Tình hình thực hiện vệ sinh lao động và thực trạng bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2006-2015
Mở đầu
Vệ sinh lao động (VSLĐ) là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo sức khoẻ và tính mạng cho người lao động (NLĐ). Trong thời gian qua, công tác VSLĐ đã được chú trọng hơn cả trong công tác quản lý cũng như thực thi về VSLĐ. Tuy vậy, tình hình thực hiện VSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, người lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện lao động (ĐKLĐ) không đảm bảo, công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp (BNN) vẫn còn nhiều vướng mắc… Việc tìm hiểu về tình hình thực hiện VSLĐ, BNN rất cần thiết, nhằm khái quát lại bức tranh chung nhất về vấn đề này, từ đó đề xuất một số khuyến nghị để cải thiện công tác VSLĐ trong thời gian tới.
1.Vai trò, vị trí của vệ sinh lao động
Trong quá trình sản xuất, ĐKLĐ có thể phát sinh các yếu tố có hại. Các yếu tố có hại như vật lý, hoá học, vi sinh vật có hại, cường độ lao động, tư thế lao động không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ NLĐ. Khi đó việc thực hiện các biện pháp về VSLĐ có vai trò phòng, chống tác động của các yếu tố có hại này đến sức khoẻ NLĐ. Các biện pháp về VSLĐ bao gồm kỹ thuật vệ sinh, kỹ thuật công nghệ, phòng hộ cá nhân, tổ chức lao động và biện pháp y tế. Vai trò VSLĐ trong việc phòng chống tác động của yếu tố có hại đến sức khoẻ NLĐ được thể hiện qua sơ đồ dưới đây:
1.Tình hình thực hiện vệ sinh lao động giai đoạn 2006-2015
Tình hình thực hiện biện pháp kỹ thuật vệ sinh
Trong thời gian qua, nhìn chung các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đã chú ý đầu tư hơn cải thiện kỹ thuật vệ sinh như lắp đặt hệ thống thông gió, hút hơi khí độc, chống nóng, ồn; làm giảm nồng độ bụi, nồng độ hơi khí độc, tăng độ chiếu sáng, cải thiện vi khí hậu,… Kết quả đo, kiểm môi trường lao động (MTLĐ) giai đoạn 2011-2013 cho thấy số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép về kỹ thuật vệ sinh chiếm 9,43%, đã giảm 30,51% so với giai đoạn 2006-2010.
Trong đó, ba yếu tố cải thiện nhiều nhất là độ rung (số mẫu không đạt giảm 57,86%), bụi (số mẫu không đạt giảm 47,18%) và hơi khí độc (số mẫu không đạt giảm 38,14).
Bảng 1: Kết quả đo, kiểm môi trường lao động
TT |
Yếu tố độc hại |
Bình quân mẫu không đạt chuẩn |
||
2006 – 2010 |
2011- 2013 |
Tăng (+) giảm (-)
|
||
1 |
Vi khí hậu |
13,42% |
8,60% |
-35,90% |
2 |
Bụi |
11,27% |
5,95% |
-47,18% |
3 |
Ồn |
21,39% |
16,53% |
-22,72% |
4 |
Ánh sang |
15,28% |
12,04% |
-21,22% |
5 |
Hơi khí độc |
6,60% |
4,08% |
-38,14% |
6 |
Độ rung |
19,49% |
8,21% |
-57,86% |
7 |
Phóng xạ, từ trường |
3,80% |
5,64% |
+48,45% |
8 |
Yếu tố khác |
8,66% |
7,08% |
-18,22% |
Tổng số |
13,57% |
9,43% |
-30,51% |
Nguồn: Báo cáo tổng kết chương trình Quốc gia ATVSLĐ 2011-2015
Nhìn chung các yếu tố MTLĐ đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên chủ yếu mới tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước. Ngược lại trong các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở quy mô nhỏ, công tác cải thiện MTLĐ chưa được chú trọng, NLĐ thường xuyên phải làm việc trong môi trường ồn, nóng, đặc biệt lượng bụi, hơi khí độc toả ra vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.Tương tự như vậy trong khu vực làng nghề, phần lớn các cơ sở sản xuất có mặt bằng chật hẹp, nhà xưởng tạm bợ, thiếu ánh sáng, bố trí nguyên vật liệu và sản phẩm lộn xộn, bừa bãi. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất trong làng nghề thường nằm xen cư ngay chính tại các hộ gia đình nên hầu hết chưa đảm bảo tiêu chuẩn về MTLĐ. Kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc năm 2012 tại 2000 cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc của Viện Bảo hộ lao động cho thấy yếu tố MTLĐ của các cơ sở sản xuất đều bị ô nhiễm, với 35,59% cơ sở có ĐKLĐ nặng nhọc; 29.55% cơ sở có ĐKLĐ độc hại và 22,08% cơ sở có ĐKLĐ nguy hiểm.
Tình hình thực hiện các biện pháp về kỹ thuật công nghệ
Trong 5 năm trở lại đây, nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có sự chủ động thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa, cải tiến máy móc, kỹ thuật. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Bảo hộ lao động năm 2012, tại những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ như hộ kinh doanh, cá thể, có tới 52.44% số cơ sở NLĐ làm việc nửa thủ công, nửa cơ khí; 42.67% số cơ sở có hình thức NLĐ làm việc hoàn toàn thủ công; chỉ có 4.88% số doanh nghiệp có hình thức sử dụng tự động hoá trong lao động. Đặc biệt là các trong các cơ sở sản xuất gạch, ngói, vôi, xi măng, khai thác đá, đúc kim loại,… lao động thủ công chiếm tới 70 – 80 %, và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ NLĐ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả. Tình hình thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân
Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hại giữ một vai trò quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe NLĐ. Kết quả khảo sát cho thấy khối doanh nghiệp Nhà nước thực hiện biện pháp này khá đầy đủ, với 97% NLĐ được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, trong khi đó nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có tới 50,32% số cơ sở trang bị thiếu về số lượng, chủng loại và trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) không đảm bảo chất lượng cho NLĐ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của NLĐ, khi làm việc có tiếp xúc với những yếu tố nguy hiểm, độc hại cũng chưa tốt: có tới 16,66% số lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được dù đã trang bị, điều này phần nào chứng tỏ người sử dụng lao động đã buông lỏng khâu giám sát, quản lý việc thực hiện của NLĐ.
Bảng 2: Tình hình thực hiện phương tiện bảo vệ cá nhân của NLĐ nông nghiệp
STT |
Nội dung khảo sát |
Số người |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Có mũ, nón khi làm việc ngoài trời |
6.199 |
98,8 |
2 |
Có khẩu trang, khăn bịt mặt khi làm việc ngoài trời, xay xát,… |
5.813 |
92,6 |
3 |
Có đủ khẩu trang, mũ, kính, găng tay, ủng khi phun thuốc sâu |
3.657 |
58,3 |
4 |
PTBVCN thuận tiện cho sử dụng, không cản trở các hoạt động |
4.518 |
72,0 |
5 |
Các PTBVCNđược sử dụng thường xuyên khi làm việc |
4.806 |
76,6 |
Nguồn: Thực trạng tai nạn thương tích trong lao động nông nghiệp tại Việt Nam, Nguyễn Thúy Quỳnh, Đại học Y tế công cộng 2010.
Trong nhóm lao động sản xuất trong nông nghiệp, dường như vấn đề trang bị PTBVCN còn nhiều hạn chế, có tới hơn 40% NLĐ không có đủ các PTBVCN như khẩu trang, mũ, kính, găng tay, ủng khi phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra có 24,4% NLĐ không sử dụng thường xuyên PTBVCN khi làm việc.
Tình hình thực hiện tổ chức lao động
Nhìn chung, việc thực hiện bố trí, tổ chức lao động tại các cơ sở còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tư nhân vi phạm các quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: kéo dài ca làm việc quá 8 giờ không cần thoả thuận, giảm giờ nghỉ giữa ca; huy động công nhân làm việc cả 7 ngày trong tuần. Kết quả điều tra của Cục An toàn lao động năm 2012 cho thấy, thời giờ làm việc bình quân của NLĐ tại các cơ sở này khá cao, 7,86 giờ/ngày; một số địa phương có mức thời giờ làm việc bình quân/ngày trên 8 giờ là Hà Tây cũ (8,35 giờ), Hà Nội (8,17 giờ), T.p Hồ Chí Minh (8,10 giờ). Như vậy, đa số các cơ sở sản xuất vi phạm về thời giờ làm việc của NLĐ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng thần kinh, tâm lý, suy giảm khả năng lao động.
Tình hình thực hiện biện pháp y tế chăm sóc sức khỏe NLĐ
Chăm sóc sức khỏe NLĐ là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện sức khỏe của NLĐ, bao gồm các hoạt động: khám sức khỏe; khám, điều trị BNN, phục hồi chức năng cho người bị BNN.Những năm gần đây, tổ chức bộ máy và năng lực hoạt động của mạng lưới y tế lao động trên toàn quốc đã từng bước được nâng lên, hiện cả nước đã thành lập 58 khoa Sức khoẻ nghề nghiệp/Y tế lao động và 37 tỉnh, ngành đã có phòng khám BNN; trang thiết bị, máy móc đo MTLĐ và khám BNN đã được bổ sung, phần nào đáp ứng được cho việc đo kiểm MTLĐ và khám sức khoẻ định kỳ thông thường. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các tổ chức y tế và doanh nghiệp trong việc đo kiểm MTLĐ cũng như khám sức khỏe định kỳ, khám BNN đã đạt được nhiều kết quả.
Trong giai đoạn 2011-2015, nhìn chung chỉ số về số cơ sở khám SKĐK và số NLĐ khám BNN tăng khá nhiều qua các năm. Điển hình như năm 2012, số cơ sở thực hiện khám SKĐK tăng 70% so với cùng kỳ năm 2011 và số NLĐ được khám BNN tăng 100% so với cùng kỳ năm 2011, vượt xa mục tiêu của chương trình Quốc gia về ATVSLĐ (tăng 5% số cơ sở khám SKĐK và tăng 5% số NLĐ được khám BNN mỗi năm.
Bảng 3. Tình hình thực hiện công tác y tế lao động
Chỉ tiêu |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
So với kế hoạch |
|
1 |
Cơ sở khám SKĐK (số cơ sở) |
4.480 |
8.191 |
9.313 |
9.139 |
10.000 |
4,00% |
2 |
NLĐ khám BNN (số người) |
60.548 |
116.315 |
101.700 |
107.100 |
100.000 |
248,2% |
Nguồn: Báo cáo công tác y tế lao động và phòng chống BNN của Bộ Y tế
Cùng với công tác khám phát hiện BNN, công tác phòng ngừa BNN cũng được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2007 – 2010 Bộ Y tế đã nghiên cứu xây dựng 04 mô hình phòng chống BNN: Mô hình phòng chống bệnh bụi phổi – silic, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh viêm gan vi rút nghề nghiệp và các mô hình này đã được áp dụng và nhân rộng trên nhiều tỉnh trên toàn quốc và bước đầu thu được các kết quả khả quan. Tiếp theo đó, trong giai đoạn 2011-2014,cả nước đã tổ chức áp dụng mô hình phòng chống BNN cho trên 300 cơ sở lao động mới, tập trung vào các ngành có nguy cơ cao như xây dựng, hóa chất, mỏ và y tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế lao động còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như:
Việc triển khai quản lý sức khỏe NLĐ các cơ sở lao động ở mức rất thấp: Theo báo cáo tổng kết chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011- 2015, đến nay mới có khoảng 10-15% cơ sở lao động thực hiện công tác này. Điều đáng lưu ý là vẫn chưa có chế tài để xử phạt đối với người sử dụng lao động không chấp hành về vấn đề quản lý sức khỏe, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho công tác quản lý sức khỏe NLĐ bị lơ là.
Về chất lượng nhân lực: Tổng số cán bộ làm công tác y tế lao động là 623 người, trong đó bác sĩ là 199 người, chỉ chiếm 31,9%, chủ yếu tập trung ở các tỉnh có ngành công nghiệp phát triển như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh.., nhiều tỉnh chỉ có một vài bác sĩ thậm chí còn có những tỉnh không có bác sĩ nào làm công tác y tế lao động. Hơn nữa, các bác sĩ làm công tác y tế lao động biến động liên tục chuyển từ khoa này sang khoa khác hoặc chuyển đi các đơn vị khác, khó khăn cho việc đào tạo chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về y tế lao động.
Về kinh phí: Theo báo cáo của Bộ Y tế, kinh phí dành cho ngành y tế cả Trung ương và 63 tỉnh thành phố cho công tác phòng chống BNN trong chương trình quốc gia an toàn VSLĐ chỉ được cấp 25 – 30% so với nhu cầu.
Công tác chăm sóc sức khỏe của cơ sở sản xuất tư nhân chưa được chú ý. Số cơ sở thực hiện khám tuyển lao động chỉchiếm tỷ lệ 27,27% tổng sốcơ sở được điều tra.Tỷ lệ số cơ sở tổ chức khám sức khoẻ định kì cho NLĐ cũng chỉ chiếm 20,45%.
2.Thực trạng bệnh nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp là một trong những biểu hiện tác động của các yếu tố có hại trong sản xuất đối với sức khỏe NLĐ. Chương trình phòng chống BNN được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2007 đã mang lại những đóng góp tích cực nhất định trong công tác kiểm soát BNN. Điển hình là công tác rà soát, bổ sung danh mục BNN được BHYT chi trả rất được chú trọng. Từ 25 BNN năm 2007, đến nay (tính đến tháng 6/2015), đã có 30 BNN được công nhận hưởng bảo hiểm y tế, tuy nhiên danh mục này vẫn còn thiếu, ít hơn so với danh mục do ILO đã ban hành (54 BNN), đặc biệt ít hơn rất nhiều so với một số nước khác như Pháp (88 BNN), Trung Quốc (102 BNN). Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đầu tư kinh phí cho nghiên cứu xây dựng các kỹ thuật xác định nồng độ các chất độc hại trong MTLĐ, cách đánh giá điều kiện làm việc của NLĐ, các kỹ thuật mới xét nghiệm nồng độ các chất độc hại cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng khác phục vụ chẩn đoán BNN.
Theo số liệu báo cáo của Cục quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) công tác khám BNN năm 2014 được đẩy mạnh hơn so với năm 2013. Tổng số năm 2014 đã khám BNN cho 107.100 trường hợp, tăng 5,3% so với năm 2013. Trong đó đã phát hiện được 6.793 trường hợp nghi mắc BNN tập trung chủ yếu nhóm bệnh điếc nghề nghiệp và bụi phổi Silic với tỷ lệ lần lượt là 67,68% và 12,90%.
Bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Theo số tích lũy, tính đến cuối năm 2014, tổng cả nước có 29.928 NLĐ mắc BNN đã được cấp sổ bảo hiểm và được đền bù, trong đó hơn 75% là nhóm các bệnh bụi phổi (bụi phổi – silic, bụi phổi bông, bụi phổi amiang, talc…), khoảng 12% là BNN do các yếu tố vật lý (điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nhiễm xạ tia X), khoảng 5 – 7% là các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (nicotine, TNT, chì, benzen, hóa chất trừ sâu…). Tuy nhiên theo nhận định của Bộ Y tế, trên thực tế, số người mắc BNN nhưng chưa được phát hiện có thể cao gấp chục lần số liệu báo cáo.
Mặc dù BNN đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe NLĐ, tuy nhiên công tác điều trị, phục hồi chức năng cho NLĐ mắc BNN dường như còn chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình như đối với bệnh phổi nghề nghiệp, một BNN phổ biến nhất thì cả nước hiện mới có duy nhất khoa bệnh phổi nghề nghiệp, thuộc bệnh viện phổi Trung ương thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những NLĐ mắc bệnh phổi nghề nghiệp và điều trị phục hồi sức khỏe cho những viên chức, người lao động sau khi họ mắc bệnh và được giám định bệnh nghề nghiệp. Tuy vậy cơ sở điều trị này mới được thành lập tháng 6/2015, đến nay mới bước đầu đi vào hoạt động, chưa có nhiều kết quả trong công tác điều trị, phục hồi chức năng cho NLĐ mắc BNN.
3.Một số khuyến nghị
* Về thực hiện biện pháp kỹ thuật vệ sinh
+ Tăng cường thực hiện các biện pháp VSLĐ đến các doanh nghiệp, đặc biệt cho những doanh nghiệp khối tư nhân, cơ sở sản xuất tại các làng nghề, người lao động trong ngành nông nghiệp.
+ Tuyên truyền, đẩy mạnh công tác cải thiện MTLĐ. Từng bước xử lý, cải tiến hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng… nhằm cải thiện các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ồn, rung, bụi…. Đảm bảo các yếu tố vi khí hậu tiện nghi khi thiết kế nhà xưởng. Bố trí mặt bằng nhà xưởng cũng như nơi lưu trữ nguyên vật liệu và sản phẩm hợp lý.
* Về thực hiện các biện pháp về kỹ thuật công nghệ
+ Đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ như: cơ giới hóa, tự động hóa, cải tiến máy móc.
+Dùng những chất không độc hoặc ít độc thay dần cho những hợp chất có tính độc cao.
* Về thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân
Đây là một biện pháp bổ trợ nhưng trong nhiều trường hợp, khi biện pháp cải tiến quá trình công nghệ và biện pháp kỹ thuật vệ sinh thực hiện chưa được thì nó đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm an toàn cho công nhân trong sản xuất và phòng BNN. Cụ thể: tăng cường trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hại, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức NLĐ trong việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Về thực hiện tổ chức lao động
+ Thực hiện phân công lao động hợp lý theo đặc điểm sinh lý của công nhân. Đảm bảo bố trí, tổ chức lao động theo quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời nghỉ ngơi.
+ Tìm ra những biện pháp cải tiến để lao động bớt nặng nhọc, tiêu hao năng lượng ít hơn, làm cho lao động thích nghi được với con người và con người thích nghi với công cụ sản xuất mới, vừa tạo ra năng suất lao động cao, vừa an toàn cho NLĐ.
Về thực hiện biện pháp y tế chăm sóc sức khỏe NLĐ
+ Tăng cường công tác triển khai quản lý sức khỏe NLĐ tại các cơ sở lao động. Chú trọng công tác kiểm tra sức khỏe công nhân, khám tuyển để chọn người, khám định kỳ cho công nhân tiếp xúc với các yếu tố độc hại nhằm phát hiện sớm BNN và những bệnh mãn tính để kịp thời có biện pháp giải quyết.
+ Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới y tế lao động trên toàn quốc. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các tổ chức y tế và doanh nghiệp trong việc đo kiểm MTLĐ, khám sức khỏe định kỳ và khám BNN.
+ Kiện toàn nguồn nhân lực y, bác sỹ phục vụ cho công tác y tế lao động. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực về y tế lao động thông qua các chương trình tập huấn, các khóa đào tạo về quản lý sức khỏe NLĐ.
Về vấn đề bệnh nghề nghiệp
+ Chú trọng hơn nữa công tác rà soát, bổ sung danh mục BNN được BHYT chi trả.
+ Đẩy mạnh đầu tư cho công tác phục hồi chức năng, điều trị BNN cho NLĐ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình Quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ươngvà địa phương
- Bộ Y tế (2013). Báo cáo công tác y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Cục An toàn lao động (2014). Báo cáo tổng kết chương trình Quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động 2011-2015
- Cục An toàn lao động (2014). Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020
- Cục An toàn lao động (2013). Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng luật an toàn, vệ sinh lao động.
- Cục An toàn lao động (2014). Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đến năm 2020.
- Cục An toàn lao động (2012). Tài liệu huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ an toàn vệ sinh lao động.
- Cục An toàn lao động (2012). Tình hình thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 1995-2012 và định hướng triển khai đến năm 2020
- Cục quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế (2014). Báo cáo công tác y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Nguyễn Thúy Quỳnh, Đại học Y tế công cộng (2010). Thực trạng tai nạn thương tích trong lao động nông nghiệp tại Việt Nam.
CN. Nguyễn Thị Ngân, CN. Phạm Thuỳ Dung
Viện Khoa học Lao động và Xã hội
(Nguồn tin: Theo Bản tin Khoa học Lao động và xã hội, Quí III-2015)