Tỷ lệ tăng huyết áp và các yếu tố liên quan ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Tỉ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp (THA) tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về tỉ lệ cao huyết áp ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì được thực hiện. Nghiên cứu khảo sát tỉ lệ THA và các yếu tố liên quan ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng công nhân trên. 
Mục tiêu: Xác định tỉ lệ tăng huyết áp và các yếu tố liên quan ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp hồi cứu hồ sơ khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp của 1221 công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì vào năm 2017 tại Viện Y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh. Kiểm định Chi bình phương được sử dụng để xác định các yếu tố liên quan đến tình trạng THA.
Kết quả: Tỉ lệ công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì mắc THA là 16,1% và có nồng độ chì trong máu >10 µg/dL là 80,6%. Phần lớn công nhân là nam giới (94,8%) và thuộc nhóm tuổi <35 (70,9%). Các yếu tố liên quan đến tình trạng THA ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì gồm nhóm tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng và nồng độ chì trong máu.
Kết luận: Nhóm công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì là nam giới, công nhân thuộc nhóm tuổi ≥ 35, người bị thừa cân/béo phì, công nhân có nồng độ chì trong máu >10 µg/dL có tỉ lệ mắc bệnh THA cao hơn so với nhóm công nhân không có đặc tính nêu trên. 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến trên thế giới và là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong, mắc bệnh (12,7%)[19]. Vào năm 2005, THA là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong 7,1 triệu người trong số 17,5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch[19]. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, năm 2000 THA ảnh hưởng sức khỏe của gần 1 tỉ người trên toàn thế giới và ước tính con số này lên tới 1,56 tỉ người vào năm 2025[12, 29]. 
Tại Việt Nam, tỉ lệ THA cũng ngày càng gia tăng và đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Vào năm 1960, tỉ lệ THA chiếm khoảng 1% sau đó tăng lên 11,2% dân số vào năm 1991[23]. Gần đây, một nghiên cứu quốc gia ước tính bệnh THA ảnh hưởng đến 18,9% dân số trưởng thành Việt Nam[4]. Mặc dù bệnh THA rất dễ chẩn đoán và có thể kiểm soát tuy nhiên điều đáng lo ngại là mức độ nhận thức cũng như nỗ lực điều trị kiểm soát THA vẫn còn thấp[9, 24]. Kết quả một cuộc điều tra quốc gia gần đây cho thấy chỉ có 29,6% trong số những người mắc bệnh THA đang được điều trị và chỉ có một phần ba số bệnh nhân điều trị đã kiểm soát được huyết áp[24]. 
Ở phía Nam Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về THA được thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu được tiến hành ở bệnh viện, trường học và trên cộng đồng, vì vậy tỉ lệ hiện mắc bệnh THA được ghi nhận ở công nhân còn rất hạn chế, đặc biệt là công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì trong khi y văn cho thấy việc phơi nhiễm với chì có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng THA[10, 13]. Từ những lý do nêu trên, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định tỉ lệ THA và các yếu tố liên quan trên đối tượng công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì, từ đó cung cấp các thông tin hữu ích làm cơ sở cho các bộ phận chức năng liên quan xây dựng các giải pháp cụ thể giúp người lao động kiểm soát huyết áp nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho công nhân. Kết quả khảo sát cũng là tiền đề cho các nghiên cứu liên quan sau này.
Mục tiêu nghiên cứu
1.    Xác định tỉ lệ tăng huyết áp ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì
2.    Xác định các yếu tố liên quan đến tình trạng THA ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU    
Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp hồi cứu hồ sơ khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp của 1221 công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì vào năm 2017 tại Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh. Các thông tin được ghi nhận từ hồ sơ khám sức khỏe bao gồm tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, nồng độ chì trong máu, chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương của đối tượng nghiên cứu. Trong đó, các thông tin về tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương của đối tượng nghiên cứu được thu thập, đo đạc bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên có kinh nghiệm của Viện (với cân đo cân nặng và máy đo huyết áp đã được hiệu chỉnh). Mẫu máu được lấy và xét nghiệm bởi đội ngũ xét nghiệm viên có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao của Viện nhằm xác định nồng độ chì trong máu của đối tượng nghiên cứu.
Trong nghiên cứu, biến độc lập bao gồm các đặc điểm dân số nghiên cứu: tuổi gồm 2 giá trị (< 35 tuổi và ≥ 35 tuổi), giới tính, nồng độ chì trong máu gồm 2 giá trị (≤ 10 µg/dL và > 10 µg/dL)[2], tình trạng dinh dưỡng gồm 2 giá trị (Không thừa cân/béo phì: BMI ≤ 24,99 và thừa cân/béo phì: BMI ≥ 25). Trong đó, tình trạng dinh dưỡng được tính theo chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index: BMI): BMI = Cân nặng (kg)/(Chiều cao)2 (m) và phân loại tình trạng dinh dưỡng theo WHO năm 2000[26]. 
Biến phụ thuộc là tình trạng THA gồm 2 giá trị (Tăng huyết áp và không tăng huyết áp). Tình trạng THA được xác định dựa vào định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới và Hội Tăng huyết áp quốc tế (WHO-ISH); Theo đó, Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg[27]. 
Nghiên cứu sử dụng tần số và tỉ lệ phần trăm để mô tả các biến tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng, nồng độ chì trong máu và biến tình trạng THA. Kiểm định Chi bình phương được sử dụng để xác định mối liên quan giữa tình trạng THA với các biến số tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng và nồng độ chì trong máu. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng số đo tỉ số tỉ lệ hiện mắc PR (Prevalance Ratio) và khoảng tin cậy 95% để đo lường mức độ liên quan giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đặc điểm dân số nghiên cứu

Kết quả ở bảng 1 cho thấy hầu hết công nhân là nam giới (94,8%) và phần lớn thuộc nhóm tuổi <35 (70,9%). Tỉ lệ công nhân có tình trạng dinh dưỡng thừa cân/béo phì là 16,6%. Ngoài ra, nghiên cứu ghi nhận 80,6% công nhân có nồng độ chì trong máu lớn hơn 10 µg/dL. 
Tỉ lệ THA 

    Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 1221 công nhân có 16,1% người mắc bệnh THA, tỉ lệ công nhân không mắc bệnh THA chiếm 83,9%.

Các yếu tố liên quan đến tình trạng THA 

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA với độ tuổi của công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì (p = 0,006). Theo đó, công nhân thuộc nhóm tuổi ≥ 35 có tỉ lệ THA cao hơn 1,45 lần so với nhóm công nhân có tuổi < 35 (PR = 1,45; KTC95% = 1,11 – 1,88).
Có mối liên quan giữa tình trạng THA với giới tính của công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì (p = 0,001). Trong đó, nhóm nam công nhân có tỉ lệ THA cao gấp 10,79 lần so với nhóm nữ công nhân (PR = 10,79 ; KTC95% = 1,54 – 75,72).
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA với tình trạng dinh dưỡng của công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì (p < 0,0001). Nhóm công nhân bị thừa cân/béo phì có tỉ lệ THA cao gấp 2,72 lần so với nhóm công nhân không bị thừa cân/béo phì (PR = 2,72; KTC95% = 2,12 – 3,50).
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA với nồng độ chì trong máu của công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì (p = 0,0477). Nhóm công nhân có nồng độ chì trong máu > 10 µg/dL có tỉ lệ THA cao gấp 1,45 lần so với nhóm công nhân có nồng độ chì trong máu ≤ 10 µg/dL (PR = 1,45; KTC95% = 1,004 – 2,08).

BÀN LUẬN
    Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh THA ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì là 16,1%. Tỉ lệ THA trong nghiên cứu thấp hơn so với nghiên cứu quốc gia của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện vào năm 2015 cho kết quả 18,9% dân số trưởng thành từ 18 đến 69 tuổi thuộc 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc mắc bệnh THA[4]. Theo y văn trong nước và trên thế giới thì độ tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh THA càng tăng[3, 5, 11, 16, 17, 21, 22, 28], điều này cho thấy kết quả nghiên cứu là phù hợp do đối tượng công nhân được khảo sát có độ tuổi thấp hơn dao động từ 18 đến 58 tuổi, trong đó hơn 2/3 công nhân dưới 35 tuổi.
    Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng ghi nhận nhóm công nhân ≥ 35 có tỉ lệ mắc bệnh THA cao hơn so với nhóm công nhân có độ tuổi < 35. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với y văn[3, 5, 11, 16, 17, 21, 22, 28] và đồng nhất với kết quả nghiên cứu gần đây của tác giả Nguyễn Thị Hoa cùng cộng sự được thực hiện tại Long An, Việt Nam[18] cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA và nhóm tuổi, nhóm tuổi cao có tỉ lệ mắc THA cao hơn. Theo đó, kết quả nghiên cứu thêm phần cho thấy độ tuổi là một trong những yếu tố cần được quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và kiểm soát bệnh THA.
    Trong nghiên cứu, do đặc thù công việc sản xuất của nhà máy nên đối tượng khảo sát hầu hết là nam công nhân (94,8%). Đồng thời kết quả phân tích về mối liên quan giữa tình trạng THA và giới tính cho thấy nhóm nam công nhân có tỉ lệ THA cao hơn so với nhóm nữ công nhân. Kết quả này tương đồng với kết quả các nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam[3-5, 7, 17], cũng như các nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc[6, 8] và Bồ Đào Nha[20].
    Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA với tình trạng dinh dưỡng. Nghiên cứu tại Bình Phước[15] ghi nhận nhóm người thừa cân béo phì có tỉ lệ THA gấp 2,7 lần nhóm không thừa cân, béo phì. Tương tự, nghiên cứu tại Long An[18] và nghiên cứu được thực hiện ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam[22] cũng ghi nhận tỉ lệ THA gia tăng theo 04 mức phân loại BMI được xếp theo thứ tự gầy, bình thường, thừa cân, béo phì. Nhất quán với các nghiên cứu trên, kết quả phân tích từ nghiên cứu cho thấy nhóm công nhân bị thừa cân/béo phì có tỉ lệ THA cao hơn nhóm công nhân không bị thừa cân/béo phì. Điều này cho thấy vấn đề kiểm soát chỉ số BMI ở mức độ bình thường là việc làm rất cần thiết góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người cũng như người bệnh THA.
    Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy 80,6% công nhân có nồng độ chì trong máu lớn hơn 10 µg/dL, đây là một trong các tiêu chí xác định giới hạn tiếp xúc tối thiểu nhiễm độc chì mạn tính ở công nhân có tiếp xúc với chì trong môi trường lao động[2]. Con số này là cao và nên cảnh báo vì phơi nhiễm với chì, nhiễm độc chì gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Các nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ ghi nhận việc phơi nhiễm với chì có khả năng làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong ở người[10, 13], thậm chí trên cả động vật[25]. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Ấn Độ cho thấy nồng độ chì máu ở bệnh nhân THA cao hơn so với nhóm chứng và có mối tương quan thuận giữa nồng độ chì trong máu với chỉ số huyết áp tâm thu, tâm trương của người bệnh[1]. Tương tự, nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc cũng ghi nhận có mối liên quan giữa nồng độ chì trong máu với huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu của người dân sống trong vùng ô nhiễm chì, trong đó thay đổi huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương có liên quan đến sự thay đổi mức độ chì trong máu của người dân[14]. Nhất quán với các nghiên cứu nêu trên, kết quả nghiên cứu sau khi phân tích cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng THA với nồng độ chì trong máu của công nhân, nhóm công nhân có nồng độ chì trong máu > 10 µg/dL có tỉ lệ THA cao gấp 1,45 lần so với nhóm công nhân có nồng độ chì trong máu ≤ 10 µg/dL. Đây là ghi nhận cần được lưu ý và quan tâm từ nghiên cứu nhằm góp phần cung cấp thông tin xây dựng biện pháp can thiệp phòng chống phơi nhiễm, nhiễm độc chì cũng như phòng chống và kiểm soát bệnh THA kịp thời cho người lao động.
Nghiên cứu được thực hiện có điểm mới so với các nghiên cứu khác về THA được tiến hành tại khu vực phía Nam Việt Nam trước đây khi phát hiện có mối liên quan giữa tình trạng THA với nồng độ chì trong máu trên đối tượng công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì. Tuy nhiên do nghiên cứu được thiết kế là nghiên cứu cắt ngang vì vậy không thể khẳng định về mối liên hệ nhân quả giữa các biến số, đây là một hạn chế của đề tài.  

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Tỉ lệ công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì mắc THA là 16,1% và có nồng độ chì trong máu >10 µg/dL là 80,6%. Phần lớn công nhân lao động là nam giới (94,8%) và thuộc nhóm tuổi <35 (70,9%). Các yếu tố liên quan đến tình trạng THA ở công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì gồm nhóm tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng và nồng độ chì trong máu. Trong đó, nhóm công nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc với chì là nam giới, công nhân thuộc nhóm tuổi ≥ 35, người bị thừa cân/béo phì, công nhân có nồng độ chì trong máu >10 µg/dL có tỉ lệ mắc bệnh THA cao hơn so với nhóm công nhân không có đặc tính kể trên. Từ những kết quả đã nêu cho thấy chương trình can thiệp với mục tiêu phòng chống, kiểm soát bệnh THA kết hợp với phòng chống phơi nhiễm và nhiễm độc chì cho công nhân lao động tại cơ sở sản xuất liên quan là cần thiết. Ngoài ra, khuyến khích động viên công nhân cải thiện tình trạng dinh dưỡng, duy trì BMI ở chỉ số bình thường cũng là việc làm cần được quan tâm.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alghasham AA, Meki AR, Ismail HA (2011) “Association of Blood Lead level with Elevated Blood Pressure in Hypertensive Patients”. Int J Health Sci (Qassim), 5 (1), 17-27.
2. Bộ Y tế (2016) “Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năn 2016 Quy định về Bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội”. 
3. Cao Thị Yến Thanh, Nguyễn Công Khẩn, Đăng Tuấn Đạt (2006) “Thực trạng và các yếu tố liên quan đến tăng huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên tại tỉnh Đắc Lắc năm 2005”. Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm, 2, tr. 92 – 98.
4. Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế (2016) Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm Việt Nam 2015, tr.1, 43.
5. Chu Hồng Thắng (2008) Nghiên cứu thực trạng bệnh tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa ở người tăng huyết áp tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Luận văn thạc sỹ, chuyên ngành nội khoa, Trường Đại Học Y – Dược Thái Nguyên. 
6. Dongfeng Gu, Kristi Reynolds, Xigui Wu, Jig Chen (2002) “Prevanlence, Awareness, Treatment and Control of Hypertension in China”. Journal of Hypertension, 40, pp 920 – 927.
7. Đào Duy An (2003) “Điều tra ban đầu chỉ số huyết áp và tăng huyết áp ở người dân tộc thiểu số thị xã Kon Tum”. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, 35, tr. 47 – 50.
8. Egan BM, Zhao Y, Axon RN (2010) “US trends in prevalence, awareness, treatment, and control of hypertension, 1988-2008”. JAMA, 303, 2043 – 2050.
9. Ha DA, Goldberg RJ, Allison JJ, Chu TH, Nguyen HL (PLoS One 2013) “Prevalence, awareness, treatment, and control of high blood pressure: a population-based survey in Thai Nguyen, Vietnam”. 8 (6), e66792.
10. Ibrahim D, Froberg B, Wolf A, Rusyniak DE (2006) “Heavy metal poisoning: clinical presentations and pathophysiology”. Clin Lab Med, 26 (1), 67-97, viii.
11.  Jo I, Ahn Y, Lee J, Shin KR, Lee HK, Shin C (2001) “Prevalence, awareness, treatment, control and risk factors of hypertension in Korea: the Ansan study”. Journal of Hypertension, 19 (9), 1523 – 1532.
12.  Kearney P M, Whelton M, Reynolds K, Muntner P, Whelton P K, He J (2005) “Global burden of hypertension: analysis of worldwide data”. Lancet, 365 (9455), 217-23.
13.  Kopp SJ, Barron JT, Tow JP (1988) “Cardiovascular actions of lead and relationship to hypertension: a review”. Environ Health Perspect, 78, 91-9.
14.  Lu Y, Liu X, Deng Q, Duan Y, Dai H, Li Y, Xiao T, Ning X, Fan J, Zhou L, Li X, Zhong H, Yuan H (2015) “Continuous lead exposure increases blood pressure but does not alter kidney function in adults 20-44 years of age in a lead-polluted region of China”. Kidney Blood Press Res, 40 (3), 207-14.
15.  Ngụy Văn Đôn, Đặng Đức Toàn, Văn Hữu Tài (2012) “Tỉ lệ tăng huyết áp và một số yếu tố liên quan ở người dân tộc S’Tiêng trưởng thành tại xã Thiện Hưng, Bù Đốp, Bình Phước năm 2012”. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Viện – Trường Tây Nguyên – Khánh Hòa lần thứ IX, tr. 1-7.
16.  Nguyễn Huy Dung (2005) 22 bài giảng chọn lọc Nội khoa Tim mạch, Nhà xuất bản Y học, tr. 81 – 88.
17.  Nguyễn Lân Việt, Đỗ Doãn Lợi, Phạm Thái Sơn và CS (2008) Áp dụng một số giải pháp can thiệp thích hợp để phòng, chữa bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, tr. 1 – 31.
18.  Nguyễn Thị Hoa, Phạm Nguyễn Ngọc Anh, Châu Ngọc Hoa (2016) “Tỉ lệ hiện mắc tăng huyết áp và các yếu tố liên quan ở người cao tuổi tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”. Y học TP. Hồ Chí Minh, 20 (5), tr. 126-132.
19.  Nguyễn Lân Việt (2011) Tăng huyết áp – Vấn đề đáng báo động (Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tăng huyết áp), Viện Tim Mạch – Bệnh viện bạch Mai, http://huyetap.vn/news/vn/tin-tuc-su-kien/tin-noi-bat/danh-sach-21-bai-phat-thanh-cua-du-an.html, truy cập ngày 4/6/2012.
20.  Pereira M, Azevedo A, Barros H (2010) “Determinants of awareness, treatment and control of hypertension in a Portuguese population”. Review Portugal Cardiol, 29 (12), 1779 – 1792.
21.  Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt và cs (2002) “Dịch tễ học tăng huyết áp và các yếu nguy cơ ở vùng đồng bằng Thái Bình – 2002”. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, 22, tr. 11 – 18.
22.  Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt, Phạm Thái Sơn, Nguyễn Ngọc Quang và cs (2003) “Tần suất tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ ở các tinh phía Bắc Việt Nam 2001 – 2002”. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, 33, tr. 9 – 34.
23.  Son PT (2012) “Hypertension in Vietnam from Community-Based Studies to a National Targeted Programme”. In UMEÅ Epidemiology and Global Health, Department of Public Health and Clinical Medicine, Umeå University, Umeå,Sweden; Vietnam National Heart Institute. Vietnam: BachMai Hospital; Hanoi Medical University, 5-10.
24.  Son PT, Quang NN, Viet NL, Khai PG, Wall S, Weinehall L, Bonita R, Byass P (2012) “Prevalence, awareness, treatment and control of hypertension in Vietnam-results from a national survey”. J Hum Hypertens, 26 (4), 268-280.
25.  Vander A J (1988) “Chronic effects of lead on the renin-angiotensin system”. Environ Health Perspect, 78, 77-83.
26. Viện Dinh Dưỡng (2014) Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng, http://viendinhduong.vn/news/vi/37/23/a/bang-phan-loai-bmi.aspx, truy cập ngày 13/2/2014.
27. WHO-ISH Hypertension Guidelines Committee (1999) “Guideline for Management of Hypertension”. J Hypertens, 17 (2), pp.151 – 185.
28. Yeon Hwan Park, Misoon Song, Be-long Cho, Jae-young Lim, Wook Song, Seon-ho Kim (2011) “The effects of an intergrated health education and exercise program in community-dwelling older aldults with hypertension: A randomized controlled trial”. Patient Education and Counseling, 82, 133 – 137.
29. World Health Oganization – Regional Office for South – East Asia (2011) Hypertension fact sheet, Department of Sustainable Development and Healthy Environment. 

Phạm Kim Anh*, Duy Thị Hoa*


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)