An toàn lao động và phòng chống cháy nổ: Trách nhiệm của toàn xã hội

Thứ Sáu, 14/06/2024, 08:53(GMT +7)

Năm 2023, cả nước ghi nhận 7.394 vụ tai nạn lao động, gây thương vong cho 7.553 người và thiệt hại gần 16.357 tỷ đồng. Dù đã có nhiều cải thiện, công tác an toàn lao động vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Với 73% tai nạn lao động do hành vi không an toàn, việc nâng cao nhận thức và tuân thủ quy định là nhiệm vụ cấp bách. Đây là trách nhiệm không chỉ của người lao động, chủ sử dụng lao động mà còn của toàn xã hội.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Theo đánh giá, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số bất cập tồn tại. Những con số thống kê nêu trên mới chỉ tính riêng tại khu vực có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại, đặc biệt ở khu vực phi chính thức.

An toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức

Vào khoảng 18 giờ ngày 6/6, 2 anh em ruột được thuê đến phá dỡ bức tường ngôi nhà trong ngõ 444 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Khi 1 người trèo lên để thực hiện việc phá dỡ thì bức tường bất ngờ đổ xuống, đè vào 2 người. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Ba Đình đã tiếp cận hiện trường, phá đống đổ nát, đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, 1 người đã tử vong. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vụ việc khác nữa và số nạn nhân nhiều hơn đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Có rất nhiều cái không ở những người thợ… không đai an toàn khi thi công trên độ cao, không lưới bảo vệ, không mũ bảo hiểm và trang thiết bị bảo hộ vẫn hàng ngày đu bám, leo trèo theo bản năng.

Có rất nhiều cái không ở những người thợ… không đai an toàn khi thi công trên độ cao, không lưới bảo vệ, không mũ bảo hiểm và trang thiết bị bảo hộ vẫn hàng ngày đu bám, leo trèo theo bản năng. Ảnh minh họa.

Theo như thống kê, có đến 73% các tai nạn lao động đến từ nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ các hành vi không an toàn của người lao động. Các hành vi không an toàn ở người lao động chủ yếu đến từ: Sự thiếu quan sát và tập trung chú ý trong công việc dẫn đến các hành vi sơ suất ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình làm việc. Không tuân thủ đầy đủ các yếu tố kỉ luật và vi phạm vào các điều luật cấm trong quy định. Không thực hiện đầy đủ các quy trình an toàn theo quy định. Không sử dụng đầy đủ các trang thiết bị cơ bản liên quan đến công việc. Không quan tâm và bảo vệ sức khoẻ dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công việc.

Nguyên nhân của tình trạng mất an toàn lao động là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…

Hà Nội tập trung huấn luyện an toàn lao động 

Tại Hội nghị báo cáo rà soát, đánh giá và quán triệt việc triển khai, thực hiện các chuyên đề, kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) năm 2024, Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 209 vụ cháy khiến 5 người chết, 1 người bị thương vong; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 920 triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 12/01/2024 của UBND TP Hà Nội giao cho Liên minh HTX Thành phố triển khai Dự án 3 “Nâng cao chất lượng công tác An toàn, vệ sinh lao động trong các mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đã triển khai 06 lớp tập huấn, huấn luyện thực hành về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố năm 2024 cho người sử dụng lao động và người lao động trong các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nội dung các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, công tác phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị chữa cháy, thực hành phòng chống cháy nổ.

Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đã triển khai 06 lớp tập huấn, huấn luyện thực hành về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố năm 2024.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội, qua khảo sát các 12 HTX, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội với ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: điện, chợ, cơ khí nhựa, sản xuất chế biến thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp như tại xã Phượng Cách – huyện Quốc Oai; xã Võng Xuyên – huyện Phúc Thọ; phường Lĩnh Nam – quận Hoàng Mai, phường Kiến Hưng – quận Hà Đông; các thành viên Câu lạc bộ các HTX thương mại dịch vụ, Câu lạc bộ công nghiệp nhựa Hà Nội… cho thấy, các đơn vị chưa thành lập bộ phận An toàn-VSLĐ. Bên cạnh đóm, các đơn vị HTX, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến An toàn -VSLĐ như: xây dựng nội quy, quy chế và khám sức khỏe cho lao động và khám sức khỏe cho lao động; Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và lao động trong HTX, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa hiểu rõ các quy định của Nhà nước, hiểu đúng vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc quan tâm đến công tác an toàn – vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Với sự tham gia của gần 500 học viên là người lao động, ban giám đốc, ban kiểm soát, v.v… đến từ các đơn vị, địa phương.

Với sự tham gia của gần 500 học viên là người lao động, ban giám đốc, ban kiểm soát, v.v… đến từ các đơn vị, địa phương, các lớp tập huấn đã trang bị kiến thức về an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị, gia đình hay địa phương – những kiến thức tưởng chừng như rất cơ bản về an toàn lao động từ trang phục lao động đến các trang thiết bị cần thiết khi cháy nổ hoặc sơ cứu. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn còn hướng dẫn học viên thực hành tại lớp học với sự hướng dẫn của các chuyên gia chuyên môn.

Tại Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thành phố luôn xác định công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là việc làm thường xuyên, liên tục. Công tác an toàn vệ sinh lao động, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố luôn được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động đã được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cấp cơ sở, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, và đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn vệ sinh lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Năm 2023, thành phố vẫn còn xảy ra 296 vụ tai nạn lao động, làm 300 người lao động bị nạn. Vì thế, để thực hiện hiệu quả Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm nay, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân, người lao động tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

N.B

Nguồn: vnbusiness.vn