Công đoàn Việt Nam – hành trình 95 năm vì người lao động
Chặng đường 95 năm của Công đoàn Việt Nam
Với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội hiện đại, công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện quyền lợi người lao động (NLĐ) mà còn là cầu nối giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), góp phần tạo nên sự hài hòa trong mối quan hệ lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Công đoàn Việt Nam (CĐVN) là chăm lo về mọi mặt trong lao động và cuộc sống của NLĐ, tham gia xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách cho NLĐ, gồm lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, chế độ lao động, an toàn và vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và các phúc lợi khác.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, CĐVN suốt chặng đường 95 năm luôn chăm lo cho NLĐ với tôn chỉ, mục đích ”cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Điều 1, Luật Công đoàn, 2012)
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho tổ chức Công đoàn: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Đó cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của CĐVN đến bây giờ.
Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển của CĐVN, kể từ ngày họp đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam 28/7/1929, đến 28/7/2024, trải qua 13 kỳ Đại hội, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế; là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở giai đoạn nào của lịch sử đất nước, CĐVN cũng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của mình. Hiện nay, với những đổi mới mạnh mẽ trong từng hoạt động từ cấp cơ sở, CĐVN đang quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động để đáp ứng tình hình mới.
Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động
Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là quyền hạn và trách nhiệm của CĐVN đối với CNVCLĐ, là chức năng số một và là vấn đề xuyên suốt của hoạt động CĐVN, các chức năng khác, nhiệm vụ khác đều xoay quanh vấn đề này. Đây cũng chính là mong muốn, nguyện vọng của CNVCLĐ.
CĐVN hoạt động với phương châm: lợi ích NLĐ gắn liền với lợi ích của Đảng, Nhà nước, của tập thể; sự tồn tại của Đảng, Nhà nước chính là sự đảm bảo lợi ích cho NLĐ. Vì thế, hoạt động CĐVN diễn ra ở rất nhiều loại hình cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác nhau.
Trong điều kiện đất nước ta đổi mới, hội nhập, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều thuận lợi song cũng hàng ngày hàng giờ nảy sinh những khó khăn phức tạp, do có mâu thuẫn về lợi ích mà trong bất kỳ đơn vị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng thường xuyên xảy ra vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, vi phạm quyền tham gia ý kiến, quyền được thông tin, tham gia hội họp, học tập, tham gia CĐ, quyền đối thoại…., vi phạm về hợp đồng lao động, về tiền lương, về bảo hiểm xã hội, về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,…
Trong những năm qua, CĐVN đã cố gắng rất nhiều trong việc giải quyết các mâu thuẫn này, từ tham gia ý kiến sửa đổi Luật tới các biện pháp cụ thể giải quyết từng trường hợp cụ thể với từng người, từng doanh nghiệp (DN) và hàng loạt DN, đã can thiệp giải quyết được quyền lợi cho NLĐ, tạo nên niềm tin của NLĐ đối với CĐVN. Làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ và thực hiện đúng chức năng CĐVN, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng NLĐ đồng thời sẽ làm cho CĐVN ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Làm cho CĐVN thật sự là chỗ dựa, là niềm tin của NLĐ; là cộng sự đắc lực của nhà nước; là sợi dây nối liền Đảng với NLĐ,
Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ
Trong suốt thời gian qua, CĐVN đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, như: “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” và cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; hưởng ứng Chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023” và giai đoạn 2 Chương trình “01 triệu sáng kiến – Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tích cực tham gia có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,..
CĐVN tổ chức, triển khai các phong trào thi đua, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của đoàn viên, NLĐ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Bên cạnh đó, CĐVN còn hưởng ứng tham gia có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, thực hiện tốt các hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn và công tác an sinh xã hội, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đoàn viên, NLĐ.
Các hoạt động thi đua yêu nước nhằm động viên đoàn viên, CNVCLĐ ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến tiêu biểu, mô hình mới, cách làm hay nhằm nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành; đồng thời, gắn phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ với nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội
Nhiều năm qua, CĐVN cùng các tổ chức công đoàn các cấp đã tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội với các các cơ quan nhà nước về những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong việc xây dựng chế độ chính sách, pháp luật, chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác;
Các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật cho NLĐ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến NLĐ; tham gia điều tra tai nạn lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo quy định của pháp luật.
Bằng việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho NLĐ, CĐVN đã góp phần hạn chế các vụ ngừng việc tập thể bùng phát do mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Để đạt kết quả đó, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên tuyền, phổ biến pháp luật lao động, nội quy làm việc, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật lao động đối với NLĐ và NSDLĐ.
Bên cạnh đó, công đoàn tham gia chính thức Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, Hội đồng ATVSLĐ quốc gia và các ủy ban, Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp; tham gia các ủy ban, hội đồng cùng cấp có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Chăm lo cho sự an toàn và sức khỏe người lao động
Trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng, nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và CĐVN đã chú trọng tới công tác ATVSLĐ. Rõ ràng với quan điểm coi con người, nhất là người lao động là mục tiêu và động lực chính của sự phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác ATVSLĐ là một chính sách kinh tế – xã hội lớn, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta.
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, dưới sự chỉ đạo của Đảng, CĐVN đã thành lập Ban Bảo hộ lao động để hướng dẫn các công đoàn cơ sở tham gia công tác ATVSLĐ nhằm chăm lo bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho NLĐ. Các phong trào thi đua làm việc “nhanh, nhiều, tốt, rẻ đi đôi với công tác bảo hộ lao động” đã được phát động và đã được CNVCLĐ hưởng ứng. Cho đến nay, CĐVN vẫn phát huy những thành tựu đã có, phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào công tác quần chúng làm công tác ATVSLĐ; phong trào tự cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. Đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ” thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình mới; quan tâm xây dựng văn hoá an toàn lao động tại nơi làm việc; đảm bảo ATVSLĐ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên của các DN, cơ sở sản xuất.
Với tinh thần vì người lao động, từ năm 1971, trước đòi hỏi của thực tế sản xuất, sự cần thiết của khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động, ngày 1/5/1971 Chính phủ đã ra quyết định số 82/CP thành lập Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động, nay là Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Viện ATVSLĐ) và giao cho Công đoàn Việt Nam quản lý. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Viện ATVSLĐ đã chủ trì và hoàn thành xuất sắc 2 chương trình nghiên cứu KHKT trọng điểm với gần 30 đề tài cấp nhà nước; tham gia 2 chương trình quốc gia về ATVSLĐ; hoàn thành xuất sắc 5 đề tài độc lập cấp nhà nước, gần 200 đề tài nghiên cứu KHCN cấp bộ và thành phố. Tất cả các đề tài đều hướng tới việc bảo vệ tính mạng và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và đa số đã được triển khai áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại lợi ích cho NLĐ và cả cho doanh nghiệp.
Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, sau khi đánh giá lại kết quả đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29 – CT/TW của Ban Bí thư ngày 18/9/2013 về về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; Chỉ thị đã nêu tồn tại, hạn chế; đề ra nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Chỉ thị 31-CT/TW khẳng định vai trò của CĐVN trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, từ việc tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn trong xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và NLĐ trong thực hiện ATVSLĐ. Chỉ thị cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc giám sát, phản biện thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ATVSLĐ.
Kết luận
Chúng ta có thể tự hào khẳng định, chặng đường gần 95 năm qua, CĐVN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và lợi ích của NLĐ, nhưng không xa rời, coi nhẹ mục tiêu phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong thời gian qua và cả trong thời gian tới, các cấp công đoàn đã và sẽ hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy NLĐ làm đối tượng vận động, tập hợp và tổ chức hoạt động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của NLĐ nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định… để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động.
GS.TS. Lê Vân Trình
Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tạp chí KH An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, số 3/2024