Thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn
Văn hóa an toàn tại nơi làm việc là văn hóa trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động (NLĐ) được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó, nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu.
Tai nạn lao động thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với thống kê
Theo Thông báo tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn làm 7.553 người bị nạn, trong đó 1.720 người bị thương nặng, 662 vụ TNLĐ làm 699 người chết; gây thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và gần 150 ngàn ngày công.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 3.201 vụ TNLĐ làm 3.065 người bị nạn, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 320 vụ, số người chết vì TNLĐ là 346 người và số người bị thương nặng 810 người.
Có một số vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong năm 2024 (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, trong các lĩnh vực xây dựng, xi măng, khai thác khoáng sản…
Con số ước tính TNLĐ thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bệnh nghề nghiệp (BNN) cũng có xu hướng gia tăng cả về số người mắc và loại bệnh. Năm 2023 đã phát hiện thêm 696 người mắc BNN, trong đó số đã qua giám định là 600 người, chủ yếu là số ca bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, điếc nghề nghiệp. Qua khám sức khỏe định kỳ năm 2023 cho thấy, tỷ lệ NLĐ có sức khỏe yếu (loại 4) và rất yếu (loại 5) đứng ở mức cao, chiếm 8,9% số người được khám (2.479.320).
Tầm quan trọng của văn hóa an toàn lao động
Nguyên nhân chính của điều kiện lao động (ĐKLĐ) xấu, gây mất an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hiện nay do trình độ công nghệ sản xuất ở Việt Nam còn lạc hậu, NSDLĐ chưa quan tâm nhiều đến việc cải thiện ĐKLĐ, tạo ra nơi làm việc an toàn, thoải mái cho NLĐ mà mới chỉ chú trọng đến kinh tế.
Nhiều NSDLĐ chưa nhận thấy hết lợi ích của công tác ATVSLĐ đối với năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, có không ít vụ TNLĐ xảy ra do NLĐ còn lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm đến việc thực hiện các nội quy, quy trình và việc duy trì, kiểm soát tại nơi làm việc.
Những con số về TNLĐ, BNN và ý thức của NSDLĐ và NLĐ nêu trên cho thấy thực trạng yếu kém về văn hóa an toàn lao động (ATLĐ) trong các doanh nghiệp hiện nay. Yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất ATLĐ là phải xây dựng được văn hóa ATLĐ, phải xem ATLĐ là chuẩn hàng đầu để xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để xây dựng văn hóa ATLĐ cần quan tâm đến việc xây dựng ý thức, tác phong và thói quen làm việc an toàn. Cá nhân NLĐ cần tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực ứng xử liên quan đến ATLĐ. Văn hóa ATLĐ không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp.
Điều 20 Luật ATVSLĐ quy định: “NSDLĐ phải thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức cho NLĐ tham gia hoạt động cải thiện ĐKLĐ, xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc”.
Công đoàn cùng doanh nghiệp nỗ lực triển khai công tác ATVSLĐ
Để triển khai Luật ATVSLĐ, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề có nguy cơ cao như Than – Khoáng sản, Điện lực, Dầu khí, Cao su, Công thương…đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn và coi xây dựng văn hóa ATLĐ là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp.
Từ năm 2013, Tổng Liên đoàn cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và xây dựng mô hình cơ sở văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam”. Đề tài đã thúc đẩy và áp dụng thử mô hình xây dựng văn hóa an toàn vào 8 doanh nghiệp ở 3 miền thuộc các ngành sản xuất khác nhau, như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dược liệu, chế biến thủy sản.
Năm 2022, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn áp dụng Bộ Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp ATLĐ của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động để tổ chức chấm điểm và bình chọn giải thưởng: “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt may” nhằm thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn trong ngành Dệt may.
Năm 2024, trên cơ sở phối hợp với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã nghiên cứu và ban hành “Tài liệu hướng dẫn xây dựng văn hóa an toàn EVN” được triển khai áp dụng ở tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên doanh, hoặc có đối tác với doanh nghiệp nước ngoài đã triển khai xây dựng văn hóa ATLĐ đạt hiệu quả như: Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Công ty TNHH Denso Việt Nam (Hà Nội), Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 (Đà Nẵng), Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, Công ty TNHH Vard (Bà Rịa – Vũng Tàu), Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Tiền Giang)… và rất nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước.
Ở những doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hóa ATLĐ thì điều kiện làm việc, môi trường lao động được cải thiện, vai trò và sự tham gia của công đoàn cơ sở, NLĐ vào công tác ATVSLĐ được khuyến khích và đem lại hiệu quả tích cực trong việc phát hiện các nguy cơ, sự cố gây mất ATLĐ, từ đó giúp giảm thiểu TNLĐ, BNN, góp phần hình thành nên ý thức, tác phong và thói quen làm việc an toàn của NLĐ.
Xây dựng văn hóa an toàn: Cần một “cú hích” lớn
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, song trên thực tế việc xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc còn khá mờ nhạt, chưa được quan tâm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là khái niệm, nội hàm của văn hóa ATLĐ khá rộng và trừu tượng. Các bước triển khai, cách làm để xây dựng văn hóa ATLĐ chưa được hướng dẫn cụ thể, khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa triển khai xây dựng.
Nội dung xây dựng văn hóa ATLĐ rất phong phú, bao gồm tổng thể các giải pháp xây dựng các tiêu chuẩn, giá trị, hành vi ứng xử văn hóa trong lao động; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của NLĐ từ việc chấp hành nghiêm quy trình ATLĐ vệ sinh lao động đến hình thành ý thức tự giác; xây dựng tinh thần hợp tác tập thể với tình đồng nghiệp thân ái, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, bảo vệ lẫn nhau phòng chống TNLĐ; tạo một môi trường lao động thuận lợi, an toàn, hướng đến phát triển các giá trị cao đẹp của NLĐ và hạnh phúc trong công tác, cuộc sống.
Xây dựng văn hóa ATLĐ muốn đạt hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm cao của không chỉ từ cấp lãnh đạo và còn phải từ tập thể NLĐ trong doanh nghiệp. Chương trình triển khai phải được thực hiện có kế hoạch, đồng bộ ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở và người công nhân trực tiếp. Đây là một công tác lâu dài, không thể một ngày, hai ngày có thể xây dựng được, nên tập thể NLĐ phải kiên trì thực hiện, không “đánh trống bỏ dùi” theo kiểu “phát động phong trào”.
Vì vậy, xây dựng “Văn hóa ATLĐ” là một ý tưởng không mới nhưng cần một “cú hích” lớn để nó trở thành văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp và thể hiện được vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực thi bảo đảm ATLĐ cao nhất, hiệu quả nhất cho đoàn viên, NLĐ.
Để văn hóa an toàn được triển khai sâu rộng đến doanh nghiệp, đông đảo NSDLĐ và trở thành ý thức tự giác của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng, thúc đẩy văn hóa an toàn tại nơi làm việc”, trong đó mục tiêu tổng quát là xây dựng ý thức, tác phong và thói quen làm việc bảo đảm ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tập trung vào 5 nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của NSDLĐ, cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ về xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác ATVSLĐ tại các địa phương, ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở.
Thứ ba, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ triển khai tham gia xây dựng, thúc đẩy văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc, nhất là khu vực doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ.
Thứ tư, tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở, chính sách pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ và khen thưởng công tác xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc.
Thứ năm, bố trí nguồn lực, tăng cường huy động sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thực hiện hiệu quả công tác tham gia xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc.
Phan Văn Anh
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam