Hậu quả khôn lường từ tai nạn lao động
(CATP) Thời gian qua, tuy các cơ quan chức năng thường xuyên có nhiều giải pháp tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra các ngành nghề (chủ yếu là xây dựng) trên địa bàn TP nhưng tình trạng lơ là, mất cảnh giác dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) gây thiệt hại về người và tài sản vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại TPHCM, trong năm 2023 xảy ra 703 vụ TNLĐ, trong đó có 44 vụ TNLĐ làm chết và bị thương nặng 98 người.
Lời cảnh báo từ sự chủ quan
Theo ông Nguyễn Thanh Xuyên – Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, nhưng tình trạng mất an toàn lao động (LĐ) vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do nhiều người sử dụng LĐ chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người LĐ chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh LĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh LĐ.
Theo đánh giá, TNLĐ xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Qua công tác điều tra các vụ TNLĐ chết người, tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Cũng theo ông Xuyên, trong số hơn 703 vụ TNLĐ xảy ra từ năm 2013 đến nay, lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao về số vụ tai nạn gây chết người. Chỉ tính riêng năm qua, đã xảy ra 9 vụ trên tổng số 44 vụ TNLĐ chết người trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, ngày 22/4, sau khi kết thúc công việc, một nhóm công nhân đang làm việc tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đường Phạm Đức Sơn, P16, Q8 chuẩn bị ra về thì phát hiện một nữ công nhân tử vong tại công trình. Qua điều tra, CAQ8 xác định nạn nhân tên N.T.T.N. (44 tuổi, quê Phú Yên) làm công việc phụ hồ tại công trình. Trước đó, tháng 12/2023, CATP.Thủ Đức cũng vào cuộc điều tra vụ TNLĐ sập sàn nhà làm 1 nam công nhân tử vong trên địa bàn P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức. Nạn nhân xấu số được xác định là ông Đ.T.T. (40 tuổi, trú P.Long Trường, TP.Thủ Đức) là công nhân xây dựng được lực lượng chức năng tìm thấy dưới đống đổ nát của sàn nhà.
Tai nạn trong lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao
Theo ông Xuyên, để giảm số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM phối hợp cùng các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ tổ chức kiểm tra an toàn diện của khoảng 20 công trình trên địa bàn TP, về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh LĐ trong Tháng hành động an toàn, vệ sinh LĐ năm nay.
Về giải pháp đối với các công trình xây dựng vi phạm an toàn LĐ, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết, Ban Quản lý dự án rất quan tâm đến các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công tại các công trình xây dựng có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người LĐ và tiến độ dự án. Do đó, cơ quan này yêu cầu nhà thầu phải chú trọng đầu tư các trang thiết bị, thường xuyên kiểm định máy móc để bảo đảm an toàn LĐ.
Ban Quản lý và các cơ quan chức năng liên quan cũng phối hợp để thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy định về công tác bảo đảm an toàn cho người LĐ và xử lý các tình huống TNLĐ có thể xảy ra. Đơn vị cam kết, sẽ xây dựng phương án ngăn ngừa tai nạn tại các công trường xây dựng; lắp đặt các biển báo, cảnh báo ở những nơi nguy hiểm để hạn chế tai nạn LĐ có thể xảy ra.
Khống chế, đẩy lùi tai nạn lao động
Theo ông Nguyễn Thanh Xuyên, TPHCM đang tập trung hàng trăm ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Những năm gần đây, khi TP ngày càng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng môi trường làm việc và tăng cường bảo đảm vệ sinh LĐ trong cả chuỗi cung ứng. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người LĐ được phát huy tối đa năng lực, cống hiến cho doanh nghiệp nói riêng và cho đất nước nói chung, TPHCM phải cố gắng phấn đấu để không có những vụ mất an toàn LĐ lớn xảy ra.
Một vụ tai nạn lao động gây thương vong về người
Cùng với đó, công tác kiểm tra chuyên ngành của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Xây dựng cũng được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ mất an toàn vệ sinh LĐ. Qua đó, số vụ TNLĐ cũng giảm dần qua hàng năm.
Mặc khác, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cũng thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người LĐ trong việc bảo đảm an toàn LĐ, bảo đảm sức khoẻ cho người LĐ trong quá trình làm việc. Chủ động, kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh LĐ, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như: làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy…; sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh LĐ.
Kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh LĐ, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người LĐ để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại doanh nghiệp, bảo đảm an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người LĐ…
Với những vụ TNLĐ thương tâm trong thời gian qua, cùng với những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, tuyên truyền vận động, hy vọng đó sẽ là bài học quý để tránh những vụ TNLĐ đáng tiếc về sau.