Nỗ lực hành động vì an toàn sức khỏe, tính mạng người lao động
Năm 2024 chứng kiến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), một nhiệm vụ quan trọng không chỉ đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho NLĐ mà còn góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, bền vững, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều hoạt động thiết thực, tạo nên những kết quả đáng ghi nhận.
Truyền thông mạnh mẽ, thay đổi nhận thức và hành vi về ATVSLĐ
Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, khi các cấp công đoàn đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024). Bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về công tác ATVSLĐ.
Điểm nhấn quan trọng là Lễ Phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân được tổ chức vào ngày 26/4/2024 có sự tham dự của đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Sự kiện này không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề an toàn lao động. Tại Lễ phát động, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đã tặng quà cho 20 nạn nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 100 triệu đồng, trao 05 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn và 05 Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho các đơn vị xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2023.
Sau sự kiện tại Trung ương, 100% địa phương, ngành đã đồng loạt phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ với quy mô và hình thức đa dạng, sáng tạo. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu các chuyên đề sâu về giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, chia sẻ kinh nghiệm trên ấn phẩm chuyên ngành, biên soạn và phát hành 1.500 sổ tay về tiêu chuẩn phân loại lao động.
Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” diễn ra trên Tạp chí điện tử laodongcongdoan.vn từ 00h00 ngày 15/4/2024 đến 24h00 ngày 15/5/2024. Đây là sáng kiến mới thu hút 836.177 người tham gia với 34.772 người trả lời đúng 100% câu hỏi trắc nghiệm. Thông qua cuộc thi, nhiều đoàn viên, NLĐ đã được nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường ý thức tuân thủ các nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn tại nơi làm việc, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn còn tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ và triển khai các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. “Bữa cơm Công đoàn” được triển khai đồng loạt trong các cấp công đoàn nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.
Ở công đoàn cấp tỉnh, cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở, các hoạt động tuyên truyền diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức đa dạng: treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tư vấn trực tuyến, sử dụng mạng xã hội. Gần 10.000 tin, bài, phóng sự trên báo chí và truyền hình đã được thực hiện, cùng với hàng chục nghìn bài viết, hình ảnh, video được chia sẻ trên các kênh truyền thông của công đoàn, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Quảng Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Công đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Công đoàn Quốc Phòng.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, động lực then chốt của công tác ATVSLĐ
Các phong trào thi đua mang tính “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn như “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc”, “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ” đã được các cấp công đoàn triển khai mạnh mẽ, tạo ra động lực lớn cho việc cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao ý thức về ATVSLĐ.
Kết quả có 41.188 công đoàn cơ sở tổ chức phát động hàng trăm phong trào thi đua về ATVSLĐ với 1.195.504 người tham gia. Có 16.971 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; năm 2023 có 690 đoàn viên, NLĐ và 6 tháng đầu năm 2024 có 473 đoàn viên, NLĐ được đề nghị Tổng liên đoàn tặng Bằng lao động sáng tạo. Qua các phong trào thi đua, các cấp công đoàn đã tặng 91 Cờ, 583 Bằng khen, 942 Giấy khen cho tập thể, 1.834 Bằng khen, 978 Giấy khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 7C/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” đã được các cấp công đoàn quan tâm, với hơn 12.000 doanh nghiệp đảm bảo mức ăn ca theo quy định.
Bên cạnh đó, mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) tại các doanh nghiệp được củng cố và phát triển, với hơn 220.000 ATVSV được đào tạo, tập huấn. Nhiều hội thi ATVSV giỏi đã được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn người tham gia, tạo sân chơi bổ ích để các ATVSV học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
Giám sát, kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu khắc phục vi phạm ATVSLĐ
Bám sát Công văn số 2041/BCĐTƯ-CATLĐ ngày 16/5/2024 của Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ Trung ương, Tổng Liên đoàn đã tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình việc triển khai thực hiện Tháng Hành động về ATVSLĐ tại LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Công đoàn Dệt May Việt Nam. Thông qua công tác kiểm tra, nắm tình hình, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Tổng Liên đoàn và Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ.
Cũng trong Tháng Hành động về ATVSLĐ, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công ngành Trung ương và công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức giám sát, tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 5.139 doanh nghiệp với 1.810 vi phạm được phát hiện. Các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra ATVSLĐ với 22.561 cuộc. Qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ đã phát hiện, yêu cầu khắc phục 16.587 vi phạm và nguy cơ mất ATVSLĐ, trên 10.071 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung.
Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện các thiếu sót, tồn tại, vi phạm về công tác ATVSLĐ, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện và thực hiện công tác ATVSLĐ được tốt hơn, môi trường lao động sản xuất an toàn hơn, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng NLĐ
Trong Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024, đã xảy ra một số vụ TNLĐ, cháy nổ, sự cố nghiêm trọng như: vụ TNLĐ ở Công ty Than Thống Nhất, thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam làm 4 người chết, 7 người bị thương; vụ TNLĐ tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm 07 người chết, 03 người bị thương; vụ TNLĐ tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh, Đồng Nai làm 6 người chết, 5 người bị thương; vụ TNLĐ do sạt lở đất tại khu vực thi công dự án đường điện 500KV mạch 3 đoạn đi qua thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm chết 03 người, bị thương 04 người; vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Vina Shiwon, tỉnh Vĩnh Phúc…
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức đoàn đi thăm, động viên với số tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho trường hợp chết người và 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng cho trường hợp bị thương nặng, tổng số tiền thăm hỏi là 247.000.000 đồng.
LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 1.574 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền là 12.441.950.000 đồng; công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở cả nước đã thăm, tặng quà cho 47.198 nạn nhân, gia đình nạn nhân với tổng số tiền 21.203.020.000 đồng.
Để lắng nghe và phản ánh ý kiến của đoàn viên, NLĐ, năm 2024, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan địa phương liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với CNLĐ. Qua đó, đã có 1.112 lượt ý kiến, kiến nghị về đời sống CNLĐ và các chính sách liên quan đến CNLĐ được tổng hợp, phản ánh, trong đó có nhiều ý kiến về công tác ATVSLĐ, như cần nâng cao chất lượng bữa ăn ca, giám sát chế độ khám sức khỏe định kỳ và tăng cường giám sát việc thực hiện quan trắc môi trường lao động…
Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng chủ động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ, đối thoại, tư vấn chế độ chính sách cả trực tiếp và trực tuyến; tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ; trao nhà “Mái ấm Công đoàn”; trang bị máy móc, phương tiện bảo vệ cá nhân cho đoàn viên, NLĐ.
Các cấp công đoàn là thành viên tích cực tham gia hoạt động đối thoại của Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ và Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh, thông qua đó phản ánh các kiến nghị, giải pháp của công đoàn các cấp và NLĐ về chế độ, chính sách và các vấn đề liên quan đến công tác ATVSLĐ để có những đề xuất phù hợp cho từng địa phương, đơn vị.
Có thể nói, năm 2024 các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ của các cấp công đoàn trong cả nước đã góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN và đã tạo nên hiệu ứng, sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp và NLĐ.
Trong năm 2025, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia xây dựng hoặc thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ giám sát theo Điều 16 Luật Công đoàn vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024, nhằm mang đến những mùa xuân an toàn, ấm áp cho đoàn viên, NLĐ.
ThS. Hồ Thị Kim Ngân
Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam