Vai trò của sàng lọc trong phòng chống bệnh nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:39(GMT +7)

Sàng lọc là phương pháp xác định quan trọng đối với các bệnh hay tổn thương chưa được phát hiện thông qua các xét nghiệm, khám lâm sàng hay các phương pháp khác và có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Các xét nghiệm sàng lọc giúp loại trừ một cách rất tốt những người mắc bệnh khỏi những người có thể không bị mắc. Các phương pháp được dùng trong sàng lọc bao gồm câu hỏi tự lượng giá từ những tư vấn rất cơ bản đến toàn diện, kết quả của cận lâm sàng như sàng lọc gen và chụp chiếu toàn bộ cơ thể. Các tiêu chí đánh giá trước khi sàng lọc:

1. Tình trạng bệnh có nghiêm trọng không?

2. Bệnh có thể chữa được hay không?

3. Bệnh có thời gian ủ bệnh hay giai đoạn không triệu chứng có thể phát hiện được hay không?

4. Bệnh có phổ biến hay không?

5. Xét nghiệm sàng lọc có thể chấp nhận được, an toàn, nhạy, đặc hiệu, thực hiện dễ và có thể đáp ứng được hay không?

Sàng lọc có thể được thực hiện thông qua khám tuyển dụng và khám sức khỏe định kỳ. Mục đích của việc khám sức khoẻ là nhằm sàng lọc các tình trạng bệnh tật có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ khi làm việc. Do vậy quá trình này có thể được thực hiện trong nhiều công việc. Ở hầu hết các trường hợp, không có bằng chứng y khoa nào cho thấy. Tuy nhiên đối với một số nghề nhất định, sức khỏe có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Ví dụ là nghề phi công đòi hỏi phải có thể lực đặc biệt tốt. Bất kỳ sai sót nào của phi công đều ảnh hưởng quan trọng đến sự an toàn trong ngành hàng không. Do đó việc lựa chọn và xem xét tình trạng sức khỏe của một phi công là một quá trình liên tục và chặt chẽ.

Một ví dụ khác là trường hợp của một nhân viên y tế được sàng lọc nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Một trong các mục đích là nhằm giảm thiểu và bảo vệ bệnh nhân khỏi tình trạng lây truyền virus từ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Liệu tất cả các nhân viên y tế có nên được sàng lọc hay sàng lọc chỉ được thực hiện ở các nhân viên y tế tham gia các công việc có liên quan đến phơi nhiễm?

Công việc cũng có thể tác động đến sức khỏe. Một ví dụ là làm việc trong môi trường có tiếp xúc với các yếu tố có thể gây hen như isocyanate. Trong những trường hợp như thế này, khám sức khỏe trước khi tuyển dụng phải bao gồm cả trách nhiệm cảnh báo trước với người lao động về các nguy cơ này. Kiểm tra định kỳ chức năng phổi có thể được yêu cầu nhằm tăng cường việc phát hiện sớm và quản lý hen nghề nghiệp đối với các trường hợp này.

Ngoài ra sàng lọc còn để thuyên chuyển công tác. Trước khi thuyên chuyển sang một công việc khác, thỉnh thoảng người lao động cũng cần thiết phải trải qua quá trình khám sức khỏe. Thay đổi công việc có thể có nghĩa là thay đổi nguy cơ tiếp xúc, ví dụ như tiếp xúc với các rủi ro vật lý, hóa học, sinh học hay tâm lý mà không xảy ra trước đây. Thỉnh thoảng thay đổi nguy cơ có thể liên quan đến công tác hậu cần hay hành chính, vì có trường hợp người lao động cùng với gia đình của mình cư trú ở nơi hẻo lánh xa xôi rất khó khăn trong việc tiếp cận với chăm sóc sức khỏe.

Sàng lọc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp người lao động quay trở lại làm việc sau một đợt nghỉ ốm kéo dài. Y học hiện đại có thể giúp phục hồi chức năng bệnh nhân thành công. Tuy vậy, trong một số trường hợp, tình trạng sức khỏe có thể thay đổi và việc đánh giá có thể được thực hiện. Ví dụ trong trường hợp của một lính cứu hỏa bình phục sau bệnh mạch vành. Anh ta phải được thực hiện việc khám kiểm tra trước khi có thể quay trở lại với nhiệm vụ cứu hỏa bình thường.

Như vậy sàng lọc có vai trò rất quan trọng trong công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Việc tăng cường chất lượng của khám tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp sẽ góp phần nâng cao sức khỏe của người lao động và hỗ trợ cho việc điều trị sớm và có hiệu quả đối với người bệnh.

(Tài liệu Dự án bảo vệ sức khỏe người lao động)


(Nguồn tin: )