Quan trắc tự động liên tục theo thời gian thực – Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong giám sát chất lượng môi trường lao động.
Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, quan trắc MTLĐ là hoạt động thu thập, phân tích và đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường làm việc nhằm đưa ra biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Các yếu tố cần quan trắc bao gồm: Các yếu tố cần quan trắc bao gồm: yếu tố vi khí hậu, yếu tố vật lý, bụi các loại, yếu tố hóa học, yếu tố vi sinh vật, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, yếu tố tâm sinh lý lao động – ecgônômi và các yếu tố khác.
Quan trắc MTLĐ tự động liên tục là hệ thống sử dụng thiết bị và công nghệ để theo dõi, giám sát các yếu tố môi trường lao động theo thời gian thực mà không cần sự can thiệp thủ công từ con người. Mục tiêu chính của hệ thống là đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp. Đồng thời, dữ liệu quan trắc được cập nhật theo thời gian thực, giúp cung cấp cảnh báo sớm để bảo vệ người lao động trước các nguy cơ tiềm ẩn.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều yêu cầu thực hiện quan trắc MTLĐ định kỳ hàng năm tại các cơ sở sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng môi trường làm việc và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Quan trắc tự động liên tục theo thời gian thực được khuyến khích áp dụng đối với một số ngành nghề hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như hóa chất, công nghiệp nặng và khai thác mỏ. Tuy nhiên, rất ít quốc gia quy định bắt buộc quan trắc theo thời gian thực tại các vị trí làm việc, do điều này có thể phát sinh nhiều hệ lụy và thách thức thực tế mà chưa có giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia.
Việc quy định quan trắc môi trường lao động (MTLĐ) tự động, liên tục tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong việc giám sát, bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Việc triển khai hệ thống quan trắc MTLĐ tự động liên tục không chỉ góp phần nâng cao tiêu chuẩn an toàn lao động mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống quan trắc tự động liên tục cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, chi phí đầu tư và vận hành, hệ thống pháp lý về quy chuẩn – tiêu chuẩn, cũng như các yếu tố kinh tế – xã hội khác.
1. Những công nghệ thiết bị quan trắc tự động liên tục thời gian thực với các yếu tố có hại trong môi trường lao động
Các thiết bị công nghệ sử dụng trong quan trắc MTLĐ tự động theo thời gian thực chủ yếu dựa trên các loại cảm biến hóa học, quang hóa, nhiệt… Trong đó, cảm biến hóa học được ứng dụng rộng rãi để phát hiện và đo lường nhiều loại khí và hóa chất trong môi trường, như: CO, O2, NO2, SO2, H2S, NH3, CH4 và các khí dễ cháy khác, VOCs, bụi… Tùy vào loại chất cần đo, các công nghệ cảm biến khác nhau như điện hóa, bán dẫn, quang học và xúc tác sẽ được sử dụng. Việc lựa chọn cảm biến phù hợp phụ thuộc vào đặc tính của chất hóa học cần đo, yêu cầu về độ nhạy, độ chính xác, cũng như điều kiện môi trường đo lường.
Việc triển khai hệ thống quan trắc môi trường lao động (MTLĐ) tự động liên tục theo thời gian thực (real-time monitoring) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cần lưu ý một số hạn chế của hệ thống này, bao gồm: Chưa có đủ cảm biến để phát hiện và đo lường toàn bộ các yếu tố có hại trong MTLĐ, đặc biệt là các tác nhân hóa học hoặc các yếu tố hóa học bị biến đổi sau phản ứng trong quá trình sản xuất và môi trường; Độ chính xác của cảm biến có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến sai lệch kết quả đo lường; Khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt còn hạn chế; Hệ thống đòi hỏi nguồn năng lượng ổn định để duy trì hoạt động liên tục, tránh giá đoạn quan trắc; Việc tích hợp và đảm bảo tính tương thích giữa các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau có thể gặp khó khăn; Lưu trữ và xử lý dữ liệu phức tập, do hệ thống thu thập một lượng lớn thông tin cần được quản lý hiệu quả; Rủi ro an ninh mạng và bảo mật dữ liệu; Chi phí đầu tư và bảo trì cao; Hệ thống có thể gặp sự cố không mong muốn như mất kết nối, lỗi phần mềm hoặc hỏng hóc phần cứng, dẫn đến mất dữ liệu hoặc sai lệch kết quả quan trắc.
Những hạn chế trên có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống quan trắc MTLĐ tự động. Do đó, việc lựa chọn thiết bị phù hợp, thiết lập tiêu chí rõ ràng khi chọn cảm biến, bảo trì định kỳ và quản lý dữ liệu hiệu quả là yếu tố quan trọng để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và chính xác.
2. Những thách thức khi áp dụng tại Việt Nam
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển sâu rộng với nền sản xuất công nghiệp toàn cầu. Việc đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động là yêu cầu tất yếu, trong đó công tác quan trắc MTLĐ là một công cụ quan trọng góp phần phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống quan trắc tự động theo thời gian thực cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Dưới đây là một số vấn đề cần xem xét từ góc độ quản lý nhà nước:
– Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ: Hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam chưa đồng bộ, công nghệ còn hạn chế, gây khó khăn trong việc triển khai rộng rãi các hệ thống quan trắc tự động liên tục. Phần lớn các thiết bị và công nghệ hiện đại đều phải nhập khẩu với chi phí cao, điều này làm tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, các công nghệ nhập khẩu có thể chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện môi trường làm việc và khí hậu tại Việt Nam, ảnh hưởng đến độ chính xác và hiệu quả của thiết bị.
– Chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì cao: Việc đầu tư các hệ thống quan trắc tự động đòi hỏi chi phí lớn không chỉ cho thiết bị mà còn cho việc lắp đặt và bảo trì. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vốn chiếm phần lớn tại Việt Nam.
– Đào tạo nhân lực và năng lực vận hành: Do công nghệ quan trắc tự động còn mới mẻ, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần thời gian để đào tạo nhân sự và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Việc này không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính mà còn cần một kế hoạch dài hạn để nâng cao kỹ năng cho người lao động và chuyên gia.
– Khung pháp lý và chính sách chưa đồng bộ: Chưa có hệ thống tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật hoàn thiện cho quan trắc MTLĐ tự động liên tục. Sự thiếu rõ ràng trong các tiêu chuẩn kỹ thuật và các tiêu chí phân loại bắt buộc khiến cho việc triển khai và giám sát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, y thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, trong khí cơ chế xử phạt và giám sát chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lách luật hoặc thực hiện không nghiêm túc.
– Khả năng ứng dụng tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa: SMEs ở Việt Nam thường có nguồn lực tài chính hạn chế, vì vậy việc đầu tư vào hệ thống quan trắc tự động liên tục là một thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn là đầu tư vào hệ thống đảm bảo MTLĐ, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện các quy định về quan trắc môi trường.
– Sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các cơ quan quản lý: Các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs, cần sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ phía chính phủ để triển khai hệ thống quan trắc tự động. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình hỗ trợ của nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
– Nhận thức của doanh nghiệp về quan trắc MTLĐ: Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của quan trắc MTLĐ trong bảo vệ sức khỏe NLĐ và phòng chống BNN. Điều này có thể dẫn đến việc không thực hiện chưa đầy đủ hoặc thiếu quan tâm đến việc giám sát MTLĐ.
– Tích hợp hệ thống và quản lý dữ liệu: Hệ thống quan trắc tự động cần được tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa và tích hợp các hệ thống khác nhau có thể là một thách thức lớn, đặc biệt khi các hệ thống hiện có thường không tương thích với công nghệ mới. Việc lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ và bảo mật cao. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức về bảo mật dữ liệu và rủi ro liên quan đến tấn công mạng khi triển khai các hệ thống dựa trên IoT và điện toán đám mây.
– Sự thay đổi trong quy trình sản xuất: Việc triển khai hệ thống quan trắc tự động liên tục có thể yêu cầu thay đổi quy trình sản xuất để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai. Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn toàn diện, doanh nghiệp cần kết hợp hệ thống quan trắc tự động với các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc và đào tạo NLĐ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cách thức quản lý ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp.
– Tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp: Việc đầu tư vào hệ thống quan trắc tự động liên tục có thể làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với các đối thủ quốc tế. Các ngành công nghiệp lớn như dầu khí, hóa chất, hoặc sản xuất kim loại có thể dễ dàng đáp ứng các yêu cầu về quan trắc tự động, trong khi các ngành như nông nghiệp hoặc dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Việc triển khai các quy định về quan trắc MTLĐ tự động liên tục tại Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức kể trên. Để vượt qua những khó khăn này, Việt Nam cần một chiến lược phát triển toàn diện với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước, chính sách ưu đãi và nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định.
3. Giải pháp đề xuất
Trong Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, Ban Bí thư nhấn mạnh “Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc”. Do đó, việc đánh giá tác động MTLĐ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để giải quyết những thách thức trong việc triển khai hệ thống quan trắc MTLĐ tự động liên tục tại Việt Nam, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ, tài chính, nhân lực và pháp lý. Các giải pháp dưới đây có thể giúp cải thiện hiệu quả và khả thi của việc áp dụng hệ thống quan trắc tự động trong MTLĐ:
Hoàn thiện khung pháp lý và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật
– Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng: Cần xây dựng hệ thống các tiêu chí cụ thể để xác định ngành nghề, lĩnh vực và công đoạn sản xuất cần phải quan trắc tự đông liên tục. Đồng thời, các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị quan trắc, cách thức triển khai hệ thống và quy trình vận hành cũng cần được quy định rõ ràng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
– Tăng cường kiểm tra và giám sát thực thi: Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quan trắc MTLĐ tại các doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ, kết hợp với chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ
– Đầu tư vào hạ tầng kết nối và truyền thông: Để đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống quan trắc, cần phát triển mạng lưới Internet tốc độ cao và các giải pháp kết nối không dây (IoT), đặc biệt tại các khu vực công nghiệp và vùng sâu, vùng xa.
– Sử dụng công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa hệ thống: Doanh nghiệp có thể chọn các hệ thống quan trắc dựa trên IoT, AI và các cảm biến tích hợp để nâng cao hiệu quả giám sát, giảm chi phí vận hành và tăng độ chính xác của dữ liệu.
Hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho doanh nghiệp
– Cung cấp hỗ trợ tài chính: Chính phủ cần ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs, thông qua các khoản vay ưu đãi, miễn giảm thuế hoặc trợ cấp đầu tư vào hệ thống quan trắc tự động.
– Thành lập quỹ hỗ trợ cải thiện MTLĐ: Thiết lập các quỹ hỗ trợ nhằm cung cấp tài chính ưu đãi cho các dự án liên quan đến bảo đảm ATVSLĐ, bao gồm cả việc triển khai các hệ thống quan trắc tự động liên tục.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
– Đào tạo chuyên sâu về công nghệ cảm biến và quan trắc tự động: Cần tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật, các khóa học chuyên sâu về IoT, AI và phân tích dữ liệu cho đội ngũ kỹ thuật viên, bao gồm cả nhân sự phục vụ công tác hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị quan trắc.
– Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế: Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian triển khai và nâng cao chất lượng hệ thống quan trắc.
Phát triển các giải pháp quản lý và phân tích dữ liệu
– Tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu thông minh: Hệ thống quan trắc tự động sẽ thu thập lượng lớn dữ liệu liên tục, do đó cần phát triển các giải pháp quản lý dữ liệu thông minh dựa trên công nghệ Big Data và AI để phân tích, lưu trữ, và sử dụng dữ liệu hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc và phòng tránh rủi ro.
– Bảo mật dữ liệu: Việc xây dựng hệ thống bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu quan trắc môi trường lao động là rất quan trọng. Các giải pháp bảo mật cần được đầu tư và triển khai đồng bộ nhằm ngăn chặn các nguy cơ về tấn công mạng hoặc lạm dụng thông tin.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp
– Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục: Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo hoặc chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc quan trắc tự động liên tục trong bảo vệ sức khỏe người lao động.
– Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR): Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) trong việc bảo vệ MTLĐ thông qua việc đầu tư vào hệ thống quan trắc tự động và các biện pháp an toàn lao động khác. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc áp dụng các chuẩn mực ESG theo xu hướng toàn cầu.
Thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan
– Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức nghiên cứu: Việc triển khai hệ thống quan trắc tự động liên tục cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
– Mở rộng hợp tác quốc tế: Học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã triển khai thành công hệ thống quan trắc tự động trong MTLĐ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và có những chính sách phù hợp hơn.
Kết luận
Việc triển khai hệ thống quan trắc MTLĐ tự động liên tục theo thời gian thực là một xu hướng tất yếu nhằm bảo vệ sức khỏe NLĐ, nâng cao năng lực giám sát và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn lao động. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích quan trọng, quá trình triển khai tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức, từ hạ tầng công nghệ, chi phí đầu tư, đến năng lực quản lý vận hành và khung pháp lý. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư công nghệ, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức về ATVSLĐ. Nếu các giải pháp này được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống quan trắc hiện đại, góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ, nâng cao năng suất và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động