Quảng Ninh: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
(LĐXH) – Là tỉnh tập trung nhiều ngành công nghiệp như: khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, điện… những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhằm kiểm soát tai nạn lao động, tạo môi trường an toàn, để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ, hàng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ATVSLĐ trên địa bàn. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ cũng được tỉnh quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tới cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động. Bên cạnh đó, các Sở, ngành cũng tích cực phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ nhằm nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho cơ sở; chỉ đạo các cơ sở sản xuất tăng cường các hoạt động tự kiểm tra một cách thường xuyên để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Khai thác than hầm lò tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động
Năm 2023, thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, toàn tỉnh đã treo 300 băng rôn, 500 baner, 20 phướn thả; tuyên truyền bằng ấn phẩm, tài liệu an toàn, tranh, áp phích, tờ rơi với kinh phí 100 triệu đồng; cấp phát 550 bộ tài liệu, 400 tờ tranh ảnh và 2.300 tờ rơi cho các doanh nghiệp để tuyên truyền, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; tổ chức 15 lớp hỗ trợ, 8 lớp huấn luyện điểm về ATVSLĐ (trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ) cho 1.380 lượt đối tượng là người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, người làm công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức 10 lớp tập huấn về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.000 cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về ATVSLĐ tại 50 đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại 06 doanh nghiệp; phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam kiểm tra đột xuất về ATVSLĐ tại 05 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than. Qua thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 323 kiến nghị; xử phạt vi phạm hành chính 03 doanh nghiệp.
Năm qua, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh giảm so với năm 2022, cụ thể: trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng số 590 vụ tai nạn lao động làm 599 người bị nạn, trong đó: số vụ tai nạn lao động chết người là 18 vụ, số người chết là 25 người; số người bị thương nặng là 361 người; số người bị thương nhẹ là 213 người. So với năm 2022, tổng số vụ tai nạn lao động giảm 29 vụ (giảm 4,7%), tổng số nạn nhân giảm 33 người (giảm 5,2%); số vụ tai nạn lao động chết người giảm 06 vụ (giảm 25%). Còn tại khu vực với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra 09 vụ tai nạn lao động làm chết 11 người; so với năm 2022 giảm 04 vụ, số người chết giảm 02 người.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình sự cố, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam để xảy ra 04 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 07 người, trong đó vụ tai nạn xảy ra ngày 03/4/2024 tại Công ty than Thống Nhất – TKV do cháy khí Mêtan làm chết 04 công nhân; các vụ tai nạn lao động xảy ra đã gây thiệt hại lớn về người, về tài sản, gây lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần của người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh than. Trong đó, yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, điều tra làm rõ vi phạm (nếu có), kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh than; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về ATVSLĐ; cương quyết dừng sản xuất, thi công khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động, phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Các doanh nghiệp, đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh than chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các phòng, ban chức năng trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, biện pháp kỹ thuật thi công; kế hoạch thông gió mỏ; kế hoạch ứng cứu sự cố – tìm kiếm cứu nạn; phương án xử lý sự cố, khôi phục các đường lò; phương án khai thác trong khu vực có nguy cơ cao về áp lực, khí bụi nổ, bục nước, sạt lở… Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong các khâu sản xuất; đồng thời tăng cường đánh giá, kiểm soát chặt chẽ đối với các nguy cơ về bục nước, cháy khí, nổ khí, tụt đổ lò diện rộng trong khai thác than hầm lò; các nguy cơ về sạt lở tầng, bãi thải trong khai thác than lộ thiên. Đánh giá, quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc, rộng rãi về các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong khai thác than đã xảy ra trong thời gian qua. Trên cơ sở đó tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo quy định.
Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than thuộc phạm vi quản lý. Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu của Chỉ thị; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra tai nạn lao động có tính chất nghiêm trọng. Tăng cường, phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh trong hoạt động kiểm tra đột xuất về ATVSLĐ tại các công trường, phân xưởng sản xuất để kịp thời chỉ đạo khắc phục, triệt tiêu những nguy cơ, tồn tại, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh than…/.
Minh Hiền