Phòng ngừa tai nạn lao động thương tâm trong thi công công trình thủy điện

Thứ Hai, 05/05/2025, 09:12(GMT +7)

Vụ tai nạn lao động sập giàn giáo thương tâm tại công trình thủy điện Đăk Mi 1, Kon Tum, cướp đi sinh mạng của 5 công nhân vào cuối năm 2024, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động (ATLĐ) trong ngành xây dựng thủy điện.

Nguy cơ mất an toàn trong thi công thủy điện

Có thể nói, việc tổ chức và đề ra các biện pháp thi công công trình nói chung, đặc biệt là công trình thủy điện, có lắp đặt và sử dụng giàn giáo là vô cùng quan trọng. Trong đó, công tác đảm bảo ATLĐ tại các công trình này cần được xem là một trong những yếu tố quan trọng và mang tính “sống còn”, bởi nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động tại các công trình thủy điện luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Công nhân, người lao động thường làm việc tại những khu vực nguy hiểm, có địa hình phức tạp như đồi núi, sông suối, ao hồ, cách xa khu dân cư. Họ thường xuyên di chuyển, đi lại và làm việc trên giàn giáo, do đó nguy cơ tai nạn lao động, đặc biệt là té ngã từ độ cao xuống đất hoặc xuống ao hồ, là rất lớn. Nếu có tâm lý lơ là, chủ quan và không có các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt khi thi công công trình thủy điện vào mua mưa, bão.

Theo quan sát, hầu hết các vụ tai nạn lao động do sập giàn giáo trong quá trình thi công công trình thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng thời gian gần đây đều xuất phát từ sự chủ quan của các đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, phương án ATLĐ, đặc biệt là trong khâu lắp đặt và sử dụng giàn giáo.

Không ít vụ tai nạn sập giàn giáo tại các công trình thủy điện xảy ra do sai sót, vi phạm trong quá trình lắp đặt, khiến giàn giáo bị sập đổ, làm công nhân rơi từ độ cao xuống đất, sông suối, ao hồ, dẫn đến thương vong. Đáng lo ngại, một số đơn vị thi công và chủ doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác ATVSLĐ.

Công nhân làm việc trên cao, di chuyển trên giàn giáo nhưng không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ bảo hộ, đặc biệt là dây an toàn. Nhiều công trình còn thiếu hệ thống lưới bảo vệ quanh giàn giáo, làm gia tăng nguy cơ tai nạn lao động nghiêm trọng khi xảy ra sự cố.

Công tác quản lý an toàn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục

Theo quy định của Luật Điện lực được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/02/2025, tại Mục 2, An toàn công trình thủy điện, Khoản 2, Điều 75 Nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện quy định “Công tác quản lý an toàn công trình thủy điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy điện bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định của pháp luật về xây dựng, an toàn đập, hồ chứa nước, pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về phòng, chống thiên tai, pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Tại Khoản 3 quy định “Chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy điện chịu trách nhiệm đối với an toàn công trình thủy điện do mình sở hữu và đầu tư, áp dụng đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy điện để bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống các công trình thủy điện, góp phần bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập”.

Điều 76 An toàn trong giai đoạn xây dựng, trước khi đưa vào vận hành, Khoản 2 quy định “Trong quá trình thi công xây dựng dự án công trình thủy điện mới, chủ đầu tư có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Đối với dự án đầu tư mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành công trình hiện hữu lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai”…

5 nguyên nhân dẫn đến sập giàn giáo tại các công trình thủy điện

Thiết kế và lắp đặt không đạt tiêu chuẩn

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sập giàn giáo tại công trình thủy điện là thiết kế và lắp đặt không đảm bảo tiêu chuẩn. Nhiều giàn giáo không được tính toán đầy đủ tải trọng động (khi có người và vật liệu di chuyển) hoặc tải trọng gió (khi có gió lớn). Sơ đồ lắp đặt sai hoặc không phù hợp với địa hình, địa chất khu vực thi công, đặc biệt tại các vùng đồi núi có nền đất yếu, khiến giàn giáo và sàn công tác mất ổn định, dễ bị rung lắc và mất cân bằng khi thi công, làm tăng nguy cơ sập đổ.

Sử dụng vật liệu kém chất lượng

Một số đơn vị thi công và doanh nghiệp sử dụng giàn giáo làm từ thép không đạt tiêu chuẩn, thép bị mài mòn hoặc rỉ sét. Ống thép mỏng, dễ cong vênh dưới áp lực tải trọng, dẫn đến giàn giáo không chịu được sức nặng và có thể gãy hoặc sập trong quá trình thi công.

Quản lý và giám sát yếu kém

Công tác giám sát ATLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều công trình không có kỹ sư hoặc giám sát viên chuyên môn phụ trách kiểm tra, nghiệm thu giàn giáo. Công nhân tự lắp đặt giàn giáo mà không có hướng dẫn cụ thể hoặc bản vẽ kỹ thuật, dẫn đến sai sót trong lắp đặt, làm giảm độ an toàn khi sử dụng.

Quá tải và điều kiện môi trường bất lợi

Tại nhiều công trình, vật liệu xây dựng bị xếp chồng lên giàn giáo vượt quá mức tải trọng thiết kế. Ngoài ra, các yếu tố thời tiết như mưa bão, gió lớn có thể làm giảm độ bám chắc của giàn giáo với nền đất, dẫn đến giàn giáo bị mất ổn định, dễ đổ sập trong quá trình thi công.

Thiếu kiểm tra, bảo trì định kỳ

Nhiều đơn vị thi công không thực hiện kiểm tra, bảo trì giàn giáo thường xuyên. Các bộ phận của giàn giáo không được kiểm tra trước mỗi lần lắp đặt, dẫn đến tình trạng chi tiết bị lỏng, rỉ sét nhưng không được thay thế kịp thời. Điều này làm giảm độ an toàn và làm tăng nguy cơ xả ra tai nạn lao động nghiêm trọng.

Giải pháp ngăn chặn nguy cơ sập giàn giáo tại công trình thủy điện

Để hạn chế các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan đến sập giàn giáo, sập sàn công tác tại các công trình thủy điện, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Cải thiện thiết kế và kiểm tra kỹ thuật

Giàn giáo phải được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn an toàn, như TCVN 2737:2022 (Tải trọng và tác động trong xây dựng). Việc kiểm định bản vẽ, nghiệm thu kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lắp đặt sai hoặc không đảm bảo an toàn.

Sử dụng vật liệu đạt chuẩn

Chỉ sử dụng giàn giáo có chứng nhận chất lượng, đảm bảo các chi tiết không bị cong vênh, rỉ sét. Vật liệu đạt chuẩn giúp nâng cao độ bền và khả năng chịu tải trọng, giảm nguy cơ sập đổ.

Tăng cường giám sát và huấn luyện ATLĐ

Cần bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên có kinh nghiệm giám sát quá trình lắp đặt, sử dụng giàn giáo. Đồng thời, công nhân phải được đào tạo bài bản về cách lắp đặt đúng kỹ thuật, sử dụng giàn giáo an toàn, không vượt tải trọng thiết kế. Việc trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân cũng là yêu cầu bắt buộc.

Kiểm soát tải trọng và ứng phó với điều kiện môi trường

Không chất tải vật liệu hoặc thiết bị nặng quá mức cho phép lên giàn giáo, sàn công tác. Khi thời tiết xấu (mưa bão, gió lớn), cần tạm dừng thi công hoặc có biện pháp gia cố để tăng độ ổn định.

Kiểm định và bảo trì định kỳ

Giàn giáo cần được kiểm định sau mỗi giai đoạn thi công hoặc định kỳ 3-6 tháng/lần. Việc kiểm tra các chi tiết như ống thép, mối nối, khóa giàn giáo và thay thế bộ phận không đạt chuẩn sẽ đảm bảo giàn giáo luôn trong tình trạng tốt nhất.

Ứng dụng công nghệ hiện đại

Sử dụng giàn giáo tiên tiến như giàn giáo thép mạ kẽm, giàn giáo định hình có hệ thống khóa tự động. Đồng thời, triển khai cảm biến theo dõi tải trọng, độ rung lắc theo thời gian thực để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, cần có sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền và cơ quan chức năng. Việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên tại các công trình thủy điện – vốn có địa hình hiểm trở, xa khu dân cư – sẽ giúp phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm và ngăn ngừa những vụ tai nạn thương tâm.

Tóm lại, các vụ tai nạn lao động do sập giàn giáo không chỉ xuất phát từ yếu tố kỹ thuật mà còn do con người. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp bảo vệ an toàn cho công nhân, kỹ sư và tài sản công trình, hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình thi công.

Nguyễn Đước

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 355 (Tháng 2/2025)