Thực trạng mức độ tiếp xúc và thấm nhiễm Methly Ethyl Keton ở người lao động trong một số cơ sở sản xuất da giày

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Methyl Ethyl Keton (MEK) là dung môi thuộc nhóm keton – nhóm chất gây bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm (theo ILO – 2010)[3]. Theo khảo sát ban đầu cho thấy người lao động (NLĐ) làm việc trong các cơ sở sản xuất da giày có tiếp xúc MEK ở nồng độ tương đối cao, nhiều vị trí làm việc có nồng độ của MEK cao hơn tiêu chuẩn cho phép (Quy định 3733/2002/QĐ-BYT: >150mg/m3). Mặc dù NLĐ đang tiếp xúc với MEK vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng tại Việt Nam chưa có giám sát sinh học cho NLĐcó tiếp xúc với chất này. Theo Hiệp hội các nhà vệ sinh công nghiệp Mỹ (ACGIH – 2019)[4],[5], nồng độ MEK trong nước tiểu được sử dụng làm tiêu chuẩn giám sát sinh học cho NLĐcó tiếp xúc với MEK trong môi trường lao động. Để có sở đề xuất Bộ y tế xem xét bổ sung chỉ số giám sát sinh học cho NLĐ có tiếp xúc với MEK, nhằm bảo vệ sức khỏe NLĐ và phòng tránh bệnh nghề nghiệp, bước đầu chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu “Thực trạng tiếp xúc và thấm nhiễm MEK ở NLĐtrong một số cơ sở sản xuất da giày”. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu là: Đánh giá được trực trạng mức độ tiếp xúc và thấm nhiễm MEK ở công nhân làm việc tại một số xưởng sản xuất da giày; đề xuất tiêu chuẩn giám sát sinh học.

Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi tập trung phân tích nồng độ MEK được đo trong môi trường lao động – bằng thiết bị lấy mẫu cá nhân trong 8 giờ làm việc và trong nước tiểu của NLĐcó tiếp xúc tại vị trí làm việc có sử dụng MEK của 3 phân xưởng sản xuất da giày trên địa bàn Hải Phòng.  

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Môi trường lao động phân xưởng sản xuất đế giày

– NLĐ có tiếp xúc Methyl Ethyl Keton làm việc tại phân xưởng sản xuất đế giày

Chọn mẫu và cỡ mẫu:

Chọn toàn bộ công nhân làm việc tại 3 phân xưởng sản xuất giày da có tiếp xúc trực tiếp với MEK trong môi trường lao động. Tổng số là: 170 đối tượng, trong đó:

– 62 đối tượng trực tiếp xử dụng keo MEK (phết keo vào đế)

– 108 đối tượng không trực tiếp sử dụng keo MEK (vệ sinh, kiểm tra sản phẩm)

2.2. Phương háp nghiên cứu

2.21. Thiết kế nghiên cứu: cắt ngang mô tả có phân tích

2.2.2. Phương pháp kỹ thuật nghiên cứu

a. Khảo sát, lấy mẫu ngoài hiện trường:

Lấy mẫu nước tiểu, lấy mẫu tiếp xúc cá nhân (nồng độ MEK) của các đối tượng đã chọn tại nơi làm việc, được áp dụng theo phương pháp kỹ thuật thực hiện như sau:

* Thiết bi, dụng cụ lấy mẫu:

Thiết bị lấy mẫu cá nhân: bơm hút mẫu Gilian LFS-113DC của Mỹ với tốc độ hút 0,2 L/phút Thiết bị phân tích MEK niệu và MEK trong mẫu cá nhân:Máy sắc kí khí khối phổ GC/MS (G3440A-GC7890A của Agilent – Mỹ và các dụng cụ phân tích như pipet, bình định mức, cốc thủy tinh… của Đức.

* Hóa chất: MEK; Methanol; NaCl của Sigma đảm bảo độ tinh khiết để phân tích lượng vết

* Kỹ thuật lấy mẫu:

+ Lấy mẫu cá nhân: Theo Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tập 1 năm 2015.

+ Kỹ thuật lấy mẫu phân tích MEK niệu theo hướng dẫn của Hiệp hội các nhà vệ sinh công nghiệp Mỹ (American Conference of Governmental Industrial hygienist – ACGIH) [4]

b. Phân tích trong phòng thí nghiệm:

Phân tích nồng độ MEK (mẫu cá nhân) trong môi trường và MEK trong nước tiểu (MEK niệu) của đối tượng nghiên cứu, được áp dụng theo phương pháp kỹ thuật thực hiện như sau:

* Phương pháp phân tích:

– Phân tích MEK mẫu cá nhân theo phương pháp 2555 – 2003 của NIOSH – Mỹ [6] :

+ Ngưỡng phát hiện: 0,006 mg/L

+ Độ chính xác: ± 95%

– Phân tích MEK niệu theo phương pháp 8319 – 2014 của NIOSH – Mỹ [7]:

+ Ngưỡng phát hiện: 0,003 mg/L

+ Độ chính xác: 97%

* Tiêu chuẩn đánh giá

Nội dung

Tiêu chuẩn Việt nam*

(2002)

Tiêu chuẩn ACGIH – Mỹ

(2019)

Tiêu chuẩn nồng độ MEK trong môi trường – trung bình 8 giờ

≥ 150(mg/m3)

≥ 590(mg/m3)

Tiêu chuẩn giám sát sinh học cho NLĐtiếp xúc với MEK

Chưa quy định

≥2 mg/L

*- Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT

2.2.3. Phân tích xác suất thông kê: Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 22.0

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên 170đối tượng làm việc trong phân xưởng đế của cơ sở sản xuất giày. Trong quá trình lao động, đối tượng nghiên cứu sử dụng keo gián đế có chứa một lượng lớn MEK – một loại dung môi có khả năng hòa tan và bay hơi tốt.

Đặc điểm, tuổi nghề và giới tính của đối tượng nghiên cứu được trình bày ở Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Phân loại

Tổng đối tượng nghiên cứu(n=170)

Vị trí trực tiếp sử dụng keo

 (n = 62)

Vị trí không trực tiếp sử dụng keo (n=108)

P

Giá trị TB

Min

Max

Giá trị TB

Min

Max

Tuổi đời

32,72± 10,48

33,00 ± 9,93

19

57

32,56 ± 10,83

19

57

> 0,05

Tuổi nghề

12,49 ± 7,1

13,21 ± 6,75

1

24

12,07 ± 7,30

1

24

> 0,05

Giới

170 (100%)

%

Số lượng (người)

%

Số lượng (người)

Nam

53 (31,20)

29,03

18

32,41

35

> 0,05

Nữ

117 (68,8)

70,97

44

67,59

73

> 0,05

Bảng 3.1 cho thấyđối tượng nghiên cứu ở nhóm đối tượng trực tiếp sử dụng keo vào nhóm đối tượng không trực tiếp sử dụng keo có tuổi đời, tuổi nghề, giới tính không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kế. Khi xét trên tổ số đối tượng nghiên cứu thì đối tượng có tuổi đời trung bình là 32,72± 10,48, tuổi nghề trung bình 12,49 ± 7,1. Công nhân nam chiếm 31,2%, công nhân nữ chiếm 68,8%, tỷ lệ về giới tính như trên là đặc thù của ngành da giày (tỷ lệ nữ trong ngành da giầy nói chung chiếm trên 70%). Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc đánh giá thực trạng tiếp xúc và thấm nhiễm MEK ở các đối tượng nghiên cứu. 

3.2. Nồng độ MEK trong mẫu cá nhân của các đối tượng nghiên cứu

Kết quả phân tích nồng độ MEK trong mẫu cá nhân của 170 đối tượng nghiên cứu, được trình bày ở Bảng 2 dưới đây:

Bảng 2. Nồng độ MEK mẫu cá nhân chia theo vị trí làm việc

Kết quả ở Bảng 2 cho thấy,có 37/170 đối tượng được phân tích (chiếm tỷ lệ 21,76%) có nồng độ MEK vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) của Việt Nam và có 5/170 đối tượng (chiếm tỷ lệ 2,94%) có nồng độ MEK vượt tiêu chuẩn cho phép xét theo tiêu chuẩn của ACGIH. Như vậy, xét theo TCCP của ACGIH cho tỷ lệ mẫu vượt tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với kết quả đánh giá theo TCCP của Việt Nam bởi hiện nay TCCP của Việt Nam đối với nồng độ của MEK trong môi trường thấp hơn TCCP của ACGIH – Mỹ gần 4 lần. Qua kết quả này cho thấy TCCP của Việt Nam về MEK trong môi trường cũng nên được xem xét lại.

Bên cạnh đó, các kết quả Bảng 2 cũng cho thấy tuy làm việc trong cùng một phân xưởng, cùng tiếp xúc với MEK nhưng có sự khác biệt về mức độ tiếp xúc ở người trực tiếp sử dụng keo và người không trực tiếp sử dụng keo. Bảng 2 chỉ ra rằng tất cả đối tượng tiếp xúc với MEK vượt TCCP đều thuộc nhóm công nhân trực tiếp sử dụng keo, còn nhóm công nhân làm việc trong cùng phân xưởng nhưng không sử dụng keo thì không có ai cho kết quả đo MEK vuợt TCCP.

So với kết qủa nghiên cứu của Seaton và cộng sự [8], các đối tượng trong nghiên cứu của tác giả này tiếp xúc với nồng độ MEK tương đối cao (5000mg/m3 và cao hơn nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi (KPH- 601,2mg/m3)).Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi lại cao hơn kết quả nghiên cứu của Mitran và cộng sự (trung bình từ 149-342 mg/m3) [9]. Nghiên cứu của Phạm Công Tuấn và cộng sự [1]cho thấy môi trường lao động ở 3 nhà máy sản xuất da giày tồn tại các hóa chất với nồng độ cao, nhiều vị trí có nồng độ các dung môi hữu cơ như aceton, MEK cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Điều này cho thấy NLĐ trong ngành sản xuất da giày thường xuyên phải tiếp xúc với MEK ở nồng độ cao hơn TCCP từ khá lâu. Nếu không có biện pháp bảo vệ NLĐ phù hợp có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây bệnh nghề nghiệp. 

3.3. Nồng độ MEK trong nước tiểu của đối tượng nghiên cứu

Khi NLĐ tiếp xúc với MEK có trong môi trường lao động, MEK sẽ thấm nhiễm vào trong cơ thể. Hiện nay theo theo ACGIH thì nồng độ MEK niệu được sử dụng làm chỉ số giám sát sinh học cho NLĐ có tiếp xúc nghề nghiệp với MEK. Việt Nam hiện chưa có chỉ số giám sát sinh học cho NLĐ có tiếp xúc với MEK, do vậy trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng chỉ số giám sát sinh học này theo tiêu chuẩn của ACGIH. Kết quả mức độ thấm nhiễm của MEK ở đối tượng nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 3 dưới đây.

Bảng 3. Nồng độ MEK niệu ở nhóm tiếp xúc và chia theo vị trí làm việc

Bảng 3 cho thấy nồng độ trung bình của MEK trong nước tiểu là 0,72mg/L, nằm trong tiêu chuẩn cho phép của ACGIH. Tuy nhiên xét trên từng đối tượng nghiên cứu cho thấy có 7 trên 170 đối tượng có nồng độ MEK niệu cao hơn TCCP (chiếm 4,12%). Xét theo nhóm sử dụng keo và không sử dụng keo thì nhóm sử dụng keo có 11,29% đối tượng có nồng độ MEK niệu vượt tiêu chuẩn cho phép, nhóm không sử dụng keo không có đối tượng nào, nồng độ trung bình của MEK niêu ở hai nhóm trên cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

Tiêu chuẩn cho phép đối với nồng độ MEK niệu của ACGIH là ≤ 2mg/L, giá trị này có mối tương quan với MEK trong môi trường (590mg/m3). Nếu xét theo tiêu chuẩn của Việt Nam về giá trị nồng độ MEK trong môi trường thì số đối tượng có mức thấm nhiễm sẽ cao hơn nhiều.

Nghiên cứu của Miyasaka và cộng sự [10] trên một nhóm 62 nam công nhân tiếp xúc với MEK trong in ấn ngành công nghiệp. Nồng độ MEK niệu trung bình thu được là 5,3mg/L, cao hơn nhiều so với nồng độ MEK trong nghiên cứu của chúng tôi. Perbellini và cộng sự [11] đã nghiên cứu một nhóm 27 công nhân tiếp xúc với hỗn hợp MEK trung bình trong môi trường là 101 mg/m3 (phạm vi 8-272 mg/m3), nồng độ trung bình của MEK trong nước tiểu, lấy mẫu vào cuối ca làm việc là 0,49 mg/L (khoảng 0,12-1,1mg/L). Mức độ thấm nhiễm này thấp hơn sovới kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi. Ong và cộng sự [12]. Trong một nghiên cứu trên 59 công nhân ngành in ấn và sản xuất băng video. Nồng độ MEK niệu thu được là 3,6mg/L – thấm nhiễm cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi. Yoshikawa và cộng sự[ 13] báo cáo mối quan hệ giữa MEK trong không khí và nước tiểu từ 33 công nhân trong một nhà máy in trên hai cuộc điều tra độc lập, nồng độ MEK trung bình mhóm tác giả thu được là 1,2mg/L. Kết quả này cũng cao hơn kết quả nghiên cứu của chúng tôi.

Như vậy nếu so với một số nghiên cứu đi trước cho thấy mức độ thấm nhiễm ở đối tượng nghiên cứu của chúng tôi tương đương hoặc thấp hơn mức độ thấm nhiễm ở đối tượng nghiên cứu của một số tác giả khác. Qua kết quả nghiên cứu này chúng tôi cũng nhận thấy mức độ thấm nhiễm không tương ứng với mức độ tiếp xúc nếu sử dụng tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam.Có hiện tượng này là do chênh lệch về giá trị giới hạn cho phép trong môi trường. Giá trị giới hạn cho phép của ACGIH là giá trị mới được cập nhật nhật 2019 [14], còn giá trị về tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam là từ năm 2002. Vì vậy Bộ Y tế của Việt Nam cũng cần xem xét, nghiên cứu để cập nhật giá trị về giới hạn cho phép của MEK cho NLĐ có tiếp xúc nghề nghiệp.

Từ kết quả phân tích MEK niệu chúng tôi phân tích nồng độ MEK theo tuổi đời kết quả cho thấy không có sự khác biệt về nồng độ MEK niệu ở các nhóm tuổi đời (P>0,05). Tức là trong phạm vi nghiên cứu này chúng tôi chưa phát hiện ảnh hưởng của tuổi đời đến nồng độ MEK trong nước tiểu. Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với kết quả của các tác giả Perbellini và cộng sự [11], Ong và cộng sự (1991) [12] chưa thấy ảnh hưởng của tuổi đời đến nồng độ MEK niệu.

Phân tích nồng độ MEK niệu theo tuổi nghề chúng tôi cũng nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức nồng độ MEK niệu khi chia theo các nhóm tuổi nghề ở đối tượng nghiên cứu. Tương tự như phân tích nồng độ MEK niệu theo tuổi đời thì khi phân tích nồng độ MEK niệu theo tuổi nghề chúng tôi không phát hiện ảnh hưởng của thời gian tiếp xúc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của tác giả Perbellini và cộng sự [11], Ong và cộng sự [12], Yoshikawa và cộng sự[ 13], chưa phát hiện ảnh hưởng của tuổi đời và tuổi nghề đến nồng độ MEK. Bên cạnh phân tích nồng độ MEK niệu theo tuổi đời và tuổi nghề chúng tôi có phân tích niệu theo giới, kết quả cho thấy chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

3.4. Mối tương quan giữa MEK trong mẫu cá nhân và MEK niệu

Từ kết quả thu được về nồng độ MEK trong môi trường thông qua việc đo mẫu cá nhân, MEK trong nước tiểu, sau khi loại trừ các đối tượng có kết quả không phát hiện MEK niệu hay MEK trong mẫu cá nhân còn 120 đối tượng, chúng tôi đã phân tích mỗi tương quan giữa nồng độ MEK trong mẫu cá nhân và nồng độ MEK niệu thu được kết quả ở Bảng 4 và Bảng 5

Bảng 4.  Mối tương quan giữa nồng độ MEK mẫu cá nhân với MEK niệu của đối tượng nghiên cứu

Giá trị

Nồng độ MEK (mg/m3)

MEK niệu (mg/L)

Trung bình ± SD

125,84 ± 140,50

0,72± 0,55

Trung vị

87,30

0,67

n

120

120

Khoảng giá trị thu được

5,04 – 601,20

0,11-3,01

R theo Spearman’s

0,69

CI 95% của R

0,73 – 0,93

P

< 0,001

R: Hệ số tương quan giữa MEK trong môi trường với MEK niệu

Kết quả trong Bảng 4 cho thấy nồng độ MEK trong mẫu cá nhân có tương quan với khá [2] với nồng độ MEK niệu với R = 0,69.

Bên cạnh việc phân tích mối tương quan của MEK trong mẫu cá nhân với MEK niệu trên tổng số đối tượng nghiên cứu, chúng tôi đã phân tích mối tương quan giữa nồng độ MEK trong mẫu cá nhân với MEK niệu theo nhóm trực tiếp sử dụng keo và nhóm không trực tiếp sử dụng keo kết quả trong bảng dưới đây:

Bảng 5. Mối tương quan giữa nồng độ MEK trong mẫu cá nhân với MEK niệu theo nhóm công việc

Giá trị

Nhóm trực tiếp sử dụng keo

Nhóm không trực tiếp sử dụng keo

Nồng độ MEK (mg/m3)

MEK niệu (mg/L)

Nồng độ MEK (mg/m3)

MEK niệu (mg/L)

Trung bình ± SD

220,86 ± 138,44

0,99 ± 0,6

24,27 ± 19,55

0,42 ± 0,27

Trung vị

187,195

0,84

17,70

0,37

n

62

62

58

58

Khoảng giá trị thu được

84,30 – 601,20

0,12 – 3,01

5,04 – 73,7

0,11 – 1,25

R theo Spearman’s

0,80

0,20

CI 95% của R

0,73 – 0,96

0,04 – 0,43

P

< 0,001

> 0,05

R: Hệ số tương quan giữa MEK trong mẫu cá nhân với MEK niệu ở nhóm công nhân không sử dụng trực tiếp keo

Kết quả Bảng 5 cho thấy khi phân tích mối tương quan giữa nồng độ MEK trong mẫu cá nhân với MEK niệu ở đối tượng trực tiếp sử dụng keo thì nồng độ MEK trong mẫu cá nhân có mối tương quan tốt hơn – chặt chẽ hơn với nồng độ MEK niệu với (R = 0,8) – mức tốt [2]. Bảng 3.6 cũng cho thấy ở nồng độ thấp thì nồng độ MEK trong mẫu cá nhân không tương quan với MEK trong nước tiểu (R = 0,2; P >0,05).

Sau khi phân tích mối tương quan của nồng độ MEK trong mẫu cá nhân với nồng độ MEK niệu chúng tôi có một số nhận định như sau:

Khi phân tích mối tương quan trên tổng số đối tượng nghiên cứu giữa nồng độ MEK trong mẫu cá nhân và MEK niệu chúng tôi thu được hệ số tương quan ở mức khá (R = 0,69). Nhưng khi phân tích mối tương quan theo nhóm đối tượng sử dụng keo và không sử dụng keo thì chúng tôi thu được hệ số tương quan ở mức chặt chẽ tương đương mức tốt với R = 0,8 (ở nhóm nhóm trực tiếp sử dụng keo). Mức tương quan này tốt hơn với kết quả nghiên cứu của các tác gải như Perbellini và cộng sự[11] cho thấy mối quan hệ tuyến tính được tìm thấy giữa MEK niệu và MEK trong môi trường với R = 0,688 hoặc Miyasaka và cộng sự[10]R = 0,74, Kawai và cộng sự[15] với hệ số R = 0,79, Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả của Ong và cộng sự[12]với R = 0,89, Yoshikawa và cộng sự[13] với R = 0,89 – hệ số tương quan đều ở mức tốt. Tuy nhiên so với nghiên cứu của tác giả Ghittori và cộng sự [16] với R = 0,91 – mức tương quan rất chặt chẽ, mối tương quan mà chúng tôi thu được không chặt chẽ bằng của tác giả Ghittori và cộng sự.

Từ kết quả phân tích mối tương quan giữa MEK trong mẫu cá nhân và MEK niệu chúng tôi nhận thấy nồng độ MEK phù hợp cho việc sử dụng làm chỉ số giám sát sinh học cho NLĐcó tiếp xúc nghề nghiệp với MEK.

IV. KẾT LUẬN

Người lao động tiếp xúc với MEK trong sản xuất đế giày có số mẫu đo nồng độ MEK mẫu cá nhâncao hơn tiêu chuẩn cho phép của Hiệp hội các nhà vệ sinh công nghiệp Mỹ là 2,94% cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam 21,76%. Trong đó, tất cả đối tượng tiếp xúc với MEK trực tiếp sử dụng keo đều vượt TCCP; còn nhóm không trực tiếp sử dụng keo thì không có ai vuợt TCCP.

Mức độ thấm nhiễm MEK niệu ở đối tượng nghiên cứu có số mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép của Hiệp hội các nhà vệ sinh công nghiệm Mỹ là 4,12%.

Trong cùng một phân xưởng nhưng nhóm trực tiếp sử dụng keo có số mẫu tiếp xúc và thấm nhiễm với MEK cao hơn nhóm không trực tiếp sử dụng keo, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05)

Ở nhóm đối tượng trực tiếp sử dụng keo có nồng độ MEK trong mẫu cá nhân tương quan chặt chẽ với nồng độ MEK niệu với R=0,8

Với kết quả phân tích và nhận định nêu trên, xin đề xuất với Bộ Y tế nên xem xét nghiên cứu để sử dụng nồng độ MEK niệu làm chỉ số giám sát sinh học cho người lao động có tiếp xúc nghề nghiệp với MEK.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phạm Công Tuấn (2016), “Điều kiện làm việc của công nhân nữ ngành sản xuất da giày tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam “, Tạp chí y tế công cộng, (41), pp.6-11.

[2]. Đặng Hùng Thắng (2015), “Thống kê ứng dụng”, Nhà Xuất bản giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo.

[3]. International Labour (2010), “List of Occupational Diseases”, Identification and Recognition of Occupational Diseases: Criteria for Incorporating Diseases in the ILO List of Occupational Diseases,

[4]. American Conference of Governmental Industrial hygienists (2013), “Methyl Ethyl Ketone In: Documentation of the Threshold Limit Values and Biological Exposure Indices, 7th Ed.”, ACGIH, Cincnnati, OH,

[5]. American Conference of Industrial Hygienists (2018), “Threshold Limit Value for Chemical Substances and Physical Agents and Biological Exposure Indices”,

[6]. Pendergrass S. M., Ernst J. L., and Dollberg D. D. (2006), “NMAM methods update: A laboratory response to concerns about technologically outdated and problematic methods”, Journal of occupational and environmental hygiene, 3 (7), pp.390-396.

[7]. https://www.cdc.gov/niosh/docs/2003-154/pdfs/8319.pdf

[8]. Seaton A., Jellinek E., and Kennedy P. (1992), “Major neurological disease and occupational exposure to organic solvents”, QJM: An International Journal of Medicine, 84 (2), pp.707-712.

[9]. Mitran E., Callender T., Orha B. et al. (1997), “Neurotoxicity associated with occupational exposure to acetone, methyl ethyl ketone, and cyclohexanone”, Environmental research, 73 (1-2), pp.181-188.

[10]. Miyasaka M., Kumai M., Koizumi A. et al. (1982), “Biological monitoring of occupational exposure to methyl ethyl ketone by means of urinalysis for methyl ethyl ketone itself”, International archives of occupational and environmental health, 50 (2), pp.131-137.

[11]. Perbellini L., Brugnone F., Mozzo P. et al. (1984), “Methyl ethyl ketone exposure in industrial workers uptake and kinetics”, International archives of occupational and environmental health, 54 (1), pp.73-81.

[12]. Ong C., Sia G., Ong H. et al. (1991), “Biological monitoring of occupational exposure to methyl ethyl ketone”, International archives of occupational and environmental health, 63 (5), pp.319-324.

[13]. Yoshikawa M., Kawamoto T., Murata K. et al. (1995), “Biological monitoring of occupational exposure to methyl ethyl ketone in Japanese workers”, Archives of environmental contamination and toxicology, 29 (1), pp.135-139.

[14]. American Conference of Industrial Hygienists (2018), “Guide to Occupational Exposeure Values”.

[15]. Kawai T., Zhang Z.-W., Takeuchi A. et al. (2003), “Methyl isobutyl ketone and methyl ethyl ketone in urine as biological markers of occupational exposure to these solvents at low levels”, International archives of occupational and environmental health, 76 (1), pp.17-23. 

[16]. Ghittori S., Imbriani, Marcello, (1987), “The urinary concentration of solvents as a biological indicator of exposure: proposal for the biological equivalent exposure limit for nine solvents”, American Industrial Hygiene Association Journal, 48 (9), pp.786-790.

Nguyễn Thị Hiền, Lưu Phi Long, Long Thùy Dương

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)