Thiết kế, thi công công trình khoa học giúp phòng ngừa tai nạn lao động

Thứ Hai, 09/12/2024, 09:26(GMT +7)

Tai nạn lao động luôn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ cho bản thân nạn nhân, người bị nạn mà còn cho gia đình họ và xã hội, đặc biệt là hậu quả của các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người. Đáng chú ý, nhiều vụ tai nạn lao động có thể tránh được nếu thiết kế và tổ chức thi công một cách hợp lý.

Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào hồi 10 giờ ngày 15/03/2019, tại nhà xưởng Công ty TNHH Bo Hsing nằm trong Khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Một bức tường đang xây dựng bất ngờ đổ sập đè lên những công nhân đang làm việc phía dưới khiến 7 người tử vong tại chỗ và một số người khác bị thương nặng.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân chính gây ra sự cố sập tường là kết cấu tường đầu hồi nhà xưởng trục A3 được tính toán, thiết kế với sơ đồ kết cấu không hợp lý. Cụ thể là tường có chiều cao, diện tích lớn và đứng độc lập với hệ khung thép của công trình, không đảm bảo khả năng chịu lực. Bức tường sập có độ mảnh theo phương ngoài mặt phẳng vượt quá giới hạn cho phép, bị mất ổn định dưới tác dụng của các tải trọng tác động trong quá trình thi công…

Ngoài ra còn có một số lỗi cơ bản trong xây dựng như: Độ chịu lực của bức tường bị ảnh hưởng do quá trình thi công đổ, đầm bê tông cột, giằng xây và trát tường; rung động do xe chở vật liệu và lu nền sân, đường xung quanh; chất lượng bê tông cột không đồng đều và cốt thép chịu lực cột ở một số vị trí không đồng đều, công nhân không được huấn luyện ATVSLĐ…

Vụ tai nạn lao động sau đó đã được khởi tố và được đưa ra xét xử. Tất cả các bị cáo trong vụ án này đều bị phạt án tù có thời hạn và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng…

Một số kinh nghiệm

Theo nhiều chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và cán bộ công đoàn, vụ tai nạn lao động thương tâm nói trên hoàn toàn có thể ngăn chặn, phòng ngừa được nếu công tác tổ chức thi công, khâu tổ chức thi công, thiết kế công trình của nhà xưởng được tính toán bài bản, chi tiết, hợp lý hơn.

Ông Trần Viết Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Viết Dũng cho rằng, với các lỗi trong tính toán, thiết kế nêu trên và việc tổ chức thi công không hợp lý, NLĐ không được huấn luyện ATVSLĐ thì tai nạn lao động xảy ra là tất yếu. Do đó, ngoài công tác thiết kế phải đảm bảo tính hợp lý, trong quá trình thi công, công tác bảo đảm an toàn lao động và tuân thủ quy chuẩn là vấn đề cực kỳ quan trọng.

“Các biện pháp an toàn lao động phải được áp dụng để đảm bảo an toàn cho công nhân và môi trường làm việc. Người sử dụng lao động, NLĐ phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thi công, đảm bảo rằng công trình được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng. Đó cũng là cách để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra”, ông Trần Viết Dũng khẳng định.

Vẫn theo ông Trần Viết Dũng, nếu bức tường được thiết kế một cách khoa học, vật tư, vật liệu cũng như chất lượng bê tông đảm bảo đúng chất lượng (không bị “rút ruột”…), phương án tổ chức thi công bài bản, hợp lý hơn – chẳng hạn có biện pháp hạn chế được độ rung động quá lớn do xe chở vật liệu và lu nền sân, đường xung quanh khi các trụ, cột bê tông còn yếu, thậm chí là không đảm bảo chất lượng -thì bức tường chưa chắc đã bị đổ sập.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 thì nêu quan điểm: Khi doanh nghiệp lập và tổ chức phương án thi công nên có sự tham gia, góp ý, thậm chí là phản biện của tổ chức Công đoàn. Đây cũng là cách để tổ chức Công đoàn giám sát chất lượng công trình cũng như giám sát các bước tổ chức phương án thi công, nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công trình, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, NLĐ.

“Đặc biệt, trong lúc tổ chức thi công, thấy những cái chưa hợp lý hoặc nguy cơ cao xảy ra tai nạn cần nhanh chóng khắc phục ngay hoặc dừng thi công, yêu cầu NLĐ rời khỏi hiện trường, tập kết ở vị trí an toàn. Nếu doanh nghiệp tổ chức, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ nhận diện các nguy cơ, rủi ro thì tự họ cũng có thể dừng thi công và rời khỏi vị trí làm việc khi bức tường có dấu hiệu bất ổn. Đây là kinh nghiệm xương máu mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xã hội phải nhớ nằm lòng”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

Minh Vũ

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 351 (Tháng 10/2024)