Công tác an toàn, vệ sinh lao động tại vương quốc Campuchia hiện nay

Thứ Hai, 30/12/2024, 04:51(GMT +7)

ATVSLĐ là vấn đề lớn ở mọi quốc gia, bởi điều này liên quan tới an toàn, sức khỏe, tính mạng của NLĐ và sự phát triển bền vững. Vương quốc Campuchia cũng không ngoại lệ và nước này đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác ATVSLĐ, dù còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức…

Nỗ lực hoàn thiện khung khổ luật pháp

Để thúc đẩy an toàn và sức khỏe của công nhân, Chính phủ Campuchia đã tăng cường hệ thống an toàn, vệ sinh lao động (OSH, viết tắt của từ Occupational Safety and Health), cải thiện hệ thống giám sát OSH, thúc đẩy hành động OSH bởi NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), thực thi chương trình đặc biệt đối với các nghề độc hại, mở rộng bảo vệ OSH cho các doanh nghiệp nhỏ, khu vực lao động phi chính thức và khu vực nông thôn, quản lý rủi ro bệnh tật và thương tích ở nơi làm việc, đảm bảo công nhân tiếp cận với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công nhân. Tháng 12/2017, Trung tâm Y tế công nghiệp (CIMC) tổ chức khóa đào tạo an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại tỉnh Kampot, trang bị kiến thức về biện pháp ngăn ngừa rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe ở nơi làm việc, cải thiện đáp ứng của hệ thống y tế với rủi ro nghề nghiệp.

Quốc hội Campuchia đã ban hành Luật Lao động năm 1997, là đạo luật cơ bản quy định trách nhiệm của NSDLĐ và công nhân đối với an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp ở Campuchia, quy định vệ sinh nơi làm việc, an toàn máy móc thiết bị, cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, biện pháp ngăn ngừa mối nguy và bệnh nghề nghiệp.

Chính phủ Campuchia cũng ban hành Nghị định số 37 về kiểm soát hóa chất và chất độc năm 2009. Bộ Lao động và Dạy nghề ban hành các thông tư về quy tắc hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ Thông tư số 264/16 năm 2016 về sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân ở nơi làm việc, Thông tư số 043/01 năm 2001 về các biện pháp sử dụng máy móc và an toàn cho công nhân, Thông tư số 353/18 năm 2018 về quy trình xử lý tai nạn lao động…

Trách nhiệm của NSDLĐ, NLĐ và cơ quan quản lý ATVSLĐ

Theo luật pháp Campuchia, NSDLĐ có trách nhiệm đảm bảo an toàn và vệ sinh cho công nhân, phải cung cấp nơi làm việc an toàn, lành mạnh, không có mối nguy có thể gây thương tích hoặc bệnh tật cho công nhân. Các biện pháp bao gồm thông gió, chiếu sáng, nơi bảo quản an toàn cho hóa chất, an toàn cháy nổ và quy trình ứng phó với tình huống khẩn cấp.

NSDLĐ phải xác định, phân tích và kiểm soát mối nguy ở nơi làm việc, thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, đào tạo công nhân về quy trình làm việc, cách sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, cung cấp thông tin liên quan đến OSH cho NLĐ. Cung cấp miễn phí phương tiện bảo vệ cá nhân cho công nhân làm những công việc có nguy cơ tai nạn hoặc độc hại; khám sức khỏe trước khi bố trí công việc và khám định kì cho công nhân bằng chi phí của doanh nghiệp; điều trị miễn phí thương tích và bệnh tật liên quan đến công việc cho công nhân; báo cáo sự cố, tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Luật pháp Campuchia cũng quy định công nhân có quyền từ chối làm việc khi có mối nguy cho sức khỏe và tính mạng của họ mà không phải chịu hậu quả tiêu cực nào. Họ có quyền được thông báo và tư vấn về các vấn đề sức khỏe và an toàn ở nơi làm việc. Công nhân được hưởng bồi thường cho thương tích hoặc đau ốm liên quan đến công việc từ Quỹ An sinh xã hội quốc gia (NSSF).

Bộ Lao động và Dạy nghề chịu trách nhiệm giám sát và điều tra ATVSLĐ. Vụ ATVSLĐ (DOSH) thuộc Bộ Lao động và Dạy nghề trực tiếp chịu trách nhiệm về các vấn đề OSH. Quỹ An sinh xã hội quốc gia quản lý việc bồi thường cho NLĐ bị thương ở nơi làm việc hoặc mắc bệnh nghề nghiệp. NSDLĐ vi phạm luật ATVSLĐ có thể đối mặt với cảnh báo, xử phạt hành chính thậm chí đóng cửa doanh nghiệp trong trường hợp nghiêm trọng.

Thanh tra và hậu thanh tra lao động

Mặc dù khuôn khổ pháp luật đã có, nhiều thách thức vẫn còn ở Campuchia. Một bộ phận đáng kể NLĐ là phi chính thức nên khó kiểm soát việc thực thi các quy tắc an toàn và sức khỏe. Thanh tra lao động còn hạn chế về lực lượng, việc giám sát các doanh nghiệp nhỏ ở vùng sâu vùng xa còn khó thực hiện. Nhận thức về tầm quan trọng và nội dung ATVSLĐ ở cả NLĐ và NSDLĐ còn thấp. Việc giám sát nơi làm việc đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn và điều kiện làm việc lành mạnh cho công nhân. Thanh tra lao động không chỉ thực thi luật lao động và các quy tắc an toàn mà còn xác định và xử lý rủi ro, thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và xây dựng văn hóa an toàn trong các doanh nghiệp.

Có 3 loại thanh tra lao động ở Campuchia. Một là thanh tra lao động thường xuyên, họ thực hiện thanh tra định kì có báo trước, tập trung vào việc tuân thủ luật lao động, bao gồm việc thực thi OSH. Hai là thanh tra lao động đặc biệt, họ thực hiện thanh tra đột xuất khi có phàn nàn, vi phạm pháp luật hoặc tai nạn nghiêm trọng. Ba là thanh tra lao động trực tuyến, được thành lập năm 2022, yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo tự đánh giá về sự tuân thủ luật lao động hai lần một năm qua hệ thống trực tuyến của Bộ Lao động và Dạy nghề. Nội dung thanh tra gồm điều kiện làm việc, ATVSLĐ, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và điều kiện sống của công nhân.

Tần suất thanh tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, lịch sử tuân thủ luật pháp trước đây của doanh nghiệp, nhưng ít nhất 1 lần/năm và nhiều hơn ở nơi có rủi ro cao. Quy trình thanh tra gồm việc chuẩn bị trước thanh tra, cuộc họp công khai, hoạt động thanh tra, phỏng vấn, đánh giá tài liệu, cuộc họp kín, báo cáo thanh tra và yêu cầu hành động khắc phục nếu vi phạm nghiêm trọng được xác định. Sau thanh tra, NSDLĐ phải thực hiện các hành động cần thiết để giải quyết vi phạm trong thời hạn quy định. Tái thanh tra được thực hiện để xác nhận việc thực thi các biện pháp khắc phục. Việc không chấp hành sẽ dẫn đến cảnh báo, xử phạt, thậm chí đóng cửa cơ sở trong trường hợp nghiêm trọng.

Ở Campuchia, có lực lượng tại chỗ để giải quyết tai nạn ở nơi làm việc. Theo Điều 189 Luật Lao động, NSDLĐ phải báo cáo tai nạn lao động cho thanh tra lao động ngay lập tức. Trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng hoặc chết người, báo cáo chi tiết phải được nộp trong vòng 48 giờ theo Điều 208, Thông tư năm 2005 về xác định tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quy trình báo cáo cung cấp quy trình và hình thức báo cáo tai nạn.

Thanh tra lao động có thẩm quyền điều tra tai nạn lao động để xác định nguyên nhân và biện pháp ngăn ngừa theo Điều 192 của Luật Lao động. NSDLĐ bắt buộc phải hợp tác với điều tra viên và bảo vệ hiện trường tai nạn tới mức có thể. Đại diện NLĐ cũng có quyền tham gia quá trình điều tra. Quỹ An sinh xã hội quốc gia, chịu trách nhiệm bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp.

Các loại bồi thường gồm mất khả năng lao động tạm thời (chi phí y tế, lợi ích thay thế lương), mất khả năng lao động vĩnh viễn (thanh toán toàn bộ hoặc hưởng lương hưu tùy theo tính nghiêm trọng của thương tật), tử vong (chi phí mai táng và thanh toán cho người phụ thuộc). NSDLĐ phải nộp báo cáo ban đầu cho NSSF trong khoảng thời gian xác định. Một bác sĩ được chỉ định bởi NSSF sau đó tiến hành đánh giá y tế để xác định mức độ thương tật. NSSF đưa ra quyết định và tính toán bồi thường tương ứng.

Nguyễn Đắc Diện

Khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 350 (Tháng 09/2024)