Hội thảo các giải pháp tăng cường quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các quy định về An toàn, vệ sinh lao động và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá khu vực Bắc Trung Bộ”.
Trước những thách thức về tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có xu thế gia tăng tại một số ngành nghề do việc quản lý an toàn vệ sinh lao động và tuân thủ các quy định pháp luật chưa được chặt chẽ, trong đó có ngành khai thác và chế biến đá. Được sự tham gia và hỗ trợ của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp khai thác đá khu vực Bắc Trung Bộ” nhằm tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp về các chính sách và giải pháp đảm bảo ATVSLĐ trong ngành khai thác đá.
Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn An Lương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam và GS.TS. Lê Vân Trình, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự hội thảo còn có TS. Lê Như Quân, đại diện Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động, đại diện Ban Chấp hành Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam, các nhà khoa học và các đại biểu quan tâm.
GS.TS. Lê Vân Trình phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phi Long
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Vân Trình cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh trong 2 năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại các mỏ đá trên cả nước. Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày một số chuyên đề về tình hình ATVSLĐ và việc thực thi các chính sách về ATVSLĐ tại một số cơ sở khai thác đá; trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến để Hội tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam có thêm ý kiến đóng góp cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động trên các công trường khai thác đá.
TS. Nguyễn Anh Thơ trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phi Long |
|
ThS. Trương Thị Yến Nhi trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phi Long |
ThS. Nguyễn Trinh Hương trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Phi Long |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung báo cáo và thảo luận các vấn đề cấp thiết, các xu hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá đang được quan tâm hiện nay. Một số báo cáo đã được trình bày trong hội thảo như: Tổng quan một số nghiên cứu về căng thẳng tâm lý trong lao động của người lao động khai thác khoáng sản; Báo cáo kết quả điều tra khảo sát 7 mỏ đá ở Nghệ An; Phân tích công nghệ sản xuất chế biến đá để nhận diện các nguy cơ có thể gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá ở các tỉnh Bắc Trung Bộ; Các giải pháp kỹ thuật công nghệ an toàn lao động nhằm giảm tai nạn lao động trong các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá; Các vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá tại khu vực Bắc Trung bộ và đề xuất mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động. Hội thảo đã được đông đảo các nhà khoa học cũng như các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi.
PGS.TS. Nguyễn An Lương phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: Phi Long
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Lương cho biết vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hội thảo đã chọn ngành khai thác đá để nghiên cứu là công việc rất có ý nghĩa cho sức khỏe, tính mạng của người lao động bởi lẽ đây là một ngành có rất nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại. Qua khảo sát, người lao động trong ngành này có nhiều vấn đề phát sinh như rất dễ bị căng thẳng tâm sinh lý, đối mặt với các bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng và dễ gặp tai nạn lao động hơn so với những ngành nghề khác. Do đó, để tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động thì trước hết, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động về ngành khai thác đá phải nắm vững kiến thức về pháp luật cũng như nhiệm vụ của từng người (người đứng đầu, người quản lý, cán bộ an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh viên và người lao động) để phổ biến và tập huấn được sâu rộng hơn. PGS.TS. Nguyễn An Lương cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành về an toàn vệ sinh lao động để thường xuyên thanh tra, giám sát đến từng cơ sở, từng doanh nghiệp nhỏ để không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông cũng cho rằng cần phải có một phong trào quần chúng rộng rãi từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến người lao động thì công tác an toàn vệ sinh lao động mới thực sự hiệu quả.
Nguyễn Kim Thi