Các công cụ chính của ILO trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

Các công cụ được sử dụng như phương tiện của ILO sử dụng để tuyên truyền phổ biến về ATVSLĐ bao gồm các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các quy tắc thực hành, điều khoản quy định về tư vấn kỹ thuật và phổ biến thông tin. Thông qua các phương tiện này nhằm tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên trong phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thông qua cải thiện điều kiện làm việc.

Một trong những chức năng cơ bản của ILO kể từ ngày đầu thành lập năm 1919 là phát triển các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Những tiêu chuẩn này bao chùm các vấn đề về lao động và xã hội, được biết đến dưới hình thức các Công ước và Khuyến nghị. Công ước phù hợp với các hiệp ước quốc tế đa phương và được để ngỏ để các quốc gia thành viên tiến hành xem xét phê chuẩn, khi đã được phê chuẩn, sẽ tạo ra những trách nhiệm ràng buộc cụ thể. Khi Công ước được một chính phủ phê chuẩn, thì các điều khoản trong công ước đó sẽ được áp dụng thông qua luật pháp hoặc các phương thức phù hợp khác, như đã được chỉ rõ trong Công ước. Chính phủ đó cũng được yêu cầu phải thường xuyên báo cáo về tình hình triển khai áp dụng Công ước đã phê chuẩn. Phạm vi đồng thuận là nội dung chủ đạo trong việc kiểm tra và lấy ý kiến quần chúng thông qua bộ máy giám sát của ILO. Những kiến nghị thắc mắc về sự không đồng thuận có thể xuất phát từ chính phủ đang tiến hành phê chuẩn công ước hay từ NDSLĐ hoặc các tổ chức của NLĐ. Có các quy trình điều tra và hành động dựa trên những kiến nghị đó.

Ngược lại, Khuyến nghị thường có xu hướng đưa ra các hướng dẫn không bắt buộc và có thể chỉ mang tính định hướng cho chính sách và thông lệ quốc gia. Khuyến nghị thường đưa ra những nội dung chi tiết dựa trên các điều khoản trong Công ước về cùng một chủ đề hay về một chủ đề chưa có trong phạm vi bao quát của một Công ước. Mặc dù không có sự tuân thủ thực sự nào được yêu cầu, nhưng các nước thành viên vẫn có các hoạt động tuân thủ mang tính thủ tục quan trọng nhất định liên quan đến Khuyến nghị, cụ thể là: đệ trình văn bản Khuyến nghị lên các cơ quan luật pháp, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo khi ILO yêu cầu về các biện pháp được áp dụng hay lập kế hoạch để các điều khoản của Công ước có hiệu lực thi hành.

Các Công ước và Khuyến nghị do Hội nghị lao động quốc tế (ILC) thông qua, xét về tổng thể được coi là các quy tắc lao động quốc tế quy định rõ những tiêu chuẩn tối thiểu trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Các tiêu chuẩn của ILO đã được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong luật và quy định tại các quốc gia thành viên ở chỗ nhiều văn bản đã trở thành hình mẫu cho các điều khoản liên quan của công cụ ILO. Dự thảo luật mới hay các nội dung sửa đổi thường được tiến hành dựa trên các tiêu chuẩn của ILO nhằm đảm bảo sự đồng thuận với các Công ước đã được phê chuẩn hoặc đồng tình với việc phê chuẩn các Công ước khác. Thực chất, các chính phủ thường xuyên tham vấn ILO, cả chính thức lẫn không chính thức, về  tính tương thích giữa các văn bản luật dự thảo với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

            Ngoài các tiêu chuẩn lao động, ILO cũng phát triển các quy tắc thực hành. Những quy tắc này bao gồm các khuyến nghị thiết thực, đôi khi mang tính kỹ thuật và khoa học cao, được sử dụng như hướng dẫn về việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn lao động xây dựng trong bối cảnh cơ chế ba bên, nhưng thông qua gặp mặt các chuyên gia do Cơ quan điều hành đề cử chứ không phải do các cơ quan ủy thác của ILO. Khi cuộc họp các chuyên gia đã phác thảo ra quy tắc, Cơ quan điều hành sẽ được mời tới để thông qua quy tắc này. Các quy tắc thực hành không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý. Theo thông lệ, những quy tắc này đã được dự thảo dưới hình thức các quy định mẫu, đưa ra khuôn khổ việc triển khai thực hiện chính sách ở cấp quốc gia. Việc áp dụng và chức năng của các quy tắc này dường như đang được cải thiện, tuy nhiên một xu thế đang nổi lên là hướng sự quan tâm vào tiềm năng cung cấp các tư vấn về kỹ thuật và thực hành trực tiếp cho doanh nghiệp. Do vậy, hiện tại các quy tắc này liên quan không chỉ tới các cơ quan quản lý quốc gia và còn liên quan tới cả người sử dụng lao động, người lao động và các doanh nghiệp ở cả khu vực tư nhân và công lập.

     Các công ước và Khuyến nghị của ILO về ATVSLĐ bao gồm các nguyên tắc xác định quyền của người lao động trong lĩnh vực này cũng như phân định rõ bổn phận và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền người sử dụng lao động, người lao động. Các tiêu chuẩn về ATVSLĐ trải rộng trên một vài nhóm cơ bản, căn cứ trên phạm vi và mục đích của từng tiêu chuẩn.

Các Công ước và Khuyến nghị về ATVSLĐ có thể phục vụ một số mục đích, đóng vai trò như:

– Các nguyên tắc cơ bản cho những chính sách hướng dẫn việc thúc đẩy, hành động và quản lý;

– Các biện pháp bảo vệ chung, ví dụ như che chắn máy móc, kiểm tra y tế đối với các lao động trẻ hoặc giới hạn tải trọng phải vận chuyển đối với từng công nhân lao động;

– Sự bảo vệ cho những ngành nghề chuyên môn đặc biệt (như: y tá, thủy thủ) và những loại hình lao động có yêu cầu đặc biệt về sức khỏe nghề nghiệp (như lao động nữ hay lao động trẻ tuổi);

– Sự bảo vệ chống lại những rủi ro đặc thù (bức xạ ion hóa, ben zen, amiang); phòng ngừa ung thư nghề nghiệp; kiểm soát ô nhiễm môi trường, ồn và rung trong môi trường làm việc; các biện pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng hóa chất, bao gồm phòng ngừa các tai nạn công nghiệp nghiêm trọng;

– Các biện pháp và phương thức tổ chức liên quan, ví dụ như đối với thanh tra lao động, bồi thường trấn thương và bệnh nghề nghiệp.

Chính sách về ATVSLĐ của ILO về cơ bản có mặt trong 03 Công ước lao động quốc tế và các Khuyến nghị kèm theo.

– Công ước 187 về Khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ và Khuyến nghị 197 đi kèm, năm 2006, hỗ trợ thiết lập một phương pháp lâu dài nhằm liên tục cải thiện công tác ATVSLĐ và xây dựng một nền văn hóa phòng ngừa an toàn và sức khỏe. Việc làm này yêu cầu chính phủ, tiến hành tham vấn với hầu hết các đại diện của NSDLĐ và NLĐ, có những bước đi năng động hướng đến việc dần đạt được và duy trì môi trường làm việc an toàn và lành mạnh thông qua việc thiết lập và cập nhật một chính sách quốc gia, phát triển và nâng cấp một hệ thống quốc gia, đồng thời triển khai các chương trình quốc gia về ATVSLĐ. Quá trình này cần tính đến những nguyên tắc được đề ra trong các công cụ của ILO liên quan đến Công ước và phải bao hàm một cơ chế để xem xét tính toán biện pháp phù hợp được sử dụng để phê chuẩn các Công ước của ILO về ATVSLĐ.

– Công ước số 155 của ILO về ATVSLĐ năm 1981 và Khuyến nghị số 164 đi kèm quy định việc thông qua một chính sách về ATVSLĐ, cũng như mô tả những hành động cần thiết của chính phủ và những hành động tại cơ sở sản xuất  nhằm thúc đẩy công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường làm việc. Công ước 155 được bổ sung sửa đổi thông qua Nghị định thư năm 2002 trong đó kêu gọi việc thiết lập và định kỳ rà soát các yêu cầu và quy trình nhằm ghi chép và báo cáo các tai nạn & bệnh nghề nghiệp, cũng như công bố các số liệu liên quan hàng năm.

– Công ước số 161 của ILO về các dịch vụ y tế lao động và Khuyến nghị số 171 đi kèm năm 1985 quy định việc thiết lập các dịch vụ y tế lao động cấp cơ sở, được thiết kế nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện các hệ thống giám sát y tế và góp phần thực hiện chính sách về ATVSLĐ.

Các công cụ chính của ILO liên quan đến công tác ATVSLĐ nói chung

            Gần  một nửa trong số 188 Công ước và 199 Khuyến nghị đã được thông qua tại Hội nghị Lao động thế giới từ năm 1919 đến 2007, trực tiếp hoặc gián giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ATVSLĐ. Điều khoản chung được nêu ra trong các công cụ đã được cập nhật dưới đây:

– Khuyến nghị số 97 về Bảo vệ sức khỏe người lao động, năm 1953;

– Công ước số 155 về ATVSLĐ và Khuyến nghị số 164, năm 1981;

– Công ước số 161 về các dịch vụ y tế lao động và Khuyến nghị số 171, năm 1985;

– Công ước số 174 về phòng ngừa tai nạn công nghiệp nghiêm trọng và Khuyến nghị số 181 năm 1993;

– Khuyến nghị số 194 về Danh sách các bệnh nghề nghiệp, năm 2002;

– Nghị định thư năm 2002 về Công ước ATVSLĐ, năm 1981;

– Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ và Khuyến nghị số 197, năm 2006.

Ví dụ về công cụ của ILO liên quan đến rủi ro và các chất cụ thể:

– Công ước số 115 về bảo vệ sức xạ và Khuyến nghị  số 114 , năm 1960

– Công ước số 139 về ung thư nghề nghiệp và Khuyến nghị số 147, năm 1974

– Công ước số 148 về môi trường lao động (ô nhiễm không khí, tiếng ồn và rung) và Khuyến nghị số 156, năm 1977

– Công ước số 162 về amiang và Khuyến nghị số 172, năm 1986

– Công ước số 170 về hóa chất và Khuyến nghị số 177, năm 1990

Ví dụ về công cụ của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe trong các ngành đặc thù của hoạt động kinh tế

– Công ước số 120 về vệ sinh (thương mại và văn phòng) và Khuyến nghị số 120, năm 1964;

– Công ước số 152 về ATVSLĐ trong công việc bốc xếp tại cảng biển và Khuyến nghị số 160, năm 1979;

– Công ước số 167 về an toàn và sức khỏe trong ngành xây dựng và Khuyến nghị 175, năm 1988;

– Công ước số 176 về an toàn trong hầm mỏ và Khuyến nghị số 183, năm 1995;

– Công ước số 184 về an toàn và sức khỏe trong nông nghiệp và Khuyến nghị số 192, năm 2001.

Ví dụ về các quy tắc thực hành gần đây của ILO trong lĩnh vực ATVSLĐ

– Phòng ngừa tai nạn công nghiệp nghiêm trọng, 1991;

– An toàn và sức khỏe trong ngành xây dựng, 1992;

– An toàn trong sử dụng hóa chất tại nơi làm việc, 1993

– Ghi chép và báo cáo về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 1995

– Hướng dẫn về hệ thống quản lý ATVSLĐ, 2001

– Những yếu tố xung quanh nơi làm việc, 2001

– HIV/AID và thế giới việc làm, 2001

– An toàn và sức khỏe trong ngành công nghiệp kim loại màu, 2003

– An toàn và sức khỏe tại các mỏ khai thác than dưới lòng đất, 2008

Bên cạnh đó  các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn bao quát các điều kiện chung về lao động, an sinh xã hội, việc làm cho lao động nữ, lao động trẻ em và các hình thức lao động khác có liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường làm việc. Ngoài ra, còn có một loạt các Công ước và Khuyến nghị đặc biệt liên quan đến sức khỏe, an toàn và phúc lợi dành cho ngư dân đi biển. Hình dưới đây minh họa các tiêu chuẩn cơ bản của ILO liên quan đến ATVSLĐ.


(Nguồn tin: ILO)