Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và 12 Liên đoàn lao động khu vực ĐBSCL ký chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2028

Thứ Hai, 17/06/2024, 09:36(GMT +7)

Thực hiện chương trình công tác của Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động năm 2024 và triển khai các nhiệm vụ KHCN và ATVSLĐ theo Nghị quyết Đại hội XIII công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, nhằm tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chương trình công tác của các bên và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, 12 Liên đoàn Lao động các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 10, số 11 và Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã thống nhất ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2024 – 2028. Tham dự và chứng kiến buổi ký kết có Đồng chí Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch thường trực TLĐLĐVN phụ trách Cụm thi đua Nam Sông Hậu, Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN phụ trách Cụm thi đua Nam Sông Hậu.

TS.Nguyễn Anh Thơ, UVBCH TLĐLĐVN, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động ký kết Chương trình phối hợp cùng Lãnh đạo 12 LĐLĐ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ảnh Minh Thái.

Mục đích của Chương trình phối hợp là tăng cường sự phối hợp giữa Liên đoàn Lao động các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 10 (Nam Sông Hậu) và Cụm thi đua số 11 (Bắc Sông Hậu) với Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động trong công tác nghiên cứu khoa học nhằm góp phần cung cấp các luận cứ khoa học trong việc đề xuất các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn; nâng cao hiệu quả công tác thương lượng, đối thoại, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng đoàn viên và người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Chỉ thị số 31-CT/TW, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Công đoàn, Bộ Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Bảo vệ môi trường hiện hành; phát huy vai trò trách nhiệm của các đơn vị trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết pháp luật về các vấn đề: công nhân, lao động và hoạt động Công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển bền vững của đất nước.

Quang cảnh hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Lao động các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 10 (Nam Sông Hậu) và Cụm thi đua số 11 (Bắc Sông Hậu) với Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động. Ảnh Minh Thái

Nội dung chính của chương trình, gồm:

– Chia sẻ, trao đổi thông tin trong công tác nghiên cứu khoa học: Các bên cử đại diện tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn, Hội đồng khoa học do các LĐLĐ các tỉnh và Viện tổ chức; phối hợp trong việc viết bài tạp chí, sách, báo liên quan đến hoạt động khoa học của hai đơn vị, giới thiệu các chuyên gia, các nhà khoa học tùy theo từng lĩnh vực chuyên ngành của các bên; chia sẻ về sử dụng cơ sở vật chất, tài nguyên, tri thức, nguồn lực trong điều kiện cho phép của mỗi đơn vị và trên cơ sở quy định của pháp luật.

– Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về công nhân và Công đoàn: Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu về xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công nhân, lao động và Công đoàn như: Đối thoại, thương lượng về quan hệ lao động; tâm lý công nhân lao động; An toàn vệ sinh lao động; nhận thức của người lao động, văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động,…

Trong giai đoạn 2024 – 2028, Viện KH ATVSLĐ và Liên đoàn Lao động các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 10 và số 11 sẽ phối hợp triển khai thực hiện các cụm đề tài NCKH cấp TLĐ và cấp Nhà nước về xây dựng mô hình văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động; Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động tại các khu công nghiệp; Nghiên cứu về an toàn cho lao động trên tàu đánh bắt hải sản và các vấn đề liên quan đến nội dung thương lượng, đối thoại về an toàn, vệ sinh lao động, những vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến điều kiện lao động, đời sống người lao động và cộng đồng Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, Chương trình phối hợp còn các nội dung triển khai các nhiệm vụ chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động, như: Tăng cường phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của các LĐLĐ các tỉnh và Viện KH ATVSLĐ; phối hợp tổ chức và thực hiện các khóa huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng là Giảng viên huấn luyện ATVSLĐ, các nhóm lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP; phối hợp tổ chức và thực hiện khám bệnh định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động; phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, hướng dẫn lao động sản xuất đảm bảo ATVSLĐ; xây dựng mô hình, phong trào Văn hóa an toàn trong công nhân lao động tại nơi làm việc trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL; xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến Tháng Hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân hàng năm; việc hỗ trợ vật chất và tinh thần cho công nhân lao động và phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện tuân thủ các yêu cầu về chính sách pháp luật về ATVSLĐ và hệ thống quản lý ATVSLĐ đáp ứng các yêu cầu mới trong thực thi các Hiệp định thương mại và hội nhập quốc tế.

Công nhân trên công trường xây dựng Cầu Rạch Miễu 2, nối Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh Xuân Toàn

Các chương trình phối hợp được cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện hàng năm, bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên, đa dạng về hình thức, thiết thực, hiệu quả và gắn với các hoạt động của Tổ chức Công đoàn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi đơn vị; định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp, đề ra phương hướng và nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Anh Thơ – Hồng Lân – Minh Thái