Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về an toàn vệ sinh lao động theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ kéo theo những sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, quy trình, mô hình sản xuất và điều kiện lao động. Sự thay đổi mang tính đột phá này bao gồm sự hội tụ của nhiều công nghệ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), thiết bị đeo thông minh… Việc ứng dụng các công nghệ số này có thể cải thiện an toàn và sức khỏe của người lao động bằng cách thay thế con người thực hiện các công việc nguy hiểm, nhiệm vụ lặp đi lặp lại, giảm mức độ tiếp xúc của người lao động với các rủi ro vật lý, hóa học và ecgônômi. Tuy nhiên, những công nghệ này cũng tạo ra những thách thức mới, có thể làm tăng nguy cơ tai nạn lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Thực tế trên đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động phải có sự đột phá, đổi mới sáng tạo để tìm ra các giải pháp xử lý kịp thời những nguy cơ, rủi ro mới, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định 5 nhóm quan điểm chỉ đạo, trong đó khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước bứt phá, phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết đã xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 31/-CT/TW của BCHTW về tiếp tục sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cần coi nghiên cứu khoa học về an toàn vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thiết thực để đưa vào mục tiêu, giải pháp và kế hoạch chung thực hiện đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một số nội dung cần tập trung thực hiện để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về an toàn vệ sinh lao động
1. Rà soát, chỉnh sửa bổ sung các quy định pháp luật
– Nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật, nhất là các quy định về tài chính, thủ tục, hồ sơ… để bảo đảm có được hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ. Cần có cơ chế thúc đẩy việc hỗ trợ, tài trợ, thành lập các quỹ cho hoạt động nghiên cứu (nguồn vốn từ nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp…), cơ chế giao khoán hoạt động nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng.
– Nghiên cứu đề xuất ban hành hành lang pháp lý cho việc triển khai nền tảng số trong lĩnh vực ATVSLĐ, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL của các bộ, ngành và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức khoa học khai thác, sử dụng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về ATVSLĐ. Danh mục CSDL cần định hướng nghiên cứu triển khai bao gồm: CSDL đăng ký, khai báo thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. CSDL đăng ký hoá chất sử dụng; quản lý, cấp chứng nhận chất lượng an toàn thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân. CSDL về điều tra, giám sát điều kiện làm việc, quan trắc môi trường lao động; CSDL về khai báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. CSDL quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ, hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, hồ sơ quản lý sức khoẻ người lao động…
– Nghiên cứu đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn… trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm tạo hành lang pháp lý cho nghiên cứu và ứng dụng phát triển các giải pháp quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động.
2. Định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo về ATVSLĐ
– Tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu về điều kiện, môi trường làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao về ATVSLĐ như: Ngành khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hóa chất, xây dựng, dệt may, giày da, điện tử, y tế… Khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hộ gia đình làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhóm lao động tiếp xúc với amiăng, lao động nữ, lao động cao tuổi và lao động không có hợp đồng lao động…
– Tập trung nghiên cứu các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động xuất hiện do sự thay đổi công nghệ sản xuất, do quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. Bao gồm: Các yếu tố cơ học liên quan đến lỗi máy móc tự động, robot, dây chuyển sản xuất thông minh, hệ thống phần mềm, kết nối điều khiển…. Các yếu tố vật liệu, hoá chất mới, vật liệu nano, dung môi hữu cơ, kim loại nặng… sử dụng trong sản xuất chíp, pin ắc quy…. Các yếu tố điện từ trường, bức xạ không ion hoá từ các hệ thống tự động, robot, IoT sử dụng thiết bị không dây, hệ thống WiFi, máy tính, màn hình… Yếu tố tâm sinh lý ergonomi như: áp lực công việc căng thẳng do yêu cầu thay đổi phải làm quen, cập nhật kiến thức mới; làm việc từ xa hạn chế giao tiếp trực tiếp, hạn chế vận động, quá tải công việc; làm việc nhiều với máy tính, màn hình…
– Đẩy mạnh nghiên cứu thu thập, phân tích và ứng dụng các nguồn dữ liệu lớn về an toàn vệ sinh lao động trong đề xuất, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách, can thiệp; giám sát môi trường lao động; phân tích, dự báo rủi ro nghề nghiệp; quản lý hồ sơ sức khoẻ người lao động…
– Tăng cường nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn tại doanh nghiệp các mô hình có hiệu quả và phù hợp để cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; chăm sóc nâng cao sức khoẻ, dự phòng bệnh tật cho người lao động; truyền thông, thi đua khen thưởng, văn hoá an toàn…
– Nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo được hiểu là việc tạo ra và áp dụng những ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình mới nhằm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khoẻ cho người lao động, giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng xuất chất lượng sản phẩm. Một số nội dung đổi mới sáng tạo về ATVSLĐ cần định hướng bao gồm: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ATVSLĐ; Sử dụng robot, công nghệ mới, tự động hoá để thay thế con người làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; Đào tạo nâng cao nhận thức và khuyến khích người lao động đóng góp, đề xuất các ý kiến về ATVSLĐ; Áp dụng các chính sách, quy trình làm việc mới để đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho người lao động, phát triển văn hoá an toàn, sức khoẻ trong doanh nghiệp…
3. Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi số lĩnh vực ATVSLĐ
Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi số, xác định danh mục các công nghệ ưu tiên cần đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực ATVSLĐ.
– Nghiên cứu ứng dụng các hệ thống quản lý ATVSLĐ dựa trên AI, big data, các thiết bị cảm biến IoT để phát hiện và cảnh báo nguy cơ theo thời gian thực, các thiết bị đeo để theo dõi các chỉ số cá nhân, tình trạng mệt mỏi và định vị người lao động nhằm dự báo, phân tích rủi ro, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và triển khai các biện pháp giúp đảm bảo an toàn và quản lý hiệu quả người lao động.
– Nghiên cứu phát triển các phần mềm thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu về ATVSĐ để dự báo, phân tích rủi ro, báo cáo tự động tai nạn và bệnh nghề nghiệp; các ứng dụng di dộng trong đánh giá, kiểm soát rủi ro, nhất là các yếu tố liên quan đến sức khoẻ tâm thần, các rủi ro mới nổi liên quan đến quá trình tự động hoá, chuyển đổi số nền kinh tế.
– Phát triển các hình thức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ trên môi trường số để tạo điều kiện cho phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức chuyển đổi số về ATVSLĐ. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, giúp thực hành, giả lập xử lý các tình huống khẩn cấp mà không có rủi ro hoặc hậu quả thực tế.
4. Phát triển các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực ATVSLĐ
– Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, nâng cấp các các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, chuyên sâu trong lĩnh vực ATVSLĐ theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng dịch vụ và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.
– Phát triển các Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, trọng điểm về môi trường lao động, sức khoẻ nghề nghiệp với các phòng thí nghiệm công nghệ cao, công nghệ hiện đại để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường và khám sức khoẻ nghề nghiệp.
– Thiết lập mạng lưới các Trung tâm kiểm chuẩn – tham chiếu đảm bảo chất lượng quan trắc môi trường lao động, giám sát sức khỏe, sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh nghề nghiệp.
– Xây dựng, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm về an toàn lao động, đánh giá, hợp chuẩn hợp quy các thiết bị dụng cụ an toàn, các phương tiện bảo vệ cá nhân; Phát triển các Trung tâm dữ liệu và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ATVSLĐ…
5. Phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao
Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động.
– Có cơ chế nghiên cứu xác định danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ đặt hàng thực hiện dài hạn từ 3 – 5 năm; các nhiệm vụ thực hiện thường xuyên hàng năm để các tổ chức khoa học công nghệ có cơ sở chủ động tuyển chọn bổ sung và thu hút nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng cao về làm việc.
– Tăng cường hợp tác giữa các Viện, trường có chuyên ngành về ATVSLĐ với các Viện, cơ sở nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược để tận dụng nguồn nhân lực, nhân tài chất lượng cao bổ sung hỗ trợ để đáp ứng cho nhu cầu nhân lực trong chuyên ngành ATVSLĐ.
– Phát triển, kết nối mạng lưới giảng viên, nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở trong và ngoài nước và các chính sách khác để hỗ trợ, bổ sung nhân lực nghiên cứu cho lĩnh vực ATVSLĐ.
– Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ và áp dụng chuyển đổi số hệ thống quản lý, ứng dụng công nghệ, các giải pháp về ATVSLĐ cho doanh nghiệp; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
6. Trao đổi khoa học và hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu
– Các Viện, Tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam cần: Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia về ATVSLĐ để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao nhận thức cho cán bộ khoa học; chủ động tham gia làm thành viên và tham dự vào các diễn đàn, hội nghị thường niên chuyên ngành trong khu vực và trên thế giới. Tham gia áp dụng các hệ thống quản lý chuyên ngành về ATVSLĐ theo tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn ISO 45001 áp dụng cho doanh nghiệp, ISO 17025, ISO17065, ISO 15189,… áp dụng cho các phòng thí nghiệm. Các phòng thử nghiệm, phân tích cần tham gia vào hệ thống ngoại kiểm, thử nghiệm liên phòng với các tổ chức quốc tế.
– Có chính sách khuyến khích chuyển giao các kết quả khoa học công nghệ cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp. Có cơ chế cho phép các tổ chức khoa học được liên doanh liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học được quản lý điều hành doanh nghiệp để ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã thực hiện.
Kết luận
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về an toàn vệ sinh lao động không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực quan trọng nhằm bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Việc tận dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và thực tế ảo sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát và dự báo rủi ro trong lao động, hướng tới một hệ thống quản lý ATVSLĐ hiện đại, linh hoạt và thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Đồng thời, phát triển các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp công tác ATVSLĐ bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu chủ động rà soát, bổ sung hành lang pháp lý, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác khoa học trong lĩnh vực ATVSLĐ, đồng thời xây dựng môi trường lao động an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động