Thực trạng và nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

I. KHÁI QUÁT VỀ MỘT KẾT QUẢ TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG DỰ BÁO, PHÒNG GỪA VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM THỜI GIAN QUA.

1.1. Nghiên cứu và phát triển các công cụ dự báo, phòng ngừa ô nhiễm

1.1.1. Ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hóa chất

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hóa chất, công cụ khoa học và công nghệ (KHCN) hiệu quả phải kể đến là hệ thống đăng ký phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm (PRTR). Công cụ này được áp dụng với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thu thập các thông tin về loại và lượng các hóa chất cần quan tâm phát thải vào môi trường không khí, đất, nước và chuyển giao trong chất thải rắn của cơ sở. Đây là nguồn thông tin tạo nên bức tranh tổng thể về dòng hóa chất luân chuyển trong môi trường từ đó cung cấp thông tin quan trọng cho công tác quy hoạch, quản lý môi trường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và quản lý sức khỏe môi trường.

Một ứng dụng KHCN khác trong bảo vệ môi trường đối với hóa chất là đánh giá rủi ro môi trường do hóa chất. Hoạt động này được nghiên cứu và triển khai thông qua hệ thống đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại của các cơ cở sản xuất công nghiệp. Hệ thống được thiết kế dựa trên những nghiên cứu lý thuyết về ứng dụng mô hình Gauss – Berliand trong tính toán phát thải và lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí và mô hình đánh giá rủi ro của EPA và trong đó có sử dụng một số nghiên cứu về đặc điểm con người của WHO. Trong việc ứng dụng các mô hình đánh giá rủi ro, hệ thống đã kế thừa những cơ sở dữ liệu sẵn có trong quản lý môi trường như bản đồ địa hình và các cơ sở sản xuất công nghiệp; dữ liệu quan trắc khí thải từ một số cơ sở sản xuất công nghiệp, dữ liệu khí tượng, dữ liệu dân số theo các đơn vị hành chính…

Ngoài ra, các kết quả KHCN trong lĩnh vực này còn được thể hiện qua các hướng dẫn kỹ thuật áp dụng trong kiểm soát ô nhiễm hóa chất, như hướng dẫn kỹ thuật về đăng ký, kiểm soát phát thải, vận chuyển và lưu trữ hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn kỹ thuật về Quan trắc phát thải hóa chất nguy hại; hướng dẫn kỹ thuật Đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại; hướng dẫn kỹ thuật về Phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do phát thải hóa chất nguy hại; một số hướng dẫn kỹ thuật trong kiểm soát ô nhiễm do phát thải chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy…

Các kết quả nghiên cứu nêu trên đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm hóa chất nói riêng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường thông qua kiểm soát ô nhiễm hóa chất.

1.1.2. Ứng dụng các kết quả KHCN trong quản lý nhà nước về sự cố môi trường và sức khỏe môi trường

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về sự cố môi trường, đã có khá nhiều kết quả nghiên cứu và ứng dụng với các mức độ khác nhau. Trước hết có thể kể đến việc phát triển và áp dụng các mô hình dự báo diễn biến của sự cố (thường là các sự cố tràn đổ hóa chất, dầu). Mô hình này được xây dựng dựa trên việc mô phỏng diễn biến của vật liệu tràn đổ ra môi trường nước với các dữ liệu về khí tượng, thủy văn, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác. Với các dữ liệu đầu vào (lượng tràn đổ, vị trí sự cố,…) khác nhau theo các kịch bản, mô hình sẽ tính toán được hướng đi, tác động của vật liệu bị tràn đổ để từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định ứng phó. Song song với mô hình này là việc lập bản đồ nhạy cảm là bản đồ chỉ ra các khu vực nhạy cảm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tùy từng tình huống cụ thể, người ra quyết định ứng phó sẽ lựa chọn khu vực phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của sự cố. Tại Việt Nam hiện nay, mô hình được phát triển cho cả môi trường biển và trong sông và đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường ví dụ như sự cố ô nhiễm dầu tại các tỉnh, thành phố, sự cố tràn dầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh,…

Bên cạnh mô hình tính toán, các ứng dụng khác trong lĩnh vực này có thể kể đến như lập bản đồ các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hay ứng dụng công nghệ viễn thám trong việc theo dõi và dự báo diễn biến, tác động của sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường.

Đối với các sự cố môi trường liên quan đến hóa chất, các nghiên cứu, hướng dẫn về đánh giá rủi ro đã được xây dựng và áp dụng, trong đó có các nội dung chính gồm:

– Nhận diện nguy hiểm: từ loại hình công nghiệp có hoạt động hóa chất; từ đặc tính của hóa chất: cháy nổ, độc tính cao; từ các quy trình hay công trình có hoạt động hóa chất; từ các hoạt động vận chuyển hóa chất; từ vị trí của cơ sở có hoạt động hóa chất đối với các khu vực nhạy cảm; từ khối lượng hóa chất nguy hại. Các phương pháp nhận diện nguy hiểm: Phương pháp sử dụng Danh mục kiểm tra nguy hiểm; Phương pháp Khảo sát các điểm nguy hiểm; Phương pháp HAZOP; Phương pháp Phân tích theo “cây sự kiện”.

– Đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại trong trường hợp xảy ra sự cố: Ước tính xác xuất xảy ra phát thải hóa chất do sự cố: Phương pháp đánh giá rủi ro bằng tính toán thống kê của Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), phương pháp trọng số.

Việc nhận diện và đánh giá rủi ro là các bước quan trọng nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cách tiếp cận được rất nhiều nước trên thế giới phát triển và áp dụng.

Đối với công tác quản lý sức khỏe môi trường, kết quả nghiên cứu và ứng dụng nổi bật phải kể đến các hoạt động đánh giá liều lượng hấp thụ hàng ngày của con người đối với một số chất ô nhiễm (Dioxin, PCB,…) trong thực phẩm. Đây là hướng tiếp cận quản lý sức khỏe môi trường phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, việc quản lý môi trường và quản lý sức khỏe vẫn thường được thực hiện theo cách truyền thống mà chưa có sự kết nối với nhau. Do đó, các hoạt động nghiên cứu về mối liên quan giữa các tác nhân ô nhiễm và sức khỏe con người sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả trong lĩnh vực sức khỏe môi trường. Một số nghiên cứu về hấp thụ một số chất ô nhiễm như Dioxin, PCB, chì,… đã chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa các khu vực ô nhiễm, các tác nhân ô nhiễm đối với sức khỏe con người thông qua phơi nhiễm trong đó phơi nhiễm qua  thực phẩm là đáng kể nhất. Từ đó, có thể thấy rằng việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu này sẽ góp phần rất đáng kể đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường và sức khỏe môi trường.

1.1.3. Ứng dụng các kết quả KHCN trong quan trắc môi trường

Trong hoạt động quan trắc môi trường, việc đo đạc hiện trường cũng như trong phòng thí nghiệm đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các yếu tố quan trắc môi trường bằng các phương tiện, thiết bị thô sơ đã được thay thế bằng các thiết bị kĩ thuật số, có thể quan trắc đo đạc từ đơn chỉ tiêu đến đa chỉ tiêu. Các hệ thống quan trắc tự động cũng đã và đang được đưa vào sử dụng ngày càng rộng rãi hơn trong các hoạt động quan trắc môi trường.

Đặc biệt, trong những năm qua các nhà khoa học đã nghiên cứu, áp dụng thành công nhiều thành quả kỹ thuật, công nghệ. Ứng dụng phục vụ quan trắc, phân tích môi trường như: Thiết kế, chế tạo các hệ thiết bị phân tích trên nguyên lý điện di mao quản; phát triển sensor điện hóa và hóa sinh (ví dụ sensor đo amoni, nitrat, nitrit, chì, cadmi, dopamin…); các công nghệ xử lí các chất hữu cơ bền; xây dựng mô hình hệ thống quan trắc khí theo công nghệ telemonitoring; nghiên cứu, thiết kế, áp dụng thử nghiệm hệ thống giám sát cảnh báo có điều khiển từ xa các trạm quan trắc môi trường tự động. Cùng với đó các nhà khoa học đã chế tạo thành công một số loại máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc hiện trường được sử dụng trong thực tế như máy đo phóng xạ đường bộ, máy đo môi trường di động,…

1.1.4. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN trong xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường

Việc nghiên cứu, chế tạo ra các máy móc, thiết bị mới đã góp phần xây dựng các quy trình phân tích hiện đại, có độ chính xác và giới hạn phát hiện cao hơn. Các thiết bị, máy móc mới đã góp phần cho công tác bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm tại các nhà máy sản xuất. Khi giới hạn phát hiện của các thiết bị phân tích cao hơn, chuẩn xác hơn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường sẽ được quy định chặt chẽ, tiệm cận hơn với quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, các sản phẩm khoa học công nghệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các công trình nghiên cứu đối với những ngành nghề đặc thù để dự báo những nguồn và thông số gây ô nhiễm. Đây chính là tiền đề để nghiên cứu, xây dựng những quy chuẩn phù hợp với thực tế của các ngành công nghiệp.

1.1.5. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN trong cảnh báo ô nhiễm nước, lập bản đồ ô nhiễm, phân vùng môi trường, xác định hạng ngạch xả thải, xác định tải lượng ô nhiễm theo ngày

Trong thời gian qua, việc áp dụng và phát triển công cụ GIS trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng đã được chú trọng. Tổng cục Môi trường đã chủ trì xây dựng hệ thống bản đồ phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường và cảnh báo ô nhiễm môi trường nhằm xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, kết nối và khai thác sử dụng thông tin, sản phẩm của các nghiên cứu đã có trước đó: Dự án bản đồ lưu vực sông, Bản đồ hiện trạng sự cố môi trường biển và ven biển Việt Nam, Bản đồ dự báo sự cố môi trường biển và ven biển Việt Nam, Bản đồ nhạy cảm tràn dầu. Cơ sở dữ liệu của dự án luôn được cập nhật từ các số liệu quan trắc môi trường hàng năm của các trạm quan trắc.

Với hệ thống bản đồ được khai thác dựa trên các trường thông tin dữ liệu về nguồn thải, Dự án đã đưa ra một cách thức tiếp cận mới đánh giá  hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương, các khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị…; tăng cường việc kết nối và chia sẻ thông tin về kiểm soát ô nhiễm môi trường; góp phần tích cực vào việc đảm bảo tính thống nhất chung trong việc tra cứu thông tin về kiểm soát ô nhiễm. Thông qua sử dụng trang Web pcd.gov.vn  việc nhập, xuất số liệu đều thực hiện trên mạng internet, cho kết quả nhanh chóng. Có thể sử dụng số liệu quan trắc của các đơn vị khác trên hệ thống nếu người sử dụng được phân quyền. Việc phân quyền nhập, truy xuất số liệu: mỗi tỉnh, Trạm quan trắc quốc gia, Cục, Vụ, Trung tâm được giao 01 tài khoản và 01 mật khẩu, tuỳ từng đối tượng, được trao quyền nhập, xuất  thông tin, dữ liệu gì. Sau khi nhập dữ liệu quan trắc, hệ thống sẽ tự động tính toán, đưa ra bản đồ ô nhiễm của từng khu vực, giúp các nhà quản lý, có thêm kênh thông tin trong công tác kiểm soát ô nhiễm. Thông qua hệ thống intenet, người sử dụng không cần có máy tính cấu hình cao, mọi trục trặc đều được sửa chữa, khắc phục nhanh chóng, chủ động bởi cơ quan quản lý mạng là Cục Kiểm soát ô nhiễm.

Ngoài ra, công cụ GIS cũng được phát triển để dự báo ô nhiễm cũng được thông qua các mô hình lan truyền chất gây ô nhiễm, dầu tràn trên biển.

1.1.6. Ứng dụng các kết quả KHCN trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề

Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các đơn vị và một số chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải làng nghề để triển khai nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm  mô hình xử lý chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn) một số loại hình sản xuất đặc thù làng nghề đặc thù. Trên cơ sở đó, 11Hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải phù hợp với đặc thù làng nghề (chi phí đầu tư và vận hành thấp, dễ sử dụng) đã được xây dựng, phổ biến đến cộng đồng làng nghề tương tự, bao gồm:       

            – Thiết bị thu bụi chà làng nghề đô gỗ mỹ nghệ;

            – Thiết bị xử lý nước thải cơ sở gia công cơ khí

            – Công trình xử lý hơi kiềm – axít cơ sở  sản xuất đồ nhôm

            – Công trình xử lý khí thải cơ sở  tái chế nhôm

            – Công trình xử lý nước thải cơ sở sản xuất bánh đậu xanh

            – Công trình xử lý nước thải cơ sở chế biện đậu phụ kết hợp chăn nuôi

            – Thiết bị xử lý xỉ nhôm tạo dung dịch phèn

            – Công trình xử lý nước thải dệt nhuộm

            – Thiết bị xử lý bã dong giềng

            – Thiết bị xử lý chất thải từ quá trình giết mổ trâu bò

            – Bếp hồng ngoại sử dụng mùn từ quá trình chế biến đồ gỗ mỹ nghệ

Nhìn chung, phần lớn các mô hình xử lý chất thải các cơ sở trong làng nghề đã vận hành theo đúng như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Ban đầu, các mô hình xử lý chất thải tại các làng nghề đã vận hành rất tốt, các chỉ tiêu môi trường trong mẫu nước thải, khí thải và chất thải rắn sau hệ thống xử lý đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép, giải quyết được phần nào bức xúc trong vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh các giải pháp quản lý, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình vận hành của thiết bị, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị, công trình.

1.1.7. Ứng dụng các kết quả KHCN trong quản lý chất lượng không khí

Thời gian qua, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học của Việt Nam sử dụng hệ số phát thải của nước ngoài cho quá trình kiểm kê, đánh giá thải lượng khí thải. Đây là các hệ số do các tổ chức nước ngoài xây dựng như WHO, USEPA… nên chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo vì thế dẫn đến thiếu thông tin cập nhật kịp thời về diễn biến thay đổi của các nguồn khí thải nói riêng và diễn biến chất lượng môi trường không khí nói chung. Đó cũng là nguyên nhân của việc chúng ta thiếu công cụ kiểm soát, kiểm kê nguồn thải để đánh giá chính xác hiện trạng chất lượng không khí, từ đó đưa ra các giải pháp kinh tế, chính sách quản lý hiệu quả chất lượng không khí. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng bộ hệ số phát thải phục vụ kiểm soát khí thải đối với một số ngành công nghiệp chính ở Việt Nam (triển khai thí điểm cho ngành xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp)” do Tổng cục Môi trường thực hiện đã xây dựng phương pháp luận xây dựng hệ số phát thải cho ngành công nghiệp xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp ở Việt Nam, đánh giá và lựa chọn được bộ hệ số phát thải của nước ngoài làm cơ sở để tính toán, điều chỉnh hệ số phát thải, xây dựng và sử dụng phần mềm tính toán hệ số phát thải, đánh giá, sử dụng số liệu đầu vào, kết quả thực nghiệm để xây dựng hệ số phát thải của thông số bụi tổng, CO, SO2, NO2 cho ngành xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp, đề xuất bộ hệ số phát thải cho khí thải đối với ngành công nghiệp xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp của Việt Nam. Kêt quả của đề tài đã giúp cho việc thống nhất phương pháp luận thực hiện trong cả nước, phục vụ công tác quản lý và kiểm soát chất lượng không khí, hạn chế những tác động xấu tới môi trường không khí của hoạt động sản xuất công nghiệp.

Về chất lượng không khí xung quanh, các nhà khoa học của các cơ sở nghiên cứu có uy tín như Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… cũng đã sử dụng mô hình lan truyền chất ô nhiễm trong không khí, một công cụ đánh giá, dự báo, quản lý chất lượng không khí, giúp giải quyết tranh chấp môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí trong các nghiên cứu của mình như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng mô hình trong dự báo chất lượng không khí”,  đề tài “Khả năng sử dụng mô hình lan truyền chất ô nhiễm không khí trong đánh giá, dự báo chất lượng không khí ở Việt Nam”. Những nghiên cứu này đã cung cấp các phương pháp nghiên cứu hiện đại về chất lượng không khí để có được thông tin một cách toàn diện và trực quan hơn về tình trạng cũng như diễn biến chất lượng không khí, nhờ đó, cơ quan quản lý có thể đưa ra các giải pháp kịp thời để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực do chất lượng không khí có thể gây ra cho người dân.

1.2. Những ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN trong kiểm soát ô nhiễm đối với một loại nguồn gây ô nhiễm môi trường đang được ưu tiên kiểm soát hiện nay hoặc hướng tới sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu/nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường

1.2.1. Ứng dụng KHCN trong kiểm soát quá trình sản xuất và sử dụng bao bì nilon khó phân hủy, giải pháp tìm kiếm nguyên liệu, sản phẩm thân thiện hơn với môi trường

Nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường do bao bì ni lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 04 dự thảo TCVN gồm: Hướng dẫn cho tiếp xúc và thử chất dẻo phân hủy trong môi trường kết hợp quá trình Oxy hóa và phân hủy sinh học; Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của vật liệu chất dẻo trong môi trường nước – Phương pháp đo nhu cầu ôxy trong máy đo hô hấp; Xác định khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoàn toàn của vật liệu chất dẻo trong môi trường nước – Phương pháp phân tích lượng Cacbon Dioxit sinh ra; Chất dẻo – Xác định Cađimi – Phương pháp phân hủy ướt.

1.2.2. Ứng dụng các giải pháp KHCN trong tuần hoàn chất thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hướng tới mô hình khu/cụm công nghiệp “không phát thải”

Trong thời gian qua, một số khu công nghiệp đã tập trung cải tạo và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; thúc đẩy xây dựng và cải tạo các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp; tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp. Một số địa phương đã có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Tại các khu công nghiệp này, nhiều doanh nghiệp tăng cường việc đầu tư các giải pháp kỹ thuật như: đổi mới công nghệ, thiết bị kỹ thuật, ứng dụng và gia tăng hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến; áp dụng các biện pháp cải tiến quản lý nội bộ, hợp lý hoá quy trình và quá trình sản xuất; thay thế nguyên, nhiên vật liệu ô nhiễm bằng nguyên, nhiên vật liệu sạch hơn. Bước đầu tại một số địa phương đã có định hướng hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái sử dụng, tái chế chất thải trong khu công nghiệp.

1.2.3. Ứng dụng các giải pháp KHCN trong việc xây dựng các mô hình làng nghề xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, tuần hoàn tái sử dụng chất thải…

Trong thời gian qua, một số mô hình xử lý chất thải làng nghề tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào hoặc tái sử dụng cho một số hoạt động sản xuất đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế, gồm:

– Mô hình xử lý chất thải rắn (mùn) phát sinh từ hoạt động làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội: bếp hồng ngoại sử dụng cho mục đích sinh hoạt dùng vật liệu đốt là mùn phát sinh từ hoạt động chế biến đồ gỗ mỹ nghệ. 

– Mô hình xử lý nước thải mạ cho làng nghề Đồng Côi, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: nước thải sau xử lý, không xả ra ngoài môi trường mà lưu giữ trong bể chứa, được sử dụng để vệ sinh nguyên liệu của quá trình sản xuất.

– Mô hình xử lý chất thải rắn (bã xỉ) phát sinh từ hoạt động của làng Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: sản phẩm sau xử lý là phèn nhôm có thể sử dụng cho mục đích thương mại.

– Mô hình xử lý chất thải rắn (bã giong diềng) phát sinh từ hoạt động của làng nghề làm miến dong Tân Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: sản phẩm là mùn sinh học có thể bón cho cây trồng tại địa phương.

– Mô hình xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của làng giết mổ trâu bò thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội: sản phẩm là mùn sinh học có thể bón cho cây trồng tại địa phương.

Qua quá trình áp dụng thử nghiệm cho thấy, ngoại trừ mô hình tại xã VÂn Hà, hiệu quả kinh tế đem lại đã cơ bản bù đáp được chi phí vận hành (điện, phụ gia bổ sung). Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để giảm chi phí đầu tư ban đầu, khắc phục một số bất cập để tăng cường hiệu quả sử dụng, khuyến khích cộng đồng làng nghề áp dụng. 

1.2.4. Ứng dụng các giải pháp KHCN trong tìm kiếm nhiên liệu sinh học nhằm hạn chế phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian gần đây tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình giảm thiểu ô nhiễm khí thải do thay thế nhiên liệu dầu FO, DO bằng khí thiên nhiên (Các nhà máy nhiệt điện 60MW và 12 MW của Công ty CPHH Vedan Việt Nam đã thay thế nhiên liệu đốt là dầu bằng khí thiên nhiên).

Công nghệ thay thế xăng bằng khí hóa lỏng làm nhiên liệu chạy ô tô, xe máy đang được từng bước triển khai vào thực tế, mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên có hiện trạng là nguyên nhiên liệu đầu vào không tốt, nhiều chất thải và hệ số tiêu hao lớn do các nhà máy tận dụng nhiên liệu chất lượng thấp để tiết kiệm chi phí. Nghiên cứu phương án thay thế nhiên liệu xăng bằng khí hóa lỏng LPG để chạy thử xe con, xe taxi và xe máy cũng đã được thực hiện.

Giải pháp được sử dụng nhiều trong thời gian qua là sử dụng nhiên liệu mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Hiện nay, đã có 5 nhà máy sản xuất cồn ethanol để phục vụ sản xuất xăng sinh học, đã và đang được xây dựng với tổng công suất lên tới gần 500 triệu lít/năm. Xăng E5 (95% xăng + 5% ethanol) cũng đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Việc sản xuất điêzen sinh học dùng mỡ cá cũng đã được một số đơn vị triển khai như Công ty xuất khẩu cá da trơn Agifish… Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay đang và sẽ hình thành nhiều dự án sản xuất cồn (etanol) nhiên liệu từ nông sản (sắn, ngô …), từ xeluloze (bã mía, rơm, trấu …); sản xuất nhiên liệu sinh học (Biodiesel) từ dầu thực vật (Dừa), mỡ động vật (mỡ cá) nhằm thay thế một phần hoặc tòan bộ nhiên liệu xăng đang sử dụng cho các phương tiện giao thông. Đây là những dự án rất có triển vọng góp phần giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm giao thông, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó là nghiên cứu sản xuất biodiesel từ dầu thực vật và mỡ cá, sản xuất cồn nhiên liệu từ sắn (Quảng Nam), thay thế xăng bằng khí hóa lỏng làm nhiên liệu chạy ô tô, xe máy (TP. Đà Nẵng).

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG VIỆC ỨNG DỤNG CÁC THÀNH TỰU KHCN VÀ ĐỊNH HƯỚNG, ĐỀ XUẤT NHU CẦU PHÁT TRIỂN KHCN TRONG LĨNH VỰC PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM TRONG THỜI GIAN TỚI

2.1. Những tồn tại, hạn chế

Nhìn chung, việc nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ trong lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Qua quá trình tổng hợp thông tin và phân tích các vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động kiểm soát ô nhiễm, một số khó khăn, vướng mắc đã được xác định, cụ thể như:

– Tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường chưa có đủ các các chỉ tiêu về hóa chất nguy hại.

– Các công cụ pháp lý về kiểm soát ô nhiễm như Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chưa đủ chi tiết hoặc thực tế triển khai chưa hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm.

– Các công cụ kinh tế hay tự nguyện về kiểm soát hoặc hạn chế phát thải chưa được phổ biến để thực hiện ở Việt Nam.   

– Thiếu một số quy định cụ thể về quan trắc, dự báo ô nhiễm, thống kê các nguồn ô nhiễm hóa chất độc hại.

– Thiếu các quy định cụ thể dưới Luật Bảo vệ môi trường 2014 và hướng dẫn để đảm bảo tính khả thị và hiệu quả của các quy định của Luật trong công tác kiểm soát ô nhiễm.

– Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ còn hạn hẹp. Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học chi cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm trong những năm qua chỉ khoảng 1,5 – 2,5 tỷ đồng/năm, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

– Nguồn chi phí để lắp đặt công nghệ quá lớn nên các hộ sản xuất không có vốn để đầu tư, vận hành các mô hình xử lý, có ý trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước.

– Việc áp dụng công cụ kinh tế, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong KSON ; các chương trình, dự án về KSON chưa được thực hiện nhiều, các hoạt động hợp tác quốc tế trong KSON thực hiện chưa hiệu quả.

– Các mô hình công nghệ tiên tiến thường có giá thành xử lý cao, việc chuyển giao công nghệ phức tạp nên các doanh nghiệp thường không tích cực hướng ứng

– Người dân ý thức kém, rất ít hưởng ứng và tiếp nhận các mô hình mẫu nếu không được hỗ trợ kinh phí đầu tư và kinh phí vận hành.

2.2. Các định hướng/đề xuất cho nhu cầu phát triển KHCN trong thời gian tới:

2.2.1. Đối với lĩnh vực phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm không khí

Nghiên cứu xây dựng bộ hệ số phát thải phù hợp với điều kiện Việt Nam cho ngành giao thông, công nghiệp, xử lý chất thải, dân sinh…và các ngành khác đồng thời thời sử dụng mô hình trong kiểm kê phát thải ô nhiễm giao thông phụ vụ cho việc kiểm kê khí thải.

Nghiên cứu xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí phục vụ cho việc đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người và sinh thái. Xây dựng phương pháp đánh giá ảnh hưởng, lượng giá thiệt hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái, cảnh quan…. của các tác nhân tiếng ồn, PM, NOx, O3, CO, ảnh hưởng của ô nhiễm O3 tới hệ thực vật mặt đất. Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá rủi ro đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng do ô nhiễm không khí. Phương pháp xác định thiệt hại do lắng đọng axit tại Việt Nam

Nghiên cứu sử dụng mô hình phát tán không khí trong việc đánh giá và dự  báo chất lượng không khí, sử dụng mô hình nơi tiếp nhận trong việc đánh giá và phân loại nguồn thải ô nhiễm không khí, mô hình đánh giá và dự báo ô nhiễm không khí vùng và xuyên biên giới.

Ngoài ra, việc nghiên cứu áp dụng phương pháp lấy mẫu thụ động làm cơ sở cho việc xác định các trạm quan trắc không khí tự động cũng là vô cùng cần thiết trong điều kiện hạn chế về nguồn lực như hiện nay.

2.2.2. Đối với lĩnh vực phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm nước

            – Nghiên cứu, tính toán định mức phát thải cho một số ngành sản xuất có lưu lượng thải lớn như giấy, bột giấy; dệt nhuộm; chế biến thực phẩm làm cơ sở để đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm soát ô nhiễm phù hợp.

            – Nghiên cứu, phổ biến áp dụng thiết bị, đồng hồ đo xác định lưu lượng nước thải phù hợp với đặc thù Việt Nam phục vụ cho công tác tính phí BVMT đối với nước thải.

2.2.3. Đối với lĩnh vực phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm đất

            – Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, xây dựng mô hình tính toán lan truyền một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong môi trường đất, biện pháp khoanh vùng và ngăn ngừa lan truyền ô nhiễm môi trường đất, xây dựng phương pháp xác định khả năng tiếp nhận chất thải của môi trường đất làm cơ sở để xây dựng các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường đất, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai áp dụng.

            – Nghiên cứu, đánh giá phạm vi và mức độ tác động đến sức khỏe con người và môi trường của một số kim loại điển hình (Pb, Al, Fe, Cu, As) tại một số làng tái chế điển hình trên phạm vi toàn quốc để cảnh báo, tuyên truyền đối với cộng đồng dân cư.

2.2.4. Đối với lĩnh vực phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, xây dựng KCN sinh thái

Giải pháp tốt nhất để giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp chính là xây dựng các khu công nghiệp sinh thái. Những bán thành phẩm, chất thải hoặc năng lượng thừa có cơ hội quay vòng tối đa ngay bên trong hệ thống, giảm đến mức thấp nhất các chất thải phát tán vào môi trường tự nhiên. Khu công nghiệp sinh thái là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, “cộng đồng” khu công nghiệp sinh thái sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ gộp lại.

Mục tiêu của KCN sinh thái là cải thiện hiệu quả kinh tế của các doang nghiệp tham gia, đồng thời giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường gồm có:

– Các cơ sở sản xuất thu được nguồn lợi về kinh tế do trao đổi, chuyển nhượng hoặc bán các sản phẩm phụ của mình cho các cơ sở khác khác trong khu công nghiệp, dựa trên mối quan hệ cung – cầu đôi bên cùng có lợi.

– Giảm đáng kể những chi phí xử lý, khắc phục sự cố môi trường đối với chất thải.

– Thiết lập chu trình khép kín tái sử dụng và tái chế, cân bằng đầu ra và đầu vào với khả năng cung cấp và tiếp nhận của Hệ STCN.

Trong thời gian tới, cần đầu tư để xây dựng và phát triển các KCN hướng tới mô hình KCN sinh thái đảm bảo xây dựng một ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

2.2.5. Đối với kiểm soát ô nhiễm nông thôn và làng nghề, xây dựng làng nghề xanh, làng nghề không phát thải, khu nông thôn sinh thái

– Xây dựng một số mô hình làng nghề xanh đề xuất tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cụ thể: Mô hình làng nghề thủ công mỹ nghệ xanh (02 mô hình) dự kiến tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (Hà Nội) và làng nghề Đúc đồng Thiệu Trung (Thanh Hóa); gốm sứ (02 mô hình) dự kiến tại Đông Triều (Quảng Ninh) và Bàu Trúc (Ninh Thuận); dệt nhuộm, ươm tơ (02 mô hình) dự kiến tại: Dệt thổ cẩm Tiểu khu 2 – Yên Châu (Sơn La); Dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu (Nghệ An).

– Nghiên cứu, phổ biến áp dụng mô hình, thiết bị xử lý, ứng dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải khu vực nông thôn làm đầu vào cho hoạt động sản xuất khác trên cơ sở tính toán chi phí đầu tư, vận hành và đảm bảo hiệu quả kinh tế đối với người sử dụng.

– Tiếp tục nghiên cứu, phổ biến mô hình xử lý chất thải (chi phí đầu tư và vận hành thấp, đơn giản trong quá trình sử dụng, bảo dưỡng) phát sinh các cơ sở thuộc Danh mục ngành nghề khuyến khích phát triển trong làng nghề theo Phụ lục 1 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

2.2.6. Đối với lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm hóa chất, sự cố môi trường, sức khỏe môi trường

Việc sử dụng và phát thải hóa chất trong các lĩnh vực hoạt động là rất đa dạng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe ở Việt Nam là cao. Vì vậy, việc ứng dụng các thành tự về khoa học, kỹ thuật mới trong việc hỗ trợ các quy định pháp lý để kiểm soát ô nhiễm do phát thải hóa chất nguy hại là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. Điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế về xây dựng các công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với hóa chất. Trong bối cảnh hiện nay về xu thế quốc tế bảo vệ môi trường hướng tới gần hơn việc bảo vệ sức khỏe con người và việc áp dụng phổ biến các công cụ về đánh giá, quản lý, kiểm soát ô nhiễm theo vòng đời sản phẩm, theo chuỗi cung ứng, việc đề xuất, xây dựng các quy định mới về kiểm soát ô nhiễm hóa chất nguy hại là phù hợp và thuận lợi. 

Bên cạnh đó, các quy định cụ thể cho từng nhóm chất độc hại để ưu tiên quản lý, các công cụ kiểm soát ô nhiễm mang tính khuyến khích và các hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát, hạn chế phát thải hóa chất trong hoạt động sản xuất kinh doanh là các giải pháp mà nhiều nước phát triển trên thế giới đang sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý. Đồng thời, việc nghiên cứu để xây dựng và triển khai các mô hình đánh giá rủi ro ô nhiễm hóa chất cần được tiếp tục đầu tư và hỗ trợ thêm của cơ quan chủ quản.

Đối với lĩnh vực quản lý sự cố môi trường, hạn chế lớn nhất nằm ở năng lực của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự đầu tư thích đáng nhằm tăng cường năng lực (nhân lực, trang thiết bị), chưa có cơ chế hiệu quả trong việc thông báo, phối hợp, chia sẻ thông tin trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Yêu cầu đầu tiên trong việc đảm bảo hiệu quả ứng phó sự cố môi trường là thực hiện các hoạt động ứng phó nhanh và phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo hai tiêu chí quan trọng này. Để ứng phó nhanh cần đảm bảo năng lực và sự sẵn sàng. Để có quyết định phù hợp cần có đủ thông tin và các kỹ năng liên quan đến sự cố môi trường. Thảm họa tại Thiên Tân, Trung Quốc vừa qua đã cho thấy các hạn chế này. Đó là: chưa có sự chia sẻ thông tin về khối lượng và loại hóa chất lưu giữ, chưa có đánh giá rủi ro phù hợp, năng lực hạn chế của đơn vị ứng phó,…

Do đó, trong thời gian tới cần thiết phải xây dựng và thực hiện các phương án tăng cường năng lực trong lĩnh vực này bao gồm tăng cường năng lực về kỹ thuật (phổ biến và hướng dẫn đánh giá rủi ro, đánh giá nhanh tác động và diễn biến của sự cố,…), thiết lập lực lượng phản ứng nhanh với sự hỗ trợ của trung tâm thu nhận và xử lý thông tin phạm vi cấp vùng hoặc toàn quốc nhằm thu nhận và đưa ra các hướng dẫn kịp thời phù hợp với tính đa dạng của sự cố, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trong đó có tính đến các sự cố do tự nhiên, thiên tai.

2.2.7. Đối với kiểm soát chất lượng, kiểm soát chất thải và tạp chất phát sinh từ phế liệu nhập khẩu, tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để phá dỡ.

Phế liệu nhập khẩu và tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ là những loại hàng hóa đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường trước khi đưa vào Việt Nam. Do đó, thông qua các nghiên cứu về phương pháp khoa học nhằm xác định tạp chất, xác định các chất gây ô nhiễm tiềm ẩn trong các loại hàng hóa này, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng loại phế liệu nhập khẩu, tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để kiểm soát tối đa lượng chất thải đưa vào Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả trong sử dụng các mặt hàng này cho ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

2.2.8. Đối với kiểm soát chất thải từ hoạt động sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Hoạt động sử dụng phế liệu nhập khẩu và phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phát sinh một lượng lớn các chất thải ở các dạng khác nhau: chất thải rắn, lỏng, khí và tiềm ẩn trong đó các yếu tố nguy hại đến sức khỏe người lao động và môi trường. Đặc biệt, hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phát sinh một lượng lớn các chất thải nguy hại khó xử lý bao gồm amiang, PCBs,… Do đó, các giải pháp khoa học công nghệ được ứng dụng nhằm giảm thiểu tối đa sự phát tán các chất nguy hại, đảm bảo an toàn lao động và hạn chế tác động tới môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước cần ứng dụng tối đa những kết quả nghiên cứu KHCN để xây dựng hệ thống quy chuẩn thải đối với các ngành sản xuất nêu trên.

III. KẾT LUẬN

Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến nhất định. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học đã được quan tâm và nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từng bước được nâng cao.

Khoa học công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm môi trường đã hướng tới khả năng ứng dụng, nhằm dự báo, phòng ngừa và kiểm soát, nâng cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình, dự án. Chính vì vậy, các nghiên cứu không chỉ  mang tính chung chung mà đi vào từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới các nhóm đối tượng nhất định như kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, xây dựng các mô hình làng nghề xanh, sử dụng năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng tái chế… Các công trình nghiên cứu nhằm dự báo mức độ ô nhiễm đất, nước, không khí cũng được triển khai và mang tính ứng dụng cao, nhằm cảnh báo với các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp về khả năng lan truyền ô nhiễm, từ đó có các giải pháp về quản lý, công nghệ và xử lý phù hợp. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường cũng được quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng; các hướng dẫn kỹ thuật đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng được xây dựng và là tiền đề để có thể phát triển thành các quy định pháp luật liên quan, áp dụng rộng rãi trong cả nước.

Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm còn chưa cao (chỉ mới chú trọng đến các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường); các quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công cụ pháp lý đối với lĩnh vực này còn chưa đầy đủ; vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên cơ sở các yêu cầu của thực tiễn, Tổng cục Môi trường đã đề xuất một số định hướng cho nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, gồm các định hướng trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm đất, nước, không khí; kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; sức khỏe môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất… Để từng bước triển khai thực hiện được các nghiên cứu và ứng dụng này, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp các ngành, đặc biệt là sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, là chìa khóa để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. 

Báo cáo đề dẫn của Cục Kiểm soát ô nhiễm tại Hội thảo khoa học và công nghệ môi trường trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ Tư


(Nguồn tin: http://vea.gov.vn/)