Quảng Ninh: Số vụ tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2024 giảm so với cùng kì

Thứ Sáu, 02/08/2024, 04:44(GMT +7)

(LĐXH)-Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động quan tâm, thực hiện kịp thời. Công tác kiểm tra, quản lý và giám sát thực hiện chính sách pháp luật về lao động được tăng cường; Kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong an toàn, vệ sinh lao động, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Tại Quảng Ninh, điểm nhấn trong công tác ATVSLĐ trong 6 tháng qua là Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 đã được chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, hoàn thành toàn diện các nội dung công việc theo kế hoạch đề ra, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, quy mô tổ chức của các đơn vị, doanh nghiệp; có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tập trung hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Các hoạt động đã bám sát chủ đề năm 2024: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” trong đó chú trọng tăng cường việc kiểm tra, nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, kịp thời đưa ra các giải pháp phòng ngừa, đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời; phối hợp chỉ đạo tổ chức Lễ phát động điểm hưởng ứng Tháng ATVSLĐ, tạo nên phong trào Tháng cao điểm về thực hiện ATVSLĐ cũng như các tháng còn lại trong năm. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ với nhiều hình thức và phù hợp với tình hình sản xuất, quy mô đơn vị; đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ; các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ; hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, nguy cơ mất an toàn. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, các hộ kinh doanh, hợp tác xã đã có chuyển biến về ý thức, nhận thức, hưởng ứng, tổ chức và tham gia một số hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ.

Công nhân, cán bộ dự Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân năm 2024 tỉnh Quảng Ninh
cùng hô khẩu hiệu “An toàn”, thể hiện quyết tâm giữ vững công tác an toàn

Cùng với đó, 13/13 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than –  Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh lớn đã có nhận thức, ý thức tốt về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ; chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ như: Kiện toàn Ban chỉ đạo; tổ chức Lễ phát động; chỉ đạo hoạt động tuyên truyền đến tận các xã phường, các khu vực trọng điểm, nơi tập trung đông người; tổ chức thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tập trung vào tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, bản tin truyền hình, loa truyền thanh, pano, băng zôn, đổi mới bằng hình thức tổ chức cuộc thi trực tiếp, trực tuyến, xem video, truyền hình…; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện cho người lao động về nội quy, quy định, quy trình làm việc an toàn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm giảm thiểu sức lao động, triệt tiêu các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các nguy cơ, rủi ro, tồn tại để có giải pháp phòng ngừa, đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; tổ chức thăm hỏi gia đình có người bị tai nạn lao động; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong Tháng hành động về ATVSLĐ vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, chết người.  Theo số liệu thống kê, báo cáo (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 14/6/2024): Trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 276 vụ TNLĐ làm 290 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 11 vụ, số người chết 16 người; số vụ tai nạn nặng 168 vụ, số người bị thương nặng 177 người; số vụ tai nạn nhẹ 97 vụ, số người bị thương nhẹ 97 người. So với cùng kỳ năm 2023, tổng số vụ TNLĐ giảm 06 vụ.

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động,, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đề nghị các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.

Đề nghị các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Luật ATVSLĐ; tăng cường nguồn lực, vật lực để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ; quan tâm, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về ATVSLĐ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công ATVSLĐ; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc của người lao động. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát hiện trường, vị trí thi công, vị trí làm việc của người lao động để phát hiện các tồn tại, thiếu sót, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn lao động để đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cũng như tuyên dương, nhân rộng các tấm gương, cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp./.

Minh Hằng

Nguồn: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội