Tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động nhằm triển khai khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028

Thứ Năm, 18/07/2024, 09:06(GMT +7)

Từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 6 năm 2024 tại Thành phố Đà Nẵng và từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7 năm 2024 tại Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà rịa – Vũng tàu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức lớp 02 khóa tập huấn chia sẻ thông tin về an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cho cán bộ công đoàn chuyên trách khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

 

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân và TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng, cùng các giảng viên, cán bộ công đoàn
khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên trong khóa tập huấn tại Thành phố Đà Nẵng. Ảnh Duy Minh

Thực hiện chương trình tập huấn có sự phối hợp của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động. Trực tiếp giảng bài, phổ biến kiến thức và chia sẻ thông tin, những xu hướng mới, chuyển đổi số về an toàn, vệ sinh lao động, gồm có đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban chấp hành TLĐLĐVN, Phó trưởng ban Ban quan hệ lao động và Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ –Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động và các giảng viên, cán bộ chuyên gia của Viện và các tổ chức An toàn, vệ sinh lao động.

Mục tiêu của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, một trong ba khâu đột phá là:“Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Nhiệm vụ trọng tâm, có: “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, người lao động; tích cực tham gia xây dựng văn hóa công nhân, văn hóa doanh nghiệp”.

Bác sỹ Quản Hồng Đức, Chuyên gia về Văn hóa An toàn trình bày về các mô hình xây dựng và phát triển phong trào Văn hóa an toàn tại một số doanh nghiệp ở Việt Nam. Ảnh Minh Đức

Nội dung tập huấn gồm: tổng quan công tác ATVSLĐ và những vấn đề quản trị rủi ro tại nơi làm việc; chuyển đổi số trong công tác ATVSLĐ; Văn hóa an toàn lao động tại doanh nghiệp; An toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế và kỹ năng đối thoại, thương lượng về an toàn, vệ sinh lao động.

Tham gia trình bày tại các khóa tập huấn là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động và các tổ chức an toàn tại các địa bàn khu vực miền Trung và Phía Nam.

Cán bộ của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động giới thiệu và chia sẻ phần mềm cơ sở dữ liệu an toàn, vệ sinh lao động
và nền tảng đào tạo an toàn trực tuyến (E – learning) tại khóa tập huấn. Ảnh Anh Thơ

Tại khóa tập huấn, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động đã giới thiệu và chia sẻ phần mềm cơ sở dữ liệu an toàn, vệ sinh lao động và nền tảng đào tạo an toàn lao động trực tuyến (E – learning), nhằm thúc đẩy chuyển đổi số về an tòn, vệ sinh lao động trong tình hình mới ở Việt Nam. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính và có đầy đủ, kịp thời thông tin về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sẵng sàng các học liệu số về an toàn, vệ sinh lao động để phục vụ công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Minh Đức