Những rủi ro và giải pháp bảo đảm sức khỏe cho công nhân lao động trong ngành điện tử
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Giai đoạn 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, các loại chíp bán dẫn phục vụ cho công nghiệp AI, các thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại, robot… Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế… Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, NLĐ ngành điện tử đã và đang đối mặt với không ít rủi ro.
Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Nhiều người thường nghĩ công nhân tại các doanh nghiệp điện tử thường xuyên được ngồi điều hòa, nắng không đến mặt, mưa không đến đầu, tuy nhiên, công việc của họ không nhàn như nhiều người vẫn tưởng. Công việc này tuy giản đơn nhưng lặp lại liên tục, thao tác yêu cầu sự tập trung chú ý cao.
Theo một số nghiên cứu, điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, những công việc căng thẳng, làm đêm với độ dài ca 9-12 giờ… có thể ở mức độc hại, nguy hiểm. Nhiều lao động đã phản ánh việc thường xuyên đau mỏi xương khớp do tư thế làm việc, ù tai, thậm chí suy giảm thị lực từ 10/10 xuống còn 5/10… Một vấn đề đáng lưu ý là thời gian NLĐ gắn bó với công việc này thường ngắn, nguyên nhân là do tâm lý e ngại công việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các loại hóa chất độc hại sử dụng trong ngành điện tử về lâu dài có thể gây ra các bệnh ung thư; ngoài ra còn gây ra các bệnh liên quan đến sinh sản và trước mắt là gây nên các bệnh căng thẳng thần kinh, đau mỏi cơ xương khớp, giảm khả năng thị giác, thính giác. Các yếu tố vật lý có thể xuất hiện trong công nghiệp điện tử cũng là yếu tố nguy cơ, trong đó điển hình là tiếng ồn và bức xạ. Rối loạn cơ xương cũng là vấn đề nổi cộm ở công nhân ngành điện tử do công nhân làm việc theo dây chuyền, thao tác lặp đi lặp lại hoặc thao tác thủ công, làm việc ở tư thế tĩnh (đứng) trong thời gian dài. Luôn phải làm việc với các chi tiết nhỏ, công việc kiểm tra bằng mắt thường xuyên, kéo dài, đặc biệt là những công việc yêu cầu kính hiển vi, thường dẫn đến các căng thẳng thị giác.
Hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết trong quá trình sản xuất thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của NLĐ, cộng đồng và môi trường. Trong hơn 10 năm qua, ngành điện tử của Việt Nam đã trở thành ngành xuất khẩu quan trọng nhất của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất hàng điện tử hàng đầu trên thế giới. Cụ thể, năm 2010, 2,8% tổng số công việc sản xuất trong nước là trong ngành điện tử và con số này đã tăng lên 7,3% vào năm 2021. Năm 2020, có khoảng 910.000 việc làm trong ngành điện tử. Phần lớn lao động trong ngành này trước đây là lao động nữ, chiếm khoảng 60% lao động ngành điện tử vào năm 2020. Mặc dù tỷ lệ lao động nữ trong ngành điện tử đang giảm dần nhưng hiện vẫn chiếm đa số – ở mức khoảng 60%.
Giải pháp quản lý ATVSLĐ
Cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải tất cả công nhân điện tử đều phải đối mặt với nguy cơ độc hại. Nhiều công ty và nhà máy hiện rất quan tâm đến sức khỏe của nhân viên, đặc biệt là công nhân. Họ cải thiện các chế độ đãi ngộ và có chính sách để nâng cao đời sống công nhân; thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên để đảm bảo NLĐ luôn có thể trạng tốt. Các công ty cũng quan tâm trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ như kính, mũ, găng tay, khẩu trang,… để giảm thiểu tiếp xúc với hóa chất độc hại trong quá trình làm việc. Vấn đề chính yếu vẫn là NLĐ có kiến thức, kinh nghiệm để phòng, tránh các nguy cơ gây bệnh.
Theo quy định của Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy Chữa cháy, Luật Hóa chất và Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm tra nơi làm việc về các điều kiện an toàn, huấn luyện đầy đủ cho NLĐ; kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần cho NLĐ và trang bị phương tiện bảo hộ lao động khi cần thiết. Để thực hiện những công việc này, phải có cán bộ ATVSLĐ ở các cơ sở lao động và Ban ATVSLĐ nếu doanh nghiệp có trên 1.000 NLĐ để tiến hành kiểm tra 6 tháng/lần. Cơ sở sản xuất phải có phương án phòng cháy, chữa cháy. Phải cung cấp tờ thông tin an toàn hóa chất và ghi nhãn đầy đủ cho hóa chất. Điều 14 Luật ATVSLĐ cũng quy định người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, đặc biệt là NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và định kỳ huấn luyện lại. Luật Hóa chất (Điều 30) cũng yêu cầu đào tạo định kỳ cho NLĐ về an toàn hóa chất.
Các biện pháp an toàn cho NLĐ sản xuất linh kiện điện tử gồm: Công nhân cần được huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các quy trình làm việc, an toàn và sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân; được cung cấp đầy đủ thiết bị bảo vệ cá nhân như mặt nạ, găng tay, kính bảo hộ, quần áo bảo hộ, dày đạp chống đinh… Các thiết bị và hệ thống an toàn như cầu thang, lan can, hệ thống báo cháy cần được kiểm tra định kỳ và bảo trì để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Các hóa chất và vật liệu nguy hiểm cần được lưu trữ và sử dụng đúng cách để tránh nguy cơ gây cháy nổ hoặc ô nhiễm môi trường.
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử cần được thiết kế đảm bảo thoáng khí để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Các máy móc và thiết bị cần được sử dụng đúng cách và tuân thủ đầy đủ các quy trình an toàn. Công nhân cần được giám sát để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử. Các thiết bị cần được bảo trì và sửa chữa định kỳ để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa hoạt động. Định kỳ tổ chức quan trắc môi trường lao động trong nhà máy xí nghiệp, thu thập và phân tích các yếu tố có hại cho NLĐ, từ đó điều chỉnh giảm mức nguy hại để phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho họ…
Việc phát triển ngành lắp ráp điện tử đã có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn và góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo… là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để Việt Nam phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, đòi hỏi phải có một nghiên cứu chính thức để biết những nơi nào có các vấn đề quan ngại, thách thức và những thực hành tốt nhất có thể áp dụng để bảo vệ số lượng lao động ngày càng tăng trong ngành điện tử.
Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành điện tử. Các doanh nghiệp phải công khai hóa các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của NLĐ. Bởi, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa tự giác công khai danh mục các hóa chất độc hại đang sử dụng nên tổ chức Công đoàn không có đủ thông tin để cảnh báo NLĐ tự bảo vệ bản thân.
Ths. Lê Xuân Thê
Nguyên giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội