Ứng dụng phần mềm PPW01 trong đo thời gian phản xạ thính – thị vận động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

TÓM TẮT:
Nghiên cứu đánh giá việc ứng dụng phần mềm PPWE01 (sử dụng trên máy tính) trong đo thời gian phản xạ thính – thị vận động thay thế cho máy đo Respondent time meter VT-007 (không sử dụng trên máy tính).

Nghiên cứu được tiến hành trên 43 cán bộ, nhân viên của một Viện nghiên cứu có tuổi đời từ 20 – 45, trong đó nam chiếm 30,2 % và nữ chiếm 69,8 % đã tham gia nghiên cứu. Các đối tượng được thực hiện đo và đánh giá thời gian phản xạ thính – thị vận động (bằng máy đo – không sử dụng trên máy tính và bằng phần mềm – sử dụng trên máy tính) tại cùng một thời điểm trong buổi sáng, thực hiện theo thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường năm 2015.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thời gian phản xạ thính – vận động trung bình của các đối tượng khi đo trên máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 lần lượt là 201,1±13,1ms và 200,6±19,1ms(p>0,05).Thời gian phản xạ thị – vận động trung bình của các đối tượng khi đo trên máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 lần lượt là 209,9±11,2ms; 208,9±19,5ms (p>0,05). Thời gian phản xạ thính – thị vận động trung bình của nam giới khi đo bằng máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 lần lượt là: 195,4±12,9 ms; 188,9±18,9 ms và 203,5±12,6 ms; 205,7±16,9 ms(p> 0,05).Thời gian phản xạ thính – thịvận động trung bình của nữ giới khi đo bằng máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 lần lượt là: 205,1±11,2 ms; 201,9±16,4 ms và 211,9±10,8 ms; 211,9±20,2 ms (p>0,05). Trong cùng một nhóm tuổi, không thấy có sự khác biệt về kết quả thời gian phản xạ thính – thị vận động trên các đối tượng khi đo bằngmáy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 (p>0,05).

Như vậy sử dụng phần mềm PPWE01 (sử dụng trên máy tính) trong đánh giá thời gian phản xạthính – thị vận động có kết quả đo tương đương với kết quả đo trên máy Respondent time meter VT-007 (không sử dụng trên máy tính).

Từ khóa:Thời gian phản xạ thính – thị vận động, thời gian phản xạ thính vận động, thời gian phản xạ thị – vận động, phần mềm PPWE01, Respondent time meter VT-007.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ.

Trên thế giới, những người sử dụng lao động, tuyển dụng lao động đều dựa trên tiêu chuẩn đánh giá gánh nặng lao động được quy định để cải thiện điều kiện lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bố trí thời gian lao động, nghỉ ngơi hợp lý cho người lao động bằng cách đo thời gian phản xạ thị vận động, thời gian phản xạ thính vận động, chỉ số mạch, điện tim, đánh giá tâm sinh lý….trước, giữa và sau mỗi ca lao động. Từ đó, các nhà sử dụng lao động có thể sắp xếp người lao động vào từng vị trí công việc một cách phù hợp nhằm nâng cao số lượng sản phẩm và chất lượng sản xuất, giảm căng thẳng đối với người lao động.

Việc vi tính hóa các kỹ thuật đo tâm sinh lý lao động và Ecgônômi ngày càng được mở rộng, áp dụng theo nhu cầu thực tế của xã hội. Phần mềm PPWE01 đo – đánh giá thời gian phản xạ thính – thị vận động (sử dụng trên máy tính), được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường áp dụng có nhiều ưu điểm: Vận chuyển gọn nhẹ (máy vi tính xách tay), tính khách quan cao (phần mềm tự phát tín hiệu yêu cầu trả lời theo lập trình sẵn, tự lưu kết quả trong máy tính), rút ngắn thời gian đo, đánh giá (người đo không phải ghi chép số liệu, nhập… kết quả từng lần)…

Mục tiêu nghiên cứu:

Ứng dụng phần mềm PPWE01 trong đánh giá thời gian phản xạ thính – thị vận động.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành năm 2017 tại một Viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

2.2. Đối tượng nghiên cứu

43 cán bộ công nhân viên chức khỏe mạnh được lựa chọn ngẫu nhiên từ 7 khoa, phòng, trung tâm của một Viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

2.3. Phương pháp nghiên cứu: Theo phương pháp mô tả cắt ngang

2.4. Kỹ thuật, công cụ thu thập số liệu

2.4.1. Công cụ thu thập số liệu

– Máy đo thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động Respondent time meter VT-007

– Phần mềm đo thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động PPWE01 được cài đặt trên máy tính xách tay. Yêu cầu cài đặt đối với phần mềm:

Với hệ điều hành Windows

+ CPU mức tối thiểu là Intel® Core 2 hoặc AMD Athlon® 64 processor; 2 GHz

+ Hệ điều hành tương thích là Microsoft Windows 7 with Service Pack 1, Windows 8.1, hoặc Windows 10.

+ 2 GB cho mức RAM tối thiểu (Mức đề nghị là 8GB)

+ Dung lượng ổ cứng chứa phần mềm PPWE01 là 2.6 GB đối với bản 32 bit và 3.1 GB đối với bản 64 bit.

+ Màn hình hiển thị là 1024×768 mức tối thiểu (Mức yêu cầu 1280×800) với 16-bit và 512 VRAM, 2GB là mức yêu cầu

+ Có kết nối với Headphone

Với hệ điều hành MacOS

+ CPU Multicore Intel hỗ trợ 64bit

+ Hệ điều hành macOS version 10.12 (Sierra), Mac OS X version 10.11 (El Capitan), or Mac OS X version 10.10 (Yosemite)

+ 2 GB cho mức RAM tối thiểu (Mức đề nghị là 8GB)

+ 4GB dung lượng cho ổ cứng để chứa phần mềm 

+ Màn hình hiển thị là 1024×768 mức tối thiểu (Mức yêu cầu 1280×800) với 16-bit và 512 VRAM, 2GB là mức yêu cầu

+ Có kết nối với Headphone

2.4.2. Kỹ thuật thu thập thông tin

Các đối tượng đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ được hướng dẫn đo thời gian phản xạ thính – thị vận động tại cùng một thời điểm trên máy đo thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động Respondent time meter VT-007 và trên máy tính xách tay có cài phần mềm đo thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động PPWE01, cách làm như sau:

Trước hết yêu cầu đối tượng tập trung chú ý cao độ và đảm bảo phản ứng nhanh, chính xác tới mức tối đa – chớm phát hiện tín hiệu là phải trả lời ngay và chuẩn bị tinh thần trả lời tín hiệu tiếp sau.

+ Đối với máy Respondent time meter VT-007(VT-007): Khi chớm phát hiện tín hiệu “tít” (đối với thời gian phản xạ thính – vận động), hay tín hiệu đèn màu đỏ chớm bật sáng (đối với thời gian phản xạ thị – vận động) thì phải trả lời ngay bằng cách ấn vào nút ngắt tín hiệu và chuẩn bị tinh thần trả lời tiếp tín hiệu sau.

+ Đối với phần mềm PPWE01: Khi chớm phát hiện tín hiệu “tít” (đối với thời gian phản xạ thính – vận động), hay tín hiệu màu đỏ chớm xuất hiện trên màn hình (đối với thời gian phản xạ thị – vận động) thì phải trả lời ngay bằng cách ấn vào chuột trái và chuẩn bị tinh thần trả lời tiếp tín hiệu sau.

Sau khi hoàn thành việc đo, tiến hành ghi thời gian phản xạ của mỗi người ra mẫu phiếu đã được thiết kế sẵn.

2.5. Xử lý và phân tích số liệu

Số liệu được nhập bằng phần mềm Epidata 3.1 và phân tích bằng phần mềm SPSS 16.0.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu

Bảng 1: Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu

Nhận xét:

Trong 43 đối tượng nghiên cứu thì nữ chiếm đa số (69,8%), nam giới chỉ chiếm 30,2%.

Các nhóm tuổi từ 20 – 25; 26 – 30 và trên 30 phân bố khá đồng đều, chiếm tỷ lệ lần lượt là 32,6%, 34,8% và 32,6%.

3.2. Kết quả đo thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động của máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 trên máy tính cá nhân.

Nhận xét:

Không thấy sự khác biệt về thời gian phản xạ thính – vận động, thị vận động trung bình của các đối tượng khi đo trên máy 1 (VT-007 ) và máy 2 (PPWE01) (p >0,05).

Nhận xét:

Không có sự chênh lệch nhiều về kết quả thời gian phản xạ thính – vận động, thị – vận động giữa máy1 và máy 2 phân theo nhóm tuổi. Sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

IV. BÀN LUẬN

Phương pháp đo và đánh giá thời gian phản xạ thị – vận động và thính – vận động là một trong những thử nghiệm tâm sinh lý quan trọng để đánh giá mức độ căng thẳng, mệt mỏi trong công việc, căng thẳng thần kinh tâm lý của một nghề, tuyển chọn nghề và phân loại lao động, giúp cho người tuyển dụng lao động sắp xếp vị trí việc làm cho người lao động một cách phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm trong lao động [1].

Thời gian của một phản xạ là tổng thời gian quá trình của 5 yếu tố trong cung phản xạ. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian phản xạ trung bình bao gồm tuổi, giới tính, mệt mỏi, căng thẳng tâm lý, tập luyện thể dục…[2]. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để so sánh thời gian phản xạ thính – vận động và thời gian phản xạ thị – vận động như nghiên cứu của Thompson và cộng sự đã ghi nhận rằng trung bình thời gian phản xạ để phát hiện kích thích thị giác là khoảng 180-200 ms, còn âm thanh là khoảng 140-160 ms [3]. Một nghiên cứu của nhóm tác giả Aditya Jainvà cộng sự cũng cho thấy sự khác biệt về thời gian phản xạ thính vận động (228,01±16,49) nhanh hơn so với thời gian phản xạ thị vận động (247,60±18,54) với p<0,001 [5]. Bên cạnh đó, các tác giả cũng thường phân tích vấn đề thời gian phản xạ trung bình theo tuổi, giới, hoạt động thể lực…như nghiên cứu thời gian phản xạ thị -vận động của nhóm tác giả Tạ Thúy Lan và cộng sự: Thời gian phản xạ giảm dần khi tuổi tăng từ 19 đến 22. Thời gian phản xạ trung bình của sinh viên nam (131.22±12.72 ms thời gian phản xạ đơn và 235.98±22.67ms thời gian phản xạ phức) luôn ngắn hơn so với của sinh viên nữ (182.75±15.52ms thời gian phản xạ đơn và 316.59±29.70ms thời gian phản xạ phức)[4]. Khi so sánh nhóm sinh viên khỏe mạnh ít vận động với nhóm sinh viên thường xuyên hoạt động thể thao cũng cho thấy một sự khác biệt đáng kể, nhóm sinh viên ít hoạt động thể thao có trung tâm phản xạ thị, thính vận động chậm hơn (p=0,007)[5].

Chính vì vậy, khi so sánh sự khác biệt giữa 2 thiết bị đo là máy Respondent time meter VT-007 và phần mềm PPWE01 cài đặt trên máy tính chúng tôi tập trung vào việc so sánh thời gian phản xạ trung bình cũng như so sánh trên khía cạnh tuổi, giới. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thời gian phản xạ phản xạ thính – vận động, thị – vận động trung bình giữa 2 thiết bị đo. Sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê khi chúng tôi tiến hành phân tích theo nhóm tuổi và giới tính.

V. KẾT LUẬN

Áp dụng phần mềm PPWE01 (sử dụng trên máy tính) trong đánh giá thời gian phản xạ thính – thị vận động có kết quả đo tương đương với kết quả đo trên máy Respondent time meter VT-007 (không sử dụng trên máy tính).

Phần mềm PPWE01 có nhiều ưu điểm: Vận chuyển gọn nhẹ, tính khách quan cao, tự lưu kết quả trong máy tính và rút ngắn thời gian đo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Sức khoẻ Nghề ghiệp và Môi trường (2015). Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. Nhà xuất bản Y học, tr 270 – 275.

2. Karia RM, Ghuntla TP, Mehta HB, Gokhale PA, Shah CJ (2012). Effect of gender difference on visual reaction time: A study on medical students of Bhavnagar region. IOSR-PHR. 2012;2:452–4.

3. Thompson PD, Colebatch JG, Brown P, Rothwell JC, Day BL, Obeso JA và cộng sự (1992). Voluntary stimulus-sensitive jerks and jumps mimicking myoclonus or pathological startle syndromes. Mov Disord. 1992;7:257–62.

4. Tạ Thúy Lan, Mai Văn Hưng, Nguyễn Thúy Sinh (2009). Thời gian phản xạ cảm giác – vận động của sinh viên trường đại học TDTT Bắc Ninh. Tạp chí Khoa học – ĐHSP Hà Nội 2, Số 2 – 2009, tr 134 – 141.

5. Jain A, Bansal R, Kumar A, Singh K (2015). A comparative study of visual and auditory reaction times on the basis of gender and physical activity levels of medical first year students. Int J Appl Basic Med Res. 2015;5(2):124–7.

Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thu Hà,Trần Văn Đại, Hồng Quang Thống,

Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Son, Nguyễn Thị Thắm

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)