An toàn lao động cho lao động trẻ: Kỳ 1: Tai nạn bất ngờ, hậu quả nặng nề với lao động trẻ
Lao động trẻ là đối tượng có nguy cơ tai nạn lao động hơn các nhóm lao động khác. Ảnh minh họa: AC
Bị TNLĐ khi ở độ tuổi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời để lại hậu quả vô cùng nặng nề với các nạn nhân.
Kỳ 1: Tai nạn bất ngờ, hậu quả nặng nề với lao động trẻ
Nhiều TNLĐ đã xảy ra đối những lao động (LĐ) trẻ theo những cách không ngờ tới và để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống. Đây quả thực là một cú sốc quá lớn ngay ở ngưỡng cửa cuộc đời của những LĐ trẻ này.
Những tai nạn bất ngờ
Tháng 5.2017, PV Báo Lao Động theo đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN và LĐLĐ TP.Hà Nội đi thăm, tặng quà cho nạn nhân bị tai nạn trên địa bàn Hà Nội. Một trong những trường hợp đoàn tới thăm là anh Nguyễn Quý Đôn. Khi bị TNLĐ, anh Đôn mới 24 tuổi, đang là CNLĐ của Cty Lưới điện cao thế Hà Nội.
Theo anh Đôn, ngày 18.6.2016, anh cùng bố đẻ sửa chữa tủ điện tại trạm biến áp. Ngay lúc ấy, đường điện xảy ra hiện tượng hồ quang điện, gây giật làm bố anh Đôn tử vong và anh Đôn bị bỏng trên 34% diện tích cơ thể.
Theo anh Đôn, vụ TNLĐ xảy ra với bố con anh quá bất ngờ; bố con anh chủ quan không mang bảo hộ lao động, kiểm tra máy móc, hiện trường kỹ trước khi làm nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc. Hậu quả của vụ việc là sau một năm xảy ra vụ việc, tuy đã trở lại làm việc nhưng anh Đôn vẫn đi lại rất khó khăn, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi, da khô rát và toàn thân đau nhức.
Một trường hợp bị TNLĐ khác là chị N.T.H (SN 1994, quê Nam Trực, Nam Định). Vụ tai nạn xảy ra cách đây khoảng 2 năm khiến chị bị giập ngón tay. Chị N.T.H cho biết, thời điểm đó, chị làm việc ở bộ phận dập ly, dập da của Cty.
“Trong lúc làm việc, máy bị trục trặc. Mặc dù có bộ phận kỹ thuật riêng, nhưng từ lúc báo sửa đến lúc họ xuống sẽ rất lâu, trong khi công đoạn của tôi làm thì mọi người rất cần, thế nên chị tự sửa. Thường những trục trặc nhỏ như thế công nhân đều tự mình sửa chứ không nhờ đến kỹ thuật. Đang sửa thì tôi bị máy dập vào tay” – chị N.T.H kể lại.
Sau khi bị máy dập vào tay, chị được đưa đi bệnh viện, sau đó nghỉ một tháng ở nhà để vết thương lành. Khoảng thời gian đó thật khó khăn vì chị vừa mang bầu 7 tháng, mọi sinh hoạt trong gia đình chị đều không làm được, phải nhờ chồng và bố mẹ chồng. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã trở lại làm việc, nhưng ngón tay không được như trước. Mỗi khi trở trời, ngón tay của chị lại nhức và ê buốt, rất khó chịu.
Người trẻ dễ bị tai nạn
Câu chuyện của chị N.T.H khá điển hình cho những LĐ trẻ bị TNLĐ: Họ thiếu hiểu biết về các kỹ năng phòng tránh TNLĐ. Tại diễn đàn đối thoại “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện an toàn, vệ sinh lao động trẻ”, do Bộ LĐTBXH phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức gần đây, bà Miranda Kwong – đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam – cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 541 triệu LĐ trẻ ở độ tuổi 15 đến 24, chiếm hơn 15% tổng lực lượng LĐ toàn cầu. LĐ trẻ có tỉ lệ TNLĐ (không gây tử vong) cao hơn 40% so với nhóm LĐ lớn tuổi hơn.
Theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) – nhiều yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương trong LĐ đối với thanh – thiếu niên. Cụ thể, họ đang ở trong giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu đào tạo, huấn luyện, nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng. Điều đó có thể dẫn đến LĐ trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm, hoặc những công việc có điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH, trong năm 2017, cả nước đã xảy ra gần 9.000 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn. Trong đó có 898 vụ TNLĐ chết người, làm 928 người tử vong. |
QUẾ CHI – NGUYỄN NGA
(Nguồn tin: laodong.vn)