Phát huy vai trò của Công đoàn trong an toàn vệ sinh lao động

Thứ Năm, 30/05/2024, 08:57(GMT +7)

(LĐTĐ) Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi, Phó trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn), để hạn chế tối đa tai nạn lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở nơi làm việc thì vai trò của tổ chức Công đoàn là hết sức quan trọng. Công đoàn có quyền yêu tạm ngừng hoạt động sản xuất nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động…

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của cả tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp. Những năm qua, các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với chính quyền, chủ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo an toàn vệ sinh trong lao động sản xuất cho người lao động.

Hàng năm để đảm bảo công tác ATVSLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, LĐLĐ Thành phố cũng đã chỉ đạo và phối hợp với Công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến công tác an toàn vệ sinh, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Đặc biệt trong Tháng hành động về ATVSLĐ, LĐLĐ quận, huyện, ngành của Thành phố triển khai mạnh mẽ các hoạt động, mỗi đơn vị tổ chức ít nhất một hoạt động chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho người lao động.

Điển hình như LĐLĐ huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể và tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động năm 2024. Công ty Môi trường đô thị Sóc Sơn (thuộc LĐLĐ huyện Sóc Sơn) đã tổ chức Hội thi ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề: “An toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ”.

Phát huy vai trò của Công đoàn trong an toàn vệ sinh lao động
Công ty Môi trường đô thị Sóc Sơn (thuộc LĐLĐ huyện Sóc Sơn) đã tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh lao động năm 2024.

Theo đó, công nhân lao động đã trở thành các diễn viên, với phương pháp truyền thông gần gũi, vui vẻ, thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, công nhân lao động đảm bảo những quy định trong ATVSLĐ cũng như thông qua đó tuyên truyền để nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, chấp hành nội quy, quy trình ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại Công ty.

Tại Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam đặc biệt chú trọng đến công tác ATVSLĐ. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, từ ngày thành lập đến nay, Công ty luôn hướng tới một môi trường làm việc an toàn. Có như vậy, toàn thể cán bộ, công nhân viên mới yên tâm làm việc, cống hiến và chung sức nâng cao chất lượng, năng suất lao động.

Ban Chấp hành Công đoàn đã và đang tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban lãnh đạo Công ty triển khai các giải pháp để đảm bảo ATVSLĐ như: Thường xuyên cải thiện môi trường làm việc để đảm bảo an toàn cho người lao động; trồng cây lấy bóng mát, hoa, cây cảnh để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp; hằng tháng, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp cùng Ban lãnh đạo Công ty kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về việc thực hiện ATVSLĐ tại các phòng, bộ phận. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra 5S cũng được thực hiện hằng ngày để nhà xưởng luôn sạch sẽ, đảm bảo loại trừ tối đa các yếu tố có hại cho sức khỏe người lao động cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Công ty tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ, diễn tập thực tế công tác phòng cháy chữa cháy, diễn tập công tác xử lý sự cố tràn đổ hóa chất, lập Group trên Zalo để tuyên truyền, triển khai đến người lao động những nội dung liên quan đến công tác ATVSLĐ…

Qua đó, giúp người lao động nâng cao ý thức và luôn nắm được các kiến thức cần thiết trong công tác đảm bảo ATVSLĐ. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cũng đã có nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới An toàn, vệ sinh viên nhằm kịp thời nhắc nhở các vi phạm an toàn, phát hiện các nguy cơ mất an toàn. Từ đó, kịp thời khắc phục, tìm tòi và đề xuất cải tiến để giảm thiểu nặng nhọc trong công việc, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Phát huy vai trò của Công đoàn trong an toàn vệ sinh lao động
Để hạn chế tối đa tai nạn lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở nơi làm việc thì vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ sở là hết sức quan trọng.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi, Phó trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn), để hạn chế tối đa tai nạn lao động, đảm bảo ATVSLĐ ở nơi làm việc thì vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ sở là hết sức quan trọng.

Cán bộ Công đoàn cần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động trong các cấp Công đoàn cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ làm công tác ATVSLĐ, nghiên cứu đề xuất các mô hình, quy trình, cách thức công đoàn tham gia công tác ATVSLĐ.

Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi nhấn mạnh, trong Luật ATVSLĐ có quy định rõ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và Công đoàn cơ sở với công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Cụ thể, Công đoàn cơ sở có các vai trò như: Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động.

“Công đoàn có thể đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong Thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm”, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi cho biết.

Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi cũng cho biết thêm, Công đoàn cơ sở cũng có vai trò đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ. Thực hiện công tác khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.

Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn và người lao động.

Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động…

Ngân Phương
Nguồn: laodongthudo.vn