Thực trạng phơi nhiễm Styren của người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất nhựa Composite

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:47(GMT +7)

Bài báo trình bày nội dung nghiên cứu về hiện trạng và liều tiếp xúc cá nhân của người lao động đối với hơi Styren tại các nhà máy sản xuất nhựa composite khu vực miền Trung, thông qua việc khảo sát, quan trắc môi trường lao động tại 03 nhà máy ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ mẫu cá nhân vượt ngưỡng cho phép từ 1,03 -1,67 lần, số lượng người lao động tiếp xúc hơi Styren vượt ngưỡng chiếm 14,1% số lượng người lao động làm việc tại các cơ sở. Bên cạnh đó đề tài cũng khảo sát các thông tin các bệnh lý thường gặp đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất nhựa composite khu vực miền Trung.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại Việt Nam, vật liệu composite được áp dụng hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong công nghiệp hóa chất vật liệu compisite dùng chế tạo bồn chứa dung dịch axít (thay gelcoat bằng epoxy hoặc nhựa vinyleste); bồn chứa dung dịch kiềm (thay gelcoat bằng epoxy), chống thấm, chống ăn mòn nhà xưởng, thiết bị; bể xử lý nước thải, vật liệu gia cường… [1].Trong ngành công nghiệp điện tử được sử dụng để sản xuất các chi tiết, các bảng mạch và các linh kiện. Ngành công nghiệp đóng tàu, xuồng, ca nô; các ngành dân dụng như y tế (hệ thống chân, tay giả, răng giả, ghép sọ…, ngành thể thao, các đồ dùng thể thao như gậy gôn, vợt tennit… và các ngành dân dụng, quốc kế dân sinh khác [2].

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, khu vực miền Trung đã có khoảng 20 cơ sở sản xuất vật liệu composite đang hoạt động tập trung, chủ yếu ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế và Bình Định [3]. Các mặt hàng các cơ sở này cũng đa dạng, phong phú như chế tạo ghe, thuyền, cano, xuồng, gia cường thân vỏ tàu thủy, tàu đánh cá xa bờ; cầu trượt, máng trượt (cho công viên nước), bể bơi, bồn tắm, thùng chứa rác, bể chứa nước; gia cường các sản phẩm bê tông, thép, chống thấm, chống ăn mòn; sản xuất ống dẫn nước, bể xử lý nước thải; bồn bể hóa chất; sản xuất tấm lợp…[4]

Chất dẻo chủ yếu sử dụng nhiều nhất trong ngành nhựa composite là Polyester, tiếp đến là Vinylester, cả hai đều được pha loãng trong styren. Nhựa Polyester resin sử dụng trong vật liệu composite được pha loãng trong styrene; lượng styrene chiếm 30-60% (MSDS Polyester resin) để làm giảm độ nhớt của nhựa, dễ dàng cho quá trình gia công [5].

Ngoài ra, styrene còn làm nhiệm vụ đóng rắn tạo liên kết ngang giữa các phân tử mà không có sự tạo thành sản phẩm phụ nào. Bên cạnh đó Vinylester (có ít nhóm ester hơn polyester, nhóm ester rất dễ bị thủy phân) có tính kháng nước tốt hơn, sử dụng chủ yếu làm ống dẫn và bồn chứa hoá chất, vỏ ghe, tàu thủy. Vinylester resin cũng được pha loãng trong styrene; lượng styrene trong nhựa vinylester chiếm 30 – 40%.[6]

Do đặc thù sử dụng các loại chất dẻo có chứa styrene do đó người lao động phải tiếp xúc trực tiếp hơi styrene trong suốt ca làm việc do quá trình bay hơi từ chất dẻo sử dụng trong gia công chế tạo[7]. Khoảng cách từ cơ quan hô hấp đến vị trí có chứa hóa chất nằm trong khoảng với tay của người lao động.

Trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao ở khu vực miền Trung tốc độ bay hơi styrene càng lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động càng cao. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng phơi nhiễm Styren trong các nhà máy sản xuất nhựa Composite, nhằm đánh giá thực trạng phơi nhiễm và từ đó xây dựng các giải pháp bảo vệ cho người lao động làm việc tại các cơ sở này.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Hiện trạng nồng độ khí Styren trong môi trường lao động ở 03 cơ sở sản xuất nhựa composite khu vực miền Trung.

Tình trạng sức khỏe của người lao động ở 03 cơ sở sản xuất nhựa composite khu vực miền Trung.

– Công ty cổ phần nhựa miền Trung– tỉnh Quảng Nam (Nhà máy 1).

– Công ty TNHH sản xuất nhựa IBT– thành phố Đà Nẵng (Nhà máy 2).

– Công ty TNHH SX và TM Havi– tỉnh Thừa Thiên – Huế (Nhà máy 3).

2.2 Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp hồi cứu

Các thông tin qua hội thảo, hội nghị liên quan đến đề tài, các số liệu môi trường lao động, số liệu sức khỏe NLĐ được hồi cứu trong cơ sở nhựa composite nhằm đánh giá diễn biến môi trường lao động, sức khỏe NLĐ qua các năm.

2.2.2. Phương pháp cắt ngang mô tả

Thực hiện trực tiếp tại cơ sở sản xuất bao gồm mô tả bố trí nhà xưởng, máy móc thiết bị, quy trình công nghệ, các loại hóa chất nguyên liệu sử dụng, các giải pháp xử lý môi trường đang được áp dụng tại cơ sở…

2.2.3. Phương pháp điều tra xã hội học

Điều tra phỏng vấn nhằm nghiên cứu điều kiện làm việc đặc trưng của ngành composite và tình sức khỏe NLĐ thông qua phiếu điều tra.

Áp dụng phỏng vấn NLĐ bằng phiếu soạn sẵn

– Số người phỏng vấn: 100 NLĐ tiếp xúc trực tiếp với styren

– Nội dung điều tra: Các thông tin về cá nhân NLĐ (tuổi, giới tính, trình độ văn hóa, tuổi nghề), về công việc (công đoạn sản xuất, thời gian làm việc/nghỉ ngơi, thực trạng tiếp xúc styren), các biểu hiện sức khỏe sau ca làm việc, các giải pháp hiện có của doanh nghiệp làm giảm tiếp xúc..

2.2.4. Phương pháp lấy mẫu và phân tích

Lắp bơm thu mẫu cho người làm việc tại vị trí được lựa chọn để lấy mẫu.

Tiến hành lắp mẫu (ống than) và điều chỉnh bơm, lưu lượng, vị trí bơm phù hợp cho người lao động trong quá trình thao tác. Trước ống than (mẫu) lắp thêm đầu bảo vệ để tránh ảnh hưởng của đầu ống cho người đeo mẫu. Hướng đầu ống bảo vệ (đầu hút) về vùng thở của người lao động, tránh không để bị tụt ống do va chạm với áo quần hoặc máy móc thiết bị.

Thu mẫu

-Bật máy bơm thu mẫu và ghi lại nhật kí thu mẫu hiện trường.

-Thay mẫu định kì giữa ca (4 tiếng/lần), thời gian thay mẫu trong khoảng 5 phút đảm bảo than hoạt tính trong ống than (mẫu không bị bão hòa).

-Đối với người được thu mẫu, trong quá trình di chuyển và làm việc luôn đeo mẫu, kể cả thời gian tích cực (nghĩ ngơi giữa các ca, đi uống nước hay di chuyển đến các vị trí làm việc khác,…).

-Trong giờ nghỉ trưa, tháo máy và bảo quản, lưu mẫu lần 1 và lắp mẫu mới chuẩn bị cho giai đoạn làm việc tiếp vào giờ chiều, lưu lại nhật kí mẫu (thời gian thu, lưu lượng hút) đầy đủ vào biên bản thu mẫu.

-Tiếp tục tương tự đối với người lao động trong thời gian làm việc buổi chiều. Cuối giờ làm việc thu tất cả các mẫu bảo quản trong hộp xốp và lưu mẫu đưa về phòng thí nghiệm theo đúng quy trình áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (VILAS).

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tình hình lao động tại các cơ sở sản xuất vật liệu Composite

3.1.1. Số lượng lao động

Số liệu về tình hình lao động ở các cơ sở sản xuất vật liệu composite được thể hiện ở Bảng 1:

Ở các cơ sở sản xuất vật liệu composite do đặc thù của quá trình sản xuất, số lượng lao động nam chiếm ưu thế. Số lượng lao động nam của các nhà máy khảo sát chiếm trên 75% tổng số người lao động. Trong đó có nhà máy số lượng lao động nam chiếm đến 94,44% , tổng số lao động nữ chiếm 5,56% (nhà máy 3).

3.1.2. Tuổi đời của người lao động

Số liệu về tuổi đời trung bình của lao động nam, lao động nữ ở các cơ sở sản xuất composite được trình bày ở Bảng 2.

Tuổi đời trung bình của người lao động ở các cơ sở sản xuất vật liệu composite lớn hơn 35 tuổi. Trong đó tuổi đời trung bình của lao động nam từ 36-44 tuổi, còn tuổi đời trung bình của lao động nữ từ 35 – 36 tuổi.

3.1.3. Trình độ học vấn của người lao động

Trình độ học vấn của tổng số 100 người  lao động tham gia điều tra xã hội học được thể hiện ở Bảng 3.

Người lao động làm việc trực tiếp tại các phân xưởng đa số có trình độ từ THCS trở lên. Nhà máy 1 là cơ sở có số lượng người lao động được khảo sát có trình độ học vấn PTTH chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 90%. Nhà máy 2 là cơ sở có số lượng người lao động khảo sát có trình độ học vấn PTTH chiếm tỷ lệ thấp nhất trong ba nhà máy chiếm 75%.

3.2. Thực trạng phơi nhiễm Styren tại các nhà máy sản xuất Composite

3.2.1. Kết quả phơi nhiễm hơi Styren tại nhà máy 1

Tại nhà máy 1 chúng tôi tiến hành lấy mẫu Styren đối với 40 người lao động làm việc trải đều cho các công đoạn trong nhà máy. Kết quả có 07 người lao động đang tiếp xúc với Styren vượt ngưỡng cho phép theo QĐ 3733:2002 của Bộ Y Tế, tương ứng với 17,5% số lượng NLĐ được khảo sát. Nồng độ Styren trung bình là 61,1 mg/m3. Nồng độ cao nhất lên tới 142 mg/m3 vượt quy chuẩn cho phép lên tới 1,73 lần. Kết quả được thể hiện ở Hình 2:

3.2.2. Kết quả phơi nhiễm hơi Styren tại nhà máy 2

Tại nhà máy 1 chúng tôi tiến hành lấy mẫu Styren đối với 24 người lao động làm việc trải đều cho các công đoạn trong nhà máy. Kết quả cho thấy tại nhà máy 2 có 04 người lao động tiếp xúc với hơi Styren vượt ngưỡng cho phép, tương ứng với 16,6% số lượng NLĐ. Nồng độ Styren trung bình người lao động tiếp xúc 46,6 mg/m3. Nồng độ cao nhất là 119 mg/m3 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,45 lần. Kết quả được thể hiện ở Hình 3:

3.2.3. Kết quả phơi nhiễm hơi Styren tại nhà máy 3

Tại nhà máy 3 chúng tôi tiến hành lấy mẫu Styren đối với 36 người lao động làm việc trải đều cho các công đoạn trong nhà máy. Kết quả đo quan trắc cho thấy có 03 NLĐ tiếp xúc với hơi Styren vượt ngưỡng cho phép chiếm tỷ lệ 8,3% số lượng NLĐ. Nồng độ trung bình của hơi Styren 31,3 mg/m3. Nồng độ cao nhất lên tới 104 mg/m3 , vượt 1,26 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Diễn biến nồng độ hơi styrene tại nhà máy 3 được thể hiện ở biểu đồ Hình 4:

3.3. Kết quả khảo sát sức khỏe người lao động ở các cơ sở sản xuất vật liệu composite khu vực miền Trung

3.3.1. Kết quả hồi cứu số liệu khám sức khỏe hàng năm

Trong 3 nhà máy composite mà đề tài thực hiện khảo sát, chỉ có nhà máy 1 đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong 2 năm 2015 và 2016. Còn ở nhà máy 2 và nhà máy 3 do thời gian thành lập ngắn và người sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe của người lao động nên chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Nhìn chung, người lao động ở nhà máy 1 tham gia khám sức khỏe tương đối đầy đủ. Số lượng người lao động tham gia khám sức khỏe chiếm trên 90% số lượng lao động. Ở nhà máy 1, số lượng người lao động tham gia khám sức khỏe lần lượt trong năm 2015 và 2016 là 93,83% và 94,38% (Bảng 4).

3.3.2. Kết quả điều tra sức khỏe người lao động qua phỏng vấn bằng phiếu

Kết quả điều tra tổng hợp về các triệu chứng mà người lao động gặp phải trong thời gian làm việc 6 tháng gần đây của cả 3 nhà máy như như trong Bảng 5.

                            Bảng 5. Các triệu chứng NLĐ gặp phải trong thời gian làm việc 6 tháng gần đây của cả 3 nhà máy

Trong tất cả 100 người lao động được phỏng vấn ở cả ba nhà máy, triệu chứng viêm da có số lượng người gặp phải lớn nhất chiếm đến 40% tổng số người tham gia khảo sát. Các triệu chứng đau mỏi thắt lưng, mệt mỏi, nhức đầu, ho, viêm họng, nhức mắt đều chiếm tỷ lệ từ 20% trở lên. Đa số mức độ tác động của các triệu chứng đến người lao động ở mức trung bình và nhẹ, chỉ có một vài triệu chứng như mệt mỏi, viêm da, ho, viêm họng và khó thở là có mức độ tác động nặng đến một số người lao động làm việc tại các bộ phận đóng rắn, đánh nhựa lên sợi, lắp ráp và sữa lỗi.

IV. KẾT LUẬN

Kết quả nồng độ Styren mẫu cá nhân của người lao động cho thấy có 14,3% số lượng người lao động phơi nhiễm đối với Styren trong các nhà máy sản xuất Composite. Trong đó, người người lao động tiếp xúc vượt ngưỡng cho phép tương ứng với nhà máy 1 là 17,5%, nhà máy 2 là16,6% , nhà máy 3 là 8,3% số lượng NLĐ được khảo sát.

Trong tất cả người lao động được phỏng vấn ở cả ba nhà máy, triệu chứng viêm da có số lượng người gặp phải lớn nhất chiếm đến 40% tổng số người tham gia khảo sát.

Kết quả điều tra phỏng vấn cũng cho thấy, đa số mức độ tác động của các triệu chứng đến người lao động ở mức trung bình và nhẹ, chỉ có một vài triệu chứng như mệt mỏi, viêm da, ho, viêm họng và khó thở là có mức độ tác động nặng đến một số người lao động làm việc tại các bộ phận đóng rắn, đánh nhựa lên sợi, lắp ráp và sữa lỗi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lê Thị Thu Hà và cộng sự (2011), Nghiên cứu Công nghệ chế tạo vật liệu Polime-Composite trên cơ sở nhựa Viny Ester và sợi vải gia cường ứng dụng chống ăn mòn các thiết bị hóa chất, Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam.

[2]. Cam kết BVMT công ty TNHH SX&TM Havi;

[3]. Đánh giá tác động môi trường Công ty CP nhựa Miền Trung.

[4]. Kế hoạch bảo vệ môi trường Công ty TNHH sản xuất nhựa IBT Đà Nẵng

[5] Bryan.R.Noton, 1974, Volume 3: Engineering Applications of Composites, JComposite Materials.

[6]. Pezzagno, G., Ghittori, S., Imbriani, M. & Capodaglio, E. (1985) Urinary elimination of styrene in experimental and occupational exposure. Seand. J Work Environ. Health, 11,371-379

[7] Ngô Thị Mai và công sự (2014). Môi trường làm việc và tình trạng sức khỏe công nhân tái sinh nhựa ở phía Nam. Tạp chí Hoạt động KHCN An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, (1,2&3): 25-33, 2014.

Lê Đức Anh, Lê Quang Công, Nguyễn Thị Thùy Trang

Phân viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Trung


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)