Công tác an toàn vệ sinh lao động tại vương quốc Thái Lan

Thứ Ba, 10/12/2024, 03:04(GMT +7)

Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Thái Lan có nhiều điểm tương đồng trong phát triển kinh tế – xã hội với Việt Nam. Vậy công tác ATVSLĐ tại quốc gia này như thế nào? Bài viết dưới đây phần nào giải đáp câu hỏi đó.

Ba mục tiêu chính của công tác ATVSLĐ tại Thái Lan

Thái Lan đã ban hành Luật ATVSLĐ năm 2011 với các quy định ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với công tác an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh công nghiệp tại nơi làm việc. Luật đã đưa ra các khái niệm về ATLĐ, vệ sinh lao động, môi trường làm việc, thanh tra lao động, trách nhiệm của NSDLĐ, NLĐ, nhân viên an toàn, nhà thầu chính, nhà thầu phụ trong công tác đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; trách nhiệm của Hội đồng ATVSLĐ trong việc tư vấn cho Bộ Lao động về chính sách ATVSLĐ; trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đánh giá mức độ an toàn, mức độ ảnh hưởng của môi trường làm việc đối với NLĐ, kiểm soát môi trường làm việc và việc chấp hành quy định của NLĐ, khắc phục tai nạn lao động (TNLĐ), trách nhiệm trả lương cho NLĐ khi công việc bị ngưng trệ do sự cố và tai nạn trừ khi lỗi thuộc về NLĐ.

Ba mục tiêu chính của ATVSLĐ tại Thái Lan là: 1. Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh nghề nghiệp (BNN) hay bệnh liên quan đến việc làm. Chất độc tích tụ lâu dài đến mức nhất định sẽ thể hiện triệu chứng (ảnh hưởng dài hạn) hoặc triệu chứng cấp tính nếu nhận lượng lớn chất độc trong thời gian ngắn (ảnh hưởng cấp tính). 2. Ngăn ngừa và kiểm soát TNLĐ: ngăn ngừa tai nạn, thương tích, tàn tật hoặc tử vong do làm việc không an toàn của công nhân, gây ra ảnh hưởng ngắn hạn do điều kiện làm việc như thiết kế nhà máy không phù hợp, máy móc cũ, thiếu bảo dưỡng, thiếu thiết bị bảo vệ… 3. Kiểm soát ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây ra khó chịu, bệnh tật, tàn tật hoặc tử vong cho các cá nhân ngoài nhà máy.

Sáng kiến về ATLĐ và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia

Năm 1985, Cục Lao động (Bộ Nội vụ Thái Lan) đã đưa ra sáng kiến về ATLĐ và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia, trong đó có nội dung ban hành và thực thi luật pháp về ATVSLĐ, thanh tra lao động, nghiên cứu, điều tra, phân tích môi trường lao động, phổ biến thông tin, tổ chức Tuần lễ ATLĐ hàng năm nhằm thu hút sự chú ý của các tổ chức và cá nhân có liên quan, bao gồm NSDLĐ, NLĐ, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và công chúng, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi hiểu biết, kinh nghiệm, ý tưởng, phương pháp giải quyết vấn đề, là nơi trình bày các kết quả nghiên cứu về an toàn tại nơi làm việc, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho bản thân NLĐ, gia đình họ và xã hội.

Nội các Thái Lan đã thành lập một Ủy ban Quốc gia về ngăn ngừa sự cố và tai nạn tại nơi làm việc trực thuộc Chính phủ, gồm đại diện Cục Lao động (Bộ Nội vụ), Bộ y tế, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Công nghiệp, Viện kĩ thuật, Hội đồng tư vấn phát triển lao động, các tổ chức phi chính phủ và đại diện doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Tuần lễ quốc gia về ATLĐ lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 1 đến 7/6/1986 ở tất cả các tỉnh trong cả nước. Nội các Thái Lan thành lập Ủy ban ATVSLĐ và môi trường làm việc, thường trực Ủy ban là Cục Bảo hộ lao động và phúc lợi. Hội ATVSLĐ Thái Lan được thành lập ngày 20/5/1987 đã hợp tác với các cơ quan chính phủ và tổ chức, doanh nghiệp trong việc phổ biến tri thức, kinh nghiệm về ATVSLĐ nhằm thúc đẩy phúc lợi cho NLĐ. Dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp là công việc liên quan đến việc thúc đẩy và duy trì sức khỏe tốt, cả thể chất, tinh thần và xã hội cho công nhân, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh khi tiếp xúc với hóa chất độc hại ở nơi làm việc. Đảm bảo cho công nhân thỏa mãn với công việc bền vững, sức khỏe tốt, an toàn, nhận được phúc lợi phù hợp, làm việc hiệu quả, năng suất, tạo ảnh hưởng tích cực lên nền kinh tế của đất nước và cuộc sống của gia đình NLĐ. Năm 1993, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội được thành lập từ Cục Lao động (Bộ Nội vụ), năm 2002 đổi tên thành Bộ Lao động.

Viện ATVSLĐ Thái Lan và những hoạt động chính

Năm 2015, Viện ATVSLĐ và Môi trường làm việc được thành lập. Năm 2016, Viện đã tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATLĐ với tên mới là Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ (Thailand Safe@Work). Năm 2017, Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ lần thứ 31 được tổ chức thành công và đến nay (năm 2024) là lần thứ 38.

Viện ATVSLĐ Thái Lan có sứ mệnh “Thúc đẩy văn hóa an toàn hướng tới xã hội hạnh phúc vào năm 2036”. Văn hóa an toàn được hiểu là thái độ và hành vi ngăn ngừa và kiểm soát mối nguy trước khi chúng xảy ra ở mỗi bước của công việc và cuộc sống hàng ngày. Xã hội hạnh phúc được hiểu là xã hội mà trong đó mọi thành viên đều có văn hóa an toàn, mọi người đều an toàn và có sức khỏe tốt, sống và làm việc trong môi trường phù hợp và an toàn, không gặp rủi ro và không tạo ra rủi ro cho xã hội.

Các hoạt động của Viện gồm: Nghiên cứu học thuật và thống kê để hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn về ATVSLĐ và môi trường làm việc của đất nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực ATVSLĐ, thúc đẩy văn hóa an toàn và hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; Kết nối khu vực công nghiệp với các cơ sở đào tạo để nâng cao nhận thức của công nhân về tầm quan trọng của ngăn ngừa mối nguy trước khi sự cố xảy ra để có được hành vi làm việc an toàn; Giải quyết các vấn đề liên quan đến ATVSLĐ và môi trường làm việc, tham mưu về tiêu chuẩn ATVSLĐ và môi trường làm việc cho Chính phủ và Cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ, phổ biến tri thức về ATVSLĐ và môi trường làm việc.

Các cơ quan liên quan và các đạo luật chính

Các cơ quan chính phủ có liên quan đến hoạt động ATVSLĐ ở Thái Lan gồm Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Y tế công cộng, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Họ chịu trách nhiệm ngăn ngừa tai nạn và đảm bảo ATLĐ, mỗi cơ quan tập trung một lĩnh vực khác nhau, bao gồm:

Luật Bảo hộ lao động năm 1998 có mục tiêu đảm bảo NLĐ có sức khỏe tốt, an toàn, an ninh trong khi làm việc, duy trì quan hệ tốt và bình đẳng với NSDLĐ. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Luật Bảo hộ lao động bằng đội ngũ thanh tra lao động của mình để đảm bảo ATLĐ và ngăn ngừa tai nạn tại nơi làm việc.

Luật Nhà máy được Bộ Công nghiệp giám sát thực thi, mục đích là ngăn ngừa tai nạn, nguy hiểm, rủi ro do máy móc, thiết bị điện, nồi hơi, độc chất, vật liệu dễ cháy, vật liệu nổ, giám sát và yêu cầu các nhà máy sửa chữa và cải tiến máy móc, thiết bị đảm bảo tuân thủ hai luật trên.

Luật Y tế công cộng năm 1992 do Bộ Y tế công cộng giám sát thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe và vệ sinh cho người làm việc trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, khai khoáng…

Luật Độc chất năm 1992 do Bộ Nông nghiệp và kinh tế tập thể giám sát thực hiện nhằm kiểm soát việc bảo quản và sử dụng độc chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, đảm bảo sức khỏe cho nông dân và những người liên quan.

Nguyễn Đắc Diện

Khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 351 (Tháng 10/2024)