Hết năm 2023 có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp
Sáng 21.11, Tổng LĐLĐVN tổ chức họp Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng phong trào văn hóa, an toàn lao động trong công nhân lao động”.
Hơn 1.800 người lao động Công ty Hi-Tech Việt Nam Apparel (Quảng Nam) được khám bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Sông Hàn
Bà Trần Thị Thanh Hà – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN và các thành viên là đại diện các ban, đơn vị thuộc Tổng LĐLĐVN như Quan hệ Lao động, Tuyên giáo, Tài chính, Chính sách – Pháp luật, Nữ công, Báo Lao Động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động… cùng tham dự buổi họp.
Trình bày Đề cương Đề án “Xây dựng phong trào văn hóa, an toàn lao động trong công nhân lao động”, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN, đại diện nhóm biên tập Đề cương Đề án cho biết, đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp (BNN).
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc BNN và có 500 trường hợp được giám định BNN; giai đoạn 2013-2023, cả nước đã để xảy ra gần 100.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm hơn 100.000 người bị nạn và gần 10.000 người chết, khoảng 25.000 người bị tàn phế…
Đặc biệt, đang có khoảng 1 triệu người ở Việt Nam bị trầm cảm, rối loạn lo âu, hàng năm có khoảng 40.000 người chết vì vấn đề này. Nguyên nhân đã được xác định chủ yếu do điều kiện lao động chưa đảm bảo an toàn; việc thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa TNLĐ, BNN còn hạn chế. Trong đó, việc giáo dục, nâng cao nhận thức chấp hành, tuân thủ và chủ động, tự giác phòng ngừa TNLĐ, BNN và xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc quan tâm đúng mức.
Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN trình bày Đề cương Đề án. Ảnh: Hà Anh
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Đề cương của Đề án được xây dựng từ căn cứ Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19.3.2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam;
Tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, người sử dụng lao động, người lao động, trong đó Công đoàn có vai trò và trách nhiệm quan trọng nhằm cải thiện điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện chức năng và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong đoàn viên, người lao động vì mục tiêu bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy và cán bộ công đoàn làm công tác an toàn vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu tình hình mới; cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
Theo Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN, mục tiêu của Đề cương Đề án là đến năm 2028, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có kế hoạch triển khai công tác xây dựng văn hóa an toàn lao động trong đoàn viên, người lao động.
Trên 50% cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Tổ chức giải thưởng doanh nghiệp, đơn vị, công đoàn cơ sở xây dựng phong trào văn hóa an toàn lao động…
Tại buổi họp, các thành viên Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án đã góp ý về tiêu đề, kết cấu, nội dung triển khai, cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên…
Hà Anh