Đánh giá mối liên quan giữa hiện tượng SGCNHH với một số yếu tố liên quan nghề nghiệp của công nhân may tại Thái Nguyên.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: các lao động nữ trong ngành may mặc tại Thái Nguyên, có tuổi nghề từ 02 năm trở lên.
– Địa điểm nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành tại 2 cơ sở may mặc tại Thái Nguyên là: Cty May Chiến Thắng và Cty May TĐT Thái Nguyên. Các cơ sở này đã được đo, xác định MTLĐ định kỳ và cho thấy còn nhiều hạn chế. Kết quả cho thấy tỷ lệ các vị trí làm việc có vi khí hậu chưa đạt yêu cầu cao (nhiệt độ từ 10 – 14%; độ ẩm từ 20 – 40%; tốc độ gió từ 33 – 60%). Hàm lượng bụi bông vượt TCCP từ 20 – 40%.
– Thời gian nghiên cứu: từ tháng 10 – 2012 đến tháng 02 – 2013.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
– Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả với thiết kế cắt ngang.
– Cỡ mẫu và chọn mẫu: cỡ mẫu mô tả CNHH được tính theo công thức và thu được là 94 cho mỗi cơ sở. Khi tiến hành nghiên cứu, chúng tôi chọn mỗi cơ sở đủ 100 công nhân để dự phòng các lý do bỏ khám khi tiếp tục theo dõi về sau này. Trong Cty May Chiến Thắng (Thuộc TCty Dệt may Hà Nội đóng ở Thái Nguyên): 100 người, Cty may TĐT Thái Nguyên: 100 người. Cách chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên đơn trên cơ sở danh sách công nhân của các cơ sở nghiên cứu.
2.2.2. Kỹ thuật dùng trong nghiên cứu
Chức năng hô hấp được đo bằng máy Vitalograph spirometer do các nước Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức hợp tác sản xuất. Đánh giá tình trạng SGCNHH theo qui định của tổ chức Y tế thế giới trên cơ sở đề nghị của Balwil, DavidV Bates(1968), StaufferJ.L(1994) và sự phù hợp với các tác giả Việt Nam [3]. Hai chỉ số đánh giá chính là: dung tích sống (VC); thở ra gắng sức giây đầu (FEV1).
2.2.3. Xử lý số liệu
Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học trên máy vi tính bằng chương trình phần mền EPI INFO 6.04 và SPSS 13.0.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Về chỉ số thông khí phổi (xem Bảng 1).
Bảng 1: Chỉ số thông khí phổi của công nhân may theo tuổi đời
Trên Bảng 1 ta thấy, cả hai chỉ số dung tích sống và thở ra gắng sức của công nhân may Thái Nguyên đều ở giới hạn dưới của giá trị trung bình. Tuy sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p> 0,05). Mặc dù vậy, giá trị này vẫn được coi là chưa tốt. Chức năng thông khí là các chỉ số quan trọng trong đánh giá CNHH. Nếu các chỉ số này thấp sẽ dẫn đến việc suy giảm khả năng lao động. Đây là điều đã được nhiều tác giả khuyến cáo [5].
3.2. Về chức năng hô hấp (xem bảng 2):
Bảng 2. Tỷ lệ có biểu hiện SGCNHH trong công nhân may
CNHH Cơ sở |
Có suy giảm |
Không suy giảm |
TĐT (100) |
13(13,0%) |
87 ( 87,0%) |
Chiến Thắng (100) |
14(14,0%) |
86 ( 86,0%) |
Cộng |
27(13,5%) |
173 (86,5%) |
Trên Bảng 2 ta thấy, tỷ lệ có SGCNHH ở cả hai cơ sở đều cao (13% – 14%). Như vậy những công nhân này không có khả năng lao động nặng. Mặc dù trong nghiên cứu đã ghi nhận, phần lớn họ còn rất trẻ. Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, ngành may mặc của chúng ta đã và đang có nhiều cơ hội phát triển tốt, song nếu không bảo vệ và duy trì được sức khỏe, khả năng lao động của đội ngũ công nhân sẽ là bất lợi [7]. Để làm tốt vấn đề này, việc quan trọng, thường xuyên là phải cải thiện môi trường có vi khí hậu bất lợi và giảm thiểu bụi có khả năng gây hại cho sức khỏe [1], [2].
3.3. Phân loại sức khỏe công nhân (xem Bảng 3)
Bảng 3: Phân loại SGCNHH trong công nhân may
Phân loại Cơ sở |
Hạn chế |
Tắc nghẽn |
Kết hợp |
TĐT (13) |
1 |
12 |
1 |
Chiến Thắng (14) |
2 |
12 |
0 |
Cộng |
3 |
24 |
1 |
Qua Bảng 3 ta thấy, hầu hết các trường hợp có SGCNHH ở cả hai cơ sở đều là suy giảm kiểu tắc nghẽn (25 trường hợp/ 27). Tỷ lệ SGCNHH kiểu tắc nghẽn là dấu hiệu bệnh lý đường thở đã rõ. Điều này cũng phù hợp với điều kiện môi trường tiếp xúc với bụi của NLĐ. Công nhân tại các cơ sở này thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi bông, vượt TCCP. Trên thực tế đã có những trường hợp được xác định là mắc bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp, một bệnh có biểu hiện bệnh lý đặc thù là gây nên hội chứng tắc nghẽn thông khí [4], [5].
3.4. Mối liên quan giữa người SGCNHH và tuổi đời (xem Bảng 4):
Bảng 4: Mối liên quan giữa SGCNHH và tuổi đời (200 công nhân)
SGCNHH Tuổi đời |
Có |
Không |
||
SL |
% |
SL |
% |
|
< 30 năm ( 126) |
15 |
11,90 |
111 |
88,10 |
≥ 30 năm (74) |
11 |
14,86 |
63 |
85,14 |
p |
> 0,05 |
> 0,05 |
Qua Bảng 4 ta thấy, mối liên quan giữa hiện tượng SGCNHH và tuổi đời của công nhân không rõ (p> 0,05). Điều này chứng tỏ vấn đề bệnh lý hô hấp ở công nhân may không phụ thuộc vào tuổi đời. Những tác động của môi trường và công việc là nguy cơ chính làm tổn hại CNHH của công nhân. Chúng tôi có chung nhận định với nhiều tác giả khác [1], [4].
3.5. Mối liên quan giữa SGCNHH với tuổi nghề (xem Bảng 5):
Bảng 5: Mối liên quan giữa SGCNHH và tuổi nghề (200 công nhân)
SGCNHH Tuổi nghề |
Có |
Không |
||
SL |
% |
SL |
% |
|
< 5 năm ( 88) |
13 |
14,77 |
75 |
85,23 |
≥ 5 năm (112) |
14 |
12,50 |
98 |
87,50 |
p |
> 0,05 |
> 0,05 |
Qua Bảng 5 ta thấy, mối liên quan giữa hiện tượng SGCNHH và tuổi nghề của công nhân không rõ (p> 0,05). Điều này chứng tỏ bệnh lý hô hấp ở công nhân may xuất hiện ngay khi họ mới vào nghề. Những tác động của môi trường đã gây tổn hại CNHH của công nhân ngay từ khi mới tiếp xúc. Đây là cơ chế đã được khẳng định [4]. Như vậy việc bảo vệ CNHH cũng như dự phòng BNN phải được đặt ra ngay từ khi công nhân mới vào làm việc tại các cơ sở [2].
3.6. Mối liên quan giữa SGCNHH và thực hành ATVSLĐ (xem Bảng 6):
Bảng 6: Mối liên quan giữa SGCNHH và thực hành đảm bảo ATVSLĐ (200 công nhân)
SGCNHH THATVSLĐ |
Có |
Không |
||
SL |
% |
SL |
% |
|
Không tốt ( 129) |
21 |
16,28 |
108 |
83,72 |
Tốt (71) |
6 |
8,45 |
65 |
91,55 |
p |
< 0,05 |
Qua Bảng 6 ta thấy, công tác đảm bảo ATVSLĐ có liên quan chặt chẽ với hiện tượng SGCNHH (p< 0,05). Điều này chứng tỏ công tác đảm bảo ATVSLĐ với công nhân may là hết sức quan trọng. ATVSLĐ sẽ góp phần giảm thiểu các tác hại gây tổn thương CNHH của công nhân. Đây là vấn đề đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước khuyến cáo [4], [7].
IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
Thực trạng CNHH của công nhân may Thái Nguyên chưa tốt. Tỷ lệ có SGCNHH tương đối cao ( 13% đến 14%). Đa số là thể tắc nghẽn (24/ 27 trường hợp).
Hiện tượng SGCNHH không phụ thuộc nhiều vào tuổi đời, tuổi nghề của công nhân mà phụ thuộc vào thực hành đảm bảo ATVSLĐ của công nhân (p< 0,05).
4.2. Khuyến nghị
Cơ sở sản xuất cần có kế hoạch giảm thiểu các yếu tố nguy cơ làm SGCNHH ở NLĐ bằng các biện pháp ATLĐ và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cán bộ y tế cần lưu ý tình trạng bệnh lý hô hấp ở mọi công nhân ngay từ khi họ mới vào nghề.
Tài liệu tham khảo
1. Anne P. Sassaman (2004). Nghiên cứu sức khoẻ môi trường: đáp ứng thách thức sức khoẻ toàn cầu. Báo cáo khoa học toàn văn Hội nghị khoa học quốc tế về y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ I. NXB Y học Hà Nội, Tr 45 – 47.
2. Nguyễn Đình Dũng, Lê Thu Hà và CS (2012). Nghiên cứu điều kiện lao động và nguy cơ gây căng thẳng nghề nghiệp ở người lao động tại một số doanh nghiệp may Việt Nam. Báo cáo khoa học toàn văn Hội nghị khoa học quốc tế về y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ IV. NXB Y học Hà Nội, Tr 109 – 113.
3. Nguyễn Thị Thu Hà (2010). Nghiên cứu áp dụng bộ câu hỏi CAT đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở khoa lao và bệnh phổi bệnh viện 103. Luận án bác sỹ chuyên khoa cấp II. Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
4. Đỗ Hàm (2007). Vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp. NXB Lao động & Xã hội.
5. Đỗ Quyết (2007). Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Học viện Quân y.
6. Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease (2009). “Global strategy for diagnosis, management and prevention of COPD” MCR Vision Inc, p 1 – 88.
7. Haryono, MS et all (2005). APOSHO and Globalization Era. Proceedings of the 21st annual conference of the Asia Pacific occupational safety and health organization. Bali – Indonesia, P. 1 – 4.
(Nguồn tin: )