Quan tâm phòng bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế
Nhân viên y tế với đặc thù thường xuyên phải tiếp xúc với các loại dịch bệnh dễ lây, làm việc trong môi trường bức xạ,… đối diện với nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp. Song, nhờ hoạt động bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế được đặc biệt quan tâm ở các cơ sở y tế nên hầu như không có trường hợp bị bệnh nghề nghiệp.
Nhân viên y tế chụp X-quang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy.
An tâm vì được quan tâm đúng mức
Công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, hơn 17 năm, kỹ thuật viên trưởng Phan Minh Quang, nhận thấy mình được quan tâm bảo vệ an toàn sức khỏe, phòng bệnh nghề nghiệp. Anh Quang chia sẻ: “Khi chọn làm kỹ thuật viên, chúng tôi hiểu về những ảnh hưởng sức khỏe và bệnh nghề nghiệp có thể mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn như bệnh ung thư da, ung thư máu,… vì đối diện với nguy cơ tiếp xúc với tia X mỗi ngày. Nhưng điều kiện làm việc ở khu vực chụp X-quang luôn được Ban Giám đốc quan tâm đảm bảo an toàn. Hàng năm, các phòng chụp X-quang đều có cơ quan chức năng kiểm tra an toàn bức xạ. Phòng làm việc của nhân viên được đảm bảo an toàn ngăn tia X. Chúng tôi luôn được ưu tiên khám sức khỏe 2 lần/năm, thay vì nhân viên y tế khác chỉ được khám 1 lần để tầm soát, phát hiện bệnh nghề nghiệp”.
Ngoài được trang bị phòng và điều kiện bảo hộ tốt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở phòng chụp X-quang, các kỹ thuật viên đều được nhắc nhở phải tuân thủ đúng quy trình, bắt buộc đóng kín cửa phòng nhân viên trước khi phát tia X. Nhiều năm qua, không chỉ kỹ thuật viên Quang mà tất cả các kỹ thuật viên khác đều không mắc bệnh nghề nghiệp.
Định kỳ hàng năm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy tổ chức khám sức khỏe cho 100% cán bộ, viên chức, người lao động, không riêng nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Phòng Kế hoạch, Nghiệp vụ, Điều dưỡng, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện: “Trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, 100% cán bộ, viên chức, người lao động sẽ được khám sức khỏe định kỳ. Dự kiến thực hiện từ ngày 28-5. Qua đó, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý, bệnh nghề nghiệp, nhất là nhân viên y tế luôn tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây nhiễm”.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy còn đảm bảo điều kiện lao động tốt cho nhân viên. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Hàng năm, bệnh viện đều đo điều kiện môi trường, tiếng ồn, ánh sáng. Từng khoa đặc thù có phương tiện bảo vệ phù hợp. Đảm bảo đủ các phương tiện bảo hộ khi tiếp cận bệnh nhân. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh yêu cầu nhân viên y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn an toàn lao động và định kỳ cập nhật kiến thức”.
Phòng lây bệnh hiệu quả ở nơi nguy cơ cao
Cán bộ, nhân viên y tế chuyên ngành lao, HIV,… là những người có nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp rất cao.
Tại Bệnh viện Phổi tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp phòng bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, thông tin: “Nhiều năm qua, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh nghề nghiệp ở bệnh viện. Việc bảo vệ, phòng bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế luôn được quan tâm đúng mức. Tại khoa khám bệnh, chúng tôi bố trí các phòng khám riêng biệt để phòng lây bệnh. Bàn thu viện phí hay nhân viên y tế khám bệnh được trang bị phòng có kính chắn để bảo hộ cho nhân viên. Người bệnh đến khám bệnh tại bệnh viện phải tuân thủ đeo khẩu trang 100%. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ của bệnh nhân đến khám cũng đeo khẩu trang, bác sĩ cũng buộc đeo khẩu trang trước khi thăm khám cho bệnh nhân”.
Tại các khoa điều trị của bệnh viện đã bố trí khoa lao riêng, lao kháng thuốc đồng thời có trang bị quần áo riêng biệt, có biển báo, hạn chế người tiếp xúc… Hàng tuần, bệnh viện đều phun khử khuẩn không khí bằng tia Ozon. Thường xuyên tham gia các lớp tập ngắn hạn từ 1-3 tháng về chuyên môn lĩnh vực công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Hàng năm, bệnh viện tổ chức kiểm tra sức khỏe cho nhân viên 6 tháng một lần, có chụp X-quang, xét nghiệm Xpert để tầm soát bệnh lao nếu có.
Ngoài sự quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đảm bảo điều kiện an toàn lao động, phòng bệnh nghề nghiệp, nhân tố quan trọng còn là sự tuân thủ đúng quy trình phòng lây bệnh của nhân viên y tế. Nhất là ở các khoa xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ông Nguyễn Văn Chức, nhân viên Khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Đã hơn 15 năm tôi làm công tác xét nghiệm HIV. Trực tiếp lấy mẫu, nhận mẫu, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Trong quá trình thực hiện lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân HIV/AIDS có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, tiềm ẩn từ khâu trước, trong và sau xét nghiệm. Bệnh nhân nhiễm HIV cơ bản đã suy giảm miễn dịch nên kèm theo nhiều bệnh lý khác nhau như lao, lao kháng thuốc, viêm gan B, C… môi trường làm việc nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để không bị lây nhiễm cho bản thân cũng như cho đồng nghiệp cùng thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định, quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện đúng an toàn sinh học, bảo hộ an toàn lao động”.
Công tác bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế đã được quan tâm đúng mức ở nhiều cơ sở y tế. Tuy nhiên, nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp vẫn luôn hiện hữu trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, ngoài thực hiện tốt hơn các giải pháp hiện tại, các cơ sở y tế cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng chống bệnh nghề nghiệp của mỗi nhân viên y tế. Qua đây, giúp nhân viên y tế vừa phòng, tránh phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp hiệu quả cho bản thân và mang lại sự an toàn phòng lây nhiễm cho cả người bệnh.
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM