Ảnh hưởng của trường điện từ tần số radio và cách phòng tránh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:02(GMT +7)

Trường điện từ tần số Radio là trường điện từ có dải tần số từ 60kHz đến 300GHz.

Ảnh hưởng của trường điện từ tần số radio đến sức khoẻ con người

            Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng: khi con người ở trong phạm vi ảnh hưởng của tần số trên, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến các chức năng sinh lý của cơ thể và ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là chức năng sinh sản.

Cách phòng tránh

            Để phòng tránh ảnh hưởng của trường điện từ tần số Radio, ở Việt Nam đã có các quy định các giá trị giới hạn cho phép của cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ ở những nơi người lao động làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ năng lượng điện từ và chịu tác dụng của trường điện từ, đồng thời quy định các phương pháp kiểm tra các biện pháp và phương tiện bảo vệ cơ bản.

1. Giá trị giới hạn cho phép của cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ

            Trường điện từ trong dải tần số từ 60 kHz đến 300 MHz được đánh giá bằng cường độ các thành phần của nó; còn trong dải tần số từ 300 MHz đến 300 GHz được đánh giá bằng mật độ dòng năng lượng.

            Giới hạn cường độ cho phép của trường điện từ ở nơi người lao động làm việc và chịu tác dụng của trường điện từ trong một ngày làm việc không được vượt quá:

            Theo cường độ điện trường:

            + 50 V/m đối với dải tần số từ 60 kHz đến 3 MHz.

            + 20 V/m đối với dải tần số từ 3 MHz đến 30 MHz.

            + 10 V/m đối với dải tần số từ 30 MHz đến 50 MHz.

            + 5 V/m đối với dải tần số từ 50 MHz đến 300 MHz.

            Theo cường độ từ trường:

            + 5 A/m đối với dải tần số từ 60 kHz đến 1,5 MHz.

            + 0,3 A/m đối với dải tần số từ 30 MHz đến 50 MHz.

           – Giới hạn mật độ cho phép của dòng năng lượng điện từ (đơn vị đo là W/m2; µW/cm2) trong dải tần số từ 300 MHz đến 300 GHz và thời gian người lao động chịu tác dụng của trường điện từ (trừ trường hợp bức xạ của anten quay và quét) được quy định như sau:

            + Đến 0,1 W/m2, thời gian làm việc không quá 1 ngày.

            + Từ 0,1 đến 1 W/m2, thời gian làm việc không quá 2h.

            + Từ 1 đến 10 W/m2, thời gian làm việc không quá 20 phút.

           – Giới hạn mật độ cho phép của dòng năng lượng trường điện từ trong giải tần số từ 300 MHz đến 300 GHz và thời gian người lao động chịu tác dụng của trường điện từ do anten quay và quét được quy định như sau:

            + Đến 1 W/m2, thời gian làm việc không quá 1 ngày.

            + Đến 10 W/m2, thời gian làm việc không quá 2 giờ.

2. Phương pháp kiểm tra cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ

            – Việc kiểm tra giá trị giới hạn cho phép của trường điện từ cần được thực hiện bằng cách đo cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ ở tất cả các nơi mà người lao động chịu tác dụng của bức xạ điện từ trong điều kiện sản xuất.

            – Việc kiểm tra phải được tiến hành định kỳ ít nhất 1 lần trong năm, kể cả các trường hợp sau:

            + Khi đưa các thiết bị bức xạ năng lượng điện từ mới vào sử dụng;

            + Khi thay đổi cấu tạo thiết bị bức xạ năng lượng điện từ hiện có;

            + Khi thay đổi kết cấu thiết bị bảo vệ;

            + Khi thay đổi sơ đồ mạch điện và thay đổi chế độ làm việc của thiết bị bức xạ năng lượng trường điện từ;

            + Khi tổ chức thêm nơi làm việc mới;

            + Khi sửa chữa năng lượng bức xạ điện từ.

            – Cần tiến hành đo trong trường hợp công suất sử dụng của nguồn năng lượng trường điện từ lớn nhất.

            – Việc đo mật độ dòng năng lượng của anten quay và quét cần tiến hành khi hướng anten vào những nơi người lao động chịu tác dụng của trường điện từ trong điều kiện sản xuất.

            – Kết quả đo cần được ghi vào biên bản với nội dung sau:

            + Ngày tháng tiến hành đo.

            + Tên và loại thiết bị đo.

            + Năm sản xuất.

            + Công suất, tần số.

            + Chế độ làm việc của thiết bị

            + Nguồn phát trường điện từ

            + Vị trí đo

            + Độ cao của điểm đo tính từ sàn nhà hoặc mặt đất

            + Kết quả đo

            + Cường độ điện trường

            + Mật độ dòng năng lượng trường điện từ

            + Dụng cụ đo lường

            + Kết luận.

            Biên bản phải có chữ ký của người phụ trách khu vực, đại diện phòng kỹ thuật an toàn và của người được cơ quan cử đi đo.

3. Phương pháp và phương tiện bảo vệ người khỏi bị tác động của trường điện từ

            – Cần sử dụng các phương tiện bảo vệ đối với tất cả các loại công việc nếu điều kiện làm việc không thoả mãn các yêu cầu.

            – Để bảo vệ người lao động, cần sử dụng các phương pháp và phương tiện bảo vệ sau:

            + Giảm cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ bằng cách dùng phụ tải thích hợp và phần tử hấp thụ công suất, che chắn chỗ làm việc;

            + Tăng khoảng cách từ nơi làm việc đến nguồn bức xạ điện từ;

            + Bố trí các thiết bị bức xạ năng lượng điện từ trong phòng làm việc một cách hợp lý;

            + Quy định các chế độ làm việc hợp lý cho thiết bị và người lao động;

            + Sử dụng thiết bị báo hiệu (âm thanh, ánh sáng);

            + Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân.

            – Phương pháp bảo vệ cần được chọn phù hợp với dải tần số làm việc, đặc điểm công việc, cường độ và mật độ dòng năng lượng trường điện từ và đạt được hiệu quả bảo vệ cần thiết.


(Nguồn tin: Trích dẫn: An toàn vệ sinh lao động trong sử dụng điện, NXB Lao động)