Tình hình sức khỏe người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền trung do phơi nhiễm với khí clo trong môi trường lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng sức khỏe của 401 người lao động phơi nhiễm với khí Clo trong môi trường làm việc tại 4 cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung.Kết quả nghiên cứu cho thấy có 34,2% trường hợp bị rối loạn thông khí hạn chế; 1,2% bị rối loạn thông khí tắc nghẽn và 4% có biến đổi chức năng hô hấp.Có mối tương quan giữa nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc và sức khỏe của đối tượng nghiên cứu (lâm sàng bệnh nghề nghiệp và chức năng hô hấp) (p0).Do vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sự phơi nhiễm với khí Clo ở người lao động tại các cơ sở chế biến thủy sản thực sự cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vùng duyên hải ven biển miền Trung với lợi thế đường bờ biển dài và nguồn tài nguyên biển phong phú, đây là nơi tập trung số lượng lớn các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. Người lao động ở các cơ sở này phải làm việc trong môi trường chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi do quy trình sản xuất, đặc thù lao động, gánh nặng và căng thẳng lao động. Môi trường lao động ngoài điều kiện vi khí hậu không thuận lợi như độ ẩm lớn, nhiệt độ thấp và kém thông thoáng do tốc độ lưu thông không khí thấp, người lao động còn tiếp xúc với các hóa chất độc hại thoát ra từ dung dịch sát trùng (Chlorine), trong đó nguy cơ phơi nhiễm với khí Clo là rất lớn. Theo phân loại độc tính của Clo về các mức tiếp xúc thì công nhân chế biến thủy sản chỉ phơi nhiễm với Clo ở nồng độ thấp và chịu những ảnh hưởng về sức khỏe của tiếp xúc mạn tính.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khí Clo xâm nhập vào đường hô hấp, sẽ tiếp xúc với bề mặt dịch nhầy trong đường hô hấp, sau đó bị hidrat hóa thành HCl và HClO. Khí HCl và HClO sẽ phản ứng với các tế bào thượng bì đường hô hấp.Các gốc hydroxyl có thể hình thành thông qua các bạch cầu trung tính và thông qua sự rối loạn thứ cấp hoạt động của ty lạp thể. Cộng thêm sự xuất hiện của các gốc oxit nitrit (NO), peroxynitrite(ONOO-). Tất cả các phản ứng trên đã gây ra các tổn thương đường hô hấp như phù, viêm, co thắt đường thở. Các tổn thương đường hô hấp do Khí Clo gây ra thì không hồi phục lại trạng thái và chức năng ban đầu sau điều trị [1].Tiếp xúc nghề nghiệp với khí Clo có liên quan đến sự suy giảm có ý nghĩa thống kê trong các thông số của chức năng hô hấp cũng như tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng hô hấp [3].

Ở nghiên cứu này, chúng tôi tập trung đánh giá kết quả khám lâm sàng nghề nghiệp và đo chức năng hô hấp của người lao động, đánh giá mối liên quan giữa phơi nhiễm khí Clo ở môi trường các cơ sở chế biến thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Qua đó, góp phần giúp cho người lao động và người sử dụng lao động các cơ sở chế biến thủy sản biết được những tác hại của tiếp xúc khí Clo đối với sức khỏe của con người.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

401 Người lao động nhóm thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khí Clo trong môi trường lao động tại 4 cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung, được khám lâm sàng bệnh nghề nghiệp và đo chức năng hô hấp.

Môi trường lao độngở 4 cơ sở chế biến thủy sảnởkhu vực miền Trung, được đo đạc khí Clo  ở các vị trí công việc gồm: tiếp nhận nguyên liệu; sơ chế, tinh chế (Phân cỡ; Cân và xếp khuôn), vệ sinh, pha chế và KCS.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Khám lâm sàng bệnh nghề nghiệp theo hướng dẫn của các thông tư số15/2016/TT-BYT và 28/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

– Phương pháp đánh giá chức năng hoạt động của hệ hô hấp theo Thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) năm 2015 và Bảng phân loại của Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (GOLD) cập nhật năm 2015.

Chức năng hô hấp được chia làm nhóm 4 nhóm: bình thường, rối loạn thông khí hạn chế, rối loạn thông khí tắc nghẽn và biến đổi chức năng hô hấp.Rối loạn thông khí hạn chế được chia làm 3 nhóm: nhẹ, vừa, nặng.Rối loạn thông khí tắc nghẽn được chia làm 4 nhóm: nhẹ, vừa, nặng, rất nặng.

– Phương pháp Khảo sát, đo đạc lấy mẫu và phân tích mẫu khí Clo trong không khí: Theo thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nhiệp và môi trường tập 1.

– Phương pháp đánh giá mối liên quan giữa phơi nhiễm khí Clo, đặc điểm cá nhân (tuổi đời, tuổi nghề) và sức khỏe người lao động:

Đánh giá mối liên quan giữa phơi nhiễm khí Clo, đặc điểm cá nhân (tuổi đời, tuổi nghề) và sức khỏe người lao động theo hệ số tương quan Pearson:

r: Hệ số tương quan Pearson

x,y : Biến số (nồng độ khí Clo bị phơi nhiễm/tuổi đời/tuổi nghề, kết quả đo chức năng hô hấp/ lâm sàng hệ hô hấp)

n: Số lượng mẫu

Hệ số tương quan pearson (r) có ý nghĩa khi và chỉ khi mức ý nghĩa quan sát (sig.) nhỏ hơn mức ý nghĩa α = 5% (p < 0,05).

Biến số sức khỏe người lao động bao gồm: lâm sàng bệnh nghề nghiệp và chức năng hô hấp. Trong đó:

Biến lâm sàng BNN được chia làm 2 nhóm: bình thường và bất thường (có các triệu chứng/bệnh về hô hấp).

Biến chức năng hô hấp được chia làm 5 mức độ: bình thường, nhẹ, vừa, nặng và biến đổi chức năng hô hấp (Dựa vào tiêu chuẩn của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường 2002 và Bảng phân loại của Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (GOLD) cập nhật năm 2015).

Biến nồng độ Clo được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 (≤ 1,5 mg/m3) và nhóm 2 (>1,5 mg/m3) (Theo QCVN03:2019/BYT của Bộ Y tế).

– Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được phân tích trên phần mềm Excel 2010 và SPSS 20.0 theo số lượng, tỷ lệ (%) và sử dụng phép kiểm định Chi Square để tìm mối liên quan giữa các biến số.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨUVÀ BÀN LUẬN

3.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu:

Bảng 1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

20,4% đối tượng nghiên cứu là nam và 79,6% là nữ. Tỷ lệ giới tính ở nhóm tiếp xúc cũng khá phù hợp với tình hình thực tế khi phần lớn công nhân chế biến thủy sản là nữ.Tuổi đời của đối tượng nghiên cứu đều từ 18 tuổi trở lên, đều này hoàn toàn phù hợp với quy định về độ tuổi làm việc của Luật Lao động Việt Nam. Độ tuổi có tỷ lệ cao nhất là từ 40-49 với 38,9%. Phần lớn đối tượng có tuổi nghề từ 10-<15 năm (29,9%), thấp nhất là nhóm tuổi nghề từ 15->20 năm (khoảng 12%).

3.2. Tình hình sức khỏe của đối tượng nghiên cứu

3.2.1. Kết quả khám lâm sàng nghề nghiệp

Bảng 2. Kết quả khám lâm sàng nghề nghiệp

Lâm sàng BNN

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Bình thường

354

88,3

Có các triệu chứng hô hấp do thời tiết

4

1,0

Khó thở/ thỉnh thoảng khó thở

7

1,7

Tức ngực

2

0,5

Tiền sử viêm phổi, viêm phế quản

28

7,0

Hen phế quản

3

0,7

Ho nhiều hơn 2 đợt/năm và bị 2 năm liên tục

3

0,7

Tổng

401

100

Trong 401 người được khám lâm sàng bệnh nghề nghiệp, có 354 người có kết quả bình thường (88,3%); 47 người có các triệu chứng bất thường về đường hô hấp (47%); trong đó,4 người có các triệu chứng hô hấp do thời tiết (1%); 7 người có triệu chứng khó thở hoặc thỉnh thoảng khó thở (1,7%); 2 người có triệu chứng tức ngực (0,5%); 28 người có tiền sửviêm phổi, viêm phế quản (7%); 3 người hen phế quản (0,7%); 3 người ho nhiều hơn 2 đợt/năm và bị 2 năm liên tục (0,7%). Các triệu chứng bất thường này cũng tương ứng với các kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học trong nước ở người lao động chế biến thủy sản tại Cần Thơ (2000-2007) [6], Huế (2010) [5], và Đà Nẵng (2015) [4].

3.2.2. Kết quả đo chức năng hô hấp

Bảng 3. Kết quả đo chức năng hô hấp

Chức năng hô hấp

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Bình thường

243

60,6

Rối loạn thông khí hạn chế

137

34,2

Rối loạn thông khí tắc nghẽn

5

1,2

Có biến đổi chức năng hô hấp

16

4,0

Tổng

401

100

  Bảng trên cho thấy có 60,6% đối tượng nghiên cứu có kết quả đo chức năng hô hấp bình thường, tiếp theo là 34,2% đối tượng rối loạn thông khí hạn chế, 4% đối tượng có biến đổi chức năng hô hấp và 1,2% đối tượng rối loạn thông khí tắc nghẽn.

Bảng 4. Kết quả đo chức năng hô hấp theo nhóm tuổi đời

Nhóm tuổi đời có kết quả rối loạn thông khí lớn nhất là 40-49 tuổi chiếm tỷ lệ 37,2%); nhóm độ tuổi ≥ 50 có kết quả rối loạn thông khí tắc nghẽn lớn nhất với tỷ lệ 40%); 2 nhóm tuổi 18-29 và 40-49 có bị biến đổi chức năng hô hấp lớn nhất với tỷ lệ lần lượt là 50% và 43,7%.

Bảng 5. Kết quả đo chức năng hô hấp theo nhóm tuổi nghề

Nhóm tuổi nghề <5 năm có kết quả bị rối loạn thông khí hạn chế và biến đổi chức năng hô hấp lớn nhất chiếm tỷ lệ lần lượt là 32,2% và 43,8%. Đây là một trong hai nhóm tuổi nghề có số lượng lao động lớn nhất được khảo sát.

Bảng 6. Mức độ rối loạn thông khí hạn chế và rối loạn thông khí tắc nghẽn

Mức độ rối loạn thông khí hạn chế

Mức độ rối loạn thông khí tắc nghẽn

Nhẹ

Vừa

Nặng

Tổng

Nhẹ

Vừa

Tổng

Số lượng (n)

69

67

1

137

4

1

5

Tỷ lệ (%)

50,4

48,9

0,7

100

80,0

20,0

100

Trong số những đối tượng rối loạn thông khí hạn chế thì phần lớn là ở mức độ nhẹ và vừa (50,4% và 48,9%). Rối loạn thông khí hạn chế mức độ nặng chỉ chiếm 0,7%. Trong số những trường hợp rối loạn thông khí tắc nghẽn, có 80% trường hợp rối loạn ở mức độ nhẹ và 20% đối tượng rối loạn ở mức độ vừa.

Hơn 80% trường hợp rối loạn thông khí hạn chế nằm ở hai bộ phận sơ chế, tinh chế và 100% trường hợp bị rối loạn thông khí tắc nghẽn đều thuộc các bộ phận này. Đây là hai bộ phận có số lượng người lao động làm việc đông nhất trong tất cả các cơ sở chế biến thủy sản đã được khảo sát, đây cũng là các bộ phận mà người lao động thường xuyên tiếp xúc với khí Clo trong quá trình sản xuất.Trong các trường hợp bị rối loạn thông khí hạn chế ở bộ phận sơ chế: 18/40 người bị rối loạn thông khí ở mức độ nhẹ, 21/40 ở mức độ vừa và 1/40 ở mức độ nặng. Đối với bộ phận tinh chế: các trường hợp bị rối loạn thông khí hạn chế ở mức độ vừa và nhẹ đều là 35/70. 1/2 trường hợp bị rối loạn thông khí tắc nghẽn ở bộ phận sơ chế ở mức độ vừa, các trường hợp còn lại bị rối loạn thông khí tắc nghẽn ở bộ phận sơ chếvà tinh chế đều ở mức độ nhẹ.

3.3. Mối liên quan giữa sức khỏe đối tượng nghiên cứu và đặc điểm cá nhân

Bảng 7. Mối liên quan giữa sức khỏe đối tượng nghiên cứu ở nhóm tiếp xúc và đặc điểm cá nhân

Kết quả trên cho thấy có sự tương quan giữa lâm sàng bệnh hô hấp với tuổi đời và tuổi nghề của đối tượng nghiên cứu nhóm tiếp xúc (p<0,05). Với hệ số tương quan Pearson r > 0, ta có mối tương quan này là tương quan thuận chiều, có nghĩa là khi tuổi đời với tuổi nghề tăng lên thì các triệu chứng lâm sàng bệnh hô hấp nghề nghiệp cũng tăng theo và ngược lại. Tuy nhiên, không nhận thấy mối tương quan giữa kết quả đo chức năng hô hấp của đối tượng nghiên cứu ở nhóm tiếp xúc và các đặc điểm cá nhân (p > 0,05). Như vậy sự suy giảm chức năng hô hấp thông qua kết quả đo chức năng hô hấp của người lao động không phụ thuộc vào tuổi đời và tuổi nghề của người lao động cao hay thấp.

3.4. Mối liên quan giữa sức khỏe của đối tượng nghiên cứu và nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc

Bảng 8. Mối liên quan giữa sức khỏe của đối tượng nghiên cứu và nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc

Sức khỏe

Nồng độ Clo

r

p

Triệu chứnglâm sàng Bệnh hô hấp

0,12

0,007

Chức năng hô hấp

0,11

0,035

Qua phân tích nhận thấy có sự tương quan giữa nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc và sức khỏe của đối tượng nghiên cứu (lâm sàng bệnh hô hấp nghề nghiệp và chức năng hô hấp), mối tương quan này có giá trị thống kê với (p<0,05, t=1,97).Với hệ số tương quan Pearson r > 0, ta có mối tương quan này là tương quan thuận chiều, có nghĩa khi nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc càng cao thì những bệnh, triệu chứng và rối loạn về chức năng hô hấp càng cao. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Neghab M, Amiri F, Soleimani E và Hosseini SY năm 2012.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận

Người lao động có tiếp xúc với khí Clo ở các cơ sở chế biến thủy sản bị mắc các triệu chứng bất thường về hô hấp, bao gồm: khó thở hoặc thỉnh thoảng khó thở (1,7%); tức ngực (0,5%); viêm phổi, viêm phế quản (7%); hen phế quản (0,7%); ho nhiều hơn 2 đợt/năm và bị 2 năm liên tục (0,7%).

Người lao động có tiếp xúc với khí Clo ở các cơ sở chế biến thủy sản: có 34,2% trường hợp bị rối loạn thông khí hạn chế; 1,2% bị rối loạn thông khí tắc nghẽn và 4% có biến đổi chức năng hô hấp; có 80% trường hợp bị rối loạn thông khí hạn chế và 100% trường hợp bị rối loạn thông khí tắc nghẽn đều ở 2 bộ phận sơ chế và tinh chế.

Có mối tương quan giữa triệu chứng lâm sàng bệnh đường hô hấp của đối tượng nghiên cứu và tuổi nghề (p<0,05).Không nhận thấy mối tương quan giữa kết quả đo chức năng hô hấp của đối tượng nghiên cứu và các đặc điểm cá nhân (p>0,05).

Có mối tương quan giữa nồng độ Clo phơi nhiễm tại nơi làm việc và sức khỏe của đối tượng nghiên cứu (triệu chứng lâm sàng bệnh đường hô hấpvà chức năng hô hấp) (p<0,05; t=1,97), mối tương quan này là tương quan thuận chiều.

Kiến nghị

Tại nơi làm việc của người lao động tiếp xúc trực tiếp với khí clo: cần thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc của người lao động với khí Clo như sau:

-Tập huấn cho người lao động, đặc biệt là những người pha chế dung dịch Clo khử trùng tại các cơ sở về các quy trình thao tác chuẩn (SOP), về những kiến thức và tác động có hại của khí Clo trong môi trường làm việc đến sức khỏe. Từ đó, giúp người lao động hiểu biết và thực hành đúng trong việc pha chế.

– Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc để hạn chế sự tiếp xúc với khí Clo như mặt nạ phòng độc, khẩu trang, kính mắt, găng tay…

– Hằng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe nghề nghiệp nhằm phát hiện sớm các biểu hiện và triệu chứng bất thường, từ đó giúp theo dõi, điều trị và bố trí công việc hợp lý hơn.

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Carl W. White, James G. Martin; “Chlorine Gas Inhalation. Human clinical evidence of toxicity and experience in Animal Models”, Proceedings of the American thoracic society, Vol 7, 2010, Page 257-263
  2. Musah, Sadiatu, “Repair of the airway epithelium after chlorineinduced injury”, (2013), Electronic Theses and Dissertations, Paper 1031.
  3. Neghab M, Amiri F, Soleimani E, Hosseini SY, “The effect of exposure to low levels of chlorine gas on the pulmonary function and symptoms in a Chloralkali Uni”, J Res Health Sci., 2016 Winter, 16(1):41-5.
  4. Phan Thị Thúy Chinh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Thị Thu Thủy, Phạm Công Tuấn (2015), “Thực trạng sức khỏe công nhân nữ của một nhà máy chế biến thủy sản, Đà Nẵng năm 2015”, Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXVI, số 11 (184) 2016, Trang 50.
  5. Lê Văn Hoàn, Nguyễn Đình Sơn, Hồ Xuân Vũ, Hà Văn Hoàng, Hoàng Trọng Dạ Thảo, Trần Văn Khởi, Nguyễn Khoa Diệu Ny, “Nghiên cứu điều kiện lao động và tình hình sức khỏe bệnh tật của lao động nữ tại công ty cổ phần phát triển thủy sản Huế năm 2010”, Trung tâm Y tế Dự phòng Thừa Thiên Huế.
  6. “Công nhân chế biến thủy sản với nỗi lo bệnh tật”, http://vnniosh.vn/antoanhoachat/details/id/2067/Cong-nhan-che-bien-thuy-hai-san-voi-noi-lo-benh-tat

Ths. Nguyễn Thị Thùy Trang*, Bs. Phạm Thị Nhật Giang*, Bs. Võ Nam Sơn**

(*) Phân viện KH ATVSLĐ & BVTM Miền Trung, (**) Bệnh viện Gia Đình


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)