Thực trạng sức khỏe và an toàn nghề nghiệp trong ngành mỏ tại Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:39(GMT +7)

Ngành khai thác mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên có rất nhiều tác hại nghề nghiệp liên quan đến quá trình khai thác mỏ như yếu tố tác hại vật lý, yếu tố tác hại hóa học, yếu tố tác hại Ecgônômi, yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó, người lao động nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế lao động cơ bản.

Để tìm hiểu những bất cập trên, năm 2012 Nghiên cứu “Thực trạng sức khỏe và an toàn nghề nghiệp trong ngành mỏ tại Việt Nam” đã được tiến hành tại 11 tỉnh/thành phố phía Bắc với mục tiêu:
(1) Mô tả thực trạng về điều kiện lao động và tình hình ô nhiễm môi trường lao động của ngành khai thác mỏ;
(2) Đánh giá sức khỏe, bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp, tai nạn lao động trong ngành khai thác mỏ;
(3) Xác định khả năng cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản trong ngành khai thác mỏ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Theo báo cáo của 12 tỉnh/thành phố và 01 trung tâm y tế ngành, năm 2009, tỷ lệ mẫu đo nhiệt độ không đạt tiêu chuẩn là 14,1%, bụi là 22,5%, ồn là 23,1%, năm 2010 là 12,4%, 27,7% và 24,3%, năm 2011 là 6,9%, 22,6% và 19,9%.

Nghiên cứu điểm tại 14 điểm mỏ: Người lao động cho rằng môi trường lao động có ánh sáng kém là 16,5%, nhiệt độ 25,9%, độ ẩm là 18,1% và thông thoáng kém là 23,0%. 85,4% người lao động nói rằng công việc của họ nặng nhọc, 92,9% cho rằng công việc nguy hiểm, 39,2% cho rằng công việc gò bó, 12,8% cho rằng công việc đơn điệu, 83,4% cho rằng công việc nguy hiểm, có thể gây tai nạn lao động.

Về tình hình sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động ngành khai thác mỏ, người lao động có sức khỏe loại 2 và 3 là chủ yếu. Nhiều người lao động mắc bệnh nghề nghiệp chủ là bệnh bụi phổi silic. Kết quả khám sức khỏe định kỳ cho thấy một số bệnh chiếm tỷ lệ cao như: bệnh mắt, viêm xong, mũi họng, thanh quản, bệnh da, viêm phế quản, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh cơ xương khớp. Nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người chết hoặc bị thương nặng.

Số liệu thống kê về tình hình sức khỏe người lao động trong 3 năm (2009-2011) tại 12 tỉnh/thành phố và 1 trung tâm y tế ngành cho thấy: Phân loại sức khỏe trong 3 năm trung bình loại I là 13,9%, loại II là 54,3%, loại III là 27,2%; loại IV là 4,3%; loại V là 0,3%. Một số bệnh chiếm tỷ lệ cao như bệnh mắt trung bình là 11,4%; viêm xong, mũi họng, thanh quản là 15,2%; bệnh da là 9%; viêm phế quản là 8,4%, bệnh dạ dày tá tràng là 8,4%, bệnh cơ xương khớp là 8,9%.

Theo kết quả nghiên cứu điểm tại 14 mỏ, phân loại sức khỏe trung bình trong 5 năm (2007-2011) như sau: sức khỏe loại I là 10,4%, sức khỏe loại II là 53,8%, sức khỏe loại III là 30,3%; sức khỏe loại IV là 5,2%; sức khỏe loại là 0,3%. Một số bệnh chiếm tỷ lệ cao trong 5 năm 2007-2011 như bệnh mắt là 9,6%, viêm xong, mũi họng, thanh quản là 40,2%; viêm phế quản 3,6%, bệnh dạ dày tá tràng là 4,4%, bệnh cơ xương khớp là 6,6%. Một số bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch là 5%; bệnh thận tiết niệu là 4%.

Về thực trạng và các khó khăn gặp phải trong cung cấp dịch vụ y tế lao động trong ngành khai thác mỏ, Trung tâm y tế dự phòng còn gặp khó khăn trong công tác giám sát sức khỏe người lao động do thiếu nhân lực, chưa có văn bản hướng dẫn triển khai, nhiều cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp, trang thiết bị còn chưa đồng bộ.

Ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, các cơ sở tư nhân, thường là các cơ sở sản xuất nhỏ, các quy định về chăm sóc sức khỏe người lao động, các quy định về an toàn lao động hầu như chưa được thực hiện hoặc chỉ thực hiện mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng. Một số cơ sở khai thác mỏ tư nhân vùng sâu, vùng xa người lao động hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế lao động cơ bản.

Nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị như: Tăng cường nhân lực và trang thiết bị đối với y tế lao động; Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc lập kế hoạch, giám sát thực hiện, thanh kiểm tra về ATVSLĐ tại các cơ sở; Hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn kèm theo cách thực hiện cụ thể phổ biến tới các cơ sở ngành mỏ về các nội dung chăm sóc sức khỏe người lao động nói chung và dịch vụ y tế lao động cơ bản; Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn lao động.; Nghiên cứu và xác định nhu cầu công tác dịch vụ y tế lao động cơ bản đối với các cơ sở sản xuất khai thác mỏ; Xây dựng và hoàn chỉnh mô hình chăm sóc sức khỏe người lao động, triển khai dịch vụ y tế lao động cơ bản cho các cơ sở sản xuất; Xây dựng hồ sơ dữ liệu ngành khai thác mỏ để triển khai các nghiên cứu sâu hơn về các nguy cơ ngành khai thác mỏ đối với sức khỏe người lao động.

(Theo Tài liệu Dự án Bảo vệ sức khỏe người lao động 

do Bộ Y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam


(Nguồn tin: )