Sử dụng công nghệ để tăng cường an toàn cho người lao động trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm
Sử dụng công nghệ để tăng cường an toàn cho người lao động trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm
Các công nghệ mới nổi và thiết bị bảo vệ thích hợp có thể cải thiện an toàn đáng kể cho người lao động trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm bằng cách ngăn ngừa thương tích và cho phép can thiệp sớm.
Do tất cả các yếu tố, từ vận hành máy móc hạng nặng đến điều kiện thời tiết khắc nghiệt và lao động chân tay nặng nhọc, những ngành này là một trong những ngành nguy hiểm nhất cả nước. Trên thực tế, thương tích liên quan đến nông nghiệp cao nhất trong tất cả các ngành. Thực tế này trở nên nghiêm trọng hơn do tính dễ bị tổn thương của nhóm lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là lao động nhập cư.
Khi tình trạng nhiệt độ cao vẫn tiếp diễn, điều quan trọng là phải hiểu được những rủi ro mà người lao động ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm phải đối mặt. Tuy nhiên, điều quan trọng là những rủi ro này có thể được giảm thiểu thông qua một loạt các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ mới nổi.
Đánh giá những mối nguy hiểm của lao động trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm
Cả hai ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm đều tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm có thể đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động.
Trước hết, cả hai ngành công nghiệp này đều dựa vào máy móc hạng nặng, công suất lớn để thực hiện vô số nhiệm vụ quan trọng. Trên các cánh đồng, các máy móc như máy kéo và máy gặt đập liên hợp là cần thiết để trồng trọt và thu hoạch mùa màng. Trong các nhà máy chế biến thực phẩm, công nhân sử dụng đủ loại thiết bị từ máy tách cơ học đến máy cưa và máy đùn để chế biến thịt và rau củ. Sự cố thiết bị có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Các tai nạn phương tiện cơ giới – dù là do sự cố máy móc hay do người vận hành mệt mỏi—cũng rất phổ biến, đặc biệt là trong các mùa cao điểm khi người lao động phải làm việc nhiều giờ liền.
Hiện tượng kiệt sức cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác. Lao động chân tay cường độ cao trong các ngành công nghiệp này thường dẫn đến mệt mỏi, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Tiếp xúc lâu dài với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là trong những tháng mùa hè nóng nực đang ngày càng nóng hơn, làm trầm trọng thêm vấn đề này. Căng thẳng do nhiệt và mất nước là những mối đe dọa thường trực, và người lao động thường xuyên vượt quá giới hạn của mình để đáp ứng lịch trình sản xuất khắt khe. Tính đến việc gần 20% công nhân nông nghiệp ở độ tuổi 55 trở lên, nguy cơ kiệt sức càng trở nên rõ ràng hơn.
Bằng cách hiểu được những mối nguy hiểm cụ thể mà người lao động phải đối mặt hàng ngày, người sử dụng lao động có thể thực hiện các biện pháp an toàn có mục tiêu, bao gồm bảo dưỡng và kiểm tra máy móc thường xuyên để ngăn ngừa trục trặc và đảm bảo các phương tiện được vận hành an toàn. Ngoài ra, việc theo dõi sức khỏe và tinh thần của người lao động thông qua việc kiểm tra thường xuyên có thể giúp xác định các dấu hiệu kiệt sức trước khi dẫn đến tai nạn. Đây chính là nơi công nghệ mới nổi thực sự có thể tạo nên sự khác biệt.
Vai trò của công nghệ trong việc giảm thiểu rủi ro
Các công nghệ mới nổi đang mang lại các giải pháp đầy hứa hẹn để giảm thiểu rủi ro mà người lao động trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm phải đối mặt. Một trong những công cụ hiệu quả nhất trong lĩnh vực này là công nghệ đeo (wearable). Các thiết bị này có thể đeo trên người hoặc tích hợp vào quần áo, cung cấp phản hồi theo thời gian thực về nhiều chỉ số sức khỏe và an toàn khác nhau, từ việc tăng cường các chuyển động thích hợp đến theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
Các thiết bị đeo được có thể được ứng dụng để giám sát nhiều yếu tố như nhiệt độ cơ thể, nhịp tim của người lao động, thời gian làm việc và thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi vượt quá ngưỡng an toàn, hệ thống có thể cảnh báo cho người lao động và người giám sát của họ, cho phép can thiệp ngay lập tức. Việc theo dõi thời gian thực này đặc biệt có giá trị trong các mùa cao điểm khi nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt là cao nhất.
Công nghệ đeo cũng có thể giúp duy trì tư thế ecgonomi và giảm nguy cơ chấn thương cơ xương, thường gặp trong cả lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Các thiết bị này có thể theo dõi chuyển động của người lao động và cung cấp phản hồi về tư thế và chuyển động lặp đi lặp lại, giúp ngăn ngừa chấn thương do căng cơ. Ví dụ, găng tay thông minh được trang bị cảm biến có thể theo dõi lực tác động trong quá trình thực hiện các công việc thủ công và hướng dẫn người lao động sử dụng các kỹ thuật an toàn hơn.
Những công nghệ này thể hiện cam kết và sự tập trung vào an toàn tại nơi làm việc. Chúng không chỉ cung cấp phương thức để phát hiện và can thiệp sớm mà còn kết hợp chặt chẽ với việc đào tạo và giáo dục mạnh mẽ hơn về các mối nguy tiềm ẩn liên quan đến các ngành công nghiệp thiết yếu này.
Cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp cho người lao động
Mỗi ngành công nghiệp đều có yêu cầu khác nhau về bảo vệ và an toàn cho người lao động, và trách nhiệm của người sử dụng lao động là đảm bảo tất cả người lao động đều được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) phù hợp với nghề nghiệp của họ. Hiểu được các mối nguy hiểm cụ thể liên quan đến từng vị trí công việc là rất quan trọng. Ví dụ, người vận hành máy móc hạng nặng cần quần áo bảo hộ chắc chắn có thể chịu được tác động vật lý, trong khi những người làm việc với hóa chất cần thiết bị chuyên dụng để ngăn ngừa phơi nhiễm. Việc tiến hành đánh giá rủi ro kỹ lưỡng cho từng công việc có thể giúp xác định PPE cần thiết.
Đối với công nhân nông trại, PPE thường bao gồm các vật dụng như mũ bảo hiểm, găng tay, kính an toàn và giày mũi thép. Mũ bảo hiểm bảo vệ khỏi chấn thương đầu do vật thể rơi hoặc máy móc gây ra, trong khi găng tay và kính an toàn bảo vệ tay và mắt khỏi bụi và mảnh vụn. Giày mũi thép rất cần thiết để bảo vệ chân khỏi vật nặng và địa hình gồ ghề.
Trong môi trường chế biến thực phẩm, trọng tâm chuyển sang vấn đề vệ sinh và bảo vệ hóa chất. Công nhân thường đeo tạp dề, găng tay và kính che mặt để ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ khỏi hóa chất bắn vào. Ngoài ra, giày chống trượt rất quan trọng trong những môi trường này để tránh bị ngã trên bề mặt ướt hoặc trơn.
Những tiến bộ trong vật liệu và thiết kế đã dẫn đến sự phát triển của các PPE thoải mái và hiệu quả hơn. Ví dụ, các loại vải nhẹ, thoáng khí giúp giảm căng thẳng do nhiệt, trong khi các thiết kế ecgônômi đảm bảo rằng PPE không gây cản trở chuyển động hoặc gây khó chịu trong các ca làm việc dài. Bằng cách đầu tư vào PPE phù hợp, duy trì chất lượng và tăng cường sử dụng, người sử dụng lao động có thể cải thiện đáng kể sự an toàn và sức khỏe của những người lao động quan trọng này.
Khi mùa thu hoạch bắt đầu, nhu cầu của những người lao động trong ngành thiết yếu này cần được quan tâm hơn rõ rệt. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu coi trọng vấn đề an toàn của người lao động, đặc biệt là đối với các ngành dễ bị tổn thương như nông nghiệp và chế biến thực phẩm. PPE chất lượng cao có thể tạo ra sự khác biệt lớn và những tiến bộ gần đây trong công nghệ đeo được có thể cách mạng hóa các biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm.
Biên dịch: Bình Nguyên