Những vấn đề đặt ra cho công tác An toàn, vệ sinh lao động hiện nay

Thứ Năm, 06/03/2025, 08:57(GMT +7)

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, đặt ra những tiêu chuẩn lao động mới, trong đó có các tiêu chuẩn về ATVSLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, xu thế hội nhập quốc tế sẽ khiến cho các doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh về giá, điều đó sẽ xuất hiện áp lực tăng cường năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, dẫn đến giảm đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), gây nguy cơ tăng TNLĐ, BNN và môi trường, điều kiện lao động (ĐKLĐ) không đảm bảo.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là quá trình chuyển đổi sang kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, làm gia tăng linh hoạt của thị trường lao động, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới trong kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến, dẫn đến xuất hiện các loại hình việc làm phi truyền thống, việc làm linh hoạt, tự do, mang tính chất tạm thời dẫn đến việc NLĐ thường làm việc với thời gian kéo dài vượt ngưỡng quy định của pháp luật lao động, không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, môi trường và điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của NLĐ.

Biến đổi khí hậu và tình trạng môi trường bị suy thoái, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ và độ ẩm tăng dẫn đến sức khỏe NLĐ dễ bị mệt mỏi, sốc nhiệt, nhất là đối với NLĐ làm việc ở ngoài trời, làm việc trong không gian hạn chế; môi trường ẩm ướt, dễ bị trơn trượt khi làm việc trên cao dẫn đến TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu có thể gây ra thay đổi trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc cung cấp vật liệu và nguyên liệu, NLĐ đối diện với nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất độc hại, vi khuẩn, vi rút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và phát sinh BNN, đòi hỏi phải có các giải pháp về quản lý ATVSLĐ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ.

Trong khi đó, các vấn đề hiện hữu như suy giảm kinh tế toàn cầu, suy thoái môi trường, tự động hóa, đô thị hóa ngày càng gia tăng… Sự dịch chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp cũng sẽ làm gia tăng tình trạng TNLĐ và ô nhiễm môi trường, nảy sinh nhiều yếu tố có hại (như hóa chất, dung môi, vi khuẩn, vi rút…) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe NLĐ, phát sinh BNN và môi trường, ĐKLV không đảm bảo.

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số cũng rất nhanh. Theo dự báo, thời gian quá độ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam khoảng 26 năm (từ năm 2011 đến 2036), đây là khoảng thời gian ngắn, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao. Như vậy, chỉ còn khoảng 14 năm nữa Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già (khi tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 20%, hay tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14%). Đặt ra yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm được an toàn lao động và sức khỏe cho NLĐ cao tuổi, bên cạnh đó cũng phải chú ý đến lực lượng lao động trẻ tuổi chiếm số lượng lớn ở Việt Nam.

Các xu hướng này mang đến cơ hội và thách thức cho việc thực hiện đảm bảo an ninh con người, bảo đảm sự an toàn của con người trước những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống, trong lao động và đảm bảo sức khỏe người dân.

Những vấn đề đặt ra cho công tác ATVSLĐ hiện nay

Quan điểm

Công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng vừa góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, vừa góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, công tác ATVSLĐ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp để tạo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, nâng cao sức khỏe cho NLĐ, đẩy mạnh sản xuất phát triển, thực hiện hiệu quả khát vọng xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Việc phát triển kinh tế – xã hội phải đi đối với thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Công tác ATVSLĐ là một phần quan trọng, là một bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt bằng việc thiếu kiểm soát ATVSLĐ (với những tồn tại hệ lụy lâu dài về kinh tế – xã hội). Đầu tư cho ATVSLĐ là đầu tư cho phát triển bền vững, cần được chú trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu trong xã hội kế hoạch, chương trình thực hiện công tác ATVSLĐ.

Một số nhiệm vụ trọng tâm

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe, tính mạng của NLĐ, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đổi mới có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ATVSLĐ phù hợp với thực tiễn và từng nhóm đối tượng. Đa dạng hóa các nội dung thông tin, tuyên truyền thông qua phản ánh các chế độ, chính sách, các mô hình hay, cách làm tốt, các gương điển hình về công tác ATVSLĐ. Mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về ATVSLĐ gắn với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Bảo đảm công tác ATVSLĐ gắn với việc nâng cao vật chất và tinh thần của NLĐ. Cần mở rộng thông tin, tuyên truyền ở các làng nghề, các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATVSLĐ.

Đẩy mạnh việc chia sẻ các nguồn lực thông tin, công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ, nâng cao nhận thức về cải thiện ĐKLĐ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại đe dọa tính mạng, sức khỏe NLĐ; tăng cường phổ biến các biện pháp cải thiện ĐKLĐ đến các doanh nghiệp, khu vực làng nghề, nông nghiệp thông qua các chương trình như cải thiện điều kiện trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong nông nghiệp, trong xây dựng và các công việc tại nhà.

Tăng cường công tác đối thoại giữa các cấp lãnh đạo quản lý với NLĐ, người sử dụng lao động để chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận trao đổi ý kiến những vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các bên nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới các giải pháp tốt nhất, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, doanh nghiệp phát triển bền vững, các cơ quan đạt mục tiêu quản lý.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ giữa con người, xã hội và thế giới tự nhiên. Với sự trợ giúp của công nghệ, khoa học và kỹ thuật, các sản phẩm của nền văn minh công nghiệp ngày càng đáp ứng rộng rãi nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp nhanh trong khi chưa lường hết những mặt trái đã dẫn đến những tổn hại hiện nay và cả trong tương lai lâu dài. Do vậy, cần gắn công tác ATVSLĐ với việc làm bền vững, tăng trưởng xanh, việc làm hài hòa, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tăng năng suất khi thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Tương ứng với đó, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện kịp thời, đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số về ATVSLĐ, đặc biệt đối với các ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cải thiện môi trường, ĐKLV cho NLĐ. Từng bước nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng phòng thử nghiệm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, máy, thiết, bị, công cụ, dụng cụ an toàn lao động đạt chuẩn quốc gia; phòng thử nghiệm thang máy. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động, cơ sở y tế khám điều trị BNN cho NLĐ bị TNLĐ, BNN.

Tăng cường công tác xã hội hóa để huy động được các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tối đa để các thành phần xã hội được tham gia các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực ATVSLĐ.

Nhà nước phải thực hiện ưu tiên đầu tư phát triển những lĩnh vực mà các thành phần khác không tham gia do lợi nhuận thấp hoặc cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng như điều dưỡng, phục hồi chức năng cho NLĐ, hoặc đào tạo giảng viên nguồn ATVSLĐ, kiểm định viên, quan trắc viên môi trường lao động. Có sự hỗ trợ cần thiết đối với các nhóm yếu thế như lao động tự do, khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực không có quan hệ lao động thông qua các hoạt động huấn luyện, tư vấn, đào tạo. Ưu tiên về hỗ trợ nguồn lực đối với quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe, khám BNN…

ThS. Chu Thị Hạnh

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

 

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 354 (Tháng 1/2025)