Ảnh minh họa: Sản xuất mặt hàng cơ khí nông thôn tại làng nghề kim khí Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai. (Ảnh: Báo QĐND)
Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn, Hà Nội đã thu hút được gần một triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó khoảng 700.000 lao động thường xuyên, chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Tại các làng nghề truyền thống, nhiều năm nay, người dân đã đổi mới phương thức sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc từ thủ công sang sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, nguy cơ tai nạn lao động luôn tiềm ẩn.
Điều đáng nói, phần lớn điều kiện lao động ở các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn về độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ. Thống kê cho thấy, 95% số người lao động tiếp xúc với bụi; 85,9% tiếp xúc với nhiệt; 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Nhiệt độ tại khu vực sản xuất của các làng nghề làm bún bánh, tái chế nhựa, giấy đều lớn hơn nhiệt độ môi trường từ 4-100C…
Khảo sát tại một số làng nghề truyền thống cho thấy, chủ sử dụng cũng như người lao động tỏ ra thờ ơ, không chú trọng, quan tâm vấn đề ATLĐ. Tại làng nghề mộc xã Liên Hà (huyện Đan Phượng), nhiều công nhân miệt mài cưa, xẻ gỗ… trong không gian chật chội, nguyên liệu chất kín lối đi, bụi bay mù mịt, song chỉ có số ít công nhân sử dụng khẩu trang. Anh Nguyễn Văn Nhân (công nhân đang làm việc tại một cơ sở làng nghề) chỉ vào những vết sẹo trên tay, phân trần: “Chúng tôi thường xuyên bê gỗ, sử dụng máy cưa, cắt cho nên tai nạn lao động là chuyện thường, nhưng nếu sử dụng găng tay, bảo hộ lao động sẽ khiến việc thao tác rất khó khăn”.
Tại làng nghề kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai), thu hút nhiều lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện có tới 5/6 thôn tham gia làm nghề sản xuất kim khí. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Ổ khóa, nắm tay cửa, ốc-vít và những đồ điện tử, linh phụ kiện xe máy. Các cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng để nhập công nghệ máy móc hiện đại như: Máy rập, máy bào, cắt. Mỗi ngày, làng nghề cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn linh kiện các loại. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, vẫn có nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, chủ yếu nát ngón tay, đứt tay… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng và tốn kém chi phí điều trị.
Tương tự, tại một số làng nghề sản xuất đồ mộc ở các xã: Hiền Giang, Vạn Điểm (huyện Thường Tín); Chàng Sơn, Canh Nậu, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)…, ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động còn hạn chế. Phần lớn lao động không sử dụng đầy đủ các thiết bị, phương tiện bảo hộ cá nhân cho nên nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhiều hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ngay tại nhà, trong khu dân cư. Để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh chưa thật sự chú trọng đến việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATLĐ. Người lao động không tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn về bảo đảm ATLĐ. Trong quá trình làm việc, họ không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, ngày 31/12/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 394/KH-UBND về việc ATLĐ, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cao về mất ATLĐ phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; triển khai các biện pháp bảo đảm công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống dịch bệnh; hằng năm trung bình giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người. Cùng với đó, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức. Cụ thể, 100% số người tham mưu công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động; hơn 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; hơn 80% số làng nghề, hợp tác xã có môi trường làm việc nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động…
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là tập trung triển khai tại các khu vực làng nghề có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và người lao động không theo hợp đồng lao động trên địa bàn quản lý… Đồng thời, các ngành chức năng của thành phố cần quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp từ chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để những cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về ATLĐ; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.